Họ coi thường mạng sống con người
Hình phạt không phát huy tác dụng nhiều lắm trong việc ngăn ngừa tội phạm. Cái chính vẫn là giáo dục lòng nhân ái của con người.
Họ coi thường mạng sống con người
Tôi vẫn nhớ mãi hai vụ án mà tôi xét xử trong cùng một ngày, một vụ buổi sáng và một vụ buổi chiều. Các bị cáo và cả nạn nhân đều là những người rất trẻ, chỉ vừa mới bước qua tuổi thành niên. Nguyên nhân phạm tội của họ thật chẳng ra đâu vào đâu.
Thế mà họ đã phải trả giá đắt bằng cả tuổi thanh xuân và bằng mạng sống của mình.
Hai cái chết, bốn số phận
“Có ý kiến cho rằng phải xử phạt bằng mức án thật cao đối với người phạm tội thì sẽ giúp tình trạng tội phạm giảm xuống. Nhưng theo tôi, chưa hẳn việc xử nặng người này thì người khác sẽ chùn tay. Hình phạt không phát huy tác dụng nhiều lắm trong việc ngăn ngừa tội phạm. Cái chính vẫn là giáo dục lòng nhân ái của con người” |
Vụ án thứ nhất như thế này: Có một nhóm thanh niên chừng 18-20 tuổi ngồi nhậu ở đầu hẻm đường Lê Hồng Phong. Nhậu cóc, ổi, xoài gì đó. Một em học sinh (tôi nhớ là lớp 11 hay 12 gì đó) đi ngang. Do cùng ở trong xóm và cũng có biết vài người trong nhóm thanh niên kia là “đáng ngán” nên em học trò lầm lũi đi thẳng. Một thanh niên trong nhóm gọi giật giọng: “Ê, thằng kia, mày thấy anh mày mà không chào hả?”. Cậu học trò tuy nghe gọi nhưng không muốn rắc rối nên làm lơ, đi tiếp.
Thế là người thanh niên trong bàn nhậu, chắc cũng đã ngấm hơi men và muốn ra oai với đám bạn, đã lấy con dao cắt trái cây trên bàn ném theo cậu học trò. Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào (vì thật tình bị cáo khai chưa từng thử hay tập phi dao bao giờ) con dao phóng vút, cắm xuyên lưng, găm vào tim cậu học trò. Nạn nhân chết. Bị cáo bị xử tội giết người và hội đồng xét xử đã tuyên án 20 năm tù.
Buổi chiều đó tôi lại xử một vụ khác. Cũng là một nhóm thanh niên trong xóm đang ngồi nhậu. Một thanh niên khác đi ngang liền sà vào. Sau khi chào hỏi một số người thì anh này nâng ly “em xin kính các anh một ly”. Một người trong nhóm ngồi nhậu đã say và do không quen mặt anh thanh niên mới đến nên hoạnh họe: “Mày là ai mà mời tao? Nếu muốn mời thì phải mang rượu của mày, còn rượu trên bàn này là của bọn tao”.
Thế là hai bên xô xát. Người ngồi trong bàn nhậu đã cầm chai bia đập thẳng vào đầu anh thanh niên mới đến. Lại một cái chết oan uổng nữa. Vụ án này thì bị cáo đã phải trả giá bằng bản án tử hình vì việc giết người mang tính chất côn đồ, cố ý muốn tước đoạt mạng sống của người khác chứ không phải gián tiếp như vụ án trên.
Xét xử những vụ án này nhiều khi tôi cứ băn khoăn không hiểu những thanh niên này họ muốn khẳng định giá trị bản thân của mình như thế nào qua các cách hành xử đó? Người ta không chào mình đâu phải là cái cớ để bị cáo có quyền tước đoạt mạng sống của người khác. Ngược lại, có khi việc chào hỏi lại gây khó chịu để rồi đánh chết người…
Tội phạm trẻ tiềm ẩn cao
Báo chí đã nói nhiều về động cơ phạm tội của những người trẻ hiện nay là do ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực, game online. Tôi cũng đồng ý với nhận định này nhưng theo tôi, nguyên nhân sâu xa đó là việc giáo dục trẻ ngay từ lúc nhỏ chưa tốt.
