23/11/2024

Công lý và hoà bình-thách đố và yêu sách ở thời đại hôm nay

Thách đố thì nhiều, khó khăn thì phức tạp nhưng trong ánh sáng Đức Tin thì đó lại là con đường thập giá mới của Giáo Hội trên đường sứ vụ

             CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH

THÁCH ĐỐ VÀ YÊU SÁCH Ở THỜI ĐẠI HÔM NAY

 Lm. G.M. Lê Quốc Thăng

Thời đại của thế kỷ XXI hôm nay là Kỷ nguyên  được đánh dấu bởi hiện tượng Toàn Cầu Hoá, đây là một hiện tượng phức tạp chi phối mạnh mẽ, toàn diện cuộc sống con người trên bình diện cá nhân cũng như cộng đồng. Dù là người chống đối hay ủng hộ, tất cả đều nhận thức rõ ràng sự tồn tại và những ảnh hưởng tiêu cực lẫn tích cực của nó. Khởi đầu là hiện tượng toàn cầu hoá về kinh tế và tài chính, với sự phát triển mạnh mẻ, năng động đến mức bùng nổ của nền khoa học công nghệ thông tin, thế giới dường nhu bị thu nhỏ lại mọi thông tin trên thế giới đựơc tiếp cận nhanh chóng, chính xác, đa diện, đa chiều. Tưởng chừng như mọi biên giới quốc gia, mọi rào cản ngôn ngữ, mọi ngăn cách địa lý không còn nữa. Thế giới như bị san phẳng. (Xem Thomas L. Friedman, Thế Giới Phẳng Tóm lược lịch sử Thế giới Thế kỷ 21, Nhà Xuất Bản Trẻ Tái bản lần thứ 3, 2008.)

Toàn cầu hoá đã thực sự tác động đến mọi chiều kích của đời sống nhân loại trên trái đất này. Toàn cầu hoá ngày nay đã mở rộng tầm ảnh hưởng, không chỉ trong lãnh vực kinh tế – tài chính thế giới mà còn lan toả đến mọi lãnh vực văn hoá, xã hội, chính trị dẫn đến những biến đổi quan trọng trong mô hình sản xuất, nếp sống, lối suy nghĩ cũng như tiêu chuẩn đánh giá con người. (Xem Gm, Nguyễn Thái Hợp OP, Một Cái nhìn về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, Nhà Xuất bản Phương Đông, 2010, tr. 389). Chính trong bối cảnh của một Thế Giới Toàn cầu hoá như vậy đã làm nảy sinh những thách đố cũng như yêu sách về công bằng, về an sinh, về tự do và các chuẩn mực lý mới. Sứ vụ Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội Công Giáo cũng phải đối diện với những thách đố và yêu sách ấy vì không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng người môn đệ Đức Kitô (GS, Số 1)

I.          Toàn Cầu Hoá Thu Hẹp Thế Giới : Những vấn đề của mỗi Quốc Gia, mỗi sắc tộc, mỗi nền văn hoá xem ra không còn là vấn đề riêng mà đã trở nên vấn đề chung. Những xung đột, những tranh chấp của các cộng đồng sắc tộc, quyền lợi người lao động hay quyền lợi của người dân không còn ở trong giới hạn của một thẩm quyền lãnh thổ, khu vực mà đã có khuynh hướng giải quyết bằng những nỗ lực đa quốc gia, đa khối hay mang tầm vóc toàn cầu như đã sảy ra ở cuộc chiến Vùng Vịnh, Afganitan và đang sảy ra tại Lybia … Nhiều vấn đề tác động đến ý thức con người, khiến con người chú ý hơn đến những vấn đề có ảnh hưởng toàn cầu như vấn đề nóng lên của khí hậukhủng bốbuôn lậu ma tuý và vấn đề nâng cao mức sống ở các nước nghèo. Với việc gia tăng thương mại quốc tế với tốc độ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới; gia tăng luồng tư bản quốc tế bao gồm cả đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; gia tăng luồng dữ liệu xuyên biên giới thông qua việc sử dụng các công nghệ như Internet, các vệ tinh liên lạc và điện thoại; gia tăng trao đổi văn hoá quốc tế, chẳng hạn như việc xuất khẩu các văn hoá phẩm như phim ảnh hay sách báo, tất cả đã làm mờ đi ý niệm chủ quyền quốc gia và biên giới quốc gia thông qua các hiệp ước quốc tế dẫn đến việc thành lập các tổ chức như WTO và OPEC.

