26/11/2024

Chúa Nhật XVII TN – A: Dành ưu tiên cho Nước Trời

Nước Trời giống như kho báu và viên ngọc vô cùng quý giá đáng cho chúng ta bán tất cả những gì mình có để chiếm hữu được nó

 Dành ưu tiên cho Nước Trời

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hai dụ ngôn kho báu và ngọc quý trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta dành ưu tiên cho Nước Trời. Nước Trời giống như kho báu và viên ngọc vô cùng quý giá đáng cho chúng ta bán tất cả những gì mình có để chiếm hữu được nó.

Tuy nhiên có người lại nghĩ rằng kho báu và viên ngọc đâu có quý bằng bao gạo, chai nước trong cơn đói khát của đời người! Thử đi vào sa mạc mà xem: trong cơn khát nước, ngưới ta sẵn sàng đánh đổi cả nắm kim cương lấy một chai nước uống để sống. Nước Trời đâu có quý bằng sự sống của con người!

Vì thế có lẽ chúng ta phải tìm hiểu xem Chúa Giêsu muốn dạy gì về Nước Trời qua 2 dụ ngôn này.

1.      NƯỚC TRỜI BAO GỒM NHỮNG NỘI DUNG GÌ?

Ta không thể hiểu được ý nghĩa các dụ ngôn của Chúa Giêsu nếu không xác định được Nước Trời là gì.

1.1. Ý nghĩa từ ngữ

Nước Trời (NT) hay Nước Thiên Chúa (NTC) là hai từ ngữ được dùng rất nhiều lần trong Thánh Kinh, đặc biệt trong Tân Ước. Cả hai từ có nghĩa và nội dung như nhau, chỉ khác từ Trời hay Thiên Chúa. Thánh sử Matthêu dùng từ Nước Trời vì viết Tin Mừng cho người Do Thái, những người này kiêng không dám kêu tên Thiên Chúa, trong khi 3 thánh sử Marcô, Luca, Gioan và các Tông đồ lại dùng từ Nước Thiên Chúa cho dễ hiểu vì các ngài viết cho lương dân.

Xét về nguyên ngữ Latinh, Nước Trời (regnum coeli) hay Nước Thiên Chúa (regnum Dei) có từ regnum (nước) cũng thường được dịch là vương quốc hay triều đại Thiên Chúa vì hàm ý có ông vua  (rex) cai trị đất nước trong thời kỳ các dân tộc đều theo chế độ quân chủ trước đây. Từ regnum này nhắc ta nên hiểu lời kinh “Nước Cha trị đến” trong kinh Lạy Cha đọc thường ngày cũng nằm trong nội dung này.

1.2. Nước Trời là gì?

Trước hết, NT không phải là một nước cổ tích của tuổi thơ trong đó mọi sự đều tốt đẹp, vì có những bà tiên hiền hậu hay Thiên Chúa làm sẵn mọi sự cho ta. NT cũng không phải là một nước ảo tưởng về một xã hội vô giai cấp trong đó không còn cảnh người bóc lột người, mọi người vì một người, một người vì mọi người, không còn tư hữu nhưng mọi người đều hưởng chung tất cả tài sản là thế giới này (x. ĐTC Bênêđictô XVI, Đức Giêsu  thành Nazareth, chương 5, Lời kinh của Chúa, NXB Tôn Giáo, 2008, tr. 147). NT cũng chẳng phải là  ơn cứu độ hay thiên đàng siêu nhiên như một thực thể hay một địa điểm khởi đi từ nơi mà nước trần thế tự nhiên ở trần gian này kết thúc” (x. Hội Đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (TLHTXH), số 64, NXB Tôn Giáo, 2007, tr. 72).

Khi chúng ta nói đến Nước Việt Nam là chúng ta nghĩ ngay đến một thực tại bao gồm nhiều yếu tố như lãnh thổ hình chữ S, có diện tích rõ ràng, có dân số hiện nay khoảng 90 triệu người với 54 dân tộc, có nền văn hoá riêng, có tổ chức chính quyền, luật pháp, kinh tế riêng biệt…

Nước Trời cũng tương tự như thế. Nước Trời bao gồm một nội dung sâu xa, phong phú và lớn lao hết sức vì nó vừa diễn tả một lãnh thổ, vừa bao hàm một dân tộc, vừa chứa đựng cả quyền bính, kinh tế, xã hội, văn hoá. Nước ấy có một lãnh thổ bao la, trải rộng cho muôn loài muôn vật và những con người được Thiên Chúa biết trước thì Ngài đã tiền định cho họ gia nhập vào nước ấy, sau khi đã làm cho họ trở nên công chính bằng máu của Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô đổ ra trên thập giá để họ được chia sẻ vinh quang của con cái Thiên Chúa như chúng ta vừa nghe trong bài đọc II (x. Rm 8, 29-30).

