23/12/2024

Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm nước Đức

BERLIN – Sáng ngày 22-9-2011, ĐTC Bênêđictô XVI đã đến thủ đô Berlin, bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức trong 4 ngày, cho đến chiều Chúa Nhật 25-9-2011. Chủ đề cuộc viếng thăm là “Nơi nào có Thiên Chúa, nơi ấy có tương lai”, một đề tài đáp ứng tình trạng tục hoá cao độ tại Đức.

Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm nước Đức

BERLIN – Sáng ngày 22-9-2011, ĐTC Bênêđictô XVI đã đến thủ đô Berlin, bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức trong 4 ngày, cho đến chiều Chúa Nhật 25-9-2011.

Cuộc viếng thăm 2 lần trước đây hồi tháng 8-2005 và tháng 9-2006 tại quê hương có tính chất mục vụ, và lần này, ngoài tính chất mục vụ có thêm đặc tính chính thức của quốc gia theo lời mời của Tổng thống Christian Wulff. Cuộc viếng thăm này được mô tả là “khó khăn” và thuộc hàng khẩn trương nhất của ĐTC với ít nhất 20 sinh hoạt khác nhau, trong đó ĐTC đọc 18 bài diễn văn và bài giảng. Các sinh hoạt này cũng thu hút đặc biệt của dư luận, có tới gần 4.000 ký giả đăng ký tại Đức trong các giai đoạn khác nhau của cuộc viếng thăm.

Chủ đề cuộc viếng thăm là “Nơi nào có Thiên Chúa, nơi ấy có tương lai”, một đề tài đáp ứng tình trạng tục hoá cao độ tại Đức, trong đó 35% dân số là người không tín ngưỡng, và các tín hữu Công giáo chỉ chiếm 30%, ngang với số tín hữu Tin lành, trên tổng số hơn 81 triệu dân Đức.

Trả lời phỏng vấn

Trên chuyến bay dài 2 tiếng đồng hồ, như thường lệ, ĐTC đã chào thăm 68 ký giả tháp tùng và trả lời 4 câu hỏi, 3 câu tiếng Đức và 1 câu tiếng Ý, do họ nêu lên.

– Một ký giả hỏi ĐTC: Sau hơn 30 năm ở Vatican, ngài còn cảm thấy là người Đức hay không?

Ngài cho biết là vẫn còn và nói: “Tôi sinh ra tại Đức và không thể cũng như không được cắt bỏ nguồn cội của mình. Tôi đã được huấn luyện trong văn hoá Đức, tiếng nói của tôi là tiếng Đức, và ngôn ngữ là cách thế trong đó tinh thần sống và hoạt động. Toàn thể sự huấn luyện của tôi xảy ra tại Đức… Tôi vẫn tiếp tục đọc các sách bằng tiếng Đức nhiều hơn các sách khác”.

– Một ký giả khác hỏi ĐTC: Trong những năm gần đây ở Đức, con số những người xin ra khỏi Giáo Hội gia tăng, một phần cũng vì những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Đâu là tâm tình của ĐTC trước hiện tượng này và ngài nói gì với những người muốn rời bỏ Giáo Hội?

ĐTC đáp: Trước tiên, chúng ta phân biệt lý do của những người cảm thấy bị gương mù vì những tội ác được tỏ hiện trong thời gian gần đây. Tôi có thể hiểu rằng đứng trước những tội ác như những vụ giáo sĩ lạm dụng trẻ vị thành niên, những người gần gũi các nạn nhân ấy nói: “Đây không phải là Giáo hội của tôi: Giáo Hội là một sức mạnh nhân đạo và luân lý, nếu các đại diện của Giáo Hội làm ngược lại, thì tôi không thể sống trong Giáo Hội này nữa”. Đó là một hoàn cảnh đặc thù. Nói chung có nhiều lý do trong bối cảnh tục hoá của xã hội chúng ta. Thường thường những vụ rời bỏ Giáo Hội như thế là bước chót trong một tiến trình dài xa lìa Giáo Hội. Trong bối cảnh này, tôi thấy điều quan trọng là cần tự hỏi và suy tư: “Tại sao tôi ở trong Giáo Hội? Tôi ở trong Giáo Hội như một hội thể thao, một hội văn hoá, trong đó tôi thấy những điều tôi thích thúc, và nếu tôi không thấy nữa thì tôi rời bỏ hội, hoặc ở trong Giáo Hội là điều sâu xa hơn nữa?” Tôi muốn nói là cần nhìn nhận rằng ở trong Giáo Hội có ý nghĩa sâu xa hơn, không phải là thuộc về một hội, nhưng là ở trong một mạng lưới của Chúa, lưới này bắt cả cá tốt lẫn cá xấu từ nước sự chết đến đất sự sống. Có thể là trong mạng lưới đó tôi ở gần những con cá xấu, và tôi cảm thấy như thế, nhưng điều chân thực là tôi ở trong lưới không phải vì cá này hay cá kia, nhưng vì đó là lưới của Chúa, lưới này là điều khác với mọi thứ hội của con người, một mạng lưới liên hệ đến nền tảng chính cuộc sống của tôi. Tôi nghĩ, khi nói với những người ấy, chúng ta phải đi tới tận gốc rễ vấn đề: Giáo Hội là gì? Đâu là điều khác biệt? Tại sao tôi ở trong Giáo Hội cho dù có những vụ xì căng đan hoặc những vụ kinh khủng? Nhờ đó chúng ta canh tân ý thức về đặc tính của Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, và qua đó chúng ta học cách chịu đựng cả những vụ xì căng đan và hoạt động để chống lại những xì căng đan đó, vì chúng ta ở trong mạng lưới của Chúa”.