Các tổ chức quốc gia sẽ mất dần quyền lực, quyền lực này sẽ chuyển về tay các tổ chức đa phương như WTO. Các tổ chức này sẽ mở rộng việc tự do đối với các giao dịch thương mại, và thông qua các hiệp ước đa phương hạ thấp hoặc nâng cao hàng rào thuế quan để điều chỉnh thương mại quốc tế.

Về khía cạnh văn hoá, xã hội, toàn cầu hoá sẽ tạo ra những hiệu quả trái ngược ở mức độ cá nhân hay dân tộc, mà kết cục thế nào đến nay cũng vẫn chưa ngã ngũ. Toàn cầu hoá sẽ tạo ra một sự đa dạng cho các cá nhân do họ được tiếp xúc với các nền văn hoá và văn minh khác nhau. Toàn cầu hoá giúp con người hiểu hơn về thế giới và những thách thức ở quy mô toàn cầu qua sự bùng nổ các nguồn thông tin, việc phổ thông hoá hoạt động du lịch, việc tiếp cận dễ dàng hơn với giáo dục và văn hoá; một sự đồng nhất đối với các dân tộc qua ảnh hưởng của các dòng chảy thương mại và văn hoá mạnh.

Toàn cầu hoá sẽ làm tăng lên nhiều lần các mối quan hệ giữa các công dân trên thế giới và cũng như các cơ hội cho từng người. Tuy nhiên nó đặt ra vấn đề là phải tìm ra một giải pháp thay thế cho hệ thống chính trị và hiến pháp hiện tại dựa trên khái niệm nhà nước-quốc gia. Các thực thể này đã từng gây ra những tác động tiêu cực trong suốt lịch sử do tính chất can thiệp mạnh bạo của nó. Ảnh hưởng của chúng giảm dần do sự toàn cầu hoá, và không còn đủ tầm xử lý nhiều thách thức mang tính toàn cầu ngày nay. Từ đó nảy sinh thách thức cần thiết lập một toàn cầu hoá dân chủ thể chế nào đó. Kiểu toàn cầu hoá này dựa trên khái niệm “công dân thế giới”, bằng cách kêu gọi mọi người sống trên hành tinh này tham gia vào quá trình quyết định những việc liên quan đến họ, thông qua môt tổ chức chung như Liên Hiệp Quốc. (Xem Toàn Cầu Hoá, Tự điển Error! Hyperlink reference not valid. )

Thế giới ngày càng chia sẻ những vấn đề và thách thức vượt qua khỏi quy mô biên giới quốc gia, Thế giới quả thật đã và đang thu hẹp lại thành một ngôi làng. Cơ hội để phát triển các quốc gia, các dân tộc ngày càng lớn nhưng thách đố ngày càng nhiều.

