24/11/2024

Một vài kỷ niệm về Công đồng Chung Vatican II

Ngày 11-10 tới đây, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ chủ sự thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin. Đây cũng là địp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Chung Vatican II và 20 năm công bố Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng y Georges Cottier, 90 tuổi, người Thuỵ Sĩ, thuộc Dòng Đa Minh, nguyên Thần học gia Phủ Giáo hoàng.

Một vài kỷ niệm về Công đồng Chung Vatican II

 

Phỏng vấn Đức Hồng y Georges Cottier, OP, nguyên Thần học gia Phủ Giáo hoàng


Ngày 11-10 tới đây, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ chủ sự thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin. Đây cũng là địp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Chung Vatican II và 20 năm công bố Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng y Georges Cottier, 90 tuổi, người Thuỵ Sĩ, thuộc Dòng Đa Minh, nguyên Thần học gia Phủ Giáo hoàng.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, hồi khai mở Công đồng Chung Vatican II, Đức Hồng Y đã là một linh mục trẻ mà Đức cha Charles Provenchères chọn như thần học gia riêng theo ngài tham dự Công Đồng trong khoá họp thứ hai. Đức Hồng Y đã có kỷ niệm nào về việc Đức Roncali được bầu làm Giáo hoàng?

Đáp: Thành thật mà nói, tôi đã ngạc nhiên và hơi bị đảo lộn một chút về việc lựa chọn một vị Hồng y già nua như thế làm Giáo hoàng. Vài môi trường đối kháng đã không đánh giá cao Đức Roncali trong các năm người làm Sứ thần Toà Thánh tại Paris. Nhưng quý vị có thấy người ta dễ lầm lẫn chừng nào không! Nhưng ngay từ diễn văn đầu của ngài tôi đã nghĩ “một kỷ nguyên mới đã bắt đầu với con người này”, và tôi đã nghĩ tới các mầm giống của các năm trước khi bắt đầu Công đồng Chung. Nhất là người ta hít thở bầu khí ước mong có các thay đổi, đặc biệt là giữa các thần học gia không Rôma.

Như là tu sĩ Đa Minh tôi đã chuẩn bị trước từ lâu, tìm cách trả lời cho các ước mong mà tôi nghe nói tới. Việc đào tạo của tôi đã gắn liền tôi với các Tiểu Đệ Chúa Giêsu, một cách đặc biệt với Linh mục Jacques Loew, cũng Dòng Đa Minh và là linh muc thợ tại bến cảng Marseilles. Cha là một tu sĩ được một người rất nghiêm khắc như Đức Hồng y Alfredo Ottoviani quý trọng. Với Cha, trong một căn nhà ván trên núi Alpes, chúng tôi đã cùng viết bản thảo của một cuốn sách nói về các thách đố mà Công Đồng sẽ phải tiếp nhận. Và theo tôi, cuốn sách này ngày nay vẫn còn thời sự và đã có một sự thành công kín đáo. Nó có tựa đề là “Năng động của đức tin và sự không tin”. 

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y có kỷ niệm gì về Uỷ ban Chuẩn bị và Khoá họp Thứ nhất của Công đồng Chung Vatican II không?

Đáp: Tôi nhớ rằng tôi đã bị ấn tượng mạnh bởi sự kiện hai thần học gia Congar và De Lubac được chỉ định làm thành viên của Uỷ ban Thần học. Công Đồng Chung đã có thể tự giới thiệu như là một cơ may rất lớn cho Giáo Hội, nhưng không ai biết nó sẽ phát triển ra sao. Cũng đã có nguy cơ di chuyển trong một chân trời thu hẹp. Đức cha De Provenchères có trong tay tất cả các lược đồ thần học của các Đại học Giáo hoàng Rôma. Nhưng rất tiếc chúng là các lược đồ cổ điển, không biết tới nhiều vấn đề mới mẻ rất được thảo luận trong Giáo Hội thời đó. Tôi nhớ là tôi đã thảo luận với Đức Hồng y Charles Journet về văn bản liên quan tới sự Mạc Khải, và chúng tôi đều có cảm tưởng là nó thiếu hơi thở. Tôi nghiên cứu tất cả chất liệu ấy, kể cả các nhận xét, dĩ nhiên là viết bằng tiếng Latinh.