– Trả lời một câu hỏi khác về những vụ phản đối tại Đức chống cuộc viếng thăm của ngài, ĐTC nói: “Những vụ phản đối như vậy là điều bình thường trong một quốc gia dân chủ và trong thời đại tục hoá. Chúng ta cần ghi nhận rằng trào lưu tục hoá và sự chống đối Công giáo rất mạnh mẽ trong xã hội chúng ta. Khi những chống đối ấy xảy ra một cách ôn hoà, thì không có gì phải phản đối. Nhưng đàng khác, cũng có nhiều người mong đợi và thiện cảm đối với ĐGH. Tại Đức, sự đối nghịch ấy có những chiều kích khác nhau: nào là sự chống đối từ lâu vẫn có giữa văn hoá Đức và văn hoá Rôma, những đối nghịch trong lịch sử, tiếp đến, nước Đức là một nước Cải cách của Tin lành, khiến cho sự đối nghịch ấy càng mạnh hơn. Nhưng cũng có một sự đồng thuận lớn về đức tin Công giáo, một xác tín ngày càng gia tăng theo đó chúng ta cần có xác tín, cần có sức mạnh luân lý trong thời đại chúng ta. Và trong nhiều thành phần dân Đức, ngày càng có những người mong muốn có một tiếng nói luân lý trong xã hội”.

– Sau cùng, một ký giả hỏi ĐTC xem ngài chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với các tín hữu Tin lành Đức với tâm tình nào. Ngài đáp: “Khi nhận lời mời thực hiện chuyến viếng thăm này, điều hiển nhiên đối với tôi là vấn đề đại kết với các tín hữu Tin lành phải là một điểm mạnh và là điểm chủ yếu của cuộc viếng thăm. Chúng ta sống trong một thời kỳ tục hoá, trong đó các tín hữu Kitô có sứ mạng làm cho sứ điệp của Thiên Chúa, sứ điệp của Chúa Kitô hiện diện, làm cho người ta có thể tin, có thể tiến bước với những tư tưởng và chân lý cao cả. Vì thế, nếu các tín hữu Công giáo và Tin lành hiệp sức với nhau thì đó là một yếu tố cơ bản cho thời đại chúng ta, cho dù về cơ chế, chúng ta không hiệp nhất với nhau và vẫn còn những vấn đề lớn, những vấn đề nơi nền tảng niềm tin nơi Chúa Kitô, nơi Chúa Ba Ngôi và nơi con người như hình ảnh Thiên Chúa.

ĐTC cũng cám ơn các tín hữu Tin lành đã nhận lời đến tham dự cuộc gặp gỡ đại kết tại cựu tu viện Thánh Augustinô ở Erfurt, nơi Martin Luther đã học thần học và tu đức. Trong một xã hội bị tục hoá ngày nay, chứng tá chung giữa các tín hữu Công giáo và Tin lành là điều rất quan trọng.

Tiếp đón chính thức

Máy bay chở ĐTC đã đáp xuống phi trường Tegel của thủ đô Berlin lúc 10 giờ 30 sáng.

Tổng Giáo phận Berlin chỉ có 393.000 tín hữu Công giáo, tương đương với 7% trên tổng số gần 6 triệu dân cư, một tỷ lệ rất khiêm tốn so với tỷ lệ 42% là Công giáo trong Tổng Giáo phận Freiburg là chặng chót trong chuyến viếng thăm của ĐTC.