II.      Những Thách Đố Cho Đường Lối Công Lý Và Hoà Bình Của Giáo Hội

Để thấy cách thực tế và cụ thể những thách đố cho đường lối Công lý và Hoà bình của Giáo hội ở thời đại này, thiết tưởng, cần phải nhìn bối cảnh thế giới toàn cầu hoá qua lăng kính các công việc chính của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hoà Bình. Công việc chính của Hội đồng Giáo hoàng là thực hiện các cuộc nghiên cứu định hướng hoạt động dựa trên giáo huấn xã hội của Giáo Hội do Đức Thánh Cha và hội đồng giám mục công bố. Thông qua các cuộc nghiên cứu, Hội đồng Giáo hoàng cũng đóng góp vào sự phát triển của giáo huấn này trong những lĩnh vực rộng lớn sau : Công lý,  Hoà bình và Nhân Quyền. Từ đó, sẽ thấy nổi lên các thách đố sau :

1.   Tình Trạng Bất Bình Đẳng, Phân Hoá Giàu Nghèo, thiếu Tôn Trọng Công Ích ngày càng gia tăng:

1.1        Hơn bao giờ hết ngày nay người ta chứng kiến tình trạng bất bình đẳng xảy ra hầu như ở mọi nơi trên thế giới. Từ ở những Quốc gia nghèo đói, đang phát triển cho đến ngay cả những quốc gia được coi là phát triển mạnh về kinh tế luôn tồn tại sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp, giai cấp trong xã hội với mức độ ngày càng phổ biến và tinh vi. Trong xã hội luôn có những thế lực, những nhóm đặc quyền, đặc lợi muốn chi phối toàn bộ ích lợi cộng đồng, chiến đoạt cách bất công tài sản hoăc quyền lợi chính đáng của người nghèo, của cộng dồng sắc tộc thiểu số hay của những quốc gia nhỏ bé, kém phát triển. Những sự bất bình đẳng trước đây chỉ được trải nghiệm trong nội bộ các quốc gia, nay đang trở nên mang tính quốc tế và càng làm cho tình hình bi đát của Thế giới Thứ Ba thêm rõ rệt hơn bao giờ hết. (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo số 94). Có nhiều dấu chỉ cho thấy xu hướng các sự bất bình đẳng ngày càng tăng cao giữa các nước tiến tiến và các nước đang phát triển, cũng như ngay chính trong các nước đã công nghiệp hoá. Những tiến trình phát triển kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật giúp nhiều người ngày càng giàu về kinh tế, nhưng cũng làm nhiều người ngày càng nghèo đi. (Sách đã dẫn, Số 362).

1.2        Thế giới hôm nay là một siêu thị khổng lồ trong đó tốc độ mua bán, trao đổi hàng hoá gia tăng chóng mặt xuyên quốc gia, đa quốc gia. Siêu thị này đã góp phần tạo nên một thế giới tiêu thụ, hàng hoá, của cải vật chất dư thừa. Nhưng đồng thời, cũng tạo nên hố phân cách giàu nghèo ngày càng sâu rộng giữa các nước phát riển và kém phát triển, giữa tầng lớp thượng lưu và người bần cùng. Các nước giàu đã tỏ ra có khả năng tạo ra sự an vui vật chất, nhưng lại thường phải hy sinh con người và các giai cấp xã hội yếu kém hơn. “ Người ta không thể không biết tới sự thật : ranh giới giữa giàu và nghèo đan chéo với nhau ngay trong chính các xã hội, bất kể là xã hội phát triển hay đang phát triển. Thật vậy, những bất bình đẳng xã hội, thận chí tới mức sống cơ cực và nghèo khổ, có mặt trong các nước giàu thế nào, thì tương tự như vậy, trong các nước kém phát triển hơn, người ta cũng thường chứng kiến những biểu hiện của sự ích kỷ và một sự phô trương giàu có rất đáng lo ngại và chướng ta gai mắt.” (Sách đã dẫn, số 374)

