Văn kiện Toà Thánh về việc cải tổ hệ thống tài chính quốc tế
VATICAN – Sáng ngày 24-10-2011, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, đã mở cuộc họp báo để công bố văn kiện của Hội đồng về việc cải tổ hệ thống tài chính quốc tế.
Văn kiện Toà Thánh về việc cải tổ hệ thống tài chính quốc tế
VATICAN – Sáng ngày 24-10-2011, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, đã mở cuộc họp báo để công bố văn kiện của Hội đồng về việc cải tổ hệ thống tài chính quốc tế.
Hiện diện và lên tiếng tại cuộc họp báo cũng có Đức cha Mario Toso, SDB, Tổng Thư ký của Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, cùng với Giáo sư Leonardo Becchietti, dạy môn Kinh tế Chính trị tại Đại học Rôma Tor Vergata.
Văn kiện dài hơn 10 trang khổ A4, có tựa đề “Để cải tổ hệ thống tài chính quốc tế trong viễn tượng một quyền bính công cộng có thẩm quyền hoàn vũ”, được ấn hành bằng 4 thứ tiếng Ý, Anh, Pháp và Tây Ban Nha.
Trong Văn kiện này, Hội đồng Toà Thánh đề nghị thành lập một thẩm quyền công cộng hoàn cầu để phục vụ công ích, và đây là chân trời duy nhất có thể dung hợp với các thực tại mới ngày nay. Qua tài liệu này, Hội đồng Toà Thánh muốn cống hiến một đóng góp cho các bị hữu trách của thế giới và mọi người thiện chí đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính của thế giới, cuộc khủng hoảng cho thấy “những thái độ ích kỷ, tham lam tập thể và vơ vét của cải ớ mức độ rất lớn”.
Văn kiện của Hội đồng Toà Thánh nhấn mạnh rằng công ích của nhân loại hiện nay và chính tương lai của loài người đang bị đe doạ: hơn 1 tỷ người sống với lợi tức không tới 1 mỹ kim mỗi ngày, sự chênh lệnh gia tăng kinh khủng trên thế giới, tạo nên những căng thẳng và làn sóng di dân đông đảo. Theo lương tâm mình, không ai có thể chấp nhận sự phát triển của vài nước, gây thiệt hại cho các nước khác, không ai có thể cam chịu khi thấy con người sống như lang sói đối với người khác mà không tìm cách chữa trị.
Văn kiện Toà Thánh cũng báo động rằng “nếu không chữa trị những bất công đè nặng trên thế giới thì những hậu quả tiêu cực từ đó mà ra trên bình diện xã hội, chính trị và kinh tế sẽ tạo nên bầu không khi đố kỵ ngày càng gia tăng, và cả nạn bạo lực, đến độ làm băng hoại chính nền tảng của các cơ chế dân chủ, kể cả những cơ chế được coi là vững chắc nhất”.
Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình phân tích những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay, và đặc biệt tố giác chủ nghĩa tân tự do kinh tế không luật lệ và không có sự kiểm soát… hiện nay có những thị trường tiền tệ và tài chính chủ yếu có tính chất đầu cơ, gây thiệt hại cho nền kinh tế, nhất lại tại các nước yếu. Nền kinh tế thế giới hiện thời ngày càng bị chủ nghĩa duy lợi ích và duy vật thống trị, bành trướng tín dụng thái quá và đầu tư, tạo nên tình trạng không thể trả nợ nổi và mất sự tín nhiệm”.
Văn kiện Toà Thánh cổ vũ một nền kinh tế có luân lý đạo đức, cần phục hồi vị thế ưu tiên của tinh thần và luân lý đạo đức, cũng như chỗ đứng ưu tiên của chính trị trên kinh tế và tài chính, vì chính trị vốn có trách nhiệm về công ích. Cần lấp đầy sự cách biệt giữa huấn luyện luân lý đạo đức và chuẩn bị về kỹ thuật chuyên môn.
Toà Thánh cũng đưa ra giả thuyết về những biện pháp đánh thuế các hoạt động chuyển nhượng tài chính, theo tỷ lệ công bằng. Việc làm này cũng nhắm thành lập một quỹ dự trữ thế giới, để nâng đỡ nền kinh tế của các nước bị khủng hoảng và chữa lành hệ thống tiền tệ và tái chính của mình.
