27/11/2024

Chúa Nhật XIX TN – A: Yêu thương và hoà giải với vạn vật

Đức Giêsu cho thánh Phêrô đi trên mặt biển nổi sóng đến với Người để tiếp tục dạy chúng ta về cách khắc phục những sức mạnh của thiên nhiên và hoà giải với vạn vật

 Yêu thương và hoà giải với vạn vật

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Tuần trước, qua phép lạ hoá bánh ra nhiều của Đức Giêsu, chúng ta đã được mời gọi nhìn nhận vạn vật như là những đứa em trong đại gia đình Thiên Chúa để hiểu biết và yêu thương chúng. Hôm nay, Đức Giêsu cho thánh Phêrô đi trên mặt biển nổi sóng đến với Người để tiếp tục dạy chúng ta về cách khắc phục những sức mạnh của thiên nhiên và hoà giải với vạn vật.

1. Những sức mạnh của thiên nhiên
1.1. Thiên nhiên thắng con người

Thiên nhiên có những sức mạnh mà bài đọc I (x. 1V 19,11-13) vừa kể cho ta nghe: gió bão, động đất, lửa thiêu. Con người luôn cảm thấy mình nhỏ bé, yếu đuối trước những sức mạnh đó nên phong chúng là thần linh. Thấy mặt trời và lửa thiêu đốt mọi sự, người ta thờ lạy thần mặt trời, thần lửa; thấy sấm sét đánh chết người, người ta cúng vái ông Thiên Lôi.

Khi Đức Giavê hiện ra trên núi Sinai, cả quả núi bốc cháy, nghi ngút khói, rồi tiếng Chúa vang động ầm ầm như tiếng sấm sét (x. Xh 19,16-19). Dân Do Thái sợ hãi, kêu xin với ông Môisê là Thiên Chúa đừng trực tiếp nói với họ như thế, kẻo họ chết mất (Xh 20,19). Người Do Thái đồng hoá Thiên Chúa với những sức mạnh vũ bão ấy. Nhưng bài đọc I nhắc nhở cho họ hiểu rằng Thiên Chúa không ở trong gió bão, động đất hay lửa thiêu: “Ngài đến hiền hoà như tiếng gió nhẹ hiu hiu thổi” (x. 1V 19,13) vì Thiên Chúa không huỷ diệt con cái của mình.

1.2. Vậy tại sao sức mạnh thiên nhiên lại huỷ diệt con người?

Tất cả sự tàn phá huỷ hoại kia bắt nguồn từ chính con người khi con người cắt đứt mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa và làm cho thiên nhiên phải lệ thuộc vào sự hư nát, chết chóc cùng với con người. Thiên Chúa đã giao phó cho con người quyền bá chủ chim trời cá biển và mọi sự trên trái đất (x. St 1,26.28) thì thiên nhiên và con người sống hết sức hoà thuận với nhau trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Khi con người muốn trở thành Thiên Chúa Tạo Hoá bằng việc ăn trái cấm như một hành động cắt đứt mối hiệp thông, thì con người mất đi nguồn sống vĩnh hằng, quyền năng vô song, tình yêu vô tận. Con người cảm thấy trần trụi, yếu nhược và chết chóc (x. St 1,7.18-19).

Vì vạn vật luôn gắn bó mật thiết với con người nên chúng cũng chịu những hậu quả của việc cắt đứt này như con người (x. Rm 8,20-21). Do đó gai góc, thú dữ, bão tố, hạn hán, lũ lụt… chỉ là những thái độ phản kháng của vạn vật đối với người anh chị hư đốn là con người. Còn ai thật tâm yêu thương chúng, sẽ thấy chúng vẫn là những đứa em ngoan ngoãn, dễ vâng lời như Đức Giêsu đi trên mặt nước hôm nay và phán bảo gió im biển lặng (x. Mt 14,22-33).

1.3. Con người thay thiên nhiên

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong những thế kỷ gần đây, con người dần dần làm chủ được phần nào sức mạnh thiên nhiên: ngăn sông, phá núi, lấn biển, làm mưa nhân tạo và biết bao công trình lớn lao khác. Con người không còn sợ hãi, cảm thấy yếu đuối trước sức mạnh thiên nhiên nữa. Con người bây giờ tự tin vào mình, cho mình mới là thần linh còn vạn vật chỉ là những thứ vô tri vô giác, muốn đối xử thế nào cũng được. “Con người tự đặt mình thay thế Chúa trong công trình sáng tạo và rốt cuộc làm cho thiên nhiên phải phản lại vì đã hành hạ hơn là cai trị thiên nhiên” (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 460). Trong cái nhìn độc tôn ấy, con người cho rằng chỉ có mình mới thắng được thiên nhiên. Mối tương quan tốt đẹp giữa con người và thiên nhiên chưa được tái lập. Hai bên vẫn coi nhau như những sức mạnh đối kháng, cần phải áp chế nhau và thắng được đối phương.