ĐTC đã được chào đón với 21 phát đại bác nổ vang, và tại chân thang máy bay, ĐTC đã được Tổng thống Christian Wulff và Phu nhân Bettina tiếp đón. Kế đến là bà Thủ tướng Angela Merkel, cùng với giáo quyền Công giáo, đứng đầu là Đức TGM Berlin sở tại Rainer Woelki và Đức cha Chủ tịch HĐGM Đức, Robert Zollitsch, và hàng chục tín hữu, trong đó có một số trẻ em. Có 2 em bé nam nữ tặng hoa cho ĐTC, trước khi ngài cùng Tổng thống Wulff và bà Thủ tướng Merkel vào phòng khánh tiết của phi trường để hội kiến ngắn trước khi lên đường tới Lâu đài Bellevue là phủ tổng thống và là nơi diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức.

Tổng thống Christian Wulff và phu nhân đã đón tiếp ĐTC và mời ngài vào bên trong lâu đài, ký tên vào sổ vàng lưu niệm, trước khi tiến ra khuôn viên để cử hành nghi thức đón tiếp chính thức, với hàng quân danh sự, quốc thiều Vatican và Đức, trước sự hiện diện của khoảng 1.000 quan khách và tín hữu, trong đó có đông đảo các giám mục.

Trong lời chào mừng ĐTC, Tổng thống Đức bênh vực cuộc viếng thăm của ngài, chống lại những người phê bình và xác quyết rằng cuộc viếng thăm này củng cố các tín hữu Kitô và giúp tất cả mọi người tìm được đường hướng và mẫu mực. Ông cũng kêu gọi các Giáo hội Kitô, mặc dù có những biện pháp phải tiết kiệm và thiếu linh mục, đừng rút lui vào mình, nhưng tiếp tục các công tác từ thiện bác ái, săn sóc người nghèo và người yếu thế. Ông bày tỏ mong muốn Giáo hội Công giáo tỏ ra từ bi hơn đối với những người ly dị, tăng cường vai trò của giáo dân cạnh linh mục, của phụ nữ cạnh nam giới.

Giới báo chí ghi nhận rằng Tổng thống Wulff cũng như Thủ tướng Angela Merkel đều là người ly dị tái hôn.

Diễn văn đầu tiên

Trong diễn văn đáp từ, sau khi nồng nhiệt cám ơn Tổng thống và Chính phủ Đức, cũng như chào thăm các quan khách hiện diện, ĐTC nói đến mục đích chuyến viếng thăm của ngài:

“Tuy cuộc viếng thăm này là một cuộc viếng thăm chính thức, củng cố những quan hệ tốt đẹp giữa Cộng hoà Liên bang Đức và Toà Thánh, nhưng trước tiên, tôi không đến đây để theo đuổi một số mục tiêu chính trị hoặc kinh tế như các nhà chính trị khác vẫn làm một cách có lý, nhưng để gặp gỡ dân chúng và nói về Thiên Chúa.

“Chúng ta thấy trong xã hội càng ngày càng có sự dửng dưng đối với tôn giáo; trong các quyết định của mình, người ta coi vấn đề chân lý như một chướng ngại, và trái lại, họ dành ưu tiên cho những nhận xét duy lợi ích.

Đàng khác, cần có một căn bản có tính chất bó buộc để chúng ta có thể sống chung với nhau, nếu không, mỗi người chỉ sống theo cá nhân chủ nghĩa của mình. Tôn giáo là một trong những căn bản để cho cuộc sống chung được thành công. “Cũng như tôn giáo cần có tự do, thì cả tự do cũng cần có tôn giáo”. Câu nói này của vị đại GM Wilhem von Ketteler, cũng là một nhà cải tổ xã hội, vẫn còn rất thời sự và năm nay là kỷ niệm 200 năm sinh nhật của ngài.

Tự do cần có một mối liên hệ nguyên thuỷ với một thẩm quyền cao hơn. Sự kiện có những giá trị hoàn toàn không thể lèo lái được, đó thực là một bảo đảm cho tự do của chúng ta. Ai cảm thấy bị bó buộc đối với sự thật và sự thiện, thì sẽ đồng ý ngay với điều này là: tự do chỉ được phát triển trong trách nhiệm đối với một điều thiện lớn hơn. Điều thiện này chỉ hiện hữu cho tất cả mọi người với nhau; vì thế, tôi phải luôn quan tâm đến tha nhân của tôi. Tự do không thể sống mà không có những mối quan hệ.

