23/11/2024

Ly nước rỗng

Chuyện kể rằng, có một môn sinh tìm đến vị đạo sĩ để tìm lời khuyên dạy về cuộc đời, về lẽ sống. Thay vì lắng nghe vị đạo sĩ, người môn sinh huyên thuyên không ngớt kể về cuộc đời mình, và về những thành quả với thái độ kiêu hãnh, khoe khoang…

Ly nước rỗng

Chuyện kể rằng, có một môn sinh tìm đến vị đạo sĩ để tìm lời khuyên dạy về cuộc đời, về lẽ sống. Thay vì lắng nghe vị đạo sĩ, người môn sinh huyên thuyên không ngớt kể về  cuộc đời mình, và về những thành quả với thái độ kiêu hãnh, khoe khoang… Trước thái độ ấy, người đạo sĩ vừa lắng nghe người môn sinh nhưng đồng thời ông vẫn đều đặn rót nước trà vào ly. Nước trà ngập tràn ra ly, chảy ra bàn, thấm xuống đất mà người đạo sĩ vẫn cứ tiếp tục rót nó xem như không có chuyện gì xảy ra.

Người môn sinh liền nói, “thưa thầy dừng tay lại, nước tràn ly rồi.” Vị đạo sĩ ôn tồn đáp. “Đúng như vậy, nước tràn ra khỏi ly rồi! Bao lâu lòng con không trút bỏ những ý nghĩ của con, những tính toán của con, những lớp vỏ của con, thì cũng như ly nước này, con không thể chứa thêm được điều gì cả. Vấn đề là con phải làm cho hồn mình trở nên trống rỗng và sẵn sàng khiêm tốn đón nhận”.

* * *

Câu chuyện trên cho ta thấy rằng chúng ta nhất thiết phải mở lòng ra và trở nên trống rỗng để đón nhận ân sủng Thiên Chúa vào đời mình. Vậy làm thế nào để giúp lòng mình trở nên trống rỗng để cho Thiên Chúa ngự trị và làm chủ đời ta? Một trong những phương cách để giúp ta đón nhận thánh ý Chúa trong đời sống hiện tại chính là cầu nguyện trong thinh lặng. Mỗi một ngày, chúng ta nên dành ra ít nhất 15 cho tới 30 phút ngồi xếp bàng thẳng lưng (như các tu sĩ phật giáo, hoặc kiểu ngồi như các võ sinh Aikido) để tập trung tinh thần và kết hợp với hơi thở. Chúng ta hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Động tác nhẹ nhàng, khoan thai, thoải mái. Khi hít vào, chúng ta tin là chúng ta hít Thần Khí vào. Để ý và nghĩ như là một nguồn sáng chiếu thẳng từ trời vào chóp đầu, và vào trong cơ thể ta. Khi thở ra, chúng ta thở ra với ý thức: thở ra tình yêu, vị tha, quảng đại. Hoặc ta cũng có thể ý thức việc hít thở như là việc đón nhận Thiên Chúa vào lòng ta và để Ngài “làm sạch” tâm hồn ta, và như thế, càng đón nhận Thiên Chúa, thì tâm hồn ta càng được gội rửa những ưu phiền, lo lắng (thuộc quá khứ), sợ hãi, nghi ngờ (cho tương lai). Sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ đẩy những ý nghĩa tiêu cực, thấp hèn ra khỏi lòng ta. Cũng như câu chuyện trên, càng làm cho “ly nước” của ta trống rỗng, thì chúng ta càng nhận thêm được nhiều ân huệ, nếu không trống rỗng đủ, thì ta không thể đón nhận những ân huệ tươi mát hằng ngày mà Chúa ban cho ta.

Nhiều người trong chúng ta đã áp dụng phương pháp hít thở tương tự như vậy và cũng đã nghe nhiều về hiệu quả của chúng, nhưng cũng không ít người bỏ cuộc vì nó quá khó để tập trung, hay không kiên nhẫn đủ để thực hành. Vậy đôi khi những chia trí lo ra, những cám dỗ bỏ cuộc, những mõi mệt lười biếng đến thì chúng ta sẽ làm gì? Đơn giản là chúng ta chỉ sống-trong-hiện-tại. Nếu bị “lo ra” thì ta “lo vô” lại, nếu bị “chia trí,” thì chúng ta “gop trí” lại. Nếu bị những tư tưởng chạy lung tung trong đầu, thì nhớ- để ý nhìn quay trở lại với hiện tại. Khi một tư tưởng “lạ” xuất hiện trong đầu ta, chúng ta đừng “chiến đấu” với nó, nhưng hãy bình tĩnh nó và coi xem thử nó thuộc vào loại tư tưởng nào? Nó thuộc về quá khứ hay tương lai? Chắc chắn nó phải thuộc vào một trong hai loại ấy. Vậy nếu nó thuộc vào quá khứ hay tương lai thì nó là mộng tưởng, là không thực, là gian giối, là đánh lừa và dụ ta ra khỏi hiện tại. Như vậy thì ta quay về lại với hiện tại, nơi có Thiên Chúa hiện hữu, nơi mà ta đang hít vào Thần Khí và thở ra tình yêu.

Trong đời sống luân lý, đức tin của chúng ta cũng có phần nào tương tự như thế. Những tội lỗi, những bất toàn của quá khứ thường ngăn cản chúng ta trở về với Thiên Chúa. Cũng vậy, những toan tính ý riêng, lo lắng cho tương của ta thường xô đẩy hoặc dẫn chúng ta đi “hướng khác” hoặc  “đi trước” Thiên Chúa. Những ai vẫn cứ báp chặt vào quá khứ, và cứ âu lo toan tính cho tương lai thì họ không cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa mỗi ngày. Nơi không cảm được sự hiện diện của Thiên Chúa tức là nơi chỉ có đêm đen, lo sợ, ưu phiền, hoang mang, ray rứt, mộng tưởng,… Thiên Chúa không lệ thuộc vào quá khứ cũng như tương lai, Ngài chỉ sống hiện tại. Chúng ta đã chẳng tuyên xưng Ngài là Đấng Hằng Hữu đó sao?!

Không lạ gì khi chúng ta cầu nguyện kết hợp với hơi thở, chúng ta như bị xô kéo bởi hai thế lực: quá khứ và tương lai. Đó là trận chiến nhằm vào mục đích: tìm mọi cách xô đẩy chúng ta ra khỏi ý-thức-về-sự-hiện-diện của Thiên Chúa. Thực vậy, thế lực mà ngày đêm muốn xô đẩy chúng ta ra khỏi ý-thức-về-sự-hiện-diện của Thiên Chúa, nếu không phải là danh-lợi-thú, cũng như ma quỉ-thế gian-xác thịt thì còn ai vào đây nữa, phải không bạn?

Thưa bạn,  thật tuyệt vời và hữu ích cho chúng ta khi thánh I-Nha-Xi-Ô, tổ phụ dòng Tên đã khuyên mọi người xét mình hằng ngày. Trong năm bước xét mình ấy, thì bước đầu tiên và quan trọng nhất chính là xét mình về ý-thức-sự-hiện-diện của Thiên Chúa trong ngày. Như thế, khi ta ý thức về sự hiện diện của Chúa trong ngày sống, tức là ta có sống với Thiên Chúa. Mà khi sống với Thiên Chúa, tức là ta sống hiện tại.

Chúc bạn sống hôm nay, giây phút này thật sung mãn và tròn đầy với Thiên Chúa tình yêu.

Br. Huynhquảng