Về cơ quan thẩm quyền hoàn cầu về tài chính, cơ quan này không thể áp đặt bằng vũ lực, nhưng phải được sự thoả thuận tự do và có chia sẻ, phải nảy sinh từ một tiến trình từ từ trưởng thành của lương tâm và tự do, có sự can dự của tất cả các dân tộc, trong sự tôn trọng hoàn toàn những khác biệt của họ. Việc thực thi quyền bính này nhắm phục vụ công ích của tất cả và phải đứng trên mọi phe. Các chính phủ không phải phục vụ vô điều kiện quyền bính hoàn cầu. Đúng hơn, quyền bính này phải phục vụ các nước thành viên, theo nguyên tắc phụ đới (sussidiarietà), tôn trọng tự do và trách nhiệm của con người và cộng đoàn, tránh nguy cơ “cô lập bàn giấy” của quyền bính này.
Giới thiệu của ĐHY Turkson
“Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính mà thế giới đang trải qua, kêu gọi tất cả mọi người, cá nhân cũng như các dân tộc, hãy phân định sâu xa về các nguyên tắc và các giá trị văn hoá cũng như luân lý vốn làm nền tảng cho cuộc sống chung trong xã hội. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng cũng đòi các chuyên gia, cá nhân cũng như nhà chức trách có thẩm quyền, trên bình diện quốc gia, khu vực và quốc tế, hãy nghiêm túc suy tư về những nguyên nhân và các giải pháp thuộc lĩnh vực chính trị, kinh tế và kỹ thuật.
Chính các vị lãnh đạo của khối 20 cường quốc, gọi là G20, trong tuyên ngôn thông qua tại thành phố Pittsburg, Hoa Kỳ, hồi năm 2009 đã khẳng định rằng “cuộc khủng hoảng kinh tế chứng tỏ sự cần thiết phải tiến vào một giai đoạn mới của các hoạt động kinh tế hoàn cầu dài hạn dựa trên tinh thần trách nhiệm”.
Đón nhận lời kêu gọi ĐTC đã đưa ra trong Thông tiệp “Caritas in veritate” (Bác ái trong Chân lý), biến cuộc khủng hoảng hiện nay thành một dịp để phân định và đề ra những dự phóng mới, coi những lo âu của các dân tộc như của chính mình, nhất là những dân tộc đang phải chịu đau khổ nhiều nhất vì tình trạng hiện nay, Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, trong niềm tôn trọng thẩm quyền của các chính quyền dân sự và chính trị, đề nghị một Văn kiện ngắn với tựa đề “Để cải tổ hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế trong viễn tượng một quyền bính công cộng có thẩm quyền hoàn vũ”.
Văn kiện này lược lại những giai đoạn của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế, đồng thời đề nghị một số đường hướng cải tổ, có điểm tham chiếu là Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các tổ chức chuyên môn. Thành quả những cải tổ này phải là làm sao có khả năng nhiều hơn trong việc chấp nhận các chính sách và những chọn lựa có tính chất bắt buộc, nhắm thực thi công ích trên bình diện địa phương, miền và thế giới. Trong số những chính sách được coi là khẩn cấp nhất có chính sách liên quan tới công bằng xã hội hoàn cầu: những chính sách tài chính và tiền tệ không làm thiệt hại những nước yếu nhất, những chính sách nhắm thực hiện những thị trường tự do và ổn định – vốn là thiện ích công cộng cơ bản – và những chính sách nhắm tới sự phân phối công bằng các tài nguyên của thế giới nhờ những hình thức liên đới chưa từng có về thuế khoá hoàn cầu.
Đứng trước Hội nghị Thượng định G20 sắp tới, suy tư của Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình muốn là một đóng góp cho các vị hữu trách của trái đất và tất cả những người thiện chí, một cử chỉ trách nhiệm đối với các thế hệ hiện tại và nhất là những thế hệ tương lai, để họ không bao giờ bị mất hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn và tin tưởng nơi phẩm giá cũng như khả năng làm điều thiện của mỗi người.
Giới thiệu của Đức cha Maria Toso, SDB
“Văn kiện mới của Hội đồng Toà Thánh muốn đề nghị một suy tư về những con đường có thể đi – theo giáo huấn xã hội gần đây nhất của các vị Giáo hoàng, đạt tới những chính sách và các tổ chức tài chính và tiền tệ hữu hiệu, cũng như có tính chất đại diện trên bình diện thế giới, hướng dẫn sự phát triển nhân bản đích thực cho tất cả mọi người và các dân tộc.
