23/11/2024

Chuyến viếng thăm 5 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội của Đức TGM. Leopoldo Girelli, Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam

Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đã trở lại Việt Nam lần thứ hai để thi hành sứ vụ của ngài từ ngày 5 đến 16/6/2011 tại 5 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội: Bắc Ninh (5–7/6); Lạng Sơn (7–9/6); Hải Phòng (9–12/6); Bùi Chu (12–15/6) và Thái Bình (14–16/6).

Chuyến viếng thăm 5 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội của Đức TGM. Leopoldo Girelli, Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam

WHĐ (17.06.2011) – Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam, sau chuyến viếng thăm Giáo hội Việt Nam vào dịp Hội nghị thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam hồi cuối tháng Tư vừa qua, đã trở lại Việt Nam lần thứ hai để thi hành sứ vụ của ngài từ ngày 5 đến 16/6/2011 tại 5 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội: Bắc Ninh (5–7/6); Lạng Sơn (7–9/6); Hải Phòng (9–12/6); Bùi Chu (12–15/6) và Thái Bình (14–16/6).

Chiều hôm qua, thứ Năm 16/6, Đức TGM Girelli đã kết thúc chuyến viếng thăm 5 giáo phận này. Nhân dịp này WHĐ xin giới thiệu một cái nhìn tổng quát về chuyến viếng thăm lần thứ hai của vị Đại diện Toà Thánh đến Giáo hội Việt Nam.  

Đến với các giáo xứ 

Điểm nổi bật được ghi nhận trước tiên của chuyến viếng thăm này của vị Đại diện Toà Thánh tại năm giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội là vị Đại diện Toà Thánh đã có dịp tới tận các giáo xứ. Ngoài các giáo xứ Chính toà, gần hai chục giáo xứ khác đã được tiếp đón vị Đại diện Toà Thánh:

Nội Bài, Tử Nê, Hương La (giáo phận Bắc Ninh); Mỹ Sơn, Đồng Đăng (Giáo phận Lạng Sơn); Hòn Gai, Đông Xuyên, Đền Các Thánh Tử Đạo Hải Dương, Kẻ Sặt (Giáo phận Hải Phòng); Phú Nhai, Kiên Lao (Giáo phận Bùi Chu); Mỹ Đức, Trung Đồng, Mỹ Đình, Bồng Tiên, Đan Chàng (Giáo phận Thái Bình). Có những giáo xứ nhỏ bé với chỉ khoảng 200 tín hữu như giáo xứ Đồng Đăng, nằm sát biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Có những giáo xứ, như Giáo xứ Kẻ Sặt, được mệnh danh là “Khối óc của giáo phận” (do Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tùng Cương tặng vì có truyền thống lâu đời và là quê hương của các vị Anh hùng đức tin) và cũng đã được Đức TGM Đại diện Toà Thánh gọi là một “Vatican nhỏ”, khi ngài tới thăm giáo xứ, vì đây là một giáo xứ lớn, có truyền thống đức tin kiên trung. Đông Xuyên được chọn vào danh sách các giáo xứ được vị Đại diện đến thăm, vì, như Đức Giám mục giáo phận giải thích, đây là “một giáo xứ truyền thống lâu đời của giáo phận. Các bậc Tiền nhân đã quảng đại đón tiếp các thừa sai đến truyền giáo. Nơi đây cũng đã từng có chủng viện trong thời cấm đạo. Giáo xứ cũng là quê hương của khá đông linh mục, tu sĩ và chủng sinh…”. Và vì “cuộc viếng thăm của Đức Tổng Giám mục Girelli là để khích lệ động viên Đức ông Laurensô Phạm Hân Quynh. Ngài là một chứng nhân của Giáo Hội miền Bắc trong những năm tháng thăng trầm đau khổ. Mặc dù tuổi cao sức yếu, ngài vẫn thao thức cho sự phát triển của Giáo Hội”. 

