Tôi thà mang tiếng ác với con!
Tất cả cô giáo cháu học tôi cũng đã nhờ theo dõi, vậy mà hở một tí là game, nói mãi không nghe. Cả hai đứa bị tôi phạt bò trên đường trước sự chứng kiến của nhiều người, tôi hy vọng vì chúng cảm thấy xấu hổ mà phải từ bỏ game
Tâm sự người cha bắt con bò ngoài phố vì nghiện game:
Tôi thà mang tiếng ác với con!
Khi tiếp xúc với chúng tôi, người cha ở thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) này nói: “Thà tôi mang tiếng ác với con hơn là sau này vì nghiện game mà chúng dang dở học hành hay phạm tội…”.
Ngày 13-6, chúng tôi tìm đến nhà ông bố ấy. Mãi hơn 18g30 vợ chồng anh Đ.H.N. mới đi làm về.
Đó là cách cuối cùng
Anh N. và chị H. có ba con, cháu đầu năm nay vào lớp 10, con thứ hai lên lớp 7 và cậu con út vào lớp 1. Hai vợ chồng chỉ có một miếng đất rẫy chưa đến 1ha cách nhà khoảng 5km nên cuộc sống không dư dả gì. Ngoài thời gian cùng vợ làm rẫy, ai mướn việc gì anh N. cũng làm từ bốc vác, thợ hồ, thợ mộc để con cái được ăn học tử tế.
Chị H. cho biết năm học nào, kể cả hè hai cháu muốn học thêm vợ chồng cũng cố thu xếp tiền để con đi học. “Mới đây thằng lớn xin đi học ôn thi vào lớp 10, vợ chồng cũng gắng gượng xoay xở 1,7 triệu đồng cho con có tiền học thêm. Cháu thứ hai cũng đi học thêm từ bữa đến giờ. Ngoài ra, con người ta nghỉ hè thì vào rẫy phụ cha mẹ, nhưng vì thương con, cha nó không bắt làm gì, chỉ cho chúng học mà thôi” – chị H. nói.
“Ở gần nhà có hồ bơi chúng tôi cũng cho mấy cháu đi tập bơi, đi tập võ. Mấy dịp về quê vợ chồng cũng cố gắng dẫn con đi thăm lăng Bác, vào Văn miếu Quốc tử giám, mua sách lịch sử, sách về các danh nhân có nghị lực… mong các con soi vào đó để nỗ lực vươn lên. Tôi không muốn con mình cơ cực, ít học như cha mẹ. Chính vì vậy khi biết con hư, con không nghe lời chúng tôi đau lòng lắm” – anh N. nói thêm.
Hi vọng ở trại hè Chị L.T.H., người vợ, cho biết sau khi sự việc xảy ra (việc phạt con), vừa lúc chùa Pháp Hoa (thị xã Gia Nghĩa) tổ chức đợt học tập kỹ năng hè để rèn luyện đạo đức cho thanh thiếu niên nên anh chị đăng ký cho hai con ngay. Chị H. vào hẳn trong chùa để vừa nấu nướng giúp đỡ các sư thầy vừa theo dõi hai con… Bốn ngày ở chùa, được học về đạo làm người, về đạo hiếu, về sống như thế nào cho có ích với bản thân, cha mẹ, cộng đồng, các cháu rất chuyên tâm, không có cháu nào tỏ thái độ chán ngán. Tại trại hè ngắn này, các cháu còn được chơi nhiều trò chơi rèn luyện kỹ năng sống rất bổ ích và các cháu như quên hẳn game… |
Trở lại với cách dạy con kỳ lạ vừa qua, anh N. cho biết đó là cách cuối cùng và nặng nhất anh phạt con. Anh N. kể: “Ba hôm trước khi tôi phạt hai cháu bò, cô giáo dạy ôn thi của C. (con lớn) gọi điện thoại báo là cháu bỏ học đi chơi game với bạn. Cô đã đi tìm về và hiện đang phạt mấy đứa tại nhà cô nên gọi tôi đến.
Sau khi từ nhà cô giáo về, tôi bắt hai đứa khoanh tay trình bày lại việc tại sao bỏ học đi chơi game. Hai đứa đã nhận lỗi và hứa từ nay không vi phạm, sẽ ở nhà giúp đỡ ba mẹ việc nhà… Tôi nói: Các con hai năm nay đã hứa với ba mẹ nhiều rồi mà cứ tái phạm, từ nay trở đi mà vi phạm nữa sẽ bị phạt phải bò từ chỗ chơi game về nhà”.
