24/11/2024

Biểu tượng của Tình yêu Chúa là Quả Tim bị đâm thâu

Ttrong ngày lễ trọng kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm quả tim của một vị Thiên Chúa xúc động và tuôn đổ lai láng tình yêu của Người xuống trên nhân loại.

 Biểu tượng của Tình yêu Chúa là Quả Tim bị đâm thâu 

Cử hành giờ Kinh Chiều lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
Khai mạc Năm Thánh Linh mục và 150 năm Thánh Gioan Maria Vianney qua đời
Tại Vương cung Thánh đường Vatican
Thứ Sáu, 19/6/2009

Anh chị em thân mến,

Lát nữa đây chúng ta sẽ hát điệp ca bài Magnificat: “Chúa đã đón nhận chúng ta vào trong quả tim của Người – Suscepit nos Dominus in sinum et cor suum”. Trong Cựu Ước, quả tim của Thiên Chúa, được xem là nơi phát sinh ý muốn của Chúa đã được nhắc đến 26 lần: Thiên Chúa sẽ phán xét con người qua tương giao của họ với quả tim của Người. Vì Chúa cảm thấy đau đớn trong lòng do tội lỗi con người xúc phạm, nên Người đã quyết định giáng xuống cơn đại hồng thuỷ, nhưng sau đó, Người cảm thấy xúc động trước sự yếu đuối của con người và Người đã tha thứ cho họ. Kế đến có một đoạn trong Cựu Ước mô tả rất rõ nét tấm lòng của Thiên Chúa: đó là những câu đầu tiên trong chương 11 sách Tiên tri Hôsê mô tả chiều kích của tình yêu, mà qua đó Chúa đã ngỏ lời với dân Israel từ thời bình minh lịch sử của dân tộc này: “Khi Israel còn thanh xuân, Ta đã yêu thương nó, và từ Ai Cập, Ta đã gọi con Ta về” (c.1). Quả thế, đứng trước tình mến chuộng không hề biết mỏi của Thiên Chúa, dân Israel lại lạnh nhạt và thậm chí còn vô ơn bội bạc không muốn đáp đền. “Nhưng Ta càng gọi nó – Chúa đã phải nhìn nhận như thế – thì nó lại càng xa Ta” (c.2). Thế nhưng, Người không bao giờ đặt Israel vào trong bàn tay quân thù, bời vì “quả tim Ta – Đấng Sáng Tạo vũ hoàn nhận xét – thổn thức, ruột gan Ta rối bời” (c.8).

Quả tim Chúa rúng động vì thương cảm! Ngày hôm nay, trong ngày lễ trọng kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm này, mầu nhiệm quả tim của một vị Thiên Chúa xúc động và tuôn đổ lai láng tình yêu của Người xuống trên nhân loại. Một tình yêu mầu nhiệm, một tình yêu mà qua những bản văn Tân Ước, Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta như một nỗi đam mê vô biên của Thiên Chúa dành cho con người. Người không chịu khuất phục khi đối diện với sự vong ơn bội nghĩa và ngay cả trước sự từ chối của dân tộc mà Người đã tuyển chọn; trái lại, với một lòng thương xót vô biên, Thiên Chúa đã sai Con một của Người đến trần gian để gánh vác số phận của một tình yêu bị con người phá huỷ, để, một khi chiến thắng quyền lực của ác tà và cái chết, Con Thiên Chúa trả lại phẩm giá làm con cho những ai đã vì tội lỗi mà trở nên nô lệ. Tất cả những điều đó phải trả bằng một cái giá rất cao: Con Một của Chúa Cha tự hiến trên Thập tự: “Người vẫn yêu thương con cái mình còn ở trên trần gian, Người đã yêu thương họ đến cùng” (x. Ga 13,1). Biểu tượng của tình yêu này, một tình yêu vượt qua bên kia cái chết, đó là cạnh sườn của Người bị một ngọn giáo đâm thâu. Về điểm này, người mục kích tận mắt là Tông đồ Gioan đã quả quyết: “Một trong những tên lính đã lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người và lập tức máu cùng nước chảy ra” (x. Ga 19,34).