1.3        Bên cạnh đó điều đáng lo ngại, báo động trong thế giới hôm nay, nhất là nơi các quốc gia đang phát triển hay chậm phát triển là tệ nạn khai thác tài nguyên môi trường vì ích lợi của các nước lớn và của các tập đoàn kinh tế. Tài nguyên dần cạn kiệt, môi trường sống ngày càng bị phá huỷ và trở nên ô nhiễm. Tình trạng bầu khí quyển nóng lên, những hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu gây nhiều thiệt hại đang diễn ra là kết quả của một quá trình dài lâu con người khai thác và phá huỷ môi trường tràn lan, bừa bãi, không kế hoạch vì lợi ích cục bộ. Cũng không thể không nói đến tình trạng vi phạm công ích đang ngày càng phổ biến. Những tình trạng tệ hại sảy ra cho môi trường sống tự nhiên hay những bất công, bất bình đẳng đang tồn tại có một nguyện nhân sâu xa là do thiếu tôn trọng công ích. Sự thiếu tôn trọng công ích nơi những nước lớn muốn bành trướng, áp đặt các nước nhỏ phục vụ lợi ích kính tế, quan sự, chính trị của mình. Sự thiếu tôn trọng công ích khí những tập đoàn kinh tế, những nhóm quyền lợi muốn chi phối, vơ vét, bóc lột những giai cấp bần cùng trong xã hội. Từ đó dẫn tới sự vi phạm công ích. Công ích thuộc về quyền lợi của kẻ mạnh hơn là quyền lợi của tất cả mọi người, trong khi đó mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích, nếu muốn đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người.(Sách đã dẫn, số 164) Công ích là toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển cách đầy đủ và dễ dàng hơn.(GS, số 26)

2.        Một Thách thức cho Đường Lối Công Lý Và Hoà Bình Của Giáo Hội

2.1        Một thế giới không ngừng gây chiến, không ngưng tiếng súng : Hầu như không thể nào tưởng tưởng được trong một kỷ nguyện hạt nhân như hiện nay, người ta được phép sử dụng chiến tranh như một công cụ để thực thi công lý. Cuộc chiến tranh vùng vịnh vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XX và hiện nay như tại Lybia. Ngay hiện tại này, chúng ta đang chứng kiến những cuộc xung đột vũ trang khắp nơi ở Bắc Phi, Nam Á, Trung Đông … Tất cả đều nhân danh công lý, bảo vệ thường dân để tuyên chiến. Chiến tranh đúng là một mối hoạ và không bao giờ là một phương cách thích đáng để giải quyết mâu thuẫn. Chiến tranh chưa bao giờ và cũng sẽ không bao là phương cách thích đáng vì chiến tranh sẽ tạo ra những xung đột mới còn phức tạp hơn. Khi chiến tranh bùng nổ, nó trở thành một cuộc tàn sát không cần thiết, một cuộc ra đi không có ngày về, làm hai tới hiện tai, đe doạ tương lai của nhân loại. Hoà bình không làm mất điều gì, nhưng chiến tranh có thể làm mất tất cả. Thiệt hại do một cuộc xung đột vũ trang gây ra không chỉ thiệt hại vật chất mà còn thiệt hại tinh thần. Chiến tranh là sự thất bại của toàn thể nền nhân đạo chân chính, chiến tranh luôn luôn là một sự thất bại của con người. (Tóm lược Học thuyết Xã Hội Giáo Hội Công giáo, số 498)

2.2        Thảm trạng Khủng Bố: Ngày 11/09/2001, khi Toà Tháp đôi, biểu tượng cho sự vững chắc và phát triển của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, bị tấn công sụp đổ hoàn toàn, thì lúc đó thế giới bắt đầu bước vào thế trực diện với một cuốc chiến tranh mới cuộc chiến chống khủng bố. Thực tế đã cho thấy không còn cuộc chiến tranh lạnh giữa hai cực Tư Bản Chủ Nghĩa và Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhưng hòa Bình thế giới luôn bị đe doạ qua các cuộc xung đột khu vực, qua các cuộc chiến tranh dầu mỏ ở vùng vịch, qua các xung đột Tôn giáo, đặc biệt là những cuộc tấn công khủng bố. Con người không tạo ra những cuộc chiến tranh thế giới nữa, nhưng là những cuộc tấn công tàn sát qui mô nhỏ nhưng thiệt hại lại năng nề và gây bất an, bất ổn cho mọi người. Khủng bố là một trong những hình thức bạo lực tàn ác nhất gây kinh hoàng cho cộng đồng thế giới hiện nay; nó gieo hận thù, chết chóc, cũng như thôi thúc báo thù và trả đũa. Khủng bố nay đã trở thành một mạng lưới mờ ám của việc kết cấu chính trị. Người ta có thể sử dụng cả công nghệ tinh vi, nắm trong tay nguồn tài chính khổng lồ và chẳng ngần ngại tham gia vào việc lên kế hoạch ở cấp độ vĩ mô, đánh thẳng vào những người hoàn toàn vô tội, biến họ thành những nạn nhân tình cớ của các hành động khủng bố. (Tóm lược Học thuyết Xã Hội Giáo Hội Công giáo, số 513)

