23/11/2024

Giáo Hội được thiết lập do sức mạnh của Thần Khí Chúa

Bình an của Đức Kitô chỉ có thể được loan truyền qua tâm hồn được canh tân đổi mới của những người nam cũng như nữ đã được giao hoà, và trở nên những người tôi tớ phục vụ công lý, sẵn sàng loan truyền bình an trên thế giới

 Giáo Hội được thiết lập do sức mạnh của Thần Khí Chúa

 

Bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Tại Nhà nguyện Đức Giáo Hoàng

Vương cung thánh đường Vatican

Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, 11/5/2008

 

 

Anh chị em thân mến,


Thuật trình về biến cố Hiện xuống mà chúng ta vừa nghe trong Bài đọc một được Thánh Luca tường thuật trong chương II Sách Công vụ Tông đồ. Chương này được bắt đầu bằng câu sau đây: “Khi đến ngày Lễ Ngũ tuần (50 ngày sau Lễ Phục Sinh), mọi người đều tề tựu về một nơi“ (Cv 2, 1). Câu nói trên quy chiếu về câu chuyện trước đó, mà qua câu chuyện này, Thánh Luca mô tả cộng đoàn bé nhỏ của các môn đệ vẫn chuyên cần tụ họp tại Giêrusalem, sau khi Chúa Giêsu về trời (x. Cv 1, 12-14). Đây là một sự mô tả có rất nhiều chi tiết: địa điểm “nơi họ đang ở“ – phòng Tiệc ly – là một căn phòng “nằm ở tầng thứ nhất”; 11 Tông đồ được nêu đích danh tên, và ba Tông đồ đầu tiên là Phêrô, Gioan và Giacôbê là những “cột trụ“ của cộng đoàn; và cùng với họ, ta cũng thấy kể đến tên “một vài phụ nữ“, “Đức Maria, Thân Mẫu Đức Giêsu“ và “các anh em của Người“, mà từ nay được tháp nhập vào trong gia đình mới này, và không còn được đặt nền tảng trên những mối dây huyết thống nữa, mà là trên đức tin vào Đức Kitô.

Tổng số những người có mặt là “khoảng 120 người“, là bội số của con số “mười hai“ của Tông đồ đoàn, con số này làm cho ta liên tưởng một cách rõ ràng đến“dân Israel mới“. Nhóm này cấu tạo nên một “qahal“ đích thật, tức là một “cộng đoàn“ dựa theo mẫu mực của Giao ước thứ nhất, một cộng đoàn được triệu tập để lắng nghe Lời Chúa, và bước đi theo vết chânNgười. Sách Công vụ Tông đồ nhấn mạnh rằng họ “đồng thanh nhất trí chuyên cần tham dự việc cầu nguyện“ (1, 14). Như thế, sinh hoạt chính của Giáo Hội sơ khai là cầu nguyện, và qua sự cầu nguyện, Giáo Hội nhận được sự hợp nhất của Chúa, và để cho Thánh ý Người hướng dẫn, chẳng hạn như việc rút thăm chọn người thay thế vị trí của Giuđa đã chứng minh điều đó một cách thật rõ ràng (x. Cv 2, 25).

Cộng đoàn này cũng tụ họp lại trong cùng một địa điểm, là phòng Tiệc ly, vào buổi sáng ngày Lễ Ngũ tuần của người Do Thái, là ngày Lễ Giao ước, ngày Lễtưởng niệm biến cố Xinai, khi Thiên Chúa, qua trung gian ông Môisen, đề nghịdân Israel trở nên gia nghiệp của Người giữa muôn dân, để trở thành dấu chỉ sự thánh thiện của Người (x. Xh 9). Theo Sách Xuất hành, thì khế ước cổ xưa này được đi kèm qua việc biểu lộ quyền năng kinh thiên động địa của Thiên Chúa.Ta đọc thấy như sau: “Lúc đó núi Xinai ngập đầy khói, bởi vì Chúa Giavê đã ngự xuống trong lửa; khói bốc lên như thể từ một lò lửa nóng, và toàn bộ ngọn núi rung chuyển dữ dội“ (Xh 19, 18). Chúng ta lại tìm thấy những yếu tố gió và lửa trong biến cố Hiện Xuống của Tân ước, nhưng không bao gồm sự sợ hãi. Đặc biệt, lửa xuất hiện dưới hìnhlưỡi lửa, và đậu xuống trên đầu mỗi môn đệ, tất cả đều được“đầy tràn Thánh Thần“, và do tác động đầy tràn này, “họ bắt đầu nói bằng nhiều thứ tiếng khác nhau” (Cv 2, 4). Đây là một “phép rửa“ thật sự bằng lửa của cộng đoàn, một loại sáng tạo mới. Trong ngày Lễ Ngũ tuần, Giáo Hội được thiết lập không phải do ý muốn của con người, nhưng do sức mạnh của Thần Khí Chúa. Và ta thấy ngay là làm thế nào mà Thần Khí này khai sinh ra một cộng đoàn, đồng thời vừa là một, mà cũng là hoàn vũ, và như thế, vượt qua được lời chúc dữ của tháp Babel (x. St 11, 7-9). Vì chưng, chỉ mình Thánh Thần, là Đấng tạo nên sự hợp nhất trong tình yêu, và trong sự chấp nhận hỗ tương những khác biệt của nhau, mới có thể giải phóng nhân loại khỏi cơn cám dỗ triền miên muốn sử dụng quyền lực thế gian để thống trị và đồng điệu hoá tất cả.