NT hay vương quyền của Thiên Chúa cũng giống như thế. NT bao gồm một lãnh thổ vô hình vì Thiên Chúa là tinh thần không bị giới hạn bởi vật chất, không gian hay thời gian. NT cũng hàm chứa vương quyền bao la và mạnh mẽ vô song của Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Đấng Tối Cao. NT cũng bao hàm một luật lệ mà tất cả những ai thuộc về nước đó đều phải tuân theo. Thiên Chúa là tình yêu nên luật lệ tối thượng của NT chính là luật yêu thương.

Nước Trời có một nền văn hoá là chính Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là sự thật và sự sống, thánh thiện và ân sủng, công lý, tình yêu thương và hoà bình (x.SĐD, TLHTXH, số 57; Kinh Tiền tụng lễ Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, Sách Lễ Rôma) nên tất cả những ai tham dự vào NT thì đón nhận Thiên Chúa như là bản sắc văn hoá của mình và cố gắng xây dựng đời sống mình theo những giá trị tích cực ấy. Quả thật, người tín hữu có quyền tự hào về nền văn hoá độc đáo này.

Những giá trị đó cũng là những tiêu chuẩn để họ hành động trong cuộc sống trần gian. Họ sẽ theo đuổi sự thật chứ không phải giả dối, xây dựng nền văn hoá sự sống chứ không phải sự chết, xây dựng nền văn minh tình yêu chứ không phải hận thù, theo đuổi ân sủng để tặng không cách quảng đại chứ không phải danh lợi để giữ lại như những tên ăn mày keo kiệt ở chợ đời.

1.3. Nước Trời là ai?

Cuối cùng, Nước Trời là chính Đức Giêsu Kitô và ơn cứu độ của Người (x.SĐD, TLHTXH, số 39-40, 49-51). Đức Giêsu là hiện thân của NT. Người là NT cụ thể, hiện thực, đã đến sát ngay bên con người vì thế “cần phải sám hối” (x. Mc 1,15). Người còn nhắc nhở thêm: “NTC không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta không nói “Ở đây” hay “Ở kia” vì NTC đang ở giữa các anh chị em” (Lc 17,20-21).

Như thế, khi chúng ta gắn bó với Đức Kitô và trở nên đồng hình, đồng dạng với Người, thì chúng ta lại trở thành hiện thân của NT. Do đó chúng ta cũng thể hiện nền văn hoá Nước Trời cho tất cả những ai đang sống trên trần thế. Cuối cùng khi tất cả chúng ta vượt qua ngưỡng cửa của cái chết, chúng ta sẽ hưởng trọn vẹn sự thật và sự sống, trở nên thánh thiện và tràn đầy ân sủng, cảm nhận được sự hiệp thông trong sự công chính, bình an và tình yêu thương hoàn hảo với Thiên Chúa.

2. DÀNH ƯU TIÊN CHO NƯỚC TRỜI

Hiểu được Nước Trời với nội dung phong phú như thế, chúng ta mới thấy rõ yêu cầu của Đức Giêsu hôm nay: dành ưu tiên cho Nước Trời. Như người đi tìm ngọc quý hay khám phá ra kho tàng chôn giấu trong ruộng, chúng ta dám bán tất cả những gì mình đang có thuộc về trần thế tục luỵ này để chiếm hữu được Nước Trời.

2.1. Ưu tiên cho Chúa.Trong cuộc sống nơi trần thế, Chúa hiểu chúng ta phải lo cơm áo, gạo tiền với những quyến rũ, thu hút làm cho chúng ta có thể chiều theo những tham vọng, dục vọng và sử dụng những thủ đoạn, dối trá, bất công để chiếm cho được những điều mình mơ ước. Tuy nhiên, những công dân Nước Trời có một bản sắc văn hoá riêng, luật pháp riêng, tiêu chuẩn hướng dẫn hành động riêng nên chúng ta không thể dối trá, bất công, bất nghĩa với mọi người sau khi được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Giống như vua Salomon trong bài đọc I hôm nay (1V 3,5.7-12), ngài chỉ xin Chúa ban cho mình “một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” và lời xin ấy rất đẹp lòng Chúa nên Ngài đã ban ơn khôn ngoan cho nhà vua và từ sự khôn ngoan ấy, vua có được tất cả những thứ khác. Đức Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta hôm nay: “Anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước đã rồi tất cả những thứ khác sẽ được ban thêm cho anh em” (Mc 6,33).