3.        Thách đố về Nhân Quyền :

3.1 Theo Hội đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hoà Bình thì vấn đề nhân quyền chiếm tầm quan trọng ngày càng lớn trong sứ vụ của Giáo Hội và cũng theo đó, trong công việc của Hội đồng Giáo hoàng. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường xuyên nhấn mạnh rằng phẩm giá của con người là nền tảng cho sự bảo vệ và thăng tiến các quyền cơ bản của người đó.  Ngày nay, các quyền con người đang bị xâm phạm nặng nề, với đủ loại chiến tranh và bạo lực. Việc mở rộng chưa từng thấy gần như trên toàn thế giới những hình thức của sự nô lệ như buôn bán phụ nữ và trẻ em, bóc lột sức lao động, buôn bán ma tuý trái phép. Thảm trạng phá thai ngày càng khủng khiếp, người ta có thể nhân danh sự sống để tiêu diệt sự sống từ trong trứng nước. Ngay tại những nước có chính phủ theo thể thức dân chủ, nhân quyền không phải lúc nào cũng được tôn trọng. Nguyên nhân là người ta chỉ nhìn nhận các quyền này một cách hết sức hình thức. (Tóm lược Học thuyết Xã Hội Giáo Hội Công giáo, số 158)

3.2 Những Thách đố đến từ  môi trường chính trị xã hội thiếu tôn trọng tự do Tôn giáo : Ngày nay, tiếc thay, quyền tự do tôn giáo “ đang bị nhiều nhà nước vi phạm, thận chí tới mức giảng dạy Giáo lý, nhờ người giảng day giáo lý và tiếp thu giáo lý đều trở thành những hành vi phạm pháp có thể bị trừng phạt.” (Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi Tradendae, số 14). Trên thế giới ngày nay người ta ghi nhận vẫn còn những cuộc bách hại, kỳ thị, những hành vi bạo lực và bất bao dung dựa trên tôn giáo. Đặc biệt tại Á, Phi, các nạn nhân chính vẫn là những phần tử của các nhóm tôn giáo thiểu số, người ta cấm họ không được tự do tuyên xưng tôn giáo của mình hoặc thay đổi tôn giáo, qua những hành vi doạ nạt hoặc vi phạm các quyền, các tự do cơ bản và những tài sản thiết yếu, đến độ tước đoạt tự do bản thân và cả sinh mạng của họ nữa. Có những hình thức tinh vi hơn thù nghịch chống lại tôn giáo, tại các nước Tây Phương, những hình thức này đôi khi được biểu lộ qua sự chối bỏ lịch sử và các biểu tượng tôn giáo trong đó có phản ánh căn tính và văn hóa của đại đa số công dân. Những hình thức đó thường nuôi dưỡng oán ghét và thành kiến, và không phù hợp với quan niệm trong sáng và quân bình về sự đa nguyên và đặc tính đời của các tổ chức chính quyền, không kể sự kiện các thế hệ trẻ có nguy cơ không được tiếp xúc với gia sản tinh thần quí giá của quê hương họ (Bênêdictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình 2011, số 13).