Tôi cảm thấy việc giáo dục hiện nay (của cả gia đình, nhà trường và xã hội) chưa đạt được mục đích là giáo dục hướng thiện đối với con người. Nhiều người trẻ không thấy được tính nhân đạo, không biết trân trọng, yêu quý con người và mạng sống của con người. Khiếm khuyết trong giáo dục đã để lại hậu quả tai hại trong việc xây dựng nhân cách. Nhiều người rất coi thường mạng sống vốn quý giá của người khác và cũng thật sự không xem trọng ngay cả mạng sống của bản thân mình, sẵn sàng lao vào đánh nhau, dùng hung khí đâm nhau chỉ vì chuyện cỏn con.
Không ai muốn khi phải tuyên bản án tù đối với người trẻ, nhất là những trẻ chưa thành niên. Dù chỉ vài năm thôi nhưng tuổi thanh xuân là quãng đời đẹp nhất của con người, mà các bị cáo phải phí phạm thời gian đẹp nhất này sau những song sắt thì thật đau lòng. Nếu được thay bằng hình phạt khác (như đưa vào trường giáo dưỡng hay giáo dục tại cộng đồng) thì sẽ tốt hơn cho họ nhiều. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ được áp dụng hạn chế trong một số trường hợp.
Có một xu hướng mà các cơ quan tố tụng hiện đang lo lắng đó là tình trạng “trẻ hoá tội phạm”. Không chỉ số lượng vụ án mà tính chất, mức độ nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do người trẻ gây ra cũng đang gia tăng. Cuộc sống kinh tế khó khăn, nạn thất nghiệp khiến nhiều thanh niên “ăn không ngồi rồi” cũng tiềm ẩn một nguy cơ lớn dễ phát sinh các tội trộm cắp, lừa đảo, cướp giật… Trách nhiệm không chỉ của gia đình, nhà trường hay cơ quan, tổ chức nào mà là của toàn xã hội. Xây dựng một môi trường sống lành mạnh, hướng dẫn thanh thiếu niên tới các lý tưởng sống, mục đích sống tốt sẽ góp phần đẩy lùi những manh nha tội phạm của họ.
Khó hiểu tại sao… Khi xét xử vụ giết chết bà phó bí thư Quận uỷ Phú Nhuận (TP.HCM), tuyên tử hình hai bị cáo Nguyễn Trọng Nhân và Lương Hoài Sang, đến nay tôi cũng không ngừng ray rứt và suy nghĩ mãi về động cơ, nguyên nhân phạm tội của hai người trẻ này. Nguyễn Trọng Nhân là người có tới hai bằng đại học, là người cha tốt. Chỉ vì thiếu suy nghĩ, vì bột phát lại trở thành một sát thủ máu lạnh, ra tay giết người rất tàn độc. Suýt nữa thì Nhân đã cướp đi mạng sống của cả ba người chứ không chỉ một mình bà phó bí thư. Còn Lương Hoài Sang khi phạm tội cũng chỉ mới hơn 19 tuổi, chưa có tiền án tiền sự gì. Thế mà Sang cũng đã có những hành vi giúp sức quyết liệt cho việc giết người của Nhân. Vì tiền ư? Thôi thì cứ nghĩ như thế vì lời khai của các bị cáo và chứng cứ khác thể hiện Sang tham gia vì muốn Nhân chia tiền cướp được. Nhiều khi tôi nghĩ có những trẻ không có biểu hiện hư hỏng như bỏ học lêu lổng, ăn cắp vặt… lại rất khó đoán cách cư xử của họ khi bột phát. Nhiều vụ người phạm tội ra tay rất dã man, tàn độc lại vốn là những người có biểu hiện bình thường, thậm chí còn được những người xung quanh đánh giá là người tốt. |