23/11/2024

Các vũ khí nguyên tử không thích hợp với hoà bình

KANSAS CITY – Trong một buổi thuyết trình tại thành phố Kansas, Hoa Kỳ, hồi đầu tháng 7 này Đức Tổng Giám mục Francis Chullikat, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh tổ chức Liên Hiệp Quốc ở New York, đã mạnh mẽ khẳng định rằng các vũ khí nguyên tử không thích hợp với nền hoà bình mà chúng ta mong muốn.

Các vũ khí nguyên tử không thích hợp với hoà bình 

KANSAS CITY – Trong một buổi thuyết trình tại thành phố Kansas, Hoa Kỳ, hồi đầu tháng 7 này Đức Tổng Giám mục Francis Chullikat, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh tổ chức Liên Hiệp Quốc ở New York, đã mạnh mẽ khẳng định rằng các vũ khí nguyên tử không thích hợp với nền hoà bình mà chúng ta mong muốn.
 
Trong bài thuyết trình có tựa đề “Vấn đề nguyên tử: Huấn quyền Giáo Hội và tình hình hiện nay”, Đức Tổng Giám mục Chullikat cho biết hiện có 20.000 vũ khí hạt nhân được bố trí tại 111 nơi thuộc 14 quốc gia trên thế giới. Mỗi năm thế giới tiêu 100 tỷ mỹ kim cho việc duy trì và tân trang các kho vũ khí hạt nhân. Các con số trên đây cho thấy 20 năm sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, vấn đề vũ khí hạt nhân vẫn chưa được giải quyết. Các vấn đề rộng lớn này khiến cho Giáo hội Công giáo lo âu. Và dựa trên các giáo huấn của Công đồng Chung Vatican II, của Đức Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Giáo Hội tiếp tục thuyết phục cộng đồng quốc tế đừng ủng hộ các vũ khí hạt nhân.
 
Đức Tổng Giám mục Chullikat nói: “Giáo Hội kinh hoàng trước ý tưởng về bất cứ vũ khí hạt nhân nào”. Việc lên án các vũ khí hạt nhân bắt nguồn từ sự tôn trọng sự sống và phẩm giá con người. Các Thoả hiệp không gia tăng vũ khí hạt nhân đều tích cực, nhưng chỉ là một bước chuyển tiếp, bởi vì mục tiêu phải là giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Ý hướng của các quốc gia sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt đã là loại bỏ các kho vũ khí hạt nhân và phát triển kỹ thuật nguyên tử cho các mục đích dân sự. Nhưng điều này đã không xảy ra, và nhiều quốc gia khác nhau dựa trên vũ khí hạt nhân để củng cố nền an ninh của mình. 
 
Theo Giáo hội Công giáo, mục đích không phải là khiến cho thế giới được an ninh hơn qua sự đe doạ của các vũ khí hạt nhân, nhưng đúng hơn là khiến cho nó an ninh hơn qua việc giải trừ vũ khí hạt nhân được chia sẻ và có thể kiểm thực được. Trong một trận chiến nguyên tử sẽ không có các kẻ chiến thắng mà chỉ có các nạn nhân mà thôi. Nền hoà bình đích thực đòi hỏi việc giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Người ta ước đoán rằng thế giới đã chi tiêu 3 trillion, tức là 1 triệu nhân lên với 1.000 tỷ mỹ kim. Số tiền khổng lồ đó sẽ có thể tài trợ cho biết bao nhiêu dự án phát triển để cho biết bao nhiêu dân tộc được hưởng nhờ.
 
Liên quan tới các hậu quả của các vũ khí hạt nhân, cần phải nhớ rằng ngoài con số biết bao nhiêu người bị tàn sát còn có hậu quả do nhiễm xạ gây ra, mà không thể ngăn cản được. Vào năm 1996, Toà án Công lý Quốc tế đã khẳng định rằng phải kết thúc các cuộc thương thuyết nghiêm chỉnh để loại bỏ vũ khí hạt nhân. Giáo Hội mạnh mẽ khuyến khích bất cứ tiến trình nào giúp đạt mục đích này, và tái khẳng định rằng các vũ khí nguyên tử không thích hợp với nền hoà bình mà chúng ta muốn cho thế kỷ XXI. (SD 21-7-2011 RG 22-7-2011)