ĐTC cũng nhận xét: “Trong cuộc sống chung của con người, không thể có tự do mà không có liên đới. Điều tôi đang làm mà gây hại cho tha nhân thì không phải tự do, nhưng là hành động sai trái, gây hại cho tha nhân và cho cả tôi nữa. Tôi chỉ có thể thành đạt trong tư cách là người tự do bằng cách sử dụng năng lực của tôi để mưu điều thiện cho tha nhân. Điều này có giá trị không những cho lĩnh vực riêng tư, mà còn cho cả xã hội nữa. Theo nguyên tắc phụ đới, xã hội phải dành không gian đầy đủ cho các cơ cấu nhỏ bé hơn để họ phát triển, và đồng thời phải nâng đỡ, làm sao để một ngày nào có các cơ cấu ấy có thể tự lập”.

ĐTC kết luận rằng Cộng hoà Liên bang Đức được như ngày nay là nhờ sức mạnh của tự do được tôi luyện nhờ trách nhiệm trước Thiên Chúa và đối với nhau. Nước Đức đang cần năng động này, với sự can dự của mọi lĩnh vực để có thể tiếp tục phát triển trong những hoàn cảnh hiện nay. Nước Đức cần điều đó trong một thế giới đang cần được canh tân sâu rộng về văn hoá và tái khám phá các giá trị cơ bản để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn (Caritas in veritate, 21).

Sau bài diễn văn, ĐTC và Tổng thống đã vào bên trong phủ tổng thống để hội kiến, rồi Tổng thống đã giới thiệu gia đình ông với ĐTC. Trong dịp này, Tổng thống Wulff đã tặng ĐTC một món quà đặc biệt đó là tài trợ cho một dự án của tổ chức bác ái Misereor tại Kenya, Phi châu: dự án thuỷ lợi do Giáo phận Marsabit ở miền đông bắc nước này khởi xướng, để giúp dân chúng bị hạn hán trầm trọng tại đây.

Viếng thăm và phát biểu tại Quốc hội Liên bang

Hoạt động của ĐTC thu hút sự chú ý nhiều nhất chiều hôm qua là cuộc viếng thăm của ngài tại trụ sở Quốc hội Liên bang Đức. Từ nhiều ngày qua, đã có sự tranh luận sôi nổi trong dư luận tại nước này, vì có sự chống đối của 100 đại biểu quốc hội tả phái và đảng Xanh tuyên bố tẩy chay cuộc gặp gỡ này, vì cho là vi phạm nguyên tắc tách biệt Giáo Hội và Nhà Nước, dù rằng chính Chủ tịch Quốc hội Đức, ông Norbert Lammert thuộc đảng CDU, đã mời ĐTC đến viếng thăm và phát biểu.

Khi đến trụ sở quốc hội vào lúc hơn 4 giờ chiều, ĐTC đã được ông Chủ tịch Lammert tiếp đón và dẫn ngài ngài lên một phòng ở lầu một để gặp Tổng thống Liên bang, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Toà Bảo hiến Liên bang Đức.

Lên tiếng sau diễn văn chào mừng của ông Chủ tịch Norbert Lammert, ĐTC nói đến vai trò của nhà chính trị, nhất là ngài kêu gọi suy nghĩ lại về vai trò của luật tự nhiên trong việc xác định các luật pháp, đồng thời tránh quan niệm hoàn toàn duy thực nghiệm.

ĐTC nói: “Chính trị phải là một sự dấn thân cho công lý và qua đó kiến tạo những điều kiện căn bản để có hoà bình. Dĩ nhiên một nhà chính trị tìm kiếm sự thành công, tạo cho mình khả năng hoạt động chính trị hữu hiệu. Nhưng sự thành công này tuỳ thuộc tiêu chuẩn công lý, tuỳ thuộc ý chí thực thi luật pháp và sự hiểu biết về luật pháp. Sự thành công cũng có thể là một cám dỗ và do đó nó có thể mở đường cho sự lèo lái công pháp, huỷ hoại công lý”.

ĐTC nhận xét: “Trong một thời điểm lịch sử, giữa lúc con người đã đạt được những khả năng cho đến nay không thể tưởng tượng nổi, nghĩa vụ này trở nên đặc biệt cấp thiết. Con người có khả năng phá huỷ thế giới. Vậy làm sao chúng ta phân biệt giữa thiện và ác, giữa công pháp đích thực và điều chỉ có vẻ là công pháp? Trong phần lớn các vấn đề cần được xác định về pháp lý, tiêu chuẩn đa số có thể là đủ; nhưng trong những vấn đề cơ bản của công pháp, trong đó có liên hệ tới phẩm giá con người và nhân loại, thì nguyên tắc đa số không đủ. Những chiến binh kháng chiến đã hành động chống lại chế độ Đức quốc xã và chống lại những chế độ độc tài khác, và qua đó họ phục vụ công pháp và toàn thể nhân loại.

