Chúa Nhật XVIII Thường Niên, năm C: Sống đúng tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu
Các bài Kinh Thánh hôm nay gợi ý cho chúng ta suy nghĩ vấn đề rất thiết thực trong đời sống, đó là tình trạng giàu nghèo của ta. Chúng ta có được quyền giàu sang không? Có được quyền ăn ngon, mặc đẹp không? Nếu chúng ta ăn ngon, mặc đẹp thì có đi ngược với tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu không?
CHÚA NHẬT XVIII TN – C
SỐNG ĐÚNG TINH THẦN NGHÈO KHÓ CỦA ĐỨC GIÊSU
Hành Khất Kitô
UBBAXH-Caritas Việt Nam
Lời mở
Các bài Kinh Thánh hôm nay gợi ý cho chúng ta suy nghĩ vấn đề rất thiết thực trong đời sống, đó là tình trạng giàu nghèo của ta.
1. Vấn đề giàu nghèo
Nhìn vào xã hội, chúng ta thấy người giàu có nhiều phương tiện và được hưởng nhiều lợi ích như: sức khoẻ, nhà cửa, xe cộ, kiến thức, nghề nghiệp, địa vị, thậm chí người ta nói “Có tiền mua tiên cũng được”! Còn những người nghèo, vì không có tiền bạc của cải nên họ thiếu học thức, thiếu sức khoẻ, bị bệnh tật, nhiều khi bị khinh miệt, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Thế mà trong Thánh Kinh lại nhấn mạnh đến việc Chúa bảo vệ người nghèo (x. Is 58,3-11; Gr 7,4-7; Os 4,1-2; Am 2,6-7; Mch 2,1-2), đến tinh thần nghèo khó (x. Mt 5,3; 6,24). Bài đọc I hôm nay (x. Gv 1,2; 2,21-23) cho ta thấy việc thu tích của cải là phù vân (vân là mây, phù là trôi nổi–hợp/tan theo gió, theo thời tiết). Có người còn bi quan hơn khi nhắc nhở ta “bước vào đời với đôi bàn tay trắng và ra khỏi cuộc đời vẫn trắng đôi tay”. Thánh Luca khi diễn tả Tám Mối Phúc Thật, nói đến bốn mối phúc dành cho người nghèo và bốn lời chúc dữ dành cho người giàu (x. Lc 6,20-26) chứ không diễn tả như Phúc Âm thánh Matthêu (x. Mt 5,3-12). Tất cả như mời gọi chúng ta suy nghĩ: chúng ta có được quyền giàu sang không? Có được quyền ăn ngon, mặc đẹp không? Nếu chúng ta ăn ngon, mặc đẹp thì có đi ngược với tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu không?
2. Những tranh luận về vấn đề giàu nghèo trong lịch sử Giáo Hội
Vấn đề không đơn giản, vì những cuộc tranh luận về nghèo khó đã diễn ra trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội.
Trong vài thế kỷ đầu, người ta chỉ nghĩ đến nghèo về của cải vật chất. Vì thế, theo Chúa Giêsu, người ta muốn bỏ những của cải vật chất như Chúa Giêsu đã khuyên người thanh niên giàu có trong Phúc Âm: “Nếu muốn nên hoàn thiện, anh hãy về bán hết của cải mình có và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến và theo Ta” (x. Mt 19,16-22; Mc 10,17-22; Lc 18,18-23). Rất nhiều tín hữu thời sơ khai đã bán hết của cải (x. Cv 2,45; 4,34), đặt dưới chân các tông đồ rồi sống tinh thần nghèo khó. Từ đó chúng ta thấy xuất hiện nhiều dòng ẩn tu như thánh Antôn tu rừng, thánh Phaolô ẩn tu. Người ta đi vào trong những khu rừng hoang vắng hoặc vào sa mạc sống nghèo khó, cầu nguyện và lao động tại đó.
Đến thế kỷ 8, 9, 10 người ta lại hiểu nghèo không phải chỉ về vật chất mà cần phải nghèo cả về tinh thần. Nghèo về tinh thần nghĩa là phải lấy khỏi con người lòng tham lam tìm hiểu khoa học, nhất là triết học Hy Lạp, khoa chiêm tinh… để chỉ tập trung học hỏi về Đức Giêsu Kitô, nghĩa là học mỗi khoa Kinh Thánh mà thôi. Đó là nghèo cả vật chất lẫn tinh thần!
Vào thế kỷ 12, 13, người ta chữa lại quan niệm nghèo về tinh thần. Thánh Phanxicô Khó Nghèo và thánh Đa Minh nói rằng chỉ nên nghèo về vật chất, nhưng phải giàu về tinh thần vì Chúa là tinh thần. Vì thế, các tu sĩ dòng Phanxicô và Đa Minh sống rất nghèo, ban ngày đi ăn xin, đến từng nhà để khất thực, tối về thì học hành, nghiên cứu tất cả các khoa học. Từ đó các tu sĩ phổ biến khoa học đạo đời cho quảng đại quần chúng và xuất hiện các trường đại học ở Âu Châu.
3. Tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu
Nhưng sau đó người ta lại thấy rằng kiểu đi ăn xin đó không đúng với tinh thần của Chúa Giêsu. Trong thực tế, Chúa Giêsu không phải là người “nghèo rớt mồng tơi”. Vào thời Chúa Giêsu, có nghề thợ mộc như thánh Giuse và Chúa Giêsu là thuộc hàng trung lưu, có của ăn của để rồi. Chúa Giêsu sống chia sẻ cho người khác. Trong đời sống hoạt động công khai, Chúa Giêsu không phải là người áp dụng lối khắc khổ theo kiểu “thanh bần của các vị tu sĩ thời Trung Cổ” “ăn không đủ no, co không đủ ấm”. Người luôn được mời ăn tiệc với các môn đệ vì người ta muốn cám ơn Người đã chữa lành. Chúa Giêsu bị người Pharisêu chê trách là “hạng người tham ăn tham uống, bạn bè với người thu thuế và bọn tội lỗi” (x. Mt 9,11; Mc 2,16). Hơn nữa, Chúa Giêsu sống cuộc sống chan hoà với mọi người, Người muốn cho mọi người sống khoẻ mạnh, đầy đủ, no ấm, giàu sang. Chúng ta thấy những bạn hữu của Chúa Giêsu là những người giàu (x. Lc 10,38-42; Ga 11,5; 12,1-9), rất nhiều những phụ nữ giàu có đi theo Chúa Giêsu để giúp đỡ cho Người, trong đó có cả vợ của viên quan quản lý của vua Hêrôđê (x. Lc 8,1-3).
Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ cho người đói được no nê, chữa lành những người tật bệnh… Người muốn cho chúng ta giàu sang, khoẻ mạnh, no đủ chứ không phải thiếu thốn. Hơn nữa, “Chúa Giêsu đã lấy lại toàn bộ truyền thống Cựu Ước, kể cả thái độ đối với của cải kinh tế, sự giàu có và nghèo nàn, nhưng Người làm cho truyền thống ấy được sáng tỏ và đầy đủ hơn nhiều” (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 325). “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy cái nghèo của mình, mà làm cho chúng ta trở nên giàu có” (2Cr 8,9).
4. Giàu – Nghèo trong đời sống thực tế
Trong cuộc sống thực tế, nhiều tu sĩ đã hiểu sai tinh thần của Chúa Giêsu: họ không dám ăn, không dám mặc. Từ đời sống của những vị tu sĩ, người giáo dân cũng bị ảnh hưởng nên đi nhà thờ mặc thật đơn giản để xứng với tinh thần nghèo khó của người Kitô hữu! Nhiều khi đi lễ mà ngườita tưởng chúng ta đi làm việc hay đi chợ! Chúng ta cứ tưởng tượng, nếu nhà chúng ta đón tiếp ông chủ tịch thành phố hay chủ tịch nước, chúng ta có dám ăn mặc như vậy không? Ngày xưa, các tín hữu mỗi lần đi lễ là mặc những bộ đồ đẹp nhất, lương dân nhận ra và nói rằng những người Công giáo đi gặp Chúa của họ nên họ mặc đẹp như vậy. Bây giờ chúng ta không dám mặc đẹp, không dám ăn ngon vì sợ lỗi tinh thần nghèo khó của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu có muốn như vậy đâu!?
Nhiều khi chúng ta lại phung phí trong chính cách sống nghèo của mình. Nhiều tu sĩ, thay vì mặc áo vải tốt, thì mua vải KT mặc, mà vải KT thì tốn nhiều bột giặt, tốn nhiều thời giờ ủi cho thẳng; vì thế mặc áo KT là loại người giàu chứ không phải người nghèo. Chúng ta tưởng tượng, một giám đốc công ty phải lên Đà Lạt họp, muốn sống nghèo khó, nên đi xe hơi cho đỡ tốn kém. Từ TP.HCM lên Đà Lạt mất 5-6 tiếng đồng hồ, qua đèo Bảo Lộc đang sửa chữa đất đá ngổn ngang, đến Đà Lạt người đã mệt rũ, chưa kể còn bị say xe, phải mất nhiều giờ để hồi phục sức khoẻ. Rồi vì đầu óc không tỉnh táo nên đưa ra quyết định sai, công ty bị lỗ một tỷ đồng. Nếu đi máy bay chỉ mất 30 phút, khoẻ khoắn và tỉnh táo họp, đưa ra quyết định đúng đắn, công ty lời một tỷ đồng. Trong trường những hợp này, ai là người nghèo khó, ai là người phung phí?
5. Giáo huấn xã hội về giàu nghèo
Như thế, muốn sống đúng tinh thần nghèo khó của Chúa Giêsu, chúng ta cần học hỏi về Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo. Tôi xin giới thiệu cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, nếu mở mục từ Của cải, Nghèo khó, Giàu sang hoặc chương 7 về Đời sống Kinh tế chúng ta sẽ thấy hàng trăm số mà Giáo Hội dạy chúng ta để có thái độ đúng đắn đối với của cải. Nhưng vì cuốn sách này mới xuất bản năm 2005, ở Việt Nam bản dịch ra năm 2007, nên nhiều linh mục, tu sĩ chưa có giờ nghiên cứu, học hỏi, vì thế vẫn giữ tinh thần cũ và không giới thiệu cho người tín hữu thái độ đúng đắn với của cải, tinh thần nghèo khó thật sự của Chúa Giêsu.
Xin cho phép tôi tóm tắt vài điểm cơ bản như sau:
– Của cải Chúa ban cho chúng ta không phải để sống ích kỷ mà là phương tiện để chúng ta phát huy đời sống. Vì thế, chúng ta cố gắng sống thế nào cho tốt đẹp qua những của cải Chúa ban (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 20, 329, 428).
– Của cải Chúa ban chung cho mọi người chứ không phải của riêng ai, nên tất cả mọi người có nhiệm vụ chia sẻ cho nhau: những nước giàu phải lo cho những nước nghèo, những người giàu phải lo cho những người nghèo vì tất cả chúng ta là con cái trong đại gia đình của Thiên Chúa. Bất cứ hình thức tích trữ nào không chính đáng đều trái đạo đức và đi ngược với mục tiêu phổ quát đã được Chúa ấn định cho mọi của cải (x. Sđd, số 158,164,167-174, 177,328,346,364,449).
– Của cải là những phương tiện vật chất mà chúng ta sở hữu để chúng ta thực hiện sự hiện hữu, nghĩa là cách sống của chúng ta. Nên giá trị của của cải không nằm ở chính nó mà ở cách chúng ta sử dụng. Giáo Hội, trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của CĐ.Vaticanô II, số 35 đã nhắc nhở chúng ta điều này: “Giá trị con người hệ tại ở cái họ ‘là’ chứ không phải ở cái họ ‘có’”.
Không phải có nhiều tiền bạc của cải là chúng ta có giá trị trước mặt Chúa và anh em. Chúng ta dùng của cải như thế nào để chúng ta là người tốt, là người yêu thương, quảng đại. Những của cải chúng ta sở hữu thể hiện sự hiện hữu của chúng ta. Bài Phúc Âm hôm nay nói đến người giàu đã không làm giàu trước mặt Thiên Chúa vì không biết sử dụng của cải của mình.
Kết luận
Vài điều gợi ý về học thuyết xã hội của Giáo Hội để chúng ta biết rằng Chúa mời gọi chúng ta sống trọn vẹn sự hiện hữu của mình. Chúng ta được quyền ăn ngon, mặc đẹp, được quyền hưởng tất cả những hạnh phúc trong đời sống. Chúng ta cố gắng sống thế nào để càng ngày càng nên giàu có và tốt đẹp, không chỉ với anh em mà còn trước mặt Thiên Chúa nữa. Như thế mới chứng tỏ đời Kitô là cuộc sống tràn đầy giá trị tích cực để “chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3,11).