Anh chị em thân mến, xin cám ơn anh chị em đã đáp lại lời tôi mời gọi đến đây tham dự buổi cử hành này thật đông đủ, và qua buổi cử hành này, chúng ta bước vào Năm thánh linh mục. Tôi xin chào các Đức Hồng y và Giám mục, đặc biệt Đức Hồng y Tổng trưởng và vị Thư ký Bộ Giáo sĩ cùng với những cộng sự viên của người, và Đức Giám mục Ars. Tôi xin chào các linh mục và các chủng sinh thuộc các chủng viện khác nhau và các Học viện tại Rôma; các nam nữ tu sĩ, cũng như tất cả các anh chị em giáo dân. Tôi xin đặc biệt chào Đức Thượng phụ Giáo chủ của người Syrie tại Antiokia, là Đức Ignace Youssef Younan, đã đến Rôma để gặp gỡ tôi và công khai nói lên “ecclesiastica communio” – hiệp thông Giáo Hội – với tôi.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau dừng lại chiêm ngưỡng Quả tim bị đâm thâu của Đấng Chịu Đóng Đinh. Chúng ta vừa mới nghe lại trong bài đọc ngắn gọn được trích từ Thư Thánh Phaolô gởi cho tín hữu thành Êphêxô, rằng “Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì phạm tội, Người cũng đã làm cho chúng ta được sống lại cùng với Đức Kitô […], cùng với Đức Kitô, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta được cùng sống lại và được cùng ngự trị trên cõi trời cao trong Đức Kitô Giêsu” (Ep 2,4-6). Trong Đức Kitô, tức là đã được ngự trị trên cõi Trời cao. Cái cốt lõi chính yếu của Kitô giáo đã được biểu lộ trong quả tim của Đức Giêsu: trong Đức Kitô, toàn bộ nét mới mẻ có tính cách mạng của Tin Mừng đã được mạc khải và được ban tặng cho chúng ta: Tình yêu đã cứu chuộc chúng ta và đã làm cho chúng ta sống trong sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thánh sử Gioan viết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để ai tin vào Người thì sẽ không hư mất, nhưng sẽ được sống đời đời” (3,16). Lúc đó, Quả tim thần linh của Người kêu gọi quả tim của chúng ta; Quả tim của Người mời gọi chúng ta ra khỏi chính mình, bỏ đi những xác tín của con người, để đặt niềm tin nơi Người, và theo gương của Người, biến con người chúng ta thành quà tặng tình yêu một cách trọn vẹn.

Nếu lời Đức Giêsu mời gọi mỗi người đã chịu Phép Rửa “ở lại trong tình yêu của Người” (x. Ga 15, 9), là đúng, thì trong ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, là Ngày thánh hoá linh mục, lời mời gọi ấy lại càng vang lên một cách mãnh liệt hơn nữa đối với chúng ta là những linh mục, đặc biệt là chiều nay, trong giây phút long trọng đầu tiên của Năm Linh mục, mà tôi đã muốn tuyên bố nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày Cha Thánh quản xứ Ars qua đời. Một câu khẳng định thật đẹp và hết sức xúc động đã hiện ra trong tâm trí tôi và đã được nói đến trong sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo: “Chức linh mục là tình yêu của Trái Tim Đức Giêsu” (s.1589). Làm sao mà ta lại không cảm động nhắc lại rằng chính từ Thánh Tâm Chúa Giêsu phát sinh chức linh mục thừa tác của chúng ta? Làm sao mà chúng ta lại có thể quên được rằng là linh mục, chúng ta đã được hiến thánh để phục vụ chức linh mục chung của các tín hữu một cách khiêm nhường và có quyền thế? Sứ mệnh của chúng ta rất cần cho Giáo Hội và thế giới, một sứ mệnh yêu cầu chúng ta hoàn toàn trung thành với Đức Kitô và không ngừng kết hợp với Người; nghĩa là sự kiện ở lại trong tình yêu của Người đòi hỏi chúng ta phải không ngừng hướng về sự thánh thiện như Thánh Gioan-Maria Vianney đã làm. Trong lá Thư gửi cho anh em nhân dịp Năm thánh đặc biệt này, thưa anh em linh mục thân mến, tôi đã làm nổi bật một vài khía cạnh đặc trưng của thừa tác vụ linh mục, bằng cách quy chiếu về gương sáng và giáo huấn của Cha Thánh quản xứ Ars, là gương mẫu và là Đấng Bảo trợ cho tất cả anh em linh mục chúng ta, và đặc biệt là các linh mục quản xứ. Ước gì lá Thư của tôi sẽ là nguồn trợ lực và khuyến khích anh em sống Năm thánh này như một thời cơ thuận tiện để lớn lên trong tình thân với Đức Giêsu, Đấng luôn tin tưởng vào chúng ta là những thừa tác viên của Người, để loan truyền và củng cố Vương quốc của Người, để loan truyền tình yêu và chân lý của Người. Chính vì thế, “noi gương Cha thánh quản xứ Ars – tôi đã kết thúc bức Thư của tôi như thế – anh em hãy để cho Đức Giêsu chinh phục anh em, và anh em cũng thế, trong thế giới hôm nay, anh em sẽ là những sứ giả hy vọng, hoà giải và hoà bình!”.