Mong con không tái phạm
Nhưng hành trình “chiến đấu” với nạn nghiện game vẫn còn dài, anh N. nói tiếp: “Chúng tôi không hà khắc hay cấm đoán hoàn toàn, vẫn biết chơi game hay vui chơi vừa phải đều tốt cho việc học. Vì vậy tôi sắm thêm cho hai cháu một máy vi tính tại nhà để chép những bài học tiếng Anh về máy nghe đọc. Thế mà chúng vẫn bỏ học, tìm đến các quán game để chơi cho thoả thích. Lúc biết con mê game hơn học, tôi đã ngồi giảng giải cho con và mong con không tái phạm.
Nhiều lần đang đi làm nghe cô giáo gọi tôi lại phải bỏ việc chạy ra quán tìm con. Nhiều hôm về nhà không thấy con tôi lại tất tả đi tìm. Mỗi lần như vậy tôi đều bắt hai đứa quỳ xuống trình bày tại sao vi phạm, xin lỗi ba mẹ và phải hứa không vi phạm. Tôi cũng bắt hai cháu viết bản kiểm điểm và dán ở góc học tập cho nhớ để không tái phạm nữa, thế mà…”.
Không giấu được sự thất vọng, anh N. kể lại sự việc vừa diễn ra: “Mới hôm trước, đang đi làm nghe con không lo học mà đi chơi game, đến nơi thấy hai đứa đang chơi say sưa. Tôi hỏi thằng lớn, con nhớ hứa gì với ba không, tự động mà chịu phạt đi. Đứa thứ hai thì bỏ chạy nhưng tôi bắt lại chỗ anh nó và nói con hứa với ba thế nào, nhìn anh con đi! Khi phạt con mình phải bò trên đường tôi cũng đâu muốn, nhưng tôi làm cha, đã bao nhiêu lần to nhỏ nhắc nhở từ nhà đến trường.
Tất cả cô giáo cháu học tôi cũng đã nhờ theo dõi, vậy mà hở một tí là game, nói mãi không nghe. Cả hai đứa bị tôi phạt bò trên đường trước sự chứng kiến của nhiều người, tôi hy vọng vì chúng cảm thấy xấu hổ mà phải từ bỏ game. Tôi biết chúng sẽ giận tôi, nhiều người sẽ cho tôi quá đáng nhưng chẳng thà tôi ác với con, chứ mai này chúng vì game mà trộm cướp vào tù thì mất con mà nhục lắm”.
“Tôi hi vọng rằng sẽ có nhiều sân chơi hơn nữa cho các cháu, nhất là dịp hè để các cháu tham gia. Chứ như gia đình tôi, hai vợ chồng đầu tắt mặt tối cả ngày lo ăn học cho con đã bở hơi tai. Vậy mà vì game chúng không nghe lời cha mẹ” – anh N. tâm sự.
Giải pháp nào khi con phạm lỗi nhiều lần? Những lời tâm sự của người cha trên đây thật đáng để chúng ta suy nghĩ, rất nhiều tình huống trong cuộc sống của chúng ta diễn ra như vậy, trừng phạt con quá mức cũng là vì quá yêu thương con và nghĩ rằng mình đã hết cách. TTO tin chắc đông đảo bạn đọc đều hiểu được nỗi lòng sâu sắc của người cha này. Nhưng cũng có vấn đề đặt ra cần chúng ta chia sẻ, nếu con cái lặp đi lặp lại lỗi lầm, với mức độ cao hơn, phụ huynh sẽ có những giải pháp nào để đối xử với con đủ cứng rắn mà không làm chúng “hận” trong lòng? Liệu có cách nào hay hơn không? Và xã hội, đoàn thể, người thân xung quanh sẽ làm gì để những bậc phụ huynh đang rất muốn nuôi dạy con nên người đó không cảm thấy bơ, vơ, bất lực, phải sử dụng những “cách cuối cùng” một cách không mong muốn? Và một lần nữa, chúng ta nói gì khi có bằng chứng game online đã “vươn vòi” đến hạnh phúc của từng gia đình và đe doạ tương lai của con trẻ? Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến của mình theo công cụ dưới bài. Xin cám ơn. TTO |