Thưởng thức một số “đặc sản”

Trong chuyến viếng thăm này, Đức TGM Đại diện cũng đã được thưởng thức một số “đặc sản”: Thăm Cổng Tả thành Bắc Ninh nơi 100 vị đầu mục (Ban hành giáo) đã bị chém và chôn sống ngày 4-4-1862, thăm đền Đô nơi thờ 8 vị vua Triều Lý tại giáo phận Bắc Ninh; thăm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Việt–Trung, dừng chân tại cột mốc biên giới số 1116 của đất nước Việt Nam tại cửa khẩu Hữu Nghị quan, tại cột mốc kilômét số 0 của quốc lộ 1A, con đường huyết mạch của đất nước, thăm Khu thương mại cửa khẩu Tân Thanh, cách Toà Giám mục Lạng Sơn khoảng 30km, gặp gỡ anh chị em tiểu thương Công giáo đang làm việc tại đây, tham quan vịnh Hạ Long, khi thăm giáo phận Hải Phòng, thưởng thức vũ điệu “Đi Cấy” thể theo làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh do các nữ tu trình bày, bài hát quan họ “Mười Nhớ” do các thày chủng sinh thể hiện tại Bắc Ninh, vở chèo “Người Cha Nhân Hậu” do tu sinh và dòng nữ Đa Minh Thái Bình biểu diễn tại giáo phận Thái Bình, ca và vũ với các bạn trẻ tại giáo xứ Nội Bài khi tới giáo phận Bắc Ninh… và cả món “xe Honda ôm” do cha xứ Tử Nê chở từ Tử Nê, cái nôi của giáo phận Bắc Ninh, đến thăm các cháu khuyết tật tại nhà khuyết tật Hương La, đi viếng hai thánh tử đạo Giuse Hoàng Lương Cảnh và Têphanô Nguyễn Văn Vinh ở nhà thờ Hương La.

Chủ đề lớn: Noi gương các thánh tử đạo và truyền giáo

Hai chủ đề, trong cái nhìn của Đức TGM Đại diện, không tách biệt nhau nhưng gắn kết với nhau thành một hành động duy nhất nhằm thể hiện sứ vụ của Giáo Hội, khi hiểu rõ sứ điệp các thánh tử đạo Việt Nam để lại cho Giáo Hội và sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội.

Noi gương các thánh tử đạo

Đức Tổng giám mục Đại diện Toà Thánh đã cử hành Thánh lễ mừng kính các thánh Tử đạo Bắc Ninh, Thánh lễ kính 19 Thánh Tử đạo Thái Bình, viếng Đền các Thánh Tử đạo Hải Dương, Nhà tưởng niệm các Thánh Tử đạo tại Bùi Chu… nhưng không phải để gợi lên lòng hận thù hay chia rẽ. Tại Bắc Ninh, trong Thánh lễ mừng các thánh Tử đạo Bắc Ninh, Đức TGM Girelli đã gợi lên gương của các thánh tử đạo, như của một thánh Anrê Dũng Lạc, “mẫu gương sáng ngời”: “Nhiều người đã trở nên anh chị em trong Đức Kitô nhờ phúc tử đạo, bởi vì máu các vị tử đạo không kéo theo sự trả thù, nhưng là hoà giải. Tử đạo không phải là bị kết tội, nhưng là sức mạnh tình yêu chiến thắng hận thù và bạo lực, nhờ đó tạo nên cộng đoàn mới. Quả thực, nhờ máu của các thánh tử đạo mà Giáo hội địa phương tại Bắc Ninh được sinh ra”. “Các vị tử đạo là những đấng sáng lập của những cộng đoàn mới và vững chắc. Chính việc tử đạo của các ngài giúp gắn bó anh em lại với nhau trong ý nghĩa sâu xa nhất. Các ngài chết cho cùng một Đức Kitô và nhờ tử đạo, các ngài nên một. Sự hiệp thông của cùng một Giáo hội được minh chứng rõ ràng trong máu của các ngài; những dòng máu tuôn chảy từ thân xác các ngài đã hoà quyện thành một dòng máu chảy trong Giáo hội là nhiệm thể của Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Nhờ Thập Giá, mầu nhiệm của tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu Kitô đã được tỏ hiện. Dưới chân Thập giá, Giáo Hội của muôn dân đã được khai sinh”.