Quả thật, trong cuộc sống có những lúc chúng ta đói cơm, khát nước, nghèo khổ nhưng chúng ta không thể từ chối những giá trị tích cực và vĩnh hằng đã được Thiên Chúa đặt để trong lòng ta để đi cướp thùng gạo, chai nước hay những sở hữu chính đáng của người khác. Giống như Chúa Giêsu, chúng ta có thể chết đói, chết khát, chịu nhục nhã bất công để mang lại ơn cứu độ cho con người. Khi chúng ta dám chấp nhận cái chết trên thập giá như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy tác động của Thiên Chúa làm cho chúng ta sống lại và ban cho gấp bội những gì chúng ta mơ ước vì chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là sự thật và sự sống, nguồn của chân thiện mỹ và hạnh phúc vĩnh hằng. Đó là cách hành động của công dân Nước Trời: dành ưu tiên cho Thiên Chúa (x. SĐD, TLHTXH, số 57-58, 60).

2.2. Một thí dụ cụ thể

Tôi được mời gọi nghiên cứu về sự kiện hàng ngàn phụ nữ tin rằng mình có thai sau khi đến cầu khấn tại một dòng tu ở Thủ Đức, TP.HCM. Mỗi chiều thứ Bảy cuối tháng, có rất nhiều phụ nữ khắp nơi tụ tập tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Gò Vấp để cầu xin Chúa ban phước cho bào thai của mình. Tuy nhiên, khi hỏi một số phụ nữ đó, người ta thấy nhiều điều bất thường. Sự kiện mang thai của một số người này đã được các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Công an TP.HCM đã tường thuật và nhận định. Điều cần thiết là chúng ta phải tìm ra sự thật và trả lại công lý cho Thiên Chúa.

Chúng ta cần cầu nguyện cho các chị em này vì ngoài một ít người thật sự mang thai do ơn Chúa, trong điều kiện bình thường, còn có nhiều người mang thai giả vì hoang tưởng như một dạng tâm thần, một số người bị áp lực tâm lý vì gia đình bên chồng muốn mình có con, một số người khác bụng to lên vì những lý do tâm linh. Đối với những chị em như thế, chúng ta cần giúp họ tìm lại được sức khỏe tòan diện của mình. Chúng tôi đã trình bày điều này trên trang web hanhkhatkito.org ở mục Thắc mắc – Giải đáp. Anh chị em có thể truy cập để biết thêm chi tiết.

Tuy nhiên, nhiều chị em, khi bụng xẹp rồi thì nhiều người đánh mất luôn niềm tin vào Chúa. Họ tưởng Chúa của người Công giáo lừa dối họ: lúc đầu nói ban ơn cho họ mang thai, họ đi tạ lễ ở nhiều nơi, sống đạo đức, dâng cúng tiền của cho các nhà thờ, các nơi hành hương. Bây giờ không còn bào thai thì họ vỡ mộng! Đối với họ, bào thai với đứa con là ưu tiên hay nói đúng hơn là tất cả. Nếu chúng ta chỉ tìm đứa con như một giá trị tối thượng, nếu chúng ta chỉ tìm nồi gạo, danh dự, quyền lực, địa vị như những giá trị tối thượng thì không bao giờ chúng ta là công dân của Nước Trời.

Kết luận

Sau khi tìm hiểu Nước Trời với nội dung phong phú, chúng ta thật sự tự hào được làm công dân Nước Trời. Chúng ta có bản sắc văn hoá là những giá trị vĩnh hằng, có luật tình yêu và có Thiên Chúa đang ở với chúng ta, ở trong chúng ta để xây dựng Nước của Ngài qua những hành động tốt đẹp của chúng ta làm cho nhân loại hôm nay. Việc dành ưu tiên cho Nước Trời không còn là bỏ quên xã hội trần thế nhưng là một đòi hỏi cần thiết để xây dựng và phát triển bền vững toàn diện cộng đồng nhân loại.

Cầu chúc anh chị em là những chứng nhân sống động của Nước Trời trong xã hội hôm nay.