Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 7-8-2011
CASTEL GANDOLFO – Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 7-8-2011 với hàng ngàn tín hữu hành hương tại Castel Gandolfo, ĐTC Bênêđictô XVI kêu gọi các tín hữu tín thác cầu nguyện và ngài tái kêu gọi hoà bình cho Syria và Lybia.
KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA: 7-8-2011
CASTEL GANDOLFO – Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 7-8-2011 với hàng ngàn tín hữu hành hương tại Castel Gandolfo, ĐTC Bênêđictô XVI kêu gọi các tín hữu tín thác cầu nguyện và ngài tái kêu gọi hoà bình cho Syria và Lybia.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa Nhật 19 Thường Niên:
Anh chị em thân mến,
“Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu rút lui lên núi và cầu nguyện suốt đêm. Ở một nơi riêng, cách biệt với dân chúng và các môn đệ, Chúa biểu lộ sự thân mật với Chúa Cha và cho thấy sự cần thiết phải cầu nguyện trong cô tịch, xa những huyên náo của thế giới. Nhưng sự kiện Chúa rút xa như thế không được hiểu như một thái độ không quan tâm đối với con người hoặc bỏ rơi các Tông đồ. Đúng hơn, như Thánh Mathêu thuật lại, Chúa đưa các môn đệ lên thuyền “để đi trước ngài đến bờ bên kia” (Mt 14,22), để gặp lại họ ở đó. Trong khi ấy, con thuyền “đã ra khỏi bờ vài hải lý và bị sóng gió làm giao động: vì gió thổi ngược” (v. 24) và này đây, “khi đêm gần tàn, Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến gặp các môn đệ” (v. 25); các môn đệ kinh hoàng và tưởng Ngài là bóng ma, nên hô lớn vì sợ hãi” (v. 26), họ không nhận ra Ngài, và không biết đó là Chúa. Nhưng Chúa Giêsu trấn an họ: “Hãy can đảm lên, Thầy đây, các con đừng sợ!” (v. 27). Đó là một giai thoại mà các Giáo phụ rút ra được những ý nghĩa phong phú. Biển tượng trưng cuộc sống hiện nay và sự bấp bênh của thế giới hữu hình; bão tố chỉ mọi thứ sầu muộn, khó khăn, đè nén con người. Trái lại, con thuyền tượng trưng Giáo Hội được xây dựng trên Chúa Kitô và được các Tông đồ hướng dẫn. Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ can đảm chịu đựng những nghịch cảnh của cuộc sống, tín thác nơi Thiên Chúa, nơi Đấng đã tỏ mình ra cho Ngôn sứ Elia trên núi Horeb “trong tiếng thì thầm của cơn gió nhẹ” (1 V 19,12). Đoạn Tin Mừng này nói về cử chỉ của Thánh Phêrô Tông đồ: thánh nhân, được lòng yêu mến Thầy thúc đẩy, đã xin đi trên mặt nước để đến gặp Ngài. “Nhưng khi thấy gió thổi mạnh, Phêrô sợ hãi và bắt đầu chìm, nên la lớn: ‘Lạy Chúa xin cứu con!’ (Mt 14,30).
Thánh Augustinô, khi hình dung ra như đang nói với Thánh Phêrô, đã bình luận rằng: Chúa “đã hạ mình xuống và cầm lấy tay ông. Với nguyên sức mạnh của ông, ông không thể trỗi dậy được. Hãy nắm lấy tay Đấng đã xuống cùng ông” (Enarr. in Ps. 95,7: PL 36,1233). Phêrô đi trên mặt nước không phải do sức riêng của mình, nhưng nhờ ơn Chúa, Đấng mà thánh nhân tin tưởng, và khi bị nghi ngờ vây phủ, khi không còn chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu nữa, nhưng lo sợ vì gió, khi không hoàn toàn tín thác vào lời Thầy nữa, nghĩa là xa lìa Chúa thì khi ấy Phêrô bị nguy cơ bị chìm lỉm trong biển cả của cuộc sống. Đại tư tưởng gia Romano Guardini đã viết rằng Chúa “luôn luôn ở gần kề, ở nơi căn cội cuộc sống của chúng ta. Nhưng chúng ta phải cảm nghiệm quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa giữa hai cực xa cách và gần gũi. Chúng ta được củng cố nhờ sự gần gũi, và bị thử thách vì sự xa cách” (Chấp nhận chính mình, Brescia 1992, 71).