Truyền giáo

Ngỏ lời với cộng đoàn Dân Chúa trong bài giảng lễ cầu nguyện cho công cuộc rao giảng Tin Mừng tại giáo phận Bắc Ninh, Đức Tổng giám mục chuyển lời nhắn nhủ của Đức Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Ngày nay ơn gọi của Giáo Hội vẫn là truyền giáo”. Và ngài đã chỉ rõ cho cộng đoàn thấy: “Giáo Hội luôn luôn truyền giáo và không bao giờ làm gián đoạn nẻo đường truyền giáo. Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Thánh Thể mỗi ngày, ban phát các bí tích, công bố Lời Chúa, dấn thân xây dựng công lý và bác ái.”

Đức Tổng giám mục kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy dấn thân loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của mình. Đối với Giám mục và các linh mục, ngài kêu mời các ngài phải là những nhà truyền giáo tiên phong, kiên nhẫn và kiên trì trong việc tông đồ của mình và thực hành những gì các ngài rao giảng. Đối với anh chị em tu sĩ, ngài cho thấy tu sĩ là những nhà truyền giáo đặc biệt, và mời gọi họ kiên trì và sống xứng đáng trong đời tu của mình, nhất là chứng tỏ tình yêu dành cho Chúa Kitô qua đời sống dâng hiến. Đối với anh chị em giáo dân, Đức Tổng giám mục nhấn mạnh đến sứ vụ truyền giáo giữa đời. Ngài mời gọi anh chị em giáo dân giữ vững và bám chặt lấy đức tin và dùng đời sống để công bố đức tin. “Việc truyền giáo phải được thực hiện bằng chính cuộc sống hằng ngày”, ngài nhắn nhủ trong bài giảng tại Giáo xứ Đông Xuyên, Thành phố Hải Phòng.

Tại Mỹ Sơn, vị Đại diện Toà Thánh tiết lộ: “Khi ngồi trên xe đến đây, tôi cứ nghĩ về cái danh gọi Mỹ Sơn của anh chị em, giống một từ tiếng Anh là Mission, có nghĩa là truyền giáo”. Và ngài kêu gọi các tín hữu Mỹ Sơn hãy là những nhà truyền giáo tiên phong như tên gọi giáo xứ của họ.   

Người trẻ cũng phải là những tông đồ gieo rắc niềm hy vọng. Ngỏ lời với hàng ngàn bạn trẻ của Giáo phận Bắc Ninh hướng về Đại hội Giới trẻ sẽ được tổ chức vào ngày 11-11-2011, với chủ đề: “Thầy gọi anh em là bạn”, ngài kêu gọi: “Đại hội cũng phải là dịp để chúng ta tự hỏi: tôi có thể làm gì cho Chúa Giêsu, tôi có thể làm gì cho Giáo Hội Chúa, tôi có thể làm gì cho đất nước tôi nhằm thúc đẩy hoà bình, công lý và tình yêu?” Và Đức Tổng Giám mục khuyến khích người trẻ “hãy trở nên chứng nhân của Chúa Kitô và mang Tin Mừng đến cho những người đương thời ở mọi nơi và mọi lúc, công bố niềm hy vọng của Chúa Kitô đến mọi ngóc ngách của thế giới này”.

Đặc biệt, trong bài giảng Thánh lễ cầu cho việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc cử hành tại Giáo xứ Đan Chàng, Thái Bình, trước khi trở về Hà Nội kết thúc chuyến viếng thăm của ngài, Đức Tổng Giám mục Girelli nhấn mạnh tới sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, công cuộc tái truyền giáo tại Việt Nam. Ngài nói: “Trên thực tế, có một thành phần rất lớn dân tộc Việt Nam chưa nhận biết Chúa, nên rất cần truyền giáo. Chính vì thế, chúng ta phải tìm những phương cách mới, con đường mới trong sứ vụ truyền giáo, để Tin Mừng của Chúa Kitô được đến với tất cả mọi người… Tái Phúc Âm hoá là phải dấn thân liên lỉ, vì vậy cha khuyến khích các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân dấn thân hơn nữa qua các công việc của mình tại các giáo xứ. Chính giáo dân là người hiểu biết hơn cả về môi trường sống của mình, cho nên đời sống và thái độ của họ phải trở nên như một lời tuyên xưng sống động về Thiên Chúa để nhờ đó mà mọi người nhận biết Thiên Chúa”.