Societas Spiritus“, xã hội của Thần Khí: Thánh Âutinh đã gọi như thế qua một trong những bài giảng của người (71, 19, 32: Pl 38, 462). Nhưng trước thánh nhân, Thánh Irênê đã công thức hoá một chân lý mà tôi cảm thấy vui mừng khi được nhắc lại nơi đây: “Nơi đâu có Giáo Hội, thì nơi đó có Thần Khí Chúa, và nơi đâu Thần Khí Chúa, thì nơi đó có Giáo Hội và mỗi một ân sủng, và Thần Khí là chân lý; xa rời Giáo Hội có nghĩa là từ chối Thần Khí“, và như thế là “tự loại mình ra khỏi sự sống“ (Adv Haer. III, 24, 1). Sau biến cố Hiện Xuống, sự kết hợp giữa Thần Khí của Đức Kitô và Nhiệm thể của Người, nghĩa là Giáo Hội, được biểu lộ một cách thật trọn vẹn. Tôi muốn dừng lại ở một khía cạnh đặc biệt của tác động Thần Khí, nghĩa là mối dây giữa đa dạng và duy nhất. Bài đọc hai đã đề cập đến điểm này, khi bàn về sự hài hoà giữa các đặc sủng khác nhau trong mối hiệp thông của cùng một Thần Khí. Nhưng trong trình thuật của Sách Công vụ Tông đồ mà chúng ta vừa nghe đọc, thì mối dây này lại được biểu lộ một cách hết sức hiển nhiên. Qua biến cố Hiện xuống, ta thấy rõ ràng là có rất nhiều ngôn ngữ và văn hoá khác nhau đã thuộc về Giáo Hội; trong đức tin, những ngôn ngữ và văn hoá này đã có thể hiểu được nhau, và làm cho nhau được phong phú. Thánh Luca rõ ràng là muốn chuyển trao một ý tưởng cơ bản, nghĩa là ngay từ lúc Giáo Hội được khai sinh, thì Giáo Hội đã là “công giáo”, đã là phổ quát. Ngay từ đầu, Giáo Hội đã nói mọi thứ ngôn ngữ, bởi vì Tin Mừng Chúa giao phó cho Giáo Hội là được dành cho hết mọi dân tộc, theo ý muốn và uỷ nhiệm của Đức Kitô Phục Sinh (x. Mt 28, 19). Giáo Hội được khai sinh trong ngày Lễ Hiện Xuống, trước tiên không phải là một cộng đoàn riêng biệt – Giáo Hội Giêrusalem –, nhưng là Giáo Hội phổ quát nói mọi tiếng nói của mọi dân tộc.Từ Giáo Hội phổ quát này, sau đó sẽ khai sinh ra các cộng đoàn khác trên mọi phần đất của thế giới, tất cả các Giáo Hội địa phương luôn là những thể hiện của cùng một Giáo Hội duy nhất của Đức Kitô. Tuy nhiên, Giáo Hội Công giáo không phải là một liên bang các Giáo Hội, nhưng là một thực tế duy nhất: ưu tiên thực thể học thuộc về Giáo Hội phổ quát. Một cộng đoàn nào không phải là công giáo theo nghĩa này thì thậm chí cũng không phải là một Giáo Hội.

 Về điểm này, ta cần nói thêm một khía cạnh khác nữa: thị kiến thần học của Sách Công vụ Tông đồ về con đường của Giáo Hội từ Giêrusalem đến Rôma.Giữa các dân tộc có mặt tại Giêrusalem vào ngày Lễ Ngũ tuần, Thánh Luca còn kể đến những “người Rôma cư ngụ ở đây“ (Cv 2, 10). Vào thời đó, đối với Giáo Hội sơ khai, thì Rôma vẫn còn ở rất xa, là “ngoại bang“: Rôma là biểu tượng của thế giới ngoại giáo nói chung. Nhưng sức mạnh của Thánh Thần sẽ hướng dẫn bước chân của những chứng nhân để đi “đến tận cùng trái đất“ (Cv 1, 8), đến tận Rôma. Sách Công vụ Tông đồ kết thúc với trình thuật Thánh Phaolô, bởi một ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, đã đi đến thủ đô của đế quốc và loan báo Tin Mừng ở đó (x. Cv 28, 30-31). Như thế, con đường của Lời Chúa, được bắt đầu từ Giêrusalem, đã đạt tới đích điểm, bởi vì Rôma tượng trưng cho toàn thể thế giới, và nhập thể ý tưởng của Thánh Luca về công giáo tính. Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội Công giáo, là sự tiếp nối dân Chúa chọn, và đang tiếp tục lịch sử cũng như sứ mạng của dân ấy, Giáo Hội ấy nay đã được thực hiện.

Như thế, để kết luận, Tin Mừng của Thánh Gioan đưa ra cho chúng ta một câu nói rất ăn khớp với mầu nhiệm của Giáo Hội do Thần Khí thiết lập. Đó là câu Đức Giêsu Phục Sinh nói lên hai lần, khi Người hiện ra với các môn đệ tại phòng Tiệc ly, vào chiều ngày Lễ Phục Sinh: “Shalom – Bình an cho các con!“ (Ga 29, 19.21). Thành nghữ “Shalom” không chỉ đơn thuần là một câu chào hỏi; lời chào ấy còn có ý nghĩa sâu xa hơn thế nữa: lời chào ấy là ơn bình an mà Chúa đã hứa (Ga 14, 27), và đã được Đức Giêsu chinh phục được bằng giá máu của Người, lời chào ấy là thành quả cuộc chiến thắng của Đức Giêsu trong cuộc chiến chống lại ác thần. Như vậy, lời chào ấy nói lên một sự bình an “không phải như kiểu thế gian ban tặng“, nhưng là một sự bình an mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể tặng ban.

Trong ngày Lễ của Thần Khí và của Giáo Hội hôm nay, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho dân của Người, dân được tuyển chọn và được thành lập giữa các dân tộc, ơn bình an là điều thiện hảo vô giá, ơn bình an của Thiên Chúa!Đồng thời, chúng ta ý thức lại trách nhiệm gắn liền với ơn huệ này: trách nhiệm của Giáo Hội theo cơ cấu phải là dấu chỉ và dụng cụ của sự bình an mà Thiên Chúa dành cho mọi dân tộc. Tôi đã tìm cách để trở thành trung gian cho sứ điệp này, khi tôi đến trụ sở Liên Hiệp Qiốc mới đây, để ngỏ lời với các vị đại diện các dân tộc. Nhưng, chúng ta không phải chỉ nghĩ đến những biến cố này ở “cấp thượng đỉnh“. Giáo Hội phục vụ cho sự bình an của Đức Kitô một cách đặc biệt, qua sự hiện diện của mình, cũng như qua hoạt động thường ngày của mình ở giữa mọi người, cùng với lời rao giảng Tin Mừng, và cùng với những dấu chỉ của tình yêu và lòng nhân hậu đi kèm theo việc rao giảng (x. Mc 16, 20).

Giữa những dấu chỉ này, dĩ nhiên ta phải đặc biệt nói đến Bí tích Hoà giải, mà Đức Kitô Phục Sinh đã thiếp lập ngay khi Người ban ơn bình an và Thần Khí của Người cho các môn đệ. Như chúng ta đã nghe nói đến điều này qua bài Phúc Âm, Đức Giêsu thổi hơi trên các Tông đồ và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội của người ấy bị cầm lại“ (Ga 20, 21-23). Ơn giao hoà quan trọng biết chừng nào, vì ơn huệ ấy làm cho tâm hồn chúng ta được bình an, nhưng đáng buồn thay, người ta lại không hiểu cho thấu đáo! Bình an của Đức Kitô chỉ có thể được loan truyền qua tâm hồn được canh tân đổi mới của những người nam cũng như nữ đã được giao hoà, và trở nên những người tôi tớ phục vụ công lý, sẵn sàng loan truyền bình an trên thế giới, chỉ cậy dựa vào sức mạnh của chân lý, không bao giờ thoả hiệp với não trạng của thế gian này, bởi vì thế gian không thể nào ban tặng được bình an của Đức Kitô: đó là lý do tại sao Giáo Hội có thể trở nên men giao hoà đến từ Thiên Chúa. Giáo Hội chỉ có thể là men giao hoà, nếu Giáo Hội vâng nghe theo Thánh Thần, và làm chứng cho Tin Mừng, nếu Giáo Hội mang lấy Khổ giá như Đức Giêsu, và cùng mang với Người. Đó chính là điều mà các Thanh nam nữ của mỗi thời đại đã làm!

Anh chị em thân mến, dưới ánh sáng của Lời sự sống này, ước gì câu kinh lời nguyện mà chúng ta dâng lên Chúa hôm nay, cùng hiệp thông thiêng liêng với Đức Trinh Nữ Maria, trở nên sốt sắng và tha thiết hơn. Ước gì Đức Trinh Nữ lắng nghe, là Mẹ của Giáo Hội, cầu cùng Chúa cho các cộng đoàn chúng ta, cũng như cho tất cả mọi Kitô hữu, lại được tràn đầy Thánh Thần Bảo Trợ. “Emitte Spiritum tuum et creabuntur, et renovabis faciem terrae – Xin Chúa hãy gởi Thần Khí của Người xuống, thì tất cả sẽ lại được sáng tạo, và Ngài sẽ lại canh tân bộ mặt trái đất“. Amen!