Và ĐTC kết luận: “Các bạn thân mến, kinh nghiệm của Ngôn sứ Êlia nghe Chúa đi qua và sự chao đảo đức tin của Tông đồ Phêrô, giúp chúng ta hiểu rằng trước khi chúng ta tìm kiếm hoặc kêu cầu Chúa, thì chính Chúa đến gặp chúng ta, Chúa hạ trời cao xuống để giơ tay cho chúng ta, kéo chúng ta lên tới chiều cao của Chúa; Chúa chỉ mong đợi chúng ta hoàn toàn tín thác nơi Ngài. Chúng ta hãy kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria, gương mẫu về lòng tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, để giữa bao nhiêu lo lắng bận tâm, bao nhiêu vấn đề và khó khăn làm giao động biển cả đời sống chúng ta, chúng ta nghe thấy lời trấn an của Chúa Giêsu vang dội trong tâm hồn: Hãy can đảm lên, Thầy đây, các con đừng sợ! và lòng tin của chúng ta nơi Chúa được tăng trưởng.
Sau kinh Truyền Tin và phép lành, ĐTC đã bày tỏ lo âu về tình hình bạo lực tại Syria:
“Tôi rất lo âu theo dõi những biến cố bạo lực bi thảm ngày càng gia tăng tại Syria, gây ra nhiều nạn nhân và đau khổ trầm trọng. Tôi mời gọi các tín hữu Công giáo hãy cầu nguyện để nỗ lực hoà giải trổi vượt trên chia rẽ và hận thù. Ngoài ra, tôi tái tha thiết kêu gọi chính quyền và nhân dân Syria hãy sớm tái lập sự sống chung hoà bình và đáp ứng một cách thích hợp những khát vọng hợp pháp của các công dân, trong niềm tôn trọng phẩm giá của họ và để cho toàn vùng được ổn định.
Tôi cũng nghĩ đến Lybia, nơi mà sức mạnh của vũ khí đã không giải quyết được tình trạng. Tôi nhắn nhủ các tổ chức quốc tế và những người hữu trách chính trị và quân sự hãy tái xác tín và quyết liệt đẩy mạnh sự tìm kiếm một kế hoạch hoà bình cho đất nước này qua cuộc thương thuyết và đối thoại xây dựng”.
Cuộc chiến tại Lybia đã kéo dài gần 5 tháng, và mặc dù không lực của khối NATO liên tục oanh kích, nhưng vẫn chưa đánh tan được lực lượng của Gheddafi và cuộc chiến ngày càng có nguy cơ sa lầy.
Trong tuần qua, Ngoại trưởng Pháp nhìn nhận rằng “chúng tôi đã coi nhẹ sức kháng cự của Gheddafi”. Về tình hình Syria, các nước Tây phương mạnh mẽ lên án chế độ của Tổng thống Assad. Nhưng các nhà phân tích cũng đặt câu hỏi: Tại sao phe đối lập có thể võ trang mau lẹ như vậy? Lực lượng nào đứng sau phe chống đối? Vì thế, qua lời kêu gọi trên đây, ĐTC không lên án riêng chế độ tại Syria hiện nay nhưng kêu gọi cả hai phe.
Trong phần chào thăm các tín hữu bằng các thứ tiếng khác, ĐTC tóm tắt bài huấn dụ đồng thời đưa ra những lời nhắn nhủ riêng. Như với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài nói: “Chúa vẫn ở đó, Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúng ta đừng quên cầu nguyện với Chúa mỗi ngày. Hãy luôn dành thời giờ cho việc cầu nguyện. Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta đi từ sợ hãi đến yêu thương, cho chúng ta thấy tôn nhan rạng ngời của Thiên Chúa, như Ngài đã tỏ ra khi Chúa Giêsu hiển dung! Xin Mẹ Maria tháp tùng chúng ta, và đặc biệt là hàng trăm bạn trẻ người Irak đang hiện diện giữa chúng ta và tôi thân ái chào thăm họ!”
Với các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha, ĐTC nhắc đến sự kiện Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Madrid đang đến gần và mời gọi tất cả mọi người cầu xin Mẹ Maria cho cuộc gặp gỡ này được nhiều thành quả.
Bằng tiếng Ba Lan, ĐTC cho biết ngài hiệp ý với các tín hữu từ các nơi ở Ba Lan đang đi bộ đến Đền thánh Jasna Gora ở Czestochowa trong những ngày này. Ngài cũng đặc biệt chào thăm các tham dự viên kỷ niệm 300 năm cuộc hành hương đi bộ từ thủ đô Varsava và nói rằng “tôi cầu chúc cho hành trình này với Mẹ Maria, trong cuộc lữ hành đức tin, củng cố chiều kích Tin Mừng trong đời sống bản thân, gia đình và xã hội của anh chị em. Tôi cũng phó thác sứ vụ giáo hoàng của tôi cho lời cầu nguyện của anh chị em”.