Góp ý văn kiện đại hội Đảng: Nên đặt trọng tâm vào mục tiêu “dân giàu”

TT – Góp ý dự thảo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, TS Nguyễn Đình Cung – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – cho rằng chiến lược đã có một số điểm mới, song cần cụ thể hơn để định hướng được hành động. Ông Cung nói:

Góp ý văn kiện đại hội Đảng:

Nên đặt trọng tâm vào mục tiêu “dân giàu”

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Bảy, 18/09/2010

 

TT – Góp ý dự thảo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, TS Nguyễn Đình Cung – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – cho rằng chiến lược đã có một số điểm mới, song cần cụ thể hơn để định hướng được hành động. Ông Cung nói:

“Khi đọc chiến lược mười năm phát triển tiếp theo, người đọc trông chờ là chiến lược đưa ra thông điệp gì? Nó có cái gì mới, liệu có giúp VN bứt phá lên? Tư duy đột phá ẩn sau chiến lược là gì? Người dân có thể làm gì để đóng góp và ai, ở đâu sẽ chỉ đạo để thực hiện?… Khi đọc xong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, tôi cảm nhận vẫn chưa được giải đáp hết những băn khoăn trên”

– Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội mười năm tới là văn kiện quan trọng, vạch ra đường hướng phát triển kinh tế. Trong một thế giới đang biến đổi, các quốc gia đang tìm mọi cách để cạnh tranh lẫn nhau, tìm hướng đi mới tới phồn vinh, trong chiến lược 2011-2020 của VN có một vài điểm mới nhưng chưa có điểm thật sự đột phá. Đặc biệt, cái khiến người ta quan tâm là chiến lược đã khẳng định “phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược”; “kiên trì và quyết liệt đổi mới”; “mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương để thúc đẩy đổi mới toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp”… Nếu thực hiện tốt những định hướng này thì VN sẽ có những thay đổi tích cực.

* Thưa ông, trong đánh giá tình hình đất nước mười năm qua, điều đáng suy ngẫm là những vấn đề quan trọng như năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn thấp… Chúng ta mãi phải nói thành tựu chưa xứng tiềm năng?

– Với tư cách người đọc bình thường, tôi nghe ý này nhiều lắm rồi mà không biết tiềm năng của chúng ta ở một số lĩnh vực là thế nào. Ví dụ ta đang tăng trưởng khoảng 7,2%, vậy mức tiềm năng của ta là bao nhiêu, tiềm năng năng suất lao động, thu nhập của dân là thế nào? Người dân cần được biết tiềm năng của đất nước đã được phát huy ra sao. Ví dụ nếu tiềm năng tăng trưởng chỉ khoảng 7,5% mà ta tăng được 7,2% thì có thể chấp nhận. Nếu tiềm năng là 10% mà đạt có 7,2% thì rõ ràng phải mổ xẻ cụ thể hơn. Những bài học của mười năm qua được nêu ra là “phát huy dân chủ, sức mạnh toàn dân tộc”, “đảm bảo độc lập tự chủ và chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị xã hội”…, theo tôi, không sai nhưng nó đúng với mọi thời kỳ. Khi đã đúng với mọi giai đoạn thì ít có giá trị soi xét mười năm qua để chỉ ra con đường đột phá cho mười năm tới.

* Nghĩa là theo ông, trong chiến lược có nhiều điểm còn quá chung, cần nêu rõ hơn?

– Đúng vậy. Trong chiến lược mới cần tránh chung chung, nếu không sẽ không rõ mục tiêu và định hướng được hành động. Chiến lược không cần đưa chi tiết, nhưng cần cụ thể để người dân, các thực thể của xã hội biết mình phải làm gì. Ví dụ trong phần đánh giá nguyên nhân của hạn chế, yếu kém có nêu “tư duy phát triển kinh tế – xã hội và phương thức lãnh đạo của Đảng chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu”. Đây là nhận định quan trọng, nó sẽ có giá trị thật sự nếu chỉ rõ được điểm nào, tư duy nào chậm đổi mới. Nếu nêu ra được thì người ta có thể soi xét “à, cơ quan kia làm thế chưa đổi mới”. Như thế sẽ định hướng được hành động, thúc đẩy người ta đổi mới. Chứ chỉ nêu chung chung thì việc chậm đổi mới ai cũng nghĩ là ở đâu đó, dứt khoát không phải của tôi, của cơ quan tôi và tôi không cần làm gì nữa cả. Hay như “hệ thống pháp luật, quản lý của Nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập”, nếu có một vài dòng nữa chỉ rõ bất cập, địa chỉ thì giá trị đánh giá sẽ cao gấp bội. Quan trọng hơn, từ đó sẽ định hướng giải pháp cụ thể, thuyết phục hơn.

