18/10/2024

Chúa Nhật XXX Thường Niên, năm C: Chúa Nhật Truyền Giáo

Lời mở: Hôm nay là ngày Chúa Nhật Truyền giáo, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về công cuộc loan báo Tin Mừng để mang niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho muôn loài thọ tạo. Nói đến việc truyền giáo, ngày nay người ta rất ngại ngùng vì tưởng như xúc phạm đến quyền tự do tôn giáo của người khác. Thí dụ đối với những người theo đạo Cao Đài, bây giờ tôi giới thiệu đạo Công giáo cho người ta, vậy tôi có tôn trọng đạo của người khác không hay là tôi coi tôn giáo kia là thấp kém hơn đạo của mình.

CHÚA NHẬT 30 TN C – CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Gắn bó với Chúa Giêsu Kitô để trở thành Tin Mừng sống động

Hành Khất Kitô

UBBAXH-Caritas Việt Nam

Lời mở

Hôm nay là ngày Chúa Nhật Truyền giáo, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về công cuộc loan báo Tin Mừng để mang niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho muôn loài thọ tạo.

Nói đến việc truyền giáo, ngày nay người ta rất ngại ngùng vì tưởng như xúc phạm đến quyền tự do tôn giáo của người khác. Thí dụ đối với những người theo đạo Cao Đài, bây giờ tôi giới thiệu đạo Công giáo cho người ta, vậy tôi có tôn trọng đạo của người khác không hay là tôi coi tôn giáo kia là thấp kém hơn đạo của mình. Hơn nữa, chính trong lòng Giáo Hội, vì chúng ta chưa hiểu được truyền giáo là gì, nên chúng ta vẫn chưa hành động một cách đúng đắn và có kết quả. Vậy truyền giáo là gì?

1. Định nghĩa từ Truyền giáo

Ngay việc định nghĩa truyền giáo, trong Giáo Hội cũng chưa hiểu rõ ràng. Nhiều thế kỷ trước đây người ta nghĩ rằng truyền giáo là “truyền bá tôn giáo” của mình, giới thiệu đạo của mình cho người khác. Đạo của mình gồm những tín điều, những nghi lễ, những bí tích nên chúng ta dạy họ những bài giáo lý về những điều đó để họ có đức tin. Vì thế, Bộ Truyền giáo có tên là Bộ Truyền bá Đức tin, tiếng Latinh là Propaganda Fidei.

Ba thế kỷ gần đây, người ta lại định nghĩa truyền giáo là “loan báo Tin Mừng”. Khi người ta tập trung vào Kinh Thánh và nghĩ rằng truyền giáo là dạy cho người khác những điều mà Thiên Chúa mạc khải trong Kinh Thánh, đặc biệt là các sách Tin Mừng, bốn Phúc Âm. Do đó, người ta tập trung vào việc học hỏi các cách chú giải Phúc Âm thế nào cho người khác hiểu, viết những cuốn sách về Tin mừng và các linh mục được học hỏi rất nhiều về Kinh Thánh.

Bốn năm gần đây, với Đại hội Truyền giáo châu Á tổ chức tại Chiang Mai, Thái Lan, vào tháng 10-2006, người ta lại định nghĩa truyền giáo là “kể lại câu chuyện Giêsu” cho người khác. Người ta muốn giới thiệu một cách truyền giáo mới giống như các tông đồ xưa đã gặp gỡ, đã sống với Chúa Giêsu và có kinh nghiệm về Người, đã lắng nghe những lời Người rao giảng, đã tận mắt thấy những phép lạ Người làm để kể lại câu chuyện Giêsu cho người khác mà không tập trung vào các tín điều hay những bài Kinh Thánh. Tháng trước, trong Đại hội Truyền giáo Á Châu được tổ chức tại Hàn Quốc, người ta cũng giữ lại định nghĩa này: truyền giáo là công bố câu chuyện Giêsu.

Ba kiểu định nghĩa này đều phong phú và chính xác, nếu chúng ta hiểu rằng truyền giáo, hay truyền đạo, chính là giới thiệu Chúa Giêsu vì Người là con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Truyền đạo là giới thiệu một con người Giêsu cụ thể đã dạy dỗ chúng ta như thế nào, đã giúp chúng ta hiểu về Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ chúng ta như thế nào vì Đức Giêsu là con đường, là sự thật, là sự sống. Nếu chúng ta hiểu Tin Mừng không phải chỉ là những chữ viết ở trong cuốn sách Kinh Thánh, không phải là những câu nói Chúa Giêsu đã giảng dạy trước đây nhưng chính là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành một con người. Vì thế, loan báo Tin Mừng là loan báo Lời của Chúa, một Lời sống động cho con người để con người có thể gặp gỡ, tiếp xúc, có kinh nghiệm với Người, cảm nghiệm được ơn phúc và ơn cứu độ Người chuyển thông cho họ. Do đó, Loan báo Tin Mừng cũng chính là truyền giáo.

