23/11/2024

ĐGH Bênêđictô XVI suy niệm về thái độ của Thánh Phêrô

TTCG (La Croix.com, 21-4-2011, bài của Frédéric Mounier) – ĐGH đã chủ toạ Thánh lễ Tiệc Ly vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, 21-4, lúc 17 giờ 30, tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Laterano tại Rôma.

ĐGH Bênêđictô XVI suy niệm về thái độ của Thánh Phêrô

TTCG (La Croix.com, 21-4-2011, bài của Frédéric Mounier) – ĐGH đã chủ toạ Thánh lễ Tiệc Ly vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, 21-4, lúc 17 giờ 30, tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Laterano tại Rôma. Cũng trong ngày hôm đó, vào lúc 9 giờ 30, người đã cử hành Thánh lễ làm phép dầu, trước mặt hàng ngàn linh mục của Giáo phận Rôma.

Chiều thứ Năm Tuần Thánh bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta không được hiểu đây là 3 ngày chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, nhưng phải hiểu là cử hành lễ Vượt Qua trong 3 ngày, như đã được Văn phòng phụ trách các buổi cử hành Phụng vụ tại Rôma xác định.

Qua buổi cử hành này, Đức Bênêđictô XVI đã rửa chân cho 12 linh mục của Giáo phận Rôma, nhắc lại cử chỉ của Đức Giêsu đã làm cho các Tông đồ của Người. Tiền quyên góp được trong buổi cử hành này dùng để giúp các nạn nhân động đất tại Nhật Bản.

Một sắc thái riêng

Trong phần bài giảng của mình, Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh đến “một lời cầu xin, mà theo Thánh Gioan, thì Đức Giêsu đã lặp lại đến 4 lần trong Lời Cầu nguyện của Người. Lời cầu xin ấy vẫn canh cánh trong tâm hồn của Người! Lời cầu xin ấy vẫn luôn là lời Người cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta: đó là lời kinh cầu cho hiệp nhất. Đức Giêsu nói rõ lời cầu xin này không chỉ được dành riêng cho các môn đệ đang hiện diện lúc đó, mà còn cho tất cả những ai sẽ tin vào Người (x. Ga 17,20). Chúa cầu xin cho tất cả nên một ‘như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con’ (Ga 17,21)”.

“Lời cầu xin” này tương ứng với một hướng đi chính yếu dưới triều đại Giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI. Đối với ĐGH, lời cầu xin này chỉ có thể hiểu được “nếu các Kitô hữu kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu; tin và yêu Đức Giêsu, tin vào hữu thể là một của Người với Chúa Cha, và mở lòng ra để hiệp nhất với Người, đó là những điều thiết yếu. Như thế, sự hiệp nhất này không phải chỉ là một cái gì bên trong, một cái gì bí nhiệm; mà nó còn phải trở nên hữu hình, hữu hình đến nỗi trở nên bằng chứng để thế gian tin rằng Chúa Cha đã sai Đức Giêsu”.

Với một sắc thái riêng biệt trong bài giảng của mình, nhân ngày kỷ niệm 6 năm được chọn làm Giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI tiếp tục phần bài giảng khi người gợi lại hình ảnh Satan, được Thánh Luca nhắc đến trong Lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho sự hiệp nhất:  

“Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh như người ta sàng gạo; nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh, để anh khỏi mất lòng tin. Về phần anh, một khi đã trở lại, anh hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,31tt).

Diễn giải những thái độ của Thánh Phêrô

Người kế vị Thánh Phêrô nói tiếp: “Ngày hôm nay, lại một lần nữa, chúng ta phải đau đớn mà ghi nhận rằng chúng ta đã để cho Satan sàng các môn đệ một cách hữu hình, trước mặt thế gian. Và chúng ta biết rằng Đức Giêsu cầu nguyện cho đức tin của Phêrô và của những người kế vị người. Chúng ta biết rằng Thánh Phêrô, một con người đi đến gặp Chúa trên những cơn biển động của lịch sử và đã suýt bị chìm, luôn được bàn tay của Chúa nắm lấy và dẫn đi trên dòng nước”.