* Thưa ông, chiến lược đề ra quan điểm rất quan trọng là yêu cầu xuyên suốt phải phát triển bền vững, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, mở rộng dân chủ… Ông đánh giá thế nào?

– Theo tôi, định hướng trên là đúng nhưng cũng cần có những tiêu chí cụ thể để soi xét. Ví dụ yêu cầu phát triển bền vững, cần nêu ra các tiêu chí với mức độ ưu tiên khác nhau như năng suất lao động, hiệu quả đầu tư, các chỉ số môi trường, ổn định vĩ mô, tốc độ tăng trưởng… Có như thế khi điều hành, nếu thấy rõ hiệu quả, năng suất lao động thấp, ổn định vĩ mô kém thì phải xem lại ngay, giải quyết ngay yếu tố tốc độ tăng trưởng.

Chiến lược nêu đổi mới trong lĩnh vực chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Theo tôi, những trọng tâm trên là quá nhiều cho mười năm. Muốn “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”, “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”, “xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN”, “mở rộng dân chủ trong Đảng và xã hội” là cả chặng đường dài, có thể mất 10-20 năm, thậm chí 50 năm. Chiến lược coi thực hiện mục tiêu “xây dựng nước VN XHCN dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng – dân chủ – văn minh” là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển, theo tôi, cũng khó có thể lượng hóa. Vì vậy sẽ rất khó đặt làm thước đo.

* Vậy theo ông, đổi mới nên đặt trọng tâm vào đâu?

– Muốn đột phá cần có trọng tâm. Theo tôi, trong các trọng tâm kể trên, VN trong mười năm tới nên đặt trọng tâm cho “dân giàu” là số 1, không nên dàn hàng ngang. Đặt số 1 để khi điều hành thực hiện mục tiêu trên có ảnh hưởng đến mục tiêu khác thì ta có thể có cơ sở để ưu tiên. Và mười năm tới chỉ cần đặt trọng tâm là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chứ để cả bốn trọng tâm là rất rộng. Nếu phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới thì thể chế kinh tế tự nhiên sẽ tiếp tục được hoàn thiện, nhà nước pháp quyền và dân chủ cũng theo đó có chuyển biến…

* Chiến lược có điểm quan trọng là xác định sẽ tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân để nó trở thành động lực kinh tế. Cần làm gì để đạt được điều này?

– Trong chiến lược có nói rõ phải tháo gỡ mọi cản trở; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch; phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế… Tuy nhiên, theo tôi, xóa bỏ rào cản là cần thiết nhưng chưa đủ. Cần thật sự có quy định pháp luật tạo được môi trường kinh doanh khuyến khích, tưởng thưởng được những cá nhân, doanh nghiệp miệt mài làm việc và làm việc có hiệu quả; hạn chế được hành vi đầu cơ, trục lợi, chạy theo lợi ích ngắn hạn. Đặc biệt, không nên xác định địa vị, giá trị doanh nghiệp theo thành phần. Giá trị xã hội của doanh nghiệp phải phụ thuộc vào năng suất, hiệu quả, sự đóng góp cho phát triển kinh tế. Môi trường kinh doanh phải tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất có cơ hội phát triển nhanh nhất, chứ không phải theo thành phần.

* Định hướng chiến lược với thực hiện luôn có khoảng cách. Theo ông, cần làm gì để những điểm mới của chiến lược được thực thi?

– Theo tôi, để thực thi chiến lược cần có một ủy ban chuyên trách đủ thẩm quyền để theo dõi, đánh giá, chỉ đạo các cơ quan thực thi chiến lược. Không nên để các cơ quan tự phân tích, tự làm, dễ tạo nguy cơ mỗi nơi làm một kiểu.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện