23/11/2024

Luôn luôn tha thứ cho những kẻ hãm hại chúng ta và cầu nguyện cho họ

Các lời cầu của Chúa Giêsu trước khi chết trên thập giá mời gọi chúng ta biết sống yêu thương nhân từ luôn luôn tha thứ cho những người hãm hại chúng ta, cầu nguyện cho họ, và xác tín rằng ngay cả trong những thử thách khó khăn và đau khổ lớn nhất chúng ta cũng sẽ không bao giờ rơi ra ngoài đôi tay của Thiên Chúa.

 Luôn luôn tha thứ cho những kẻ hãm hại chúng ta và cầu nguyện cho họ

 

Các lời cầu của Chúa Giêsu trước khi chết trên thập giá mời gọi chúng ta biết sống yêu thương nhân từ luôn luôn tha thứ cho những người hãm hại chúng ta, cầu nguyện cho họ, và xác tín rằng ngay cả trong những thử thách khó khăn và đau khổ lớn nhất chúng ta cũng sẽ không bao giờ rơi ra ngoài đôi tay của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định như trên với hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hằng tuần hôm 15-2-2012 trong Đại Thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã giải thích 3 lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi tắt thở trên thập giá, theo trình thuật của Thánh sử Luca. Lời cầu nguyện thứ nhất và thứ ba hướng tới Thiên Chúa Cha, lời cầu thứ hai là lời hứa với kẻ trộm hối lỗi.

Chúa Giêsu nói lên lời cầu nguyện đầu tiên ngay sau khi bị đóng đinh, lúc quân lính chia nhau áo của Người như phần thưởng công việc buồn thảm của họ. Thánh sử Luca viết: “Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ, Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm” (Lc 23,33-34). 

Đức Thánh Cha nói: Lời cầu nguyện đầu tiên mà Chúa Giêsu thưa lên với Thiên Chúa Cha là lời bầu cử: xin ơn tha thứ cho các kẻ giết mình. Qua đó Chúa Giêsu chu toàn điều Người đã dạy trong Bài Giảng Trên Núi, khi nói: “Thầy nói với các con là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các con” (Lc 6,27); và Người đã hứa cho những ai biết tha thứ: “phần thưởng của các con sẽ lớn lao, và các con sẽ là con Đấng Tối Cao” (c. 35). Giờ đây, Người không chỉ tha thứ cho các kẻ giết mình, mà còn hướng thẳng về Thiên Chúa Cha và bầu cử cho họ nữa.

Thái độ này của Chúa Giêsu tìm thấy sự noi gương cảm động trong trình thuật ném đá Thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên sắp chết: “Rồi ông qùy xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Nói thế rồi ông an nghỉ (Cv 7,60). Đó đã là câu nói cuối cùng của thánh nhân. Thật ý nghĩa khi so sánh hai lời cầu nguyện. Thánh Stêphanô hướng tới Chúa Phục Sinh và xin Chúa đừng quy tội giết người của họ. Chúa Giêsu trên thánh giá hướng về Thiên Chúa Cha, không chỉ xin ơn tha thứ cho các kẻ đóng đinh Người, mà còn bào chữa cho họ nữa. Người lấy sự “không hiểu biết” của họ làm lý do để xin Chúa Cha tha tội cho họ, bởi vì sự không hiểu biết đó rộng mở cho con đường hoán cải, như xảy ra với lời của viên quan bách quản nói về cái chết của Chúa: “Người này đích thực là người công chính” (c. 47), là Con Thiên Chúa. “Còn lại một sự an ủi cho tất cả mọi thời và cho tất cả mọi người là đối với các kẻ giết Chúa, những người thật sự không hiểu biết, cũng như những người hiểu biết và đã kết án Người, Chúa Giêsu lấy sự không hiểu biết như là lý do lời cầu xin ơn tha thứ, coi nó như cánh cửa có thể mở ra cho sự hoán cải” (Đức Giêsu thành Nazareth II, 233).

Lời nói thứ hai của Chúa Giêsu trên thập giá, được Thánh sử Luca ghi lại, là một lời hy vọng, đáp trả lời cầu xin của một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh với Người. Trước Chúa Giêsu, người ăn trộm lành trở về với chính mình và hối lỗi, anh nhận thấy mình đang ở trước Con Thiên Chúa, Đấng khiến cho Gương mặt của chính Thiên Chúa trở thành hữu hình, và anh cầu nguyện: “Ông Giêsu ơi, xin nhớ tới tôi khi Ông vào vào Nước của Ông” (c. 42). Câu trả lời của Chúa Giêsu vượt xa hơn điều anh ta xin; thật thế, Chúa nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (c. 43). 

Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau: Chúa Giêsu ý thức rằng Người trực tiếp bước vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha và tái mở ra cho con người con đường vào thiên đàng của Thiên Chúa. Như vậy qua câu trả lời này, Người trao ban niềm hy vọng chắc chắn rằng lòng lành của Thiên Chúa có thể đụng chạm tới chúng ta trong giây phút sau hết của cuộc đời; và lời cầu nguyện chân thành, cả sau một đời lầm lỗi, cũng gặp vòng tay rộng mở của Thiên Chúa Cha từ nhân đón chờ đứa con đi hoang trở về.