Để cho Đức Kitô hoàn toàn chinh phục lấy mình! Đó là mục đích trong cuộc đời của Thánh Phaolô, người mà chúng ta đã chú tâm trong suốt Năm Thánh Phaolô, năm mà giờ đây đã đến hồi kết thúc; điều đó cũng là mục tiêu thừa tác vụ của Cha thánh quản xứ Ars mà chúng ta sẽ kêu cầu một cách đặc biệt trong Năm Linh mục này; ước gì điều đó cũng là mục tiêu chính của mỗi người trong chúng ta. Để trở thành thừa tác viên phục vụ Tin Mừng, việc học tập và đào tạo về thần học và mục vụ một cách cẩn thận và có tính thường xuyên dĩ nhiên là rất hữu ích và cần thiết, nhưng “khoa học tình yêu này”, khoa học mà ta chỉ học được khi ta đối diện “lòng bên lòng” với Đức Kitô thì lại còn cần thiết hơn nữa. Thật thế, chính Người kêu gọi chúng ta để bẻ bánh tình yêu của Người, để tha tội và để hướng dẫn đoàn chiên nhân danh Người. Chính vì lý do đó mà chúng ta không bao giờ được xa rời Quả Tim bị đâm thâu trên Thập giá của Người là nguồn mạch Tình Yêu.

Chỉ có như thế chúng ta mới có thể hợp tác một cách hữu hiệu vào trong “chương trình mầu nhiệm của Chúa Cha” là “làm cho Đức Kitô trở thành con tim của thế giới”. Một chương trình được thực hiện trong lịch sử, trong mức độ mà Đức Giêsu trở nên Quả Tim của những quả tim con người, bắt đầu bằng những ai được kêu gọi sống gần gũi nhất bên cạnh Người, đó là các linh mục. Những “lời hứa linh mục” mà chúng ta đã nói lên trong ngày thụ phong, và cứ mỗi năm chúng ta đều lập lại vào Thứ Năm Tuần Thánh trong Thánh lễ làm Phép Dầu, đều nhắc chúng ta nhớ lại lời cam kết này. Ngay cả những thiếu sót, những giới hạn và những yếu đuối của chúng ta cũng phải dẫn đưa chúng ta về lại với Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thật thế, nếu các tội nhân, khi chiêm ngắm Quả tim Chúa Giêsu phải học biết nơi Chúa sự cần thiết phải “đau buồn về tội lỗi đã phạm”, một sự đau buồn đưa họ quay về với Chúa Cha, thì điều đó lại càng đúng hơn nữa cho các thừa tác viên có chức thánh. Về điểm này, làm sao ta quên được là không có gì làm cho Giáo Hội là Nhiệm thể của Đức Kitô phải đau khổ hơn là tội lỗi của những chủ chăn trong Giáo Hội, đặc biệt những ai tự biến mình thành những “tên ăn trộm chiên” (Ga 10,1tt), hay bởi vì họ làm cho đoàn chiên lạc đường vì những giáo lý riêng tư của họ, hay bởi vì họ nhốt đoàn chiên trong lưới tội lỗi và chết chóc? Đối với chúng ta cũng thế, hỡi các linh mục thân yêu, nhắc nhớ chúng ta phải hối cải và chạy đến với lòng Chúa nhân từ vẫn có giá trị, và chúng ta cũng phải khiêm nhường dâng lên Thánh Tâm Chúa Giêsu lời cầu xin tha thiết không ngơi xin Người giữ chúng ta khỏi mối hiểm nguy khủng khiếp đó là làm hại những ai chúng ta có bổn phận cứu thoát.