ĐTC nhắc đến sự kiện trong lịch sử, Kitô giáo không hề áp đặt cho nhà nước và xã hội luật pháp mạc khải, một trật tự pháp lý đến từ mạc khải. Trái lại, Giáo Hội nói đến thiên nhiên và lý trí như những nền tảng đích thực của luật pháp, Giáo Hội đã nói đến sự hoà hợp giữa lý trí khách quan và lý trí chủ quan, nhưng sự hoà hợp này giả thiết rằng 2 lĩnh vực ấy đều dựa trên Lý Trí sáng tạo của Thiên Chúa. Trong sự tiếp xúc ấy đã nảy sinh nền văn hoá pháp luật Tây phương, đã và vẫn còn có tầm quan trọng quyết định đối với nền văn hoá pháp luật của nhân loại. Từ mối liên hệ tiền Kitô giáo, giữa luật pháp và triết học đã nảy sinh con đường đưa tới sự phát triển pháp lý thời Soi Sáng và cho tới Tuyên ngôn về các quyền con người, và đến luật căn bản của Đức, qua đó, vào năm 1949, nhân dân Đức đã nhìn nhận những quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của con người như nền tảng cộng đồng nhân loại, hoà bình và công lý trên thế giới”.

ĐTC nhận xét rằng trong nửa thế kỷ qua đã xảy ra một sự thay đổi tình hình một cách thê thảm. Ý tưởng về luật tự nhiên ngày nay bị coi như một đạo lý riêng của Công giáo, mà người ta cho là chẳng nên thảo luận ngoài phạm vi Công giáo, như thể người ta cảm thấy xấu hổ khi nói đến luật tự nhiên. Nhất là điều cơ bản là luận đề theo đó giữa hiện hữu và nghĩa vụ hiện hữu có một vực thẳm không thể vượt qua được. Từ hiện hữu không thể phát sinh một nghĩa vụ, vì đó là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác biệt nhau. Nền tảng của ý kiến như thế chính là quan niệm duy thực nghiệm về thiên nhiên và lý trí, một ý kiến ngày nay hầu như được chấp nhận ở mọi nơi.

ĐTC nói thêm: “Theo quan niệm như thế, thiên nhiên chỉ là một tập hợp các dữ kiện khách quan, liên kết với nhau như nguyên nhân và công hiệu; không có tính chất luân lý đạo đức. Nhưng thiên nhiên hiểu theo thể thức hoàn toàn là chức năng như thế không thể kiên tạo một nhịp cầu nào nối với luân lý đạo đức và luật pháp. “Theo những người duy thực nghiệm, lý trí trở thành quan điểm duy nhất có tính chất khoa học. Điều gì không thể kiểm chứng được hoặc không thể làm giả được thì không thuộc lĩnh vực của lý trí theo nghĩa hẹp. Đó là điều phần lớn xảy ra trong ý thức công cộng của chúng ta. Tình trạng bi thảm này có liên hệ tới tất cả mọi người và cần có cuộc thảo luận công cộng; và bài diễn văn này có chủ ý mời gọi cấp thiết thực hiện điều đó”.

Trong phần kết luận, ĐTC mời gọi các đại biểu quốc hội Đức hãy mong ước, như vua Salomon, được một con tim biết lắng nghe, khả năng phân biệt giữa thiện và ác, và thiết lập công pháp đích thực, phục vụ cho công lý và hoà bình.

Sau diễn văn tại trụ sở quốc hội Đức, ĐTC còn gặp 15 đại diện các cộng đoàn Do Thái ở Đức vào lúc hơn 5 giờ 30 chiều trong một phòng của Quốc hội Đức. Cùng hiện diện với ĐTC còn có các hồng y và giám mục thuộc đoàn tuỳ tùng.

Hoạt động tôn giáo đầu tiên của ĐTC trong ngày bắt đầu viếng thăm nước Đức là Thánh lễ ngài cử hành lúc 6 giờ 30 chiều hôm qua tại Sân Vận động Olympic ở thủ đô Berlin. Thao trường này được khánh thành hồi đầu tháng 8-1936 nhân dịp Thế vận hội Olympic mùa hè lần thứ 36. ĐTC Gioan Phaolô II cũng đã từng cử hành Thánh lễ tại đây cách đây 15 năm, ngày 23-6-1996 để tôn phong 2 linh mục người Đức lên bậc chân phước là Cha Karl Leisner và Lichtenberg.