05/01/2025

Chúa Nhật XXII TN – B: Sống tích cực để phát huy sự sống thần linh

Chủ đề của các bài Kinh Thánh lần này như muốn giải thích cho chúng ta hiểu tại sao ta chưa phát huy được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa dù chúng ta rước Mình Máu Chúa thường xuyên!

 

Sống tích cực để phát huy sự sống thần linh

Hành Khất Kitô

Chúa Nhật hôm nay kết thúc một chuỗi 6 tuần liên tiếp giới thiệu Đức Giêsu là Bánh Hằng Sống chia sẻ cho ta sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, sau khi Người làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều. Chủ đề của các bài Kinh Thánh lần này như muốn giải thích cho chúng ta hiểu tại sao ta chưa phát huy được sự sống kỳ diệu của Người dù chúng ta rước Mình Máu Chúa thường xuyên. Nguyên nhân có lẽ bắt nguồn từ việc chúng ta vừa đưa Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, vào trong mình đồng thời lại đưa những gì xấu xa, ác độc vào trong ta, giống như người vừa ăn những đồ bổ và vừa ăn chất độc khiến cho thân thể không phát huy được sự sống vĩnh hằng.

1. Thực tế trong đời sống.

Nhìn vào đời sống trong xã hội hiện nay ta có thể cảm nghiệm được phần nào sự pha trộn giữa cái thiện và cái ác, giữa điều lành mạnh, tốt đẹp với cái độc ác, xấu xa.

Nhiều bà nội trợ đi chợ chẳng biết mua đồ ăn nào an toàn cho sức khoẻ. Mua rau thì không biết có còn chất thuốc trừ sâu, dư lượng hoá học của phân bón trong đó hay không? Trái cây trông rất ngon lành như thế nhưng không biết người ta nhúng vào thuốc độc hại nào mà để cả tháng trời cũng vẫn xanh tươi! Mua thịt heo thì càng nạc bao nhiêu càng sợ bấy nhiêu vì chất tạo nạc cũng có thể gây nên bệnh ung thư. Mua tôm cá thì những chất kháng sinh còn đầy trong đó ăn vào rất nguy hiểm. Hồi xưa người ta phải chở cả thuyền nước đá để ướp cá đánh được ngoài biển cho tươi trong vòng một vài tuần. Bây giờ nhiều thuyền cá chỉ đem vài ký phân urê đi theo là đủ, thay vì phải mang hàng tấn nước đá, và chỉ cần tưới nước phân urê vào cá sẽ làm cho cá giữ nguyên màu đỏ tươi, nhưng ăn vào rất độc hại.

Trong lĩnh vực tinh thần cũng tương tự như thế. Mở tờ báo, chương trình truyền thanh, truyền hình hay đọc các tin tức trên mạng internet, nhiều khi chúng ta không biết tin nào thật, tin nào giả, điều nào đúng, điều nào sai. Những điều tốt đẹp, tuy có nhiều, nhưng lại không được đăng lên vì nhiều lý do, trong đó có cả lý do vì khiêm tốn, hoặc không muốn nói lên vì sợ bị chê là khoe khoang, kể lể về mình. Còn điều xấu xa, giả dối, ác độc lại mặc sức tung hoành vì người ta nhân danh tự do, nhân danh sự trưởng thành tâm lý của người đọc để phổ biến công khai hoặc cố ý đưa ra những điều tiêu cực để đầu độc người khác. Ngay cả một vài cơ quan truyền thông Công giáo hiện nay cũng chủ trương như vậy khiến nhiều tâm trí bị hư hỏng vì tiếp nhận một thứ thông tin hỗn độn, đầy độc hại. Đó là chưa kể những câu chuyện, trò chơi, hình ảnh ma quái, đồi truỵ, bạo lực đầy rẫy khắp nơi trên những phương tiện truyền thông đại chúng hay trong những câu chuyện làm quà của bạn bè hoặc tình cờ truy cập được trên các mạng internet.

2. Hậu quả của tình trạng hỗn độn

Tình trạng pha tạp giữa thiện và ác, giữa đúng và sai, giữa đẹp và xấu, giữa thánh thiêng và tội luỵ đã gây nên những hậu quả vô cùng tai hại đó là con người cắt đứt sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa trong mình bằng những sự chọn lựa đầy ý thức và tự do như hành động của Ađam và Eva thuở trước. Sau những chọn lựa đó con người cảm thấy mình bị mất mát, trần trụi, nhơ bẩn, nghèo hèn, không còn phát huy được sự sống phi thường và quyền năng của Thiên Chúa trong mình (x. St 1-3).