Mối quan tâm đặc biệt: linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ

Đức Tổng Giám mục Đại diện Toà Thánh luôn tỏ ra quan tâm và ưu ái đặc biệt đối với các linh mục, chủng sinh và tu sĩ nam nữ. Tới mỗi giáo phận, ngài đều dành nhiều thời gian cho các cuộc tiếp xúc riêng với họ, trao đổi thân mật, lắng nghe các ưu tư và thẳng thắn trả lời các câu hỏi được nêu. 

Tại Giáo phận Bắc Ninh, Đức TGM Đại diện nhắc nhở linh mục là người được trao trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Và ngài mời gọi linh mục, chủng sinh hãy chăm chú nhìn vào Đức Kitô, vị Mục Tử tốt lành, như là mẫu gương giúp sống đời mục tử tốt. Và ngài hứa sẽ luôn cầu nguyện để “anh em có thể sống và trở nên những mục tử tốt lành hầu dẫn dắt các cộng đoàn Công giáo tại Việt Nam, đặc biệt là tại Giáo phận Bắc Ninh”. Với các chủng sinh, ngài khuyến khích hãy suy nghĩ về ơn thiên triệu cao quý mà Đức Kitô đã dành cho mình, và nhanh chóng dấn thân phục vụ đoàn chiên Chúa”.

Trước các linh mục, chủng sinh, tu sĩ tại Giáo phận Lạng Sơn, Đức TGM Đại diện giới thiệu linh mục là một Alter Christus – Chúa Kitô khác, qua chức năng giảng dạy, thánh hoá và quản trị. Theo ngài, để trở nên Alter Christus giữa cộng đồng Dân Chúa, linh mục phải noi gương bắt chước Đức Kitô trong ba lĩnh vực này:

Trước tiên, linh mục phải là những người thầy dạy tốt qua việc mỗi ngày một đào sâu sự hiểu biết về Chúa Kitô, qua việc đào sâu Tin Mừng. Cho nên, việc giảng rất quan trọng. Nhờ bài giảng của linh mục, giáo dân mới biết được Lời Chúa và những điều Hội Thánh chỉ dạy.

Điểm thứ hai: Chúa Giêsu là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và toàn thể loài người. Linh mục cũng thông phần vào vai trò trung gian đó, bởi thế linh mục phải ý thức tầm quan trọng và trách nhiệm lớn lao của mình mỗi khi cử hành bí tích, dọn mình chu đáo trước khi cử hành thánh lễ, đừng hấp tấp vội vàng làm cho qua việc, nhưng phải dành thời gian lắng đọng tâm hồn, ý thức việc mình làm, để ý về mọi mặt: từ cách ăn mặc, cách cử hành, cách bài trí trong nhà thờ, sao cho mọi người khi tham dự bí tích cảm nhận được đây không phải chỉ là một lễ nghi trước mặt họ, nhưng là một mầu nhiệm thật, một niềm tin đích thật.

Điểm thứ ba là vấn đề quản trị: linh mục cũng chính là người lãnh đạo trong cộng đoàn nên phải học cho biết thuật lãnh đạo, phải có sự phán đoán quân bình, trong sự hiệp nhất chân thành. Linh mục phải hiệp thông với Đức giám mục, Đức giám mục thì hiệp thông với Đức giáo hoàng. Từ đó, chúng ta có một sự hiệp thông trong một Hội Thánh duy nhất. Lãnh đạo cũng có nghĩa là phục vụ. Phục vụ trong tình mến, để người ta thấy rằng có sự lãnh đạo nhưng không chuyên quyền, qua đó người ta thấy được cộng đoàn Giáo hội đầy tình hiệp nhất trong yêu thương và khiêm tốn.

Với các chủng sinh, Đức TGM Đại diện khuyên nhủ: Anh em đang ở trong thời điểm vô cùng quan trọng cho bước đường linh mục tương lai. Trong thời gian chuẩn bị này, anh em cũng phải nhận thức được rằng có ba phương diện của Giáo hội đề ra cho công việc đào tạo anh em:

Thứ nhất, đây là thời gian anh em phải học. Học để tích luỹ kiến thức, để sau này có thể giảng dạy, để biết Tin Mừng của Chúa mà chuyển đến cho mọi người. Lĩnh vực thứ hai là cầu nguyện. Cầu nguyện trong các giờ kinh nguyện, trong thánh lễ và trong kinh thần vụ; cầu nguyện chung hay cầu nguyện riêng, tự thánh hóa bản thân bằng chính lời cầu nguyện của anh em. Lĩnh vực thứ ba phải lưu ý, đó là kỷ luật. Anh em đang trong giai đoạn đào luyện để trở nên những con người chín chắn, những con người trưởng thành, có sự phán đoán quân bình… như thế, anh em mới có thể lãnh đạo được cộng đoàn của mình được giao phó. Lãnh đạo không phải là cai trị hay độc tài, nhưng là phục vụ trong khiêm tốn nhằm xây dựng cộng đoàn.

Tại Giáo phận Hải Phòng, Đức TGM Đại diện bắt đầu giờ chia sẻ với các linh mục bằng việc nêu lại gương sáng của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: Ngài chịu nhiều đau khổ và thử thách, thậm chí phải tù đày nhưng chính đau khổ thử thách ấy đã giúp ngài nên thánh. Ngài đón nhận mọi giây phút trong cuộc đời linh mục và cố gắng sống thánh thiện những giây phút này. Từ gương mẫu ấy, Đức Tổng Giám mục nói đến bốn việc cần thiết giúp các linh mục nên thánh. Thứ nhất là siêng năng cầu nguyện, cầu nguyện riêng và cầu nguyện trước Thánh Thể, đặc biệt, đọc kinh thần vụ, dâng Thánh lễ. Thứ hai là siêng năng xưng tội, vì dù là linh mục nhưng vẫn mang thân phận yếu đuối con người. Thứ ba là trở nên con cái, anh em tốt. Con cái trong tương quan với Giám mục, anh em tốt trong tương quan với linh mục đoàn. Thứ bốn là nhiệt thành thi hành bổn phận đối với giáo dân, phục vụ có trách nhiệm. 

Khắc khoải

Trong các cuộc gặp gỡ, giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ cũng đã không ngần ngại nêu lên những băn khoăn, khắc khoải của mình. Đức Giám mục Hải Phòng băn khoăn: “Được trao phó gìn giữ di sản đức tin quý báu, Giáo Hội không khỏi lo lắng trước những vấn đề của thời đại hôm nay: di dân, đô thị hóa, tệ nạn xã hội, tệ nạn phá thai, ly dị… đời sống đức tin của người trẻ hôm nay là một trong những mối bận tâm lớn của Giáo hội”. Một số tu sĩ thắc mắc về sự khủng hoảng của đời tu bên Tây Âu hiện nay, và tỏ ra lo lắng trước tương lai Việt Nam cũng sẽ rơi vào tình trạng đó; sự thách đố của các tu sĩ ngày nay về việc tuân giữ ba lời khuyên Tin Mừng… Đức TGM Girelli đã khôi hài nói rằng: “Đây là câu hỏi dành cho Chúa Thánh Thần, còn đối với ngài chỉ trả lời được rằng: Con người ngày nay đang mất dần khái niệm đi tu, bởi lẽ họ có khuynh hướng chạy theo tiền bạc, đam mê vật chất và hưởng thụ… Vì thế, phương thuốc duy nhất để chúng ta chữa trị chính là đời sống chứng tá và những lời cầu nguyện chân thành. Còn những thách đố mà người tu sĩ ngày nay đang gặp phải về Ba Lời Khuyên Tin Mừng, thì ngài nói: Đây là một vấn đề thực tế đòi hỏi mỗi người tu sĩ phải cầu nguyện không ngừng để cảm nghiệm được việc “Sống Ba lời khuyên chứ không phải Giữ theo luật dòng”.

Chuyến viếng thăm tại năm giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam đã kết thúc với Thánh lễ cầu cho việc Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc tại giáo xứ Đan Chàng, giáo phận Thái Bình sáng ngày 16/6/2011. Cuộc viếng thăm và tiếp đón đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, những cảm nhận sâu sắc và sống động về mầu nhiệm hiệp thông của Giáo hội toàn cầu. 

PV