Còn việc kể chuyện Giêsu là nói lên một cách cụ thể cách thức mà chúng ta muốn chia sẻ cho mọi người như các tông đồ xưa. Như thế, cả ba định nghĩa đều tương đương, có giá trị như nhau nên chúng ta dùng từ nào cũng được.

2. Chưa sống đạo nên kết quả truyền đạo yếu kém

Điểm cơ bản thứ hai, việc truyền giáo không hệ tại ở những kiểu định nghĩa khác nhau nhưng tập trung vào Đức Giêsu mà chúng ta muốn chia sẻ cho người khác. Chúng ta phải có kinh nghiệm, phải gặp gỡ, gắn bó, tiếp xúc với Người. Vậy chúng ta đã làm được như vậy chưa?

Trước khi truyền đạo, chúng ta phải sống đạo, phải gắn bó với Đức Giêsu như là con đường, nghĩa là chúng ta phải đi vào con đường đó thì mới có thể chia sẻ cho người khác. Chính vì chúng ta chưa sống đạo, chưa thật sự gắn bó với Chúa Giêsu mà công cuộc truyền giáo chưa đạt được kết quả tốt đẹp.

Vào ngày 12-10-2010, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã lập một Hội đồng giáo hoàng mới có tên là Tái Truyền bá Tin Mừng cho các dân tộc đã từng đón nhận Chúa Giêsu Kitô mà nay đã từ chối Người. Chúng ta thấy hầu hết những dân tộc Tây Phương như Anh, Pháp, Đức, Ý … đều đón nhận Chúa Giêsu, bây giờ thì hầu như người ta đi lễ rất ít, chưa tới 7% dân số Công giáo đi lễ ngày Chủ Nhật, dù rằng số người được rửa tội có thể đạt tới 80 -90% dân số. Bị ảnh hưởng của đời sống vật chất, của khoa học kỹ thuật, người ta nhìn Chúa Giêsu không còn là một Thiên Chúa mang lại ơn cứu độ cho con người. Người ta chỉ nhìn vào mình để hưởng thụ.

Vì thế, ĐTC lập một Hội đồng giáo hoàng mới để loan báo Tin Mừng lại cho những dân tộc đó. Tại sao? Tại vì chính những người Kitô hữu đó đã không sống đạo, không gắn bó với Chúa Giêsu thì làm sao phát huy được niềm vui, bình an, quyền năng mà Chúa Giêsu vừa nói trong bài Phúc Âm: “Anh em hãy đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho muôn loài thọ tạo, hãy đặt tay chữa lành bệnh nhân, hãy xua trừ ma quỷ, có uống nhầm thuốc độc cũng không bị hại…” (Mc 16, 15 – 21).

Số người Công giáo trên toàn thế giới giảm sút trong 50 năm qua. Vào năm 1960 dân số Công giáo chiếm 18,2% dân số; bây giờ chỉ còn có 17,4%. Ở Việt Nam chúng ta cũng rơi vào tình trạng tương tự: trong suốt 125 năm qua, từ 1885 đến nay, chúng ta cũng giữ nguyên 7% dân số. Mỗi năm chúng ta có 30-40 ngàn người lớn theo đạo Công giáo. Trong khi chúng ta có 3.700 linh mục, 2.400 chủng sinh, 17.000 tu sĩ nam nữ, 57.000 giáo lý viên và gần 1 triệu đoàn viên Công giáo Tiến hành… Vậy ai trong số đó đã thu hút người khác theo đạo? Hơn nữa, 80-90% người theo đạo đó là để lấy vợ lấy chồng! Cho nên có câu nói chua chát: “Sấp mình lạy Chúa Ba Ngôi, tôi lấy được vợ tôi thôi nhà thờ!”.

3. Gắn bó với Đức Giêsu để trở thành Tin Mừng sống động

Chúng ta phải nhìn lại cuộc sống của chúng ta. Tại sao? Vì khi gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta mới phát huy được những năng lực kỳ diệu, những giá trị sống của Tin Mừng mà cha ông chúng ta trước đây đã từng loan báo. Vài trăm năm trước đây, khi còn bị bách hại, dân số Công giáo có lúc đã tăng đến 12% dân số.