Lý do là vì Thiên Chúa tuyệt đối thánh thiêng không thể chấp nhận sống chung với tội luỵ. Ngài là Tình Yêu nên không muốn ép buộc con người phải miễn cưỡng yêu Ngài. Hơn nữa Ngài là Đấng Tốt lành tuyệt đối nên không thể ở chung với những gì ác độc; là Nguồn Chân Thiện Mỹ nên không thể ở chung với những gì dối trá, xấu xa. Những thứ xấu xa, giả dối, ác độc mà con người đưa vào trong mình không bao giờ bắt nguồn từ Thiên Chúa nhưng từ tham vọng, dục vọng của con người khi họ chiều theo cơn cám dỗ của thần Ác, của Satan. Còn tất cả những gì bắt nguồn từ Thiên Chúa đều tốt lành, thiện hảo như Bài đọc II diễn tả: vì “mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú…” (Gc 1,17).

3. Điều mong ước của Thiên Chúa

Chúa mong ước cho chúng ta sống hạnh phúc và phát triển sự sống kỳ diệu trong ta vì “Ngài đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thụ tạo của Ngài” (Gc 1,18). Ngài yêu cầu chúng ta đừng pha trộn, thêm thắt những gì của con người vào những gì của Thiên Chúa. Yêu cầu này được Môisê diễn tả trong bài đọc I hôm nay: “Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa… Anh em phải giữ và đem ra thực hành vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh ” (Đnl 4,2.6).

Trong thực tế, dân Do Thái đã pha trộn những Lời của Thiên Chúa được diễn tả qua 10 điều răn với hàng trăm những điều luật tỉ mỉ khác mà họ gọi là truyền thống của tổ tiên. Nhiều người không giữ giới răn của Thiên Chúa nhưng lại cẩn thận bảo vệ truyền thống của cha ông vì chúng rõ ràng hơn, nhẹ nhàng hơn. Chúa Giêsu đưa ra thí dụ cụ thể: Thiên Chúa yêu cầu con người giữ tâm hồn trong sáng thì người ta lại tỉ mỉ giữ việc rửa chén, rửa bình, rửa tay, tắm gội (x. Mc 7,2-8).

Đức Giêsu còn nhắc nhở chúng ta rằng sự nhơ bẩn không phải bắt nguồn từ những gì ở bên ngoài con người, được Thiên Chúa dựng nên rồi ban cho con người, giống như đồ ăn, thức uống được người ta đưa vào trong mình. Nhưng sự nhơ bẩn bắt nguồn từ chính lòng dạ xấu xa của con người phát tiết ra, đó là: “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu căng, ngông cuồng” (Mc 7,21-22). Chính những thứ đó mới làm cho họ và người khác nhơ bẩn. Chính những thứ đó mới cần tẩy rửa và loại trừ khỏi lòng người.

4. Ứng dụng trong đời sống

Trong đời sống đạo, chúng ta đã đón nhận Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời và muốn kết hợp mật thiết với Người để phát huy những gì tốt đẹp, phi thường mà Người chia sẻ cho chúng ta, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy mình xấu xa, tầm thường. Rất nhiều người thất vọng vì thấy mình đi lễ hàng tuần, thậm chí rước lễ hằng ngày, mà sao đời họ chưa tốt đẹp hơn người không có đạo.

Hôm nay chúng ta thử đặt câu hỏi tại sao và nỗ lực tìm ra câu trả lời. Phải chăng trong đời sống cụ thể: chúng ta vừa chọn Chúa vừa chọn cả tiền bạc, tham vọng, dục vọng mà ma quỷ đã thôi thúc trong lòng ta, nên chúng ta không phát huy được những gì kỳ diệu Chúa ban cho? Trong dòng lịch sử của Giáo Hội, nhiều vị thánh đã làm những dấu lạ kỳ diệu, và hiện nay có rất nhiều người làm chứng cho đời sống phi thường của Thiên Chúa. Họ chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá và ta có thể tóm tắt vào mấy điểm cơ bản sau đây:

Trước hết, chúng ta cần tẩy rửa tâm trí mình cho thật trong sạch bằng dòng nước và dòng máu của Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Tẩy và Hoà Giải. Tiếp đến, chúng ta cần giữ gìn sự trong trắng đó bằng cách chỉ đưa vào tâm trí mình những gì đúng đắn, tốt đẹp, tích cực. Để thực hiện điều này chúng ta nên tránh loại sách báo, phim ảnh, câu chuyện, trò chơi có tính tiêu cực, đồi truỵ, ma quái, bạo lực. Sau cùng, chúng ta cố gắng “chỉ nghĩ điều tốt đẹp, chỉ nói lời chân thành, chỉ làm việc chính đáng” để tạo nên niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho mọi người, mọi vật quanh ta.

Lời kết

Hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta sống tích cực để phát huy sự sống thần linh bằng những hành động lựa chọn rất cụ thể trong đời sống thường ngày. Ngay khi chúng ta chọn điều tốt, nói lời tốt, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc, bình an ở trong lòng ta để từ đó ta phát huy những ân sủng khác. Để rồi chúng ta sẽ thấy sự sống phi thường không ở đâu xa: nó ở ngay trong tầm tay ta, ở sẵn trong lòng ta!