Ai cũng biết, khi lên tiếng về những vấn đề xã hội, Giáo Hội tiến hành trên bình diện thẩm quyền luân lý đạo đức và tôn giáo. Vì thế, Giáo Hội bàn đến cuộc khủng hoảng về hệ thống tiền tệ và tài chính hiện nay không phải trong những điều hoàn toàn là kỹ thuật chuyên môn, tuy rằng Giáo Hội không phải không biết những vấn đề đó. Sự phân định và dự phóng mà Giáo Hội đề ra trong lĩnh vực này là kết quả sự đón nhận nhiều kiến thức trong một viễn tượng thần học luân lý. Vì thế, khi phân tích, giải thích và đưa ra những đường hướng thực hành, Giáo Hội đề nghị một kiến thức khôn ngoan, thuộc loại tổng hợp, có tính chất hoàn vũ, như một khung cảnh văn hoá đạo đức hướng dẫn việc thực hành có tính chất xây dựng và cải tổ lấy hứng từ Kitô giáo. Đặc biệt trong những suy tư của Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, có phần nhìn lại cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và tài chính hiện nay, vạch rõ những nguyên nhân, không những về mặt luân lý đạo đứng, nhưng đúng hơn là về mặt ý thức hệ. Những ý thức hệ cũ đã suy tàn rồi. Nhưng có những ý thức hệ mới nảy sinh, không kém phần nguy hiểm đối với sự phát triển toàn diện của gia đình nhân loại. Chúng ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế và hoàn cầu, tạo nên sự chênh lệc trên bình diện phát triển kinh tế lâu dài, và những vấn đề trầm trọng về công bằng xã hội, gây ra những thử thách cam go cho những dân tộc yếu thế nhất. Đó là những ý thức hệ tân tự do, tân duy lợi tích, và duy kỹ thuật chuyên môn, chúng thu hẹp công ích vào chiều kích kinh tế, tài chính và kỹ thuật chuyên môn tuyệt đối, đe doạ tương lai của chính các định chế dân chủ.
Đức cha Toso đặt câu hỏi: “Vậy làm sao vượt thắng những quan niệm và đường lối thực hành sai trái như thế? Đi từ một tư tưởng mới, một thuyết nhân bản hoàn vũ mới mẻ, cởi mở đối với chiều kích siêu việt, đặt cuộc sống con người lên trên những điều họ sở hữu, chúng ta theo một nền luân lý đạo đức thiện cảm hơn với nhân vị con người, tức là một nền luân lý đạo đức huynh đệ và liên đới, đặt kinh tế và tài chính tuỳ thuộc chính trị vốn có trách nhiệm về công ích. Chỉ như thế mới có thể thắng được những “thần tượng” của thị trường, thứ thần tượng này coi các mục tiêu và viễn tượng chuyên môn và thành đạt như quy luật duy nhất, và cố tình không biết tới luân lý đạo đức tại chính nơi mà nền luân lý này phải thấm nhiễm mạnh mẽ. Thực vậy, thị trường, vì do con người tạo ra, nên nó phải có một bộ luật luân lý tự nhiên không thể không biết tới, nếu không có sẽ tạo ra sự vô nhân đạo và không còn ý nghĩa nữa.
“Về khía cạnh dự phóng, hay là việc đề ra những đường hướng giải quyết khủng hoảng, Văn kiện của Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, dựa theo Giáo huấn Xã hội của các vị Giáo hoàng, đề nghị rằng sự hoàn cầu hoá phải được điều hành nhờ việc thành lập một cơ quan công cộng có thẩm quyền toàn cầu. Đây là viễn tượng vốn đã được đề ra trong Thông điệp Pacem in terris – Hoà bình dưới thế của Đức Gioan XXIII và được ĐGH Bênêđictô XVI quyết liệt đề nghị một cách rõ rằng trong Thông điệp “Bác ái trong Chân lý”. Những suy tư của Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình nhắm khai triển viễn tượng đó, bàn tổng quát về những đề nghị để cải tổ các tổ chức quốc tế hiện nay, để chúng có thế giá và dân chủ hơn. Các tổ chức này phải nói lên sự đồng thuận tự do và chung giữa các dân tộc; phải có tính chất đại diện và tham gia hơn, hợp thức hơn, có sự can dự nhiều hơn của toàn thể các xã hội chính trị và dân sự.
Các tổ chức ấy phải vượt lên trên mọi phe phái, để phục vụ thiện ích của tất cả mọi người, có thể đưa ra những hướng dẫn hữu hiệu và đồng thời để cho mỗi quốc gia được biểu lộ và theo đuổi công ích riêng của mình, theo nguyên tắc phụ đới, trong bối cảnh công ích toàn cầu. Chỉ những tổ chức quốc tế như thế mới thành công trong việc tạo điều kiện dễ dàng cho sự hiện hữu của những hệ thống tiền tệ và tài chính có hiệu năng và hữu hiệu, nghĩa là những thị trường tự do và ổn định, có kỷ luật nhờ một khung cảnh pháp luật thích hợp, hoạt động giúp phát triển dài hạn và tiến bộ xã hội cho tất cả mọi người, lấy hứng từ những giá trị “bác ái trong chân lý”.
Cơ quan thẩm quyền toàn cầu không được đè bẹp hoặc khai thác các chính quyền quốc gia hoặc miền. Thẩm quyền ấy phải coi khả năng của mình là để hướng dẫn và quyết định, cũng như trừng phạt dựa trên căn bản pháp luật, và đặt mình phục vụ các nước thành viên, để họ tăng trưởng và có được những thị trường hiệu năng và hữu hiệu, nghĩa là những thị trường không được bảo vệ thái quá bằng những chính sách quốc gia cha chú, không bị suy yếu vì những thiếu hụt nhất loạt của nền tài chính công cộng và các sản lượng quốc gia, những điều này trong thực tế ngăn cản không cho chính các thị trường được hoạt động trong một bối cảnh toàn cầu như những tổ chức cởi mở và cạnh tranh.
Cũng cần nhấn mạnh rằng những suy tư do Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình đề ra không hề kết án các thị trường tiền tệ và tài chính, trái lại, coi chúng như một thiện ích công cộng: thiện ích cơ bản, nhưng không phải là thiện ích hoặc mục đích tối hậu. Chính vì thế, các thị trường phải hoạt động hoặc phục vụ cho việc thực thi công ích hoàn vũ của gia đình nhân loại, theo hướng đi do nhiều chủ thể xã hội chính trị và dân sự đề ra, trên bình diện quốc gia và quốc tế.
Có lẽ Văn kiện của Hội đồng Toà Thánh chứng tỏ sự đặc sắc hơn cả khi tìm cách bàn về một vài giai đoạn và đặc tính của hành trình cần theo trong việc thành lập một quyền bính công cộng có thẩm quyền hoàn vũ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và tài chính.
Trước tiên, Văn kiện vạch ra một tiến trình cải tổ, được thực hiện với điểm tham chiếu là Tổ chức LHQ, xét vì cơ quan này có tầm mức quốc tế về trách nhiệm, về khả năng tập hợp các quốc gia trên trái đất và vì những nghĩa vụ của cơ quan này cũng như các tổ chức chuyên biệt của LHQ.
Thứ hai là Văn kiện đề nghị tăng cường chất lượng của các tổ chức và diễn đàn không chính thức hiện nay. Đặc biệt cần quyết liệt đi từ chế độ điều hợp, tức là phối hợp hàng ngang giữa các quốc gia mà không có một quyền bính đứng trên mọi phe, để tiến tới một chế độ trong đó không những có sự phối hợp, mà còn có một quyền bính ở trên mọi phe với quyền quyết định theo phương pháp dân chủ và trừng phạt theo luật. Sự tiến hành như thế tiến đến một hình thức nhà nước pháp quyền và hình thức chính phủ toàn cầu không thể xảy ra được nếu không dành cho sự lệ thuộc và cộng tác trước đó một ý nghĩa chính trị, nghĩa là nếu không từ bỏ phương thức đa phương trên bình diện ngoại giao cũng như trong lĩnh vực các kế hoạch phát triển dài hạn và phục vụ hoà bình.
Theo Văn kiện mới công bố của Hội đồng Toà Thánh, sự mở rộng khối G7 thành G20 chưa đạt tới mục tiêu mong muốn. Đây là một giải pháp chưa thoả đáng và thích hợp: tổ chức G20 chưa hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn của LHQ như phải có. Các nước thuộc G20 không thể được coi là đại diện cho mọi dân tộc. Tuy được mở rộng, nhưng G20 vẫn chỉ là một diễn đàn không chính thức, và có tính chất giới hạn, đồng thời cho thấy nó càng mất hiệu năng khi càng được nới rộng. Trong giai đoạn hiện nay, G20 không có sự hợp thức hoá và không có một sự uỷ nhiệm chính trị của cộng đồng quốc tế, và nó có nguy cơ hạ bệ hoặc thay thế trong thực tế các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới. Hai tổ chức này, tuy cần được cải tổ sâu rộng, nhưng có tính chất đại diện tất cả các nước chứ không phải chỉ một số quốc gia mà thôi.