Tuần trước, chúng tôi đi giúp cho đồng bào lũ lụt ở Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đến Hà Tĩnh, tôi thầm cảm tạ Chúa và biết ơn cụ Phan Bội Châu. Vào năm 1860-1885, nước ta có phong trào Cần Vương, do vua Hàm Nghi khởi xướng để chống người Pháp. Các sĩ phu lập ra phong trào Văn Thân với khẩu hiệu “bình Tây sát tả” (diệt người Tây và giết người theo đạo tà – đó là những người theo đạo Công giáo), vì năm 1863, người Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ nên người ta quy tội cho người Công giáo đã theo Tây bán nước, chống lại triều đình, các sĩ phu hô hào dân chúng giết hại người Công giáo. Hàng trăm ngàn người Công giáo bị giết hại, bị phân sáp, bị thích hai chữ tả đạo trên trán, bị lưu đày.

Cụ Phan Bội Châu, lúc bấy giờ lãnh đạo nhóm sĩ phu, đã nhắc nhở cho các nhà Nho biết rằng không phải người Công giáo bán nước, chối bỏ đất nước, theo Tây mà chính người Công giáo đã mang lại những giá trị tốt đẹp cho đất nước. Cụ viết những bài thơ, bài văn để yêu cầu người ta nhìn lại vì chính người Công giáo lúc đó đang tích cực tham gia phong trào Đông Du với 29 người đã được cụ gửi sang Nhật Bản.

Tiếp đến, các cụ Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, Lương Văn Can với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã cùng hợp tiếng hô hào hãy bắt chước người Công giáo vì người Công giáo đưa ra những giá trị mới. Đó là giá trị dân chủ thay cho quân chủ chuyên chế, bình đẳng nam nữ thay cho trọng nam khinh nữ, gia đình một vợ một chồng thay cho chế độ đa thê. Các cụ hô hào dân chúng bỏ búi tóc củ hành, cắt móng tay, học chữ Việt, mặc Âu phục, theo khoa học… Các sĩ phu đã nghe theo cụ Phan Bội Châu và nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục nên không giết hại người Công giáo. Thời đó, chúng ta giới thiệu những giá trị mới của Tin Mừng để đóng góp vào nền văn hoá dân tộc khiến nhiều người theo đạo. Nhưng khi xã hội chấp nhận những giá trị này rồi như chúng ta hiện nay, thì chính người Công giáo dường như lại ngủ quên trong chiến thắng và không còn giới thiệu những giá trị mới nữa, nên từ đó chúng ta dừng lại ở con số 7%.

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại công việc truyền giáo để hiểu rằng mỗi người chúng ta đang thể hiện bản chất của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng cho mọi người. Ta cần gắn bó với Chúa Giêsu để nhận được tình yêu, bình an, niềm vui, sức mạnh, quyền năng của Người và chia sẻ cho người khác. Tiếp đến, chúng ta cần học hỏi Tin Mừng để đưa Tin Mừng thâm nhập vào nền văn hoá dân tộc với những giá trị mới, học hỏi những bài học về tôn giáo để có thể đối thoại với những anh em theo các tôn giáo khác trong cuộc đối thoại liên tôn. Khi cảm nghiệm được Chúa Giêsu đang hoà nhập trong các tôn giáo khác như sự thật và sự sống, chúng ta sẽ nhận ra rằng Đức Phật chính là người anh lớn của chúng ta trong đại gia đình Thiên Chúa vì cũng được Chúa Cha tạo dựng và giới thiệu những bài học từ bi hỉ xả cho chúng ta. Từ đó, khi vào chùa chúng ta mới có thái độ tôn trọng người anh lớn của mình như một vị thánh.

Kết luận

Với những thái độ như vậy chúng ta sẽ giúp cho người khác cảm nghiệm được rằng Đức Giêsu đang ở trong chúng ta và chúng ta trở thành một Tin Mừng sống động cho tất cả mọi người. Bấy giờ chúng ta mới cảm nghiệm được quyền năng của Chúa Giêsu chuyển thông cho ta để đi đến nơi nào, tiếp xúc với ai, chúng ta cũng làm cho người đó được bình an, được niềm vui, thậm chí được chữa lành trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Như thế là chúng ta mang lại ấm no, hạnh phúc cũng như những giá trị mới cho con người và cho cả dân tộc Việt Nam. Đó chính là bài học về truyền giáo mà cha ông chúng ta muốn truyền lại cho chúng ta hôm nay.