2. Hoà giải với vạn vật

Hôm nay, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta bài học: con người cần phải hoà giải với vạn vật khi cho thánh Phêrô đi trên mặt biển dậy sóng, giữa cơn gió mạnh, để cho con người thấy rằng họ có thể vượt lên trên những sức mạnh của thiên nhiên.

2.1. Hoà giải với vạn vật như Đức Giêsu

Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Với tình yêu, sự hiểu biết và lòng cảm thông, Đức Giêsu yêu quý‎ mọi loài thụ tạo vì chúng được dựng nên nhờ lời của Thiên Chúa. Hơn nữa, Người là anh em của muôn loài vì Người cũng mang những yếu tố vật chất giống như bất cứ vạn vật nào trong vũ trụ này (Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ…).

Người muốn hoà nhập với vạn vật để chia sẻ tình yêu, sự hiểu biết và ân sủng của Thiên Chúa cho chúng, nên chúng đồng cảm với Người: Ngôi sao đã trở thành đứa em dẫn đường cho các đạo sĩ trong đêm Chúa giáng sinh; trời đất đã tối sầm lại khi Đức Giêsu hấp hối trên thập giá; trái đất rung động chia sẻ sự vui mừng vì được thoát ách hư nát và đón nhận ơn hoà giải trọn vẹn với Thiên Chúa khi Đức Giêsu sống lại.

Chúa Giêsu là con người mới, là Thiên Chúa làm người. Người muốn hoà giải con người với vạn vật nên Người mời gọi con người gắn bó với mình để thấy con người thật sự đã vượt lên trên những sức mạnh tàn phá của tự nhiên.

2.2. Con người phải làm gì để đạt được sự hoà giải đó?

Tuy nhiên, muốn đạt được sự hoà giải đó, con người không phải thực hiện bằng sức mạnh của riêng mình, giống như Phêrô không thể tự mình đi trên mặt nước vì sức nặng sẽ nhấn ông chìm xuống. Con người cũng không thể thực hiện bằng khoa học kỹ thuật phức tạp của mình như có thể mang đôi giầy với động cơ phản lực mạnh mẽ dưới chân, hay đeo trên lưng để bay đi khắp nơi như những chàng siêu nhân trong những phim khoa học giả tưởng.

Đức Giêsu sống rất thật để cho thấy ai cũng có thể đạt được sự hoà giải đó mà không cần tiền bạc hay khoa học cao siêu. Người mời gọi Phêrô chỉ cần bước xuống với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Người. “Thưa Thầy, nếu quả là Thầy thì xin truyền cho tôi đi trên mặt nước mà đến với Thầy”.

Hơn nữa, con người cần phải gắn bó với Đức Giêsu để được Người chuyển thông sức mạnh, quyền năng và nhất là tình yêu đối với vạn vật như Người đã gắn bó với Chúa Cha: Đức Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm với Cha của Người là Thiên Chúa Tạo Hoá (Mt 14, 23). Nhưng con người phải tin Đức Giêsu như thế nào?

2.3. Tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa

Khi ông Phêrô và các môn đệ thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển, họ hoảng hốt bảo nhau: “Ma kìa!”, vì chỉ có hồn ma mới vượt qua sức mạnh của thiên nhiên để lướt đi trên mặt biển dậy sóng. Đức Giêsu muốn cho các môn đệ an tâm, nhận ra Người thật sự là ai, nên Người nói: “Chính Thầy đây, đừng sợ!”. Bản văn dịch từ ego emi là “chính Thầy đây” không diễn tả trọn vẹn được ‎ nội dung mạc khải của Chúa Giêsu về chính mình, vì từ này chính là phiên dịch từ Giavê (YHVH) có nghĩa là Đấng Hằng Hữu hay là chính Thiên Chúa (x. Ga 8,24.28.58; 13,19; 18,6; Mc 6,50).

Các môn đệ sau khi thấy gió yên biển lặng và Phêrô an lành trong thuyền đã bái lạy Đức Giêsu và tin nhận Người thật là Con Thiên Chúa (x. Mt 14,33). Nếu chúng ta là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu, thì chúng ta cũng được hiệp thông với quyền năng Thiên Chúa của Người để làm chủ thiên nhiên và vượt lên trên những sức mạnh của chúng.

3. Hoà giải với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống

Qua sự kiện trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đối thái độ đối với vạn vật. Chúng ta không được coi thường chúng, cho chúng là vô tri vô giác, gây cho chúng những bất công, làm cho chúng bị thiệt hại (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 459).

Mấy ngày vừa qua, báo chí Việt Nam nhắc đến Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi đã xả nước thải chưa xử l‎‎ý ra sông Đồng Nai một cách lén lút (x. Báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, ngày 6 và 7/8/2011). Đây là một xí nghiệp Nhà nước làm ăn gian dối, mỗi ngày xả hàng ngàn mét khối nước bẩn ra kênh Bà Xéo để chảy ra sông Đồng Nai. Hơn nữa, bà Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty này hiện đang làm đại biểu Quốc hội còn dám tuyên bố: “Công ty mình không có cái gì là gian dối”.

Nhưng đó mới chỉ là một trong những công ty, xí nghiệp tàn phá môi trường sống của con người. Nếu nhìn vào xã hội hôm nay, biết bao con người, có khi là chính chúng ta, cũng đang tàn phá môi trường, huỷ hoại thiên nhiên, coi thường vạn vật, vì những thùng rác không đậy nắp, rác bẩn thải khắp nơi, khói xe, khí độc tàn phá bầu khí quyển từng giờ.

Những bao nylong nếu để tự nhiên, phải tốn hàng trăm năm mới phân huỷ được. Nhiều thành phố trên thế giới đang cổ vũ người dân đi xe đạp trong ngày nghỉ cuối tuần để giảm mức ô nhiễm không khí. Những chất khí CFC từ máy lạnh, tủ lạnh, kho lạnh toả ra đang làm cho tầng ozon ở bầu khí quyển giảm sút, khiến cho tia cực tím của mặt trời tác hại đến đời sống con người, nhất là gây nên bệnh ung thư da.

Khi con người chúng ta biết hoà giải với vạn vật, ta mới cảm nghiệm được làn gió mát mơn man trên da thịt mình vào buổi sớm hôm nay là ân huệ của Thiên Chúa và có sự hiện diện của Ngài như tiên tri Êlia (x. 1V 19,13a). Chính vì quá tin tưởng vào khoa học kỹ thuật, muốn cho nhiệt độ trong phòng của mình lúc nào cũng giữ ở 22-25 độ C, bất kể các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mà chúng ta quên rằng cơ thể của mình cần thay đổi để thích ứng với nhiệt độ nóng, lạnh của bầu khí tự nhiên, nhờ đó được mạnh mẽ, dễ dàng chống lại bệnh tật.

Khi chúng ta biết hoà giải với vạn vật rồi, thì nóng lạnh, nắng mưa, thậm chí bão tố, hạn hán, lụt lội, động đất… không còn làm chúng ta lo sợ hãi hùng. Chúng ta sẽ bước đi vững vàng, vượt lên trên những hiện tượng thiên nhiên đó như bước chân của Phêrô trên mặt biển dậy sóng bên cạnh Chúa Giêsu. Đó là đời sống hoà nhập, hoà giải với thiên nhiên mà cha ông chúng ta trước đây đã từng sống.

Người Công giáo chúng ta nên đi bước đầu trong công cuộc hoà giải với vạn vật và bảo vệ môi trường thiên nhiên bằng những hành động cụ thể trong đời sống. Những xứ đạo có thể chỉ cần bớt đi khoản chi tiêu cho những buổi tiệc tùng trong một dịp mừng lễ nào đó, để mua cho mỗi nhà một thùng đựng rác có nắp đậy và giữ vệ sinh sạch sẽ trong các đường làng, thôn xóm của mình, cũng đã đủ để nhắc nhở mọi người bài học về sự tôn trọng vạn vật và cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều.

Kết luận

Bài học Chúa Giêsu cho thánh Phêrô đi trên mặt biển hôm nay, như mời gọi chúng ta thay đổi thái độ đối xử với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống không phải chỉ vì những động lực tự nhiên bên ngoài với những luật lệ ràng buộc trong xã hội hay do sự cổ vũ của những tổ chức trong cộng đồng. Nhưng bài học này bắt nguồn từ chính Thiên Chúa là người Cha Chung của muôn loài và từ Đức Giêsu là người anh cả trong đại gia đình Thiên Chúa. Chỉ khi mỗi người chúng ta coi vạn vật trong thiên nhiên là những đứa em thật sự của mình để tìm hiểu và hết lòng yêu thương chúng, ta mới chiến thắng những sức mạnh thiên nhiên và hoà giải với muôn loài.