Hỏi: Đó là tình trạng của tháng 10-1962 xa xưa ấy, nhưng rồi Công Đồng được khai thông, nhờ “cuộc nổi loạn” của các giám mục không chấp nhận các lược đồ do Giáo triều Rôma dọn sẵn, có đúng vậy không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, thật đúng như thế. Nhờ phản ứng của nhiều giám mục Bỉ, Pháp và Đức, và đặc biệt là của Đức Hồng y Achile Liénart, sự áp đặt của Giáo triều Rôma muốn bỏ phiếu các danh sách dọn sẵn trong việc chọn thành viên của các uỷ ban đã bị các nghị phụ khước từ. Các giám mục yêu cầu để cho các vị có thời gian làm quen với nhau trước và hiểu biết nhau hơn. Lời yêu cầu được chấp nhận. Và điều này đã đả thông các sự việc. Hồi đó đã có rất nhiều cấm đoán giữa các giám mục. Cả Đức cha De Provenchères, là một người thực sự của Thiên Chúa, cũng đã bị Giáo triều Rôma can thiệp vì một cuốn Giáo lý Công giáo Pháp. Rất nhiều văn bản được soạn trước đã bị gạt ra ngoài lề, và như thế đã là điều tốt hơn, trong khi Công Đồng chú trọng vào một số đề tài nòng cốt đối với Giáo Hội.

Hỏi: Đức Hồng Y đã tham dự việc soạn thảo một tài liệu đã gây tranh luận sôi nổi, đó là tuyên ngôn “Dignitatis Humanae” (Nhân phẩm Con người). Tại sao việc soạn thảo lại đã vất vả như vậy, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Đây đã là một văn kiện bị chống đối nhất của Công Đồng. Nhưng nó đã được đại đa số các nghị phụ chấp nhận, mặc dù có sự chống đối quyết liệt của Đức cha Marcel Lefèvre. Tôi phải công nhận rằng vào thời đó Đức Cha không xem ra là một vị lãnh đạo: người hoạt động dưới bóng của Đức cha Luigi Carli, Giám mục Segni, một vị Giám mục tranh luận rất hăng hái và chống lại tính cách Giám mục đoàn. Tôi nhớ là Đức cha Carli nói một thứ tiếng Latinh rất là hay đẹp, và đồng điệu với Đức Hồng y Ottaviani là người minh xác tư tưởng của ngài, nhưng sau cùng Đức Cha không chống lại Đức Giáo Hoàng. Vị đã nắm giữ vai trò chìa khoá trong việc soạn thảo tài liệu “Dignitatis Humanae” là Linh mục John Courtney Murray, người Mỹ, Dòng Tên. Vì đến từ một nước trong đó tín hữu Công giáo chỉ là thiểu số so với các tín hữu Tin Lành, nên Cha là người thích hợp hơn để giải thích đề tài tự do tôn giáo. Các Giám mục Hoa Kỳ đã chứng minh rằng tự do không phải là một vũ khí chống lại tôn giáo, trong khi người Âu châu chúng ta đã luôn luôn có mô thức của Kitô giáo như là quốc giáo. Tôi nhớ là Cha Jean Danielou đã yêu cầu tôi viết vài bài đăng trên nguyêt san “Nghiên cứu” của các cha Dòng Tên Pháp về vấn đề hóc búa gây tranh cãi này giữa các Nghi phụ Công Đồng.

Hỏi: Ảnh hưởng đang lên của Đức Hồng y Journet liên quan tới tuyên ngôn này đã thực sự đáng kể, có đúng thế không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Đức Hồng y Journet đã rất ủng hộ tài liệu này và thảo luận rất nhiều với triết gia Jacques Maritain, và cả hai đều đồng có cùng quan điểm về vấn đề này. Rất may là nhờ Đức Hồng y Journet mới được thăng hồng y mà tôi đã tháp tùng với tư cách là chuyên viên trong khoá họp thứ tư, mà Công Đồng đã hiểu rằng sự thật chắc chắn có các quyền của nó, nhưng con người, mỗi bản vị con người còn có các quyền nền tảng hơn nữa: chính con người kiếm tìm chân lý và có bổn phận phải chấp nhận chân lý khi tìm ra nó. Nhưng nó là một bổn phận trước mắt Thiên Chúa, chứ không phải trước mặt nhà nước. Đức Hồng y Journet đã đưa ra các giải thích quan trọng về tất cả những điều này. Đức Hồng Y đã nổi tiếng là một chuyên gia lớn về thần học của Thánh Toma, một thần học gia cổ điển. Sự kiện người ủng hộ tài liệu này đã cho phép nhiều giám mục bảo thủ yên tâm và chấp nhận văn bản chung kết.

Hỏi: Trong số các thần học gia tên tuổi thời Công Đồng, đâu đã là các cuộc gặp gỡ gây ấn tượng nhất đối với Đức Hồng Y?