Thánh Luca viết tiếp trong trình thuật: “Bấy giờ đã tới giờ thứ sáu. Thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong Người tắt thở” (cc. 44-46). Trình thuật có vài điểm khác với trình thuật của hai Thánh sử Marcô và Mátthêu. Thánh Marcô không miêu tả 3 giờ tối tăm, trong khi Thánh Mátthêu gắn liền chúng với một loạt các biến cố khải huyền như động đất, mồ mả mở ra, người chết sống lại (x. Mt 27,51-53). Trong trình thuật của Thánh sử Luca, các giờ tối tăm là do nhật thực, nhưng trong lúc đó bức màn che trong Đền Thờ cũng bị xé rách. Trình thuật giới thiệu hai dấu chỉ song song trên trời và trong Đền Thờ. Trời mất đi ánh sáng, đất sụp xuống, trong khi trong Đền Thờ là nơi hiện diện của Thiên Chúa, màn che cung thánh bị rách.  

Đức Thánh Cha nói: Cái chết của Chúa Giêsu có đặc thái tỏ tường như một biến cố hoàn vũ và phụng tự; đặc biệt nó ghi dấu sự khởi đầu của một phụng tự mới, trong một đền thờ không do tay người phàm làm ra, bởi vì chính Thân Xác của Chúa Giêsu chết và phục sinh quy tụ các dân tộc và hiệp nhất họ trong Bí tích của Mình và Máu Người.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong lúc khổ đau ấy: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” là một tiếng kêu mạnh mẽ của sự tín thác tột cùng và hoàn toàn cho Thiên Chúa Cha. Lời cầu nguyện đó diễn tả ý thức tràn đầy không bị bỏ rơi. Tiếng “Cha” nhắc nhớ lời tuyên bố đầu tiên của thiếu niên Giêsu khi lên 12 tuổi. Khi đó Người ở lại trong Đền Thờ Giêrusalem, nơi mà bức màn giờ đây bị xé, và đã trả lời cha mẹ: “Tại sao Cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con phải ở trong nhà Cha con sao?” (Lc 2,49).

Từ đầu cho tới cuối, điều xác định hoàn toàn là cảm nhận, lời nói việc làm của Chúa Giêsu, là tương quan duy nhất với Thiên Chúa Cha. Trên thập giá, Người sống một cách tràn đầy trong tình yêu, tương quan con thảo đó với Thiên Chúa Cha, là Đấng linh hoạt lời cầu nguyện của Người.

Các lời Chúa Giêsu nói sau tiếng kêu “lạy Cha” đó lấy lại lời Thánh vịnh 31: “Con xin phó thác hồn con trong tay Chúa” (Tv 31,6). Tuy nhiên, chúng không chỉ đơn thuần là lời trích mà diễn tả một quyết định vững chắc: Chúa Giêsu “tự trao mình” cho Thiên Chúa Cha trong một cử chỉ hoàn toàn tín thác. Các lời này là một lời cầu nguyện “tín thác”, tràn đầy tin tưởng nơi tình yêu của Thiên Chúa. Lời cầu của Chúa Giêsu trước cái chết thê thảm như đối với tất cả mọi người, nhưng đồng thời nó cũng thấm nhuần sự thanh thản sâu xa, nảy sinh từ niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa Cha và từ ý chí trao mình hoàn toàn cho Người. Trong vườn Giêtsêmani, khi Chúa Giêsu bước vào cuộc chiến cuối cùng và lời cầu nguyện sâu đậm, và khi “sắp bị giao vào tay con người” (Lc 9,44), mồ hôi Người trở thành “như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44). Nhưng trái tim Người hoàn toàn vâng phục ý muốn của Thiên Chúa Cha, và vì thế “một thiên thần từ trời” đến để an ủi Người (x. Lc 22,42-43). Giờ đây, trong những giây phút cuối cùng này, Đức Giêsu hướng tới Thiên Chúa Cha và nói lên đây là bàn tay trong đó Người thực sự phó thác toàn cuộc sống của Người.

Trước khi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh với các môn đệ: “Hãy lắng tai nghe kỹ các lời sau đây: Con người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9,44). Giờ đây sự sống đang bỏ Người. Người đóng ấn trong lời cầu nguyện quyết định cuối cùng của Người: Chúa Giêsu để cho mình bị trao vào tay người đời, nhưng chính trong tay Thiên Chúa Cha mà Người trao phó linh hồn Người. Như vậy, như Thánh Gioan khẳng định tất cả đã hoàn tất, cử chỉ tột cùng của tình yêu thương đã được đem đi cho tới cùng, cho tới ranh giới và vượt qua ranh giới nữa.

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: Anh chị em thân mến, các lời của Chúa Giêsu trên thập giá trong giây phút cuối cùng cuộc sống của Người trên trần gian này cống hiến cho chúng ta nhiều chỉ dẫn dấn thân trong lời cầu nguyện, nhưng cũng mở ra cho sự tin tưởng thanh thản và niềm hy vọng vững vàng. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người hãm hại chúng ta bằng cách luôn luôn tha thứ để ánh sáng của Thiên Chúa có thể soi sáng con tim họ. Nghĩa là Chúa mời gọi chúng ta sống thái độ thương xót yêu mến trong lời cầu của chúng ta như Chúa yêu mến và thương xót chúng ta. Người thông truyền cho chúng ta niềm xác tín rằng cho dù có gặp các thử thách, khó khăn, cam go và khổ đau nặng nề tới đâu đi nữa, chúng ta sẽ không bao giờ rơi ra ngoài bàn tay của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng, nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trên con đường cuộc sống, vì chúng ta được hướng dẫn bởi một tình yêu vô biên và trung tín.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau, đặc biệt là Hiệp hội Gia đình Đông con Italia. Ngài cầu mong có các thăng tiến xã hội và pháp luật để bảo vệ và trợ giúp các gia đìinh đông con, là một kho tàng phong phú và là niềm hy vọng cho toàn quốc gia. Sau cùng, Đức Thánh Cha cất kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.