24/11/2024

Tin là ra khỏi chính mình để bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa

Đức tin thúc đẩy chúng ta liên tục ra khỏi chính mình như Tổ phụ Abraham để đem sự hiện diện của Thiên Chúa vào trong lịch sử: một sự hiện diện trao ban sự sống và ơn cứu độ và mở ra cho chúng ta một tương lai của cuộc sống không bao giờ tàn phai.

Tin là ra khỏi chính mình để bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa

 

Đức tin thúc đẩy chúng ta liên tục ra khỏi chính mình như Tổ phụ Abraham để đem sự hiện diện của Thiên Chúa vào trong lịch sử: một sự hiện diện trao ban sự sống và ơn cứu độ và mở ra cho chúng ta một tương lai của cuộc sống không bao giờ tàn phai.

 

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung trong Đại Thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 23-1-2013.

 

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý về Kinh Tin Kính bắt đầu với lời tuyên xưng “Tôi tin nơi Thiên Chúa”. Khẳng định nền tảng này xem ra đơn sơ, nhưng nó mở ra cho tương quan vô tận với Thiên Chúa và mầu nhiệm của Người. Tin bao gồm sự gắn bó với Chúa, tiếp nhận Lời Người và tươi vui vâng phục mạc khải của Người, như sách Giáo Lý Giáo hội Công giáo dạy: “Đức tin là một hành động cá nhân: nó là lời đáp trả tự do của con người đối với sáng kiến của Thiên Chúa là Đấng tự mạc khải” (s. 166). 

 

Đức Thánh Cha định nghĩa hành động tin như sau: “Như vậy, có thể nói rằng tin nơi Thiên Chúa vừa là một ơn vừa là một dấn thân, là ơn thánh Chúa và là trách nhiệm của con người, trong một kinh nghiệm đối thoại với Thiên Chúa, là Đấng vì tình yêu “nói với con người như với bạn hữu” (Dei Verbum, 2), nói với chúng ta, để trong đức tin và với đức tin, chúng ta có thể bước vào trong sự hiệp thông với Người.

 

Nhưng chúng ta có thể lắng nghe Thiên Chúa ở đâu? Nền tảng là trong Thánh Kinh, trong đó Lời Chúa trở thành có thể nghe được đối với chúng ta, và dưỡng nuôi cuộc sống của các bạn hữu Người. Toàn Thánh Kinh kể lại việc Thiên Chúa tự mạc khải cho nhân loại: toàn Thánh Kinh nói về đức tin và dậy chúng ta đức tin, bằng cách kể cho chúng ta một lịch sử trong đó Thiên Chúa làm cho chương trình cứu độ tiến tới và gần gũi mọi người, qua biết bao nhiêu gương mặt rạng rỡ của những kẻ tin nơi Người và tín thác nơi Người, cho đến mạc khải tràn đầy nơi Chúa Giêsu.

 

Chương 11 thư gửi tín hữu Dothái rất đẹp, vì nó nói về đức tin và đưa ra ánh sáng các gương mặt lớn đã sống nó và trở thành mẫu gương cho mọi kẻ tin: “Đức tin là nền tảng của những điều người ta hy vọng và là bằng chứng cho những điều người ta không thấy.” (Dt 11,1) Như vậy, con mắt đức tin có khả năng trông thấy sự vô hình và trái tim của người tin có thể hy vọng bên kia hy vọng, như tổ phụ Abraham, mà Thánh Phaolô nói tới trong thư gửi tín hữu Roma: “Ông tin vững vàng trong niềm hy vọng chống lại mọi hy vọng.” (Rm 4,18)

 

Tổ phụ Abraham là gương mặt lớn đầu tiên để quy chiếu, khi nói về niềm tin nơi Thiên Chúa: Tổ phụ Abraham là mẫu gương, là cha của tất cả mọi kẻ tin (x. Rm 4,11-12). Thư gửi tín hữu Dothái giới thiệu người: “Nhờ đức tin ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin ông đã tới cư ngụ tại đất hứa như tại một nơi khách, ông sống trong lều cũng như ông Isaác và ông Giacóp là những người đồng thừa kế cùng một lời hứa. Vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng.” (Dt 11,8-10)

 

Tác giả thư gửi tín hữu Dothái quy chiếu về ơn gọi của Tổ phụ Abraham như kể trong sách Sáng Thế. Thiên Chúa xin Abraham bỏ quê hương mình để đi đến một xứ Người sẽ chỉ cho ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho người.” (St 12,1) Đây là một cuộc ra đi vào nơi tăm tối, không biết Thiên Chúa sẽ dẫn ông tới đâu. Đó là một con đường đòi hỏi một sự vâng lời và tín thác triệt để, mà chỉ có đức tin mới cho phép đạt được. Nhưng cái tối tăm của sự không biết được chiếu tỏ bởi ánh sáng của một lời hứa. Thiên Chúa thêm vào lệnh truyền một lời trấn an mở ra cho ông Abraham một tương lai sự sống tràn đầy: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng… và nơi ngươi mọi gia tộc trên trái đất sẽ được chúc phúc.” (St 12,2-3)