Đáp: Chắc chắn là sự chăm chỉ của Cha Yves Marie Congar, nhưng quan niệm Thần học và Giáo hội học của ngài khác với quan niệm của Cha Jean Danielou đã đánh động tôi rất nhiều. Chẳng hạn như tôi đã rất ấn tượng khi thấy Cha Gérard Philips, người Bỉ, vất vả soạn các bản thảo và lược đồ của tài liệu Lumen Gentium. Thế rồi còn có trí thông minh và tính cuồng nhiệt như núi lửa của Cha Karl Rahner, mà theo tôi ngay từ hồi đó đã manh nha có vài chỉ trích đối với Giáo Hội, và các chỉ trích này sẽ trở thành cụ thể thời hậu Công Đồng. Thế rồi tôi còn giữ một kỷ niệm rất đẹp về Cha Giuseppe Dossetti. Tôi nhận thấy nơi Cha một tâm hồn rất thiêng liêng, vì Cha đã có kinh nghiệm đối với Quốc hội Lập hiến Italia. Nhưng chúng tôi rất hiểu nhau.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, có một tài liệu khác chắc chắn còn ghi khắc trong tim Đức Hồng Y đó là Tuyên ngôn “Nostra Aetate”. Do lời yêu cầu của Cha Yves Congar, năm 1966, Đức Hồng Y sẽ viết một cuốn chú giải tài liệu này. Nó đã có ý nghĩa nào đối với Đức Hồng Y?

Đáp: Đối với tôi đó đã là một trong các trang đẹp nhất của Công đồng Chung Vatican II. Tôi đã say mê nghiên cứu các tôn giáo không Kitô. Thế rồi tài liệu này nảy sinh từ một trực giác lớn, từ cuộc gặp gỡ của Đức Gioan XXIII với sử gia Pháp gốc Do Thái Jules Isaac. Một trong những người cổ vũ và hoạt động ngầm bên dưới là Đức cha Provenchères, vì triết gia Jules Isaac sống trong giáo phận của ngài. Đây là một cuộc tiếp kiến sẽ đánh dấu một khúc rẽ thần học: Ông Isaac trình lên Đức Gioan XXIII một tài liệu các tìm kiếm ông đã hoàn thành trong các năm sau đệ nhị thế chiến, về các gốc rễ của khuynh hướng bài Do Thái; với hy vọng là các tài liệu đó có thể thúc đẩy Công Đồng tương lai thay đổi thái độ của Giáo Hội đối với Do Thái giáo. Cuộc gặp gỡ đó đã là một khởi đầu mới đối với các liện hệ giữa các tín hữu Do Thái và các tín hữu Kitô, sẽ được đóng ấn bởi việc công bố Tuyên ngôn “Nostra Aetate” về các liên lạc với các tôn giáo không Kitô.

Hỏi: Tài liệu này cũng đã gặp rất nhiều vất vả trong việc soạn thảo, có đúng thế không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, quả đúng như vậy. Người ta chiến đấu với từng từ một. Văn bản thứ nhất nói rằng Giáo Hội “lên án và than phiền” về mọi hình thức bài Do Thái. Sau cùng thì từ “lên án” sẽ biến mất khỏi tuyên ngôn chung kết. Công Đồng đã đi đến việc dàn xếp này để không gây khó chịu cho các Giáo Hội nhỏ vùng Trung Đông, vì theo họ, việc công khai lên án khuynh hướng bài Do Thái có nghĩa là ngấm ngầm thừa nhận nước Israel. Tôi nhớ sự đắng cay của các vị như Maritain, Congar và Journet, vì đã không đi tới một sự kết án rõ ràng hơn. Nhưng chắc chắn đó đã là một thành công đối với những ngươi chủ trương đối thoại với Do Thái giáo, đứng đầu là Đức Hồng y Agostino Bea. Tuyên ngôn Nostra Aetate đã là viên đá đầu tiên trong cuộc đối thoại liên tôn, và nếu không có tài liệu này thì đã không có biến cố liên tôn cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi hồi năm 1986.

Hỏi: Đức Hồng Y đã luôn luôn chủ trương rằng tinh thần lớn lao của Công đồng Chung Vatican II đã có vị đạo diễn chính là Đức Giáo hoàng Phaolô VI. Đức Hồng Y có thể cho biết lý do tại sao không?

Đáp: Tôi tin rằng nhất là bởi vì cung cách Đức Phaolô VI đã hướng dẫn các cuộc họp. Đã không có ai trong những Nghị phụ bảo thủ cũng như canh tân đã có thể cho thấy các cử chỉ thiên vị nơi Phaolô VI. Thế rồi còn có sự lựa chọn của Đức Phaolô VI trong việc làm lắng dịu các cuộc thảo luận sôi nổi nhất, chẳng hạn như liên quan tới Giám mục đoàn và quyền tối thượng của ngai toà Phêrô. Với tài liệu nổi tiếng Nota Praevia mà Đức Phaolô VI đã ban hành và cống hiến một sự giải thích có uy tín và đúng đắn nhất liên quan tới đề tài được thảo luận. Tôi tin rằng ngài đã dạy cho tất cả các Nghị phụ ý thức về một Giám mục đoàn sống động bằng cách trực giác trước các vị khác rằng Công Đồng không phải là một cuộc họp quốc hội.

(Avvenire 25-4-2012)