ĐGH đã chú giải về những thái độ của Phêrô: “Đức Giêsu đã cho Phêrô biết là ông sẽ sa ngã và hoán cải. Phêrô phải hoán cải về điều gì? Vào lúc khởi đầu, khi Chúa gọi Phêrô, ông cảm thấy sợ hãi về quyền năng của Chúa và nỗi khốn cùng của mình, Phêrô đã thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!’ (Lc 5,8). Dưới ánh sáng của Chúa, Phêrô nhận ra sự bất toàn của mình. Và chính vì như thế, trong sự khiêm nhường của người biết mình là kẻ có tội, mà ông đã được Chúa gọi. Ông phải luôn tìm lại cho bằng được sự khiêm nhường này. Gần thành Xêdarê Philipphê, Phêrô không muốn chấp nhận việc Đức Giêsu chịu đau khổ và chịu đóng đinh. Điều này không thể nào dung hợp được với hình ảnh mà ông có về Thiên Chúa và Đấng Thiên Sai. Trong phòng Tiệc Ly, ông không muốn Chúa Giêsu rửa chân cho mình: điều này không thể dung hoà được với ý tưởng ông có về phẩm giá của Thầy. Trong vườn Cây Dầu, ông đã dùng gươm để hành động. Ông muốn chứng tỏ sự can đảm của mình. Thế nhưng, trước mặt người tớ gái, ông đã khẳng định là không quen biết Đức Giêsu. Vào lúc đó, ông cho rằng đây chỉ là một lời nói dối vặt, để có thể ở gần Đức Giêsu. Sự anh hùng của ông đã tiêu tan đi chỉ vì một trò ti tiện muốn có được một chỗ đứng trong các biến cố”.

Một niềm an ủi lớn lao khi biết rằng mọi người đều cầu nguyện cho ĐGH

Đức Bênêđictô XVI đã khai triển một lối so sánh mà người rất thích sử dụng, đó là dùng từ “chúng ta”, từ có nghĩa tập thể hơn là tính trang trọng: “Tất cả chúng ta, chúng ta phải luôn học biết chấp nhận Thiên Chúa và Đức Giêsu theo kiểu của Người, chứ không phải theo kiểu chúng ta muốn. Chúng ta cũng thế, chúng ta khó mà chấp nhận được Người phải gắn liền với những giới hạn của Giáo Hội và những thừa tác viên của Người. Chúng ta cũng không muốn Người không có quyền hành gì trên trần gian này. Chúng ta cũng thế, chúng ta giấu mình sau những cái cớ, khi thấy rằng mình phải trả giá đắt và quá nguy hiểm khi lệ thuộc vào Đức Kitô. Tất cả chúng ta cần hoán cải để tiếp nhận Đức Giêsu trong hữu thể Thiên Chúa và hữu thể con người của Người. Chúng ta cần thái độ khiêm nhường của người môn đệ luôn thi hành ý muốn của Thầy mình. Vào giây phút này đây, chúng ta muốn cầu xin Người nhìn đến chúng ta như Người đã nhìn đến Thánh Phêrô, vào lúc thuận lợi, với đôi mắt nhân hậu, và cải hoá chúng ta”.

Cuối cùng, ĐGH nâng cây gậy mục tử của mình lên để nói lời cám ơn sau cùng của người: “Các bạn thân mến, đối với ĐGH, đây là một điều an ủi lớn lao cho người, khi người biết được rằng qua mỗi buổi cử hành Thánh Thể, tất cả đều cầu nguyện cho người; ước gì lời cầu nguyện của chúng ta kết hiệp với lời cầu nguyện của Chúa cầu nguyện cho Thánh Phêrô. Chỉ nhờ lời cầu nguyện của Chúa và của Giáo Hội mà ĐGH mới có thể chu toàn được nhiệm vụ của người trong việc làm cho anh em mình được nên vững mạnh, trong việc chăn dắt đoàn chiên của Đức Giêsu, và trong việc bảo đảm cho sự hiệp nhất này, sự hiệp nhất làm chứng một cách hữu hình cho sứ mệnh của Đức Giêsu xuất phát từ Chúa Cha”.

G.B. Lưu Văn Lộc