Uỷ ban Công lý và Hoà bình: Một cố gắng dấn thân phục vụ
Uỷ ban Công lý và Hoà bình thuộc HĐGM Việt Nam được thành lập để cùng với Hội đồng về CLHB của Toà Thánh thực hiện sứ vụ đó trong phạm vi cụ thể của đất nước Việt Nam. Với Lễ Ra mắt hôm nay, chúng tôi hân hạnh giới thiệu Uỷ ban Trung ương về CLHB tại Việt Nam, cũng như các trưởng ban CLHB tại giáo phận.
Uỷ ban Công lý và Hoà bình: Một cố gắng dấn thân phục vụ
Hiến chế “Giáo Hội trong thế giới hôm nay” của Công đồng Vatican II đã kết thúc chương cuối cùng với một đề xuất cụ thể: “Đối điện với nỗi thống khổ bao la đang đè nặng trên đại đa số nhân loại và để cổ vũ công bằng, đồng thời cổ vũ tình yêu Thiên Chúa đối với những người nghèo khổ tại khắp nơi, Công đồng ước mong thành lập một cơ quan trung ương của Giáo hội toàn cầu để khích lệ giới Công giáo thúc đẩy công cuộc phát triển những vùng nghèo đói cũng như cổ vũ công bằng xã hội giữa các quốc gia” (GS 90).
Để thực hiện ước nguyện thâm sâu của Công đồng, ngày 6-1-1967, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã thành lập Uỷ ban Giáo hoàng “Công lý và Hoà bình”. Hai tháng sau đó, ngài lại ban thông điệp “Phát triển các Dân tộc” (Populorum Progressio). Thông điệp quả quyết rằng tăng trưởng kinh tế và tiến bộ kỹ thuật không đủ để trái đất này trở nên nhân đạo và dễ sống hơn. Muốn đạt tới phát triển đích thực thì tăng trưởng kinh tế phải đồng hành với phát triển xã hội và thăng tiến con người toàn diện. Vì vậy thông điệp tuyên bố: “Chúng tôi không chấp nhận tách rời kinh tế khỏi vấn đề của con người, phát triền khỏi các nền văn hoá liên hệ. Đối với chúng tôi, điều quan trọng là con người, mỗi người, mỗi nhóm người, cho đến toàn thể nhân loại.
Theo định hướng đó, Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển và liên đới giữa các dân tộc, cổ vũ công lý và hoà bình trên thế giới, tranh đấu cho công bằng xã hội, đề cao nguyên tắc hỗ trợ, khích lệ tiến trình dân chủ hoá, tranh đấu cho quyền làm người và tự do tôn giáo, bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền, ưu tiên cho lựa chọn người nghèo và luôn đứng về phía người bị áp bức theo đường hướng Tin Mừng.
Trong thông điệp “Quan tâm đến vấn đề xã hội”, Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II khẳng định: “Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội không phải là con đường thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tập thể Mácxít, cũng không phải là một giải pháp thay thế cho những giải pháp khác ít triệt để hơn, mà là… một hình thức diễn tả chính xác những kết quả suy tư nghiêm túc về các thực tại phức tạp của cuộc sống con người, trong xã hội và trong bối cảnh quốc tế, dưới ánh sang đức tin và theo truyền thống của Giáo Hội. Mục đích chính là phân tích những thực tại đó xem chúng phù hợp hay dị biệt với giáo huấn của Tin Mừng về con người và Thiên chức làm người, vừa mang chiều kích trần thế vừa có tính siêu việt, để hướng dẫn hành vi của các Kitô hữu” (số 41).
Mới đây thông điệp “Tình yêu trong Chân lý”, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tái xác nhận rằng Giáo Hội “không có các giải pháp kỹ thuật để cống hiến cho nhân loại và cũng chẳng chủ trương can thiệp vào chính trị của các guốc gia. Nhưng Giáo Hội phải thi hành sức vụ phục vụ thật sự trong mọi hoàn cảnh không gian và thời gian để kiến tạo một xã hội theo chiều kích nhân bản, phù hợp với phẩm giá và ơn gọi của con người” (số 9).
Uỷ ban Công lý và Hoà bình thuộc HĐGM Việt Nam được thành lập để cùng với Hội đồng về CLHB của Toà Thánh thực hiện sứ vụ đó trong phạm vi cụ thể của đất nước Việt Nam. Với Lễ Ra mắt hôm nay, chúng tôi hân hạnh giới thiệu Uỷ ban Trung ương về CLHB tại Việt Nam, cũng như các trưởng ban CLHB tại giáo phận.
Để thực hiện mục tiêu đã được HĐGM Việt Nam trao phó, Uỷ ban CLHB phải cấp tốc đào tạo nhân sự, phổ biến Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, nghiên cứu về những yêu sách và thách đố của đất nước, cũng như của thời đại, thu thập và đánh giá những thông tin về bối cảnh chính trị, kinh tế – xã hội, nhất là về điều kiện sống, cũng như tình trạng nhân phẩm, nhân quyền trong thực tại hôm nay.
Trong tương lai gần, sẽ có một cuộc họp giữa Uỷ Ban Trung ương với các Trưởng ban CLHB tại các giáo phận để hoạch định đường hướng hoạt động, biên soạn chương trình đào tạo, tổ chức các khoá tập huấn, các buổi toạ đàm, xây dựng các trung tâm đặc biệt cho các bệnh nhân và nạn nhân của thồi đại, nhất là để thiết lập mạng lưới tổ chức từ trung ương đến các giáo xứ.
Chắc chắn các bài thuyết trình tiếp theo và những góp ý quý báu của tất cả các tham dự viên trong phần thảo luận nhóm sẽ soi sáng them cho các vấn đề phức tạp mới mẻ này. Chúng tôi xác tín rằng nếu không có sự cộng tác tích cực của quý vị và quý bạn thì không thể hoàn thành trách vụ khó khăn này.
Chân thành cảm ơn tất cả vì sự hiện diện đông đảo như một khích kệ cần thiết và một hành động liên đới và đầy ý nghĩa này. Xin tiếp tực yểm trợ và đồng hành với chúng tôi.
Xin ơn trên luôn phù trợ tất cả chúng ta.