II.      Những Yêu Sách Về Công Lý Và Hoà Bình Ở Thời Đại Hôm Nay

1.        Yêu Sách Từ Đòi Hỏi Của Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng:

1.1        Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng cho con người và thế giới cụ thể : Khi sai di, Ngài đã ra những chỉ thị rất cụ thể giúp người môn đệ biết phải làm gì để chu toàn sứ vụ. “Thầy sai các con đi như con chiên ở giữa sói rừng. Các con hãy đi khắp thế gian. Hãy khôn ngoan như con rắn và hiền lành như bồ câu. Đi đến đâu vào thành nào, nhà nào trước hết các con hãy chúc bình an cho họ. Hãy chữa lành những bệnh nhân, xua trừ ma quỷ…” Tất cả những huấn thị của Chúa Giêsu cho thấy người môn đệ phải lăn xả vào cuộc sống của anh em đồng bào và đồng loại, chia sẻ trọn vẹn cuộc sống với họ vui cũng như buồn, thuận lợi cũng như khó khăn. Cùng với họ đối diện, đương đầu với khó khăn thử thách và giúp họ biết dùng sức mạnh của Thiên Chúa, của Tin Mừng để giải quyết những vấn nạn của cuộc sống. Tám Mối Phúc Thật chính là những cách thế, những con đường để người môn đệ dấn thân đi vào lòng thế giới xây dựng một thế giới có công lý và hoà bình đích thực.

1.2        Vì thế, Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội minh định rõ ràng : Không có gì liên quan đến cộng đồng nhân loại, những tình huống và những vấn đề liên quan đến công lý, tự do, phát triển, quan hệ giữa các dân tộc, hoà bình mà lại nằm ngoài công cuộc Phúc Âm Hoá; việc Phúc Âm Hoá sẽ thiếu sót nếu không xét tới các đòi hỏi liên tục của Tin Mừng đối với đời sống cá nhân và và xã hội cụ thể của con người. Giữa việc Phúc Âm hoá và việc thăng tiến con người có những mối liên hệ hết sức sâu xa : “ Trong đó có mối liên hệ thuộc phạm vi nhân học, vì con người được Phúc Âm hoá không phải là một hữu thể trừu tượng mà là một hữu thể lệ thuộc các vấn đề kinh tế và xã hội… Trên bình diện cứu chuộc đụng chạm tới chính những tình huống bất công cụ thể cần phải đấu tranh và những tình huống công bằng cụ thể cần phải được khôi phục. Trong đó còn có mối liên hệ nổi bật thuộc phạm vi Tin Mừng, tức là phạm vi Đức Ái: làm sao có thể cống bố điều răn mới mà không tìm cách thăng tiến con người một cách đích thực trong công lý và hoà bình. (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 66)

2.        Yêu Sách Từ Con Người Và Thế Giới Hôm Nay: Công đồng Vaticanô II khẳng định : “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” (GS No 1). Nói cách khác, Giáo Hội Công Giáo cũng sẽ phải lắng nghe những đòi hỏi của con người, của dân tộc, của xã hội mà mình dấn thân phục vụ. Khi chọn lựa đứng về phía người nghèo khổ, đau khổ, bất hạnh thì măc nhiên cũng cho họ được quyền đòi hỏi Giáo Hội và các môn đệ Đức Kitô phải bênh vực, phải lên tiếng và phải hướng dẫn họ theo ánh sáng Tin Mừng để đạt được công lý, bác ái và hoà bình ở hiện tại này. Giáo Hội có trách nhiệm phải lên tiếng thay cho họ.