Tôi vừa được tôn kính di hài của Cha thánh Gioan Maria Vianney: kính viếng quả tim của người. Một quả tim được tình yêu Chúa đốt cháy, một quả tim xúc cảm khi nghĩ đến phẩm giá của linh mục và một quả tim nói với tín hữu qua những giọng nói thật cao thượng và cảm động, một quả tim khẳng định rằng “sau Thiên Chúa, linh mục là tất cả!… Chính người cũng chỉ có thể hiểu được mình trên thiên quốc mà thôi” (x. Thư Năm Linh mục, tr. 2). Anh em thân mến, chúng ta hãy vun trồng mối xúc cảm này, dầu đó là để thực thi thừa tác vụ của chúng ta một cách quảng đại và tận tuỵ, hay để duy trì trong tâm hồn chúng ta một lòng “kính sợ Thiên Chúa” thật sự: lo sợ, vì chễnh mảng hay vì lỗi lầm của chúng ta, mà có thể tước đi biết bao điều thiện hảo khỏi các linh hồn Chúa đã giao phó cho chúng ta, hay – xin Chúa gìn giữ chúng ta khỏi điều này – lo sợ ta có thể làm phương hại đến linh hồn của họ. Giáo Hội cần các linh mục thánh thiện; cần những thừa tác viên biết giúp các tín hữu trải nghiệm được tình yêu giàu lòng nhân hậu của Chúa và biết làm chứng một cách xác tín về lòng nhân hậu của Người.

Trong giờ chầu Thánh Thể tiếp theo sau buổi cử hành giờ Kinh Chiều này, chúng ta sẽ cầu xin Chúa đốt cháy tâm hồn mỗi linh mục bằng “đức ái mục vụ này”, một đức ái có thể đồng hoá “cái tôi” của mình vào trong cái tôi của Đức Giêsu Linh mục, để có thể bắt chước Người trong hiến lễ trọn vẹn nhất. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria cầu cùng Chúa cho chúng ta nhận được ơn này; Người là Đấng mà ngày mai, với một niềm tin sống động, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng Trái Tim Vẹn Sạch. Cha thánh Ars vẫn giữ một lòng tôn sùng hiếu thảo đối với Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, đến độ vào năm 1836, ngay cả trước khi Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được công bố, Cha thánh đã tận hiến giáo xứ của người cho Đức Maria “được thụ thai mà không mắc tội tổ tông truyền”. Và người vẫn giữ thói quen dâng giáo xứ lại cho Đức Trinh Nữ Maria, và dạy giáo dân rằng “chỉ cần ngỏ lời với Mẹ là đã được nhậm lời rồi”, chỉ với lý do đơn giản là Mẹ “rất mong ước thấy chúng ta được hạnh phúc”. Ước gì Đức Thánh Trinh Nữ Maria, Mẹ chúng ta, cùng đồng hành với chúng ta trong Năm Linh mục được bắt đầu ngày hôm nay, để chúng ta có thể đóng vai trò là những nhà hướng đạo chắc chắn và được Chúa soi sáng cho các tín hữu mà Chúa giao phó cho chúng ta chăm sóc mục vụ. Amen!