23/11/2024

Nhu cầu chuyển giao sứ điệp tình yêu của Đức Kitô cho những ai sống trong những hoàn cảnh khó khăn và đau khổ

Là Kitô hữu, chúng ta không thể không cảm thấy nhu cầu loan báo sứ điệp tình yêu của Đức Giêsu, đặc biệt cho những ai không biết Người, hay những ai đang lặn hụp trong những tình thế khó khăn và đau khổ.

 

Nhu cầu chuyển giao sứ điệp tình yêu của Đức Kitô cho những ai sống trong những hoàn cảnh khó khăn và đau khổ
 
Bài nói chuyện giờ kinh Truyền Tin
Tại Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa nhật II Thường Niên, 18/1/2009
 
Anh chị em thân mến!
 
Hôm nay là Ngày thế giới Di dân và Ti nạn. Vì năm nay chúng ta cử hành Năm Thánh Phaolô, và chính vì nghĩ đến Thánh Phaolô là vị đại thừa sai luôn trên đường hành trình loan báo Tin Mừng, nên tôi đã chọn chủ đề: “Thánh Phaolô di dân, vị Tông đồ Dân ngoại”. Saolô – là tên Do Thái của người – sinh trưởng trong một gia đình di cư đến Tarse, một thành phố quan trọng của Cilicie, và lớn lên chịu ảnh hưởng của ba nền văn hoá – Do Thái, Hy Lạp và Rôma – và với một não trạng ngoại kiều. Phaolô trở thành “đại sứ” của Đức Kitô Phục Sinh, để làm cho mọi người biết Đức Kitô, trong niềm xác tín rằng mọi dân tộc đều được mời gọi để tạo nên một đại gia đình con cái Chúa trong Đức Kitô.
 
Và đây cũng là sứ mạng của Giáo Hội, và hơn bao giờ hết, trong thời kỳ toàn cầu hóa này. Là Kitô hữu, chúng ta không thể không cảm thấy nhu cầu loan báo sứ điệp tình yêu của Đức Giêsu, đặc biệt cho những ai không biết Người, hay những ai đang lặn hụp trong những tình thế khó khăn và đau khổ. Ngày hôm nay, tôi đặc biệt nghĩ đến những người di dân. Chắc chắn là họ đang sống trong những tình huống rất khác biệt nhau: trong một số trường hợp, nhờ ơn Chúa, họ đang sống trong một hiện tình yên ổn và hoà nhập rất tốt vào môi trường xã hội; còn những trường hợp khác, đáng buồn thay, họ đang phải trải qua một hiện tình cơ cực, khó khăn và đôi khi thật bi thảm. Tôi muốn xác tín với anh chị em rằng cộng đoan Kitô giáo rất quan tâm quý mến mỗi người và mỗi gia đình, và cầu xin Thánh Phaolô ban cho chúng ta sức mạnh của một động lực mới, để cổ vũ khắp nơi trên toàn thế giới sự chung sống hòa bình giữa mọi người thuộc mọi sắc tộc, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Vị Tông đồ nói cho chúng ta biết đâu là bí quyết cuộc sống mới của người, người viết “Tôi đã bị Đức Kitô Giêsu nắm lấy” (Pl 3, 12), và người nói thêm: “Xin hãy cùng nhau bắt chước tôi” (Pl 3, 17). Vâng, đúng thế, Chúa mời gọi mỗi người trong chúng ta làm chứng cho Tin Mừng, tùy theo ơn gọi, địa điểm sinh sống và làm việc, và đặc biệt quan tâm nhiều hơn nữa đến những anh chị em đến từ những quốc gia khác nhau, với nhiều lý do khác nhau, đang sinh sống giữa chúng ta, bằng cách nâng cao giá trị hiện tượng di dân như một thời cơ gặp gỡ giữa các nền văn minh. Chúng ta hãy cầu nguyện và hành động cho hiện tượng di dân luôn được diễn ra trong hoà bình và có tính xây dựng, trong sự tôn trọng và đối thoại, bằng cách lọai bỏ mọi cám dỗ đưa đến xung đột và thống trị.
 
Tôi cũng muốn đề cập một cách đặc biệt đến những ngư dân và thuỷ thủ thời gian gần đây đang phải trải qua những hiện tình hết sức khó khăn. Ngoài những khó khăn thường nhật, họ còn bị hạn chế cập bến, không được tiếp xúc thường xuyên với các cha tuyên úy; họ phải đương đầu với những hiểm nguy do bọn cướp biển gây nên và phải gánh chịu thiệt hại do việc đánh bắt bất hợp pháp. Tôi xin bày tỏ với họ tâm tình gần gũi của tôi, và mong ước mọi người đánh giá đúng mức những hoạt động cứu hộ trên biển của họ. Và cuối cùng, tôi nghĩ đến cuộc Gặp gỡ quốc tế các gia đình vừa mới được kết thúc tại thành phố Mêxicô, và Tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hợp nhất vừa mới được khai mạc hôm nay. Anh chị em thân mến, tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho tất cả những ý chỉ trên, bằng cách kêu xin Đức Trinh Nữ Maria là hiền mẫu cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta.
 