Giáo Hội Công Giáo không thể đứng bên lề để quan sát thế giới  và những vận hành của nó nhưng phải hội nhập, là thành phần của nó. Cũng thế, từng Giáo Hội địa phương cũng không thể đứng bên lề xã hội mình đang chung sống mà phải hội nhập. Khi hội nhập như thế, người ta sẽ có những đòi hỏi, những yêu sách nhất là những vấn đề đụng chạm đến chân lý, tình thương và sự sống đòi Giáo Hội và môn đệ Đức Kitô phải trả lời. Giáo hội Công giáo phải là tiếng nói trung thực của công lý. Giáo Hội phải can đảm dấn thân bênh vực cho sự thật, cho sự sống, cho quyền con người.

3.        Yêu Sách Từ Giáo Hội đòi Hỏi Thế Giới: Với bối cảnh thế giới ở thời đại Toàn Cầu Hoá hiện nay, Giáo hội trong sứ mạng và trách nhiệm của mình có quyền lên tiếng để cống bố sứ điệp Tin Mừng của Đức Kitô. Cụ thể :

3.1. Tôn trọng Quyền tự do tôn giáo: Quyền tự do tôn giáo phải được nhìn nhận trong trật tự pháp lý và phải được phê chuẩn như một quyền dân sự. Chính phẩm giá của con người và chính bản chất của công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa đòi phải để cho mọi người được tự do không bị một áp lực nào trong lãnh vực tôn giáo. Xã hội và nhà nước không đựơc cưỡng bách con người hành động ngược với lương tâm của mình hay không được ngăn cản con người hành động hợp với lương tâm của mình. (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 421). Chính trong tự do tôn giáo có biểu lộ đặc tính của con người, nhờ tự do ấy con người có thể xếp đặt đời sống bản thân và xã hội của mình theo Thiên Chúa: dưới ánh sáng của Chúa, con người hiểu được trọn vẹn căn tính, ý nghĩa và cùng đích của mình. Phủ nhận hoặc giới hạn tự do tôn giáo một cách độc đoán có nghĩa là nuôi dưỡng một quan niệm hẹp hòi về con người, làm lu mờ vai trò công cộng của tôn giáo có nghĩa là tạo nên một xã hội bất công, vì không hợp với bản chất đích thực của con người; điều này có nghĩa là làm cho sự khẳng định một nền hòa bình chân chính và lâu bền của toàn thể nhân loại trở thành điều không thể thực hiện được. Tự do tôn giáo phải được hiểu không phải chỉ là không bị cưỡng bách, nhưng trước tiên như một khả năng xếp đặt các chọn lựa của mình theo chân lý. Có một mối liên hệ không thể tách rời giữa tự do và tôn trọng; lý do vì, ”luật luân lý bó buộc mọi người và mọi nhóm xã hội, khi thi hành các quyền của mình, phải để ý tới các quyền của người khác, cũng như tới những nghĩa vụ của mình đối với người khác và công ích của mọi người”. trong số các quyền và tự do cơ bản có căn cội trong phẩm giá con người, tự do tôn giáo có một qui chế đặc biệt. Khi tự do tôn giáo được nhìn nhận, thì phẩm giá con người được tôn trọng trong căn cội của nó và luân lý cũng như các định chế của các dân tộc được củng cố. Trái lại, khi tự do tôn giáo bị chối bỏ, khi toan tính ngăn cản việc tuyên xưng tôn giáo hoặc tín ngưỡng và cuộc sống phù hợp với tôn giáo, thì người ta xúc phạm đến phẩm giá con người, và đồng thời đe dọa công lý và hòa bình, là những điều dựa trên trật tự ngay thẳng của xã hội được xây dựng dưới ánh sáng của Sự Thật và Sự Thiện Tối Cao. (Xem ĐGH Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình 2011, số 3-6). Công đồng Vatiacanô II đã long trọng tái xác nhận rằng : “ Cộng đồng chính trị và Giáo hội độc lập với nhau và hoàn toàn tự trị trong địa hạt của mình.” (GS, số 76). Vì tôn trọng tự do tôn giáo, cộng đồng chính trị phải bảo đảm cho Giáo Hội có đủ không gian cần thiết để thi hành sứ mạng của mình. Giáo Hội có quyền được luật phát nhìn nhận bản sắc đúng của mình. Bởi đó Giáo Hội tìm cho được sự tự do phát biểu, tự do giảng dạy và loan báo Tin Mừng, tự do thờ phượng chung, tự do tổ chức và cai quản trong nội bộ của mình (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 424, 426).

