Chúa Nhật XVI TN-A: Chính tà khó đoán, tốt xấu khó lường
Dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng lúa”, qua bài Tin Mừng hôm nay, gợi ý cho ta suy nghĩ về hai loại người tốt xấu trong xã hội như cây lúa và cỏ lùng mọc xen lẫn nhau trong ruộng đồng. Câu hỏi đặt ra là làm sao để khám phá ra họ và đối xử với họ theo đúng ý Chúa.
Chính tà khó đoán, tốt xấu khó lường
Hành khất Kitô
Lời mở
Dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng lúa”, qua bài Tin Mừng hôm nay, gợi ý cho ta suy nghĩ về hai loại người tốt xấu trong xã hội như cây lúa và cỏ lùng mọc xen lẫn nhau trong ruộng đồng. Câu hỏi đặt ra là làm sao để khám phá ra họ và đối xử với họ theo đúng ý Chúa.
1. Làm sao để khám phá ra người tốt, kẻ xấu?
Việc khám phá ra người tốt, kẻ xấu là việc khó, đòi hỏi sự hiểu biết và cả những kinh nghiệm sống trong cuộc đời như cha ông ta vẫn thường nói: “Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân”.
1.1. Thật vậy, khi Thiên Chúa dựng nên con người và vạn vật, Ngài chia sẻ cho tất cả thụ tạo sự khôn ngoan, xinh đẹp, tốt lành trong bản tính thần diệu của mình giống như người chủ ruộng chỉ gieo giống tốt trong ruộng lúa. Nếu đọc chương đầu tiên của sách Sáng Thế kể lại công trình sáng tạo vũ trụ, ta sẽ thấy câu “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” được nhắc đi nhắc lại 8 lần (x. St 1,1.4.10.12.18.20.25.31). Cha ông ta cũng đã thuộc nằm lòng câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện” – nghĩa là con người nguyên thuỷ tính vốn lành – trong sách Tam Tự Kinh.
Tuy nhiên, khi trao cho các thiên thần và con người những khả năng của tinh thần như lý trí, ý chí tự do, sự phân biệt tốt xấu giống như Ngài là Tinh thần Tuyệt đối (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (TLHTXHCG), số 114) để họ trở nên giống hình ảnh mình (x. St 1,27; Sđd, số 108), là Thiên Chúa đã thấy trước thiên thần cũng như con người có khả năng từ chối Ngài, cắt đứt quan hệ với Ngài, rồi đánh mất sự tốt lành thánh thiện và sự công chính nguyên thuỷ (x. TLHTXHCG, số 115). Họ trở thành kẻ thù của Thiên Chúa, thành con người xấu xa như cỏ lùng trong ruộng lúa trần gian.
1.2. Cây lúa và cỏ lùng, trong suốt thời gian tăng trưởng, hầu như giống hệt nhau và rất khó phân biệt. Người tốt, kẻ xấu trong cuộc sinh tồn ở trần thế cũng thật giống nhau, khó mà phân biệt được chính tà.
Giáo sư triết học Kim Dung đã trình bày luận đề này rất hay trong cuốn tiểu thuyết võ hiệp “Tiếu ngạo Giang hồ” mà nhiều người chúng ta có thể đã đọc và đã xem các bộ phim này. Câu chuyện xoay quanh chàng thanh niên lãng tử Lệnh Hồ Xung thuộc chính phái Hoa Sơn. Chàng khám phá ra rằng trong giang hồ có nhiều người thuộc danh môn chính phái nhưng hành động lại gian xảo, hiểm ác hơn cả những người trong giới ma đầu tà phái, cụ thể như sư phụ của chàng, chưởng môn Nhạc Bất Quần, được giang hồ tôn là Quân Tử Kiếm. Trong khi đó có nhiều người bị coi là bàng môn tả đạo lại hành động cao thượng, liêm chính, trọng tình, trọng nghĩa hơn cả những người được ca tụng là chính nhân quân tử. Như thế, chính tà thật khó phân minh. Anh hùng hiệp nữ, xét cho cùng, là những ai luôn hành động cao đẹp để không hổ thẹn với lòng mình là được, bất kể những đánh giá của người đời.
Trong đời sống xã hội hay cộng đồng tôn giáo ta cũng gặp thấy y như vậy. Có những bậc chức sắc tôn giáo hành động thật quang minh chính đại nhưng cũng không thiếu những người thật bỉ ổi, xấu xa. Trái lại, có những người bị coi là tội lỗi, hèn hạ nhưng tâm hồn họ lại nhân ái, cao thượng khó ai bì kịp. Điều này gợi ý cho chúng ta cần phải rất thận trọng khi phê bình hay xét đoán người khác vì chúng ta chỉ nhìn thấy những gì ở bên ngoài chứ không thể nhìn thấu tâm hồn bên trong của họ.
1.3. Cuối cùng, cỏ lùng và lúa tốt chỉ phân biệt được vào mùa gặt khi cây lúa cho hạt gạo và cỏ lùng cho hạt cỏ. Người tốt kẻ xấu cũng chỉ phân biệt được vào ngày tận thế khi Thiên Chúa công bố công đức của con người qua các hành động cụ thể thật sự tốt đẹp của họ. Đức Giêsu đã từng dạy ta phân biệt người tốt kẻ xấu qua hành động của họ như phân biệt cây tốt cây xấu qua hoa quả của chúng (x. Mt 7,17-18).