Cuối giờ Kinh Truyền Tin
 
Tôi hết sức lo lắng theo dõi cuộc xung đột trong dải Gaza. Hôm nay, chúng ta xin Chúa nhớ đến hàng trăm trẻ em, những người già, những phụ nữ, những nạn nhân vô tội của bạo lực kinh hoàng, những người bị thương, tất cả hững ai đang khóc thương những người thân của mình, cũng như những ai đang mất đi tài sản.
 
Đồng thời, tôi cũng mời gọi anh chị em cầu nguyện cho nhiều người thành tâm thiện chí đang nỗ lực làm việc để chấm dứt thảm kịch này. Tôi hết sức cầu mong mọi người biết tận dụng một cách khôn ngoan những đề nghị mở màn có tầm vóc bé nhỏ nhất, để tái lập cuộc ngưng chiến và tiến dần đến những giải pháp hòa bình và trường cửu.
 
Trong chiều hướng này, một lần nữa, tôi khuyến khích những ai, dầu sống bên chiến tuyến này hay bên chiến tuyến kía, cho rằng trong Thánh địa này vẫn còn chỗ cho tất cả mọi người, để họ có thể giúp đỡ dân tộc mình chỗi dậy từ những đống tro tàn và nỗi sợ hãi, và để can đảm nối lại những cuộc đối thoại trong công bình và chân lý. Đây là con đường duy nhất có thể mở ra cho những người con trong vùng đất thân thương này một tương lai hòa bình!
 
Hôm nay chúng ta khai mạc Tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất. Tuần lễ này sẽ được kết thúc vào Chúa nhật tới, 25/2. Tại nam bán cầu, dựa theo tinh thần tuần cửu nhật do Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ấn định vào cuối thế kỷ XIX, thì việc cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất sẽ được diễn ra từ giữa lễ Thăng Thiên đến lễ Hiện Xuống. Còn trái lại, chủ đề Kinh Thánh thì chung cho hết mọi người. Năm nay, chủ đề Kinh Thánh được một nhóm đại kết Hàn quốc đề nghị, và chủ đề này được rút ra từ Sách Tiên tri Êdêkien: “Ước gì chúng chỉ còn là một trong tay ngươi” (Ed 37,17). Chúng ta cũng hãy tiếp nhận lời mời gọi này, và hãy cầu nguyện một cách chân thành hơn nữa cho các Kitô hữu cương quyết tiến bước về sự hiệp thông trọn vẹn giữa mọi người. Tôi đặc biệt ngỏ lời với những người Công giáo trên khắp hoàn cầu, để một khi kết hợp với nhau trong kinh nguyện, họ hăng say làm việc để vượt thắng những trở ngại đang còn ngăn cản sự hiệp thông trọn vẹn giữa mọi môn đệ Đức Kitô. Ngày nay, nỗ lực đại kết lại càng khẩn trương hơn nữa, để mang lại cho xã hội được đánh dấu bằng những cuộc xung đột bi thảm và những chia rẽ sâu xa một dấu hiệu và một động lực hướng về hòa giải và hòa bình. Chúng ta sẽ kết thúc Tuần lễ Hiệp nhất trong Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành, là Vương cung Thánh đường của Đức Giáo Hoàng, bằng việc cử hành giờ Kinh Chiều, vào Chúa nhật tới, nhằm ngày lễ Thánh Phaolô trở lại, một con người đã xem sự hợp nhất Nhiệm thể Đức Kitô là cái nhân thiết yếu cho công cuộc rao giảng của mình.
 
Tôi vui mừng đón tiếp những khách hành hương nói tiếng Pháp. Trong ngày Di dân và Tị nạn hôm nay, gương Thánh Phaolô, là Tông đồ Chư dân và cũng là người di dân và du mục, mời gọi chúng ta trở nên những người hăng say mang Tin Mừng cho muôn dân. Và trong ngày đầu của Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất, lại một lần nữa, chúng ta trình bày với Chúa Cha ước muốn hiệp thông trọn vẹn của chúng ta. Ước gì Đức Maria, Đức Bà Hiệp nhất, cùng đồng hành với chúng ta trên lộ trình này! Tôi xin ban Phép Lành Toà Thánh của tôi cho anh chị em.
 Chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt đẹp.