3.2. Xây dựng Tình liên đới trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị để kiến tạo công bằng, tôn trọng công ích : Môt trong những nhiệm vụ căn bản của những người tích cực tham gia vào các vấn đề kinh tế thế giới là làm sao thực hiện cho nhân loại một sự phát triển toàn diện trong tình liên đới, tức là phát huy điều tốt của mỗi người và của toàn thể con người (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 373).

3.3. Hoà bình là kết quả của công lý và Bác ái : Hoà bình là một giá trị và là một nghĩa vụ của hết mọi người dựa trên trật tự hợp lý và luân lý của xã hội, trật tự này bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, là nguồn sống đầu tiên, là sự thật căn bản và là sự thiện hảo tối cao. Hoà bình không phải chỉ là không có chiến tranh cũng không phải hạ thấp xuống tới mức chỉ là giữ cho các bên thù địch nhau cân bằng về quyền lực; mà đúng hơn hoà bình đựơc xây dựng trên việc hiểu đúng con người và đòi phải thiết lập đựơc một trật tự dựa trên nền tảng công lý và bác ái. Hoà bình là kết quả của công lý được hiểu là tôn trọng phẩm giá con người. Trao cho con người những gì là của mình. Bảo vệ và phát huy các quyền con người là điều kiện cần thiết để xây dựng một xã hội hoà bình và để phát triển toàn diện các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia. Hoà bình đích thực là kết quả của tình yêu hơn là của công lý. Hoà bình tự chính bản thân là một hành động và là những thành quả chỉ xuất phát từ tình yêu. Hoà bình được xây dựng dần dần khi người ta theo đuổi một trật tự như Chúa muốn và hoà bình chỉ thăng hoa khi mọi người đều công nhận ai ai cũng có trách nhiệm xúc tiến hoà bình. Một lý tưởng hoà bình không thể nào có được nếu đời sống ấm no của con người chưa được bảo đảm và nếu người ta chưa được tự do và tin tưởng chia sẻ với nhau những sự phong phú của trí tuệ và tài năng của mình.

      Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội triển khai Lời Chúa là nguồn ánh sáng chân lý về sự sống con người cùng nhân phẩm và nhân quyền, về gia đình và cộng đồng xã hội, về các mối quan hệ xã hội cùng bang giao giữa các dân tộc.  Ban Công Lý Và Hoà Bình có trách nhiệm phổ biến giáo huấn đó nhằm soi đường dẫn lối cho mọi thành phần dân Chúa đưa những giá trị Tin Mừng, những giá trị nhân bản, vào trong đời sống văn hoá và xã hội, kinh tế tài chính và chính trị của cộng đồng nhân loại hôm nay (x. Thông điệp “Tình Yêu trong Chân Lý”). Đó là con đường cộng đồng dân Chúa thi hành sứ vụ Phúc Âm hoá những thực tại trần thế, hướng đến xác lập một nền nhân bản mới cùng một trật tự xã hội mới cho trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay.(Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Lời chủ chăn 05/2011)

Thách đố thì nhiều, khó khăn thì phức tạp nhưng trong ánh sáng Đức Tin thì đó lại là con đường thập giá mới của Giáo Hội trên đường sứ vụ. Công Lý và Hoà bình là chọn lựa đúng đắn theo tác động của Chúa Thánh Thần ở thời đại hôm nay để Giáo Hội can đảm dấn thân thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Đức Kitô Phục Sinh. Có thách đố, có khó khăn nhưng lại làm nảy sinh cơ hội để Giáo Hội thu hoạch một vụ mùa bội thu.