Tuy nhiên, hoa quả của cây cối hay hành động của con người chỉ có thể được đánh giá nhất thời do con người và được đánh giá vĩnh viễn do Thiên Chúa, Đấng nhìn thấy trọn vẹn đời sống và tâm tư con người. Có những con người có thể lúc này, lúc nọ được đánh giá là người tốt do những hành động có vẻ tốt của họ, nhưng cuối cùng họ mới lộ bộ mặt thật xấu xa. Ta không nhìn ra và đánh giá đúng vì ta không thể nhìn trọn vẹn được đời sống và những ý đồ thầm kín của con người như Thiên Chúa. Do đó, ta đừng vội đánh giá con người như Đức Giêsu dạy ta: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1).
2. Đối xử với người tốt và kẻ xấu thế nào theo đúng ý Chúa
Trong sự phân công của xã hội hay cộng đồng, chúng ta không thể sống cô độc, bịt mắt, bịt tai, bịt miệng như những chú khỉ khôn ngoan. “Con người là một hữu thể xã hội, nên không thể nào sống cũng như không thể nào phát triển tiềm năng của mình nếu không liên hệ với người khác” (x. GLHTCG, số 1869; TLHTXHCG, số 110). Vì thế, chúng ta cần có thái độ đối xử đúng đắn với người tốt kẻ xấu trong cộng đồng xã hội theo đúng ý Chúa. Chúng tôi xin giới thiệu vài thái độ sau đây:
2.1. Thái độ đầu tiên là nhìn nhận mọi người mọi vật đều là anh chị em mình trong đại gia đình Thiên Chúa để luôn đối xử công minh quảng đại như Chúa đối với ta, dù người khác có thể nói xấu, làm hại, đóng đinh ta như đóng đinh Chúa Giêsu. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người và sẽ là thẩm phán Cánh Chung để xét xử công bình cho ta trong ngày Tận Thế. Ta càng khoan dung quảng đại với người, ta càng nhận được lòng từ bi và thương xót của Chúa như Chúa dạy ta qua bài đọc I hôm nay (Kn 12,13.16-19): “Người công chính phải có lòng nhân ái. Thiên Chúa đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối”.
2.2. Chúng ta đừng mang ý nghĩ “thế thiên hành đạo” nghĩa là thay trời xét xử người khác, nhất là đối với những ai có chức có quyền. Chúng ta đã nghe người chủ ruộng ngăn cản các đầy tớ muốn đi gom cỏ lùng lại rằng: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” là ngày Tận Thế. Chúng ta thường bị thúc đẩy bởi ích chung của xã hội hay của cộng đồng nên muốn lên án kẻ xấu, loại trừ kẻ bất lương, trừng phạt kẻ có tội.
Tuy nhiên, khi hiểu rằng chính tà thật khó phân minh, con người dù tốt hay xấu đều bị thúc đẩy bởi những dục vọng hay bị ma quỷ xúi giục cám dỗ, chúng ta sẽ phải rất thận trọng trong hành động “diệt gian trừ bạo” của mình.
Thật ra không có kẻ ác mà chỉ có những người làm điều ác. Vì thế, chúng ta nên nhớ đến nguyên tắc hành động thứ hai là “chỉ lên án tội lỗi nhưng thương xót tội nhân”. Trong thực tế, những kẻ làm điều ác do bản chất thiện hảo của mình với lương tâm ngay chính ẩn sâu trong họ, họ vẫn có thể sám hối, thay đổi đời sống để trở thành người tốt giống như dâm tặc Điền Bá Quang và hàng ngàn cao thủ bàng môn tả đạo, vì cảm phục hành động nhân nghĩa của Lệnh Hồ Xung, đã trở thành người tốt như các ni cô của chính phái Hằng Sơn. Vì thế, chúng ta cần giúp đỡ những người làm điều xấu có cơ hội sám hối ăn năn.
2.3. Thái độ thứ ba dành cho những người thật sự có quyền lực, có ảnh hưởng, có trách nhiệm đối với cộng đồng là họ phải hành động công minh và quản lý với lòng từ bi cao cả như Chúa nói với họ hôm nay: “Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh và vì Chúa bá chủ vạn vật nên nương tay với muôn loài. Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con” (Kn 12,16.18). Họ được mời gọi hãy hành động như chính Chúa Giêsu.
Đức Giêsu có quyền uy vô tận và sức mạnh vô song nhưng Người đã luôn khoan hồng với tội nhân và sẵn sàng đón nhận sự xét xử của người khác. Chúng ta nhớ lại hình ảnh khoan dung của Người khi những người Do Thái đạo đức yêu cầu Người xét xử người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Người hỏi họ như hỏi chúng ta: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người nói với người đàn bà: “Còn tôi, tôi không lên án chị đâu. Thôi, chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (x. Ga 8,1-11).
Kết luận
Trong một xã hội chính tà khó phân biệt, người tốt khó lường như hiện nay với biết bao oan sai khổ nhục mà con người phải chịu đựng, chúng ta được mời gọi nhìn vào Chúa Giêsu Kitô để học bài học khoan dung và nhân hậu của Người.