 

Trong Thánh Kinh ban đầu phúc lành được gắn liền với ơn sự sống đến từ Thiên Chúa, và nó biểu lộ trước hết trong sự phong phú, trong một cuộc sống được nhân lên, từ thế hệ này sang thế hệ kia. Và phúc lành cũng gắn liền với kinh nghiệm sở hữu một vùng đất, một nơi ổn định để sống và lớn lên trong tự do và an ninh, kính sợ Thiên Chúa và xây dựng một xã hội của những người trung thành với Giáo Ước, “một vương quốc tư tế và một dân tộc thánh thiện” (x. Xh 19,6).

 

Vì thế, trong chương trình của Thiên Chúa, Tổ phụ Abraham được chỉ định trở thành “cha của đông đảo các dân tộc” (St 17,5; x. Rm 4,17-18), và bước vào một vùng đất mới để ở. Nhưng Sara vợ ông lại hiếm muộn, không thể có con; và xứ sở Thiên Chúa dẫn ông tới lại ở xa quê hương của ông và đã có các dân tộc khác sinh sống và sẽ không bao giờ thực sự thuộc về ông. 

 

Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau: Vùng đất mà Thiên Chúa ban cho Abraham không thuộc về ông, ông là một người ngoại quốc và sẽ luôn là như thế, với tất cả những gì bao gồm: không có mục đích sở hữu, luôn cảm thấy sự nghèo nàn của mình, coi mọi sự như là ơn. Đây cũng là điều kiện tinh thần của người chấp nhận theo Chúa, của người quyết định ra đi bằng cách tiếp nhận lời Người mời gọi, dưới dấu chỉ của phước lành vô hình nhưng quyền năng của Người. Và Tổ phụ Abraham cha của những người có lòng tin, chấp nhận lời mời gọi đó của Thiên Chúa trong niềm tin. Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Roma: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc như đã được nói với ông: dòng dõi ngươi sẽ như thế. Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Sara đã chết. Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện.” (Rm 4,18-21)

 

Đức tin dẫn đưa Abraham đi theo một con đường mâu thuẫn. Ông sẽ được chúc phúc, nhưng không có dấu chỉ hữu hình của phước lành: ông nhận lời hứa trở thành một dân tộc lớn, nhưng với một cuộc sống ghi dấu bởi sự hiếm muộn của bà vợ Sara; ông được dẫn đưa vào trong một quê hương mới, nhưng sẽ phải sống tại đó như ngoại kiều; sở hữu đất đai duy nhất sẽ được cho phép là một mảnh đất để chôn cất Sara (x. St 23,1-20). Abraham được chúc phúc, bởi vì trong lòng tin ông biết phân định phước lành của Thiên Chúa bằng cách vượt qúa các vẻ bề ngoài, tín thác nơi sự hiện diện của Thiên Chúa, cả khi các con đường của Người xem ra mầu nhiệm đối với ông.

 

Khi chúng ta khẳng định “Tôi tin nơi Thiên Chúa” thì chúng ta cũng nói như Tổ phụ Abraham: “Con tin nơi Chúa; con tín thác nơi Chúa”, nhưng không phải chỉ như nơi một Người để chạy tới trong những lúc khó khăn hay chỉ để dành một vài lúc trong ngày hay trong tuần. Nói rằng “Tôi tin nơi Thiên Chúa” có nghĩa là xây dựng đời tôi trên Người, để cho Lời Người hướng dẫn mọi ngày trong các lựa chọn cụ thể, khộng sợ hãi đánh mất đi cái gì của chính tôi.

 

Trong Lễ nghi Rửa tội, 3 lần tín hữu được hỏi: “Các con có tin nơi Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu Kitô, nơi Chúa Thánh Thần, nơi Giáo hội Công giáo thánh thiện và các sự thật khác của đức tin không?”, thì 3 lần câu trả lời ở ngôi số ít là “Con tin”, bởi vì chính cuộc sống cá nhân của tôi phải tiếp nhận một khúc rẽ với ơn đức tin, cuộc sống cá nhân của tôi phải thay đổi, phải hoán cải.

 

Mỗi khi chúng ta tham dự một lễ nghi rửa tội, chúng ta phải tự hỏi chùng ta đã sống ơn đức tin mỗi ngày như thế nào.

 

Đức tin khiến cho chