27/11/2024

Vơ vét Titan: Dân gánh hậu quả

Bình Thuận đang “sốt” titan – “sốt” khai thác và “sốt” cả lòng dân. Ở đây, các công ty khai thác titan liên tục sai phạm, làm đảo lộn cuộc sống người dân

 Vơ vét Titan: Dân gánh hậu quả

Khai thác titan đang gây ra những bức xúc lớn trong nhân dân. Không chỉ đơn thuần là việc chảy máu khoáng sản, mà còn là tiền đề làm nảy sinh khiếu kiện, tranh chấp và nghiêm trọng nhất là ô nhiễm môi trường.

Bình Thuận đang “sốt” titan – “sốt” khai thác và “sốt” cả lòng dân. Ở đây, các công ty khai thác titan liên tục sai phạm, làm đảo lộn cuộc sống người dân.

Đứng ở phường Mũi Né thuộc TP Phan Thiết nhìn sang, người ta không khỏi giật mình khi thấy một dải bờ biển tự dưng có một đoạn dài bụi màu vàng đỏ bốc mịt mù. Đó chính là một trong những điểm nóng khai thác titan tại xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận.

Đủ sai phạm

Đến Hoà Thắng những ngày này, chẳng ai ngờ đây chính là mảnh đất từng sum suê cây trái, bây giờ cằn cỗi do bị nhiễm mặn từ nước xả thải của việc đãi quặng titan. Gia đình chị Vũ Thị Yến (thôn Hồng Chính) lâm vào cảnh giếng nước ăn nhiễm mặn, còn vườn cây ăn trái với xoài, dừa, điều bị chết trơ gốc do việc lấy nước biển đãi quặng của các công ty khai thác titan. “Khi còn khai thác, họ hỗ trợ nước sinh hoạt 15m3/tháng. Mọi thứ xong xuôi, họ đưa máy móc đi thì hậu quả nhiễm mặn người dân lãnh đủ, không có cả nước ngọt để xài” – chị Yến nói

Ảnh hưởng tới du lịch

Theo thống kê, ở Bình Thuận có bảy điểm được cấp phép khai thác titan tại các huyện ven biển Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và hầu hết đều nằm chồng lấn các dự án cấp phép du lịch.

Ngoài ra, chính quyền địa phương còn cấp phép cho các công ty tận thu titan do sóng đánh vào dọc các bờ biển. Trong số những điểm khai thác titan hiện nay, khu vực Thiện Ái, Hồng Chính (xã Hoà Thắng, Bắc Bình), giáp khu du lịch nổi tiếng Mũi Né đang gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất.

Hai xã Hoà Thắng, Hồng Phong của huyện Bắc Bình đang trở thành điểm khai thác titan ồ ạt ở Bình Thuận. Người ta cho rằng trữ lượng titan ở đây có giá trị lên tới hàng tỉ USD. Hồng Phong chỉ có 2km đường biển, còn Hoà Thắng có tới 23km, chỉ vì “may mắn” có titan quý giá mà cuộc sống của họ bị đảo lộn.

Chỉ cần trèo lên một đồi cát nằm ngay bên vệ đường đối diện với thôn Hồng Chính, có thể nhìn toàn cảnh công trường đãi titan của các công ty. Mỗi mỏ titan trông như một thung lũng lớn màu vàng đỏ ngập lênh láng nước. Trên đó là cả một dây chuyền đang vận hành hết công suất: hút cát, đãi, thu quặng và xả nước thải màu đỏ quạch chảy trực tiếp vào lòng đất.

Một cán bộ thanh tra của Sở Tài nguyên – môi trường Bình Thuận cho biết: “Biên lai tiền phạt các công ty đãi quặng titan đã thành một xấp dày cộp. Nhưng nó chẳng có ý nghĩa gì. Phạt cứ phạt, đãi cứ đãi”.

Hiện có năm công ty đang đãi titan ở đây gồm: Đô Thành, Đường Lâm, Dương Anh, Sao Mai, Hưng Thịnh Phát. Các công ty này được phép đãi titan từ cát với chiều sâu khai thác từ 1-30m, trên những khu vực rộng hàng chục hecta, với trữ lượng khai thác hàng chục nghìn tấn. Mỗi công ty tuy có diện tích và trữ lượng khác nhau nhưng đều được cấp phép và gia hạn giấy phép khai thác sau khi đã… cùng nhau sai phạm.

Theo hồ sơ, những sai phạm của các công ty này xảy ra liên miên, kéo dài dai dẳng. Sau khi đã có “bảo bối” là giấy phép chung về khai thác và gia hạn thời gian khai thác thì tất cả những giấy phép “con”, liên quan cụ thể từng công đoạn khai thác, xử lý chất thải… đều bị bỏ qua hoặc bị vi phạm. Thậm chí có công ty chưa được phép nhưng vẫn khai thác ồ ạt.

Biên bản làm việc từ đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên – môi trường (ngày 23-12-2010) cho thấy kết quả kiểm tra cả năm công ty đang đãi cát đen ở Hoà Thắng đều có những sai phạm giống nhau: chưa thông báo kế hoạch khai thác với cơ quan có thẩm quyền, lập bản đồ hiện trạng khai thác chưa đúng quy định, khai thác không có thiết kế mỏ, thực hiện không đầy đủ nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường trong khai thác khoáng sản đã được phê duyệt…

Nhức nhối nhất là cả năm công ty này đều bị xử phạt do “chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước”. Theo tìm hiểu, các công ty này đã không dùng nước ngọt để đãi quặng như quy định, họ bơm thẳng nước mặn từ biển lên để đãi rồi xả thẳng vào lòng đất.

Máy tuyển quặng titan trên bờ biển xã Hoà Thắng (Bắc Bình, Bình Thuận) – Ảnh: Thành Vinh

Sợ… titan

Nhiều người dân tại thôn Hiệp Trí (xã Tân Hải, thị xã La Gi) từng mơ đến ngày bộ mặt làng quê nghèo sẽ thay đổi khi kết quả thăm dò cho thấy titan tại khu vực mỏ Gò Đình có trữ lượng lớn. Càng vui hơn khi năm 2007, Công ty khoáng sản quốc tế Hải Tinh bắt tay vào khai thác.

Thế nhưng sự thật lại khác hẳn, việc khai thác titan không giúp ích gì cho kinh tế địa phương phát triển mà còn gây ra bao nỗi khổ khi hằng ngày cát bay mù mịt, động cơ xe máy ầm ĩ cả ngày lẫn đêm, giao thông nông thôn bị cày nát.

Tại đây, Công ty Hải Tinh đã không tuân thủ các cam kết bảo vệ môi trường, trong đó có việc dùng nước biển để tuyển quặng, làm hàng chục hecta đất trồng lúa của bà con trong thôn bị ảnh hưởng.

Theo ông Đặng Quốc Trị – phó chủ tịch UBND xã Tân Hải, thời điểm đó công ty này đã đứng ra nhận trách nhiệm và đền bù phần diện tích bị nhiễm mặn cho các hộ dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn phần lớn diện tích đất phải bỏ hoang, nhiều hộ không thể canh tác trên mảnh đất của mình nên phải bươn chải mưu sinh bằng những nghề khác.

Rút kinh nghiệm của những nơi khác, người dân xã Bình Thạnh (huyện Tuy Phong) đã có thái độ hết sức quyết liệt khi chính quyền địa phương nhắc đến hai từ “titan”. Vụ việc này ầm ĩ khi có thông tin Công ty Khai thác khoáng sản chế biến tài nguyên VN đưa máy móc quay lại thăm dò khai thác titan tại xã này.

Ông Trần Do Thái, phó chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, nói: “Nguyện vọng của người dân là hoàn toàn chính đáng bởi địa chất xã Bình Thạnh mạch nước ngầm chủ yếu là mạch ngang, phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu trước hụt sau, lấy đâu ra nước ngọt để dành cho việc tuyển quặng titan. Do đó địa phương đã kiến nghị và UBND tỉnh ngưng việc cấp phép thăm dò titan”.

Những cảnh báo

Tháng 4-2011, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội thảo về sử dụng bền vững nguồn tài nguyên titan. Hầu hết các nhà khoa học đều khuyến cáo cần phải hết sức thận trọng, nếu không điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng một cách chính xác sẽ rất khó trong việc quy hoạch, khai thác.

Đặc thù phân bố titan ở Bình Thuận là trên vùng cồn cát khô hạn, trong khi đó khai thác, tuyển khoáng cần một lượng nước khá lớn, các doanh nghiệp (phần lớn hiện nay có công nghệ cũ, lạc hậu) thường sử dụng nước biển để tuyển quặng. Điều này làm nhiễm mặn nguồn nước, ô nhiễm đất đai, phá huỷ lớp đất và thảm thực vật tự nhiên, đẩy nhanh sa mạc hóa.

Còn rất nhiều ý kiến khác cho rằng không thể tiếp tục khai thác titan tại Bình Thuận như hiện nay. Ông Đào Xuân Nay, phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội Bình Thuận (khóa XII), khẳng định: “Việc cấp phép khai thác titan vội vã khi chưa có quy hoạch lâu dài là hoàn toàn không nên. Những hậu quả gây ra cho môi trường và đời sống người dân hiện nay cho thấy điều đó”.

Còn ông Đặng Văn Hải, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, bức xúc: “Việc khai thác titan bán nguyên liệu thô là một lãng phí rất lớn. Và càng bất hợp lý hơn khi nó được bán giá rẻ nhưng gây ra nhiều hệ lụy không lường trước”.


Kim loại quý

Theo Wikipedia, titan là một kim loại nhẹ, cứng, bề mặt bóng láng, chống ăn mòn tốt (giống như platin). Titan cứng như thép nhưng nhẹ hơn 40%, nặng hơn nhôm nhưng cứng hơn gấp đôi.

Khoảng 95% lượng titan được dùng ở dạng titan điôxít (TiO2), làm thuốc nhuộm trắng trong sơn, giấy, kem đánh răng và nhựa. Nó cũng được dùng trong ximăng, đá quý. Vì có khả năng kéo giãn tốt (kể cả khi nhiệt độ cao), nhẹ, chống ăn mòn tốt, khả năng chịu đựng nhiệt độ rất cao, hợp kim titan được dùng chủ yếu trong hàng không, xe bọc thép, tàu hải quân, tàu vũ trụ và tên lửa, áo chống đạn.

Nhiều sản phẩm khác cũng dùng titan để chế tạo như gậy đánh golf, xe đạp, dụng cụ thí nghiệm, nhẫn cưới và máy tính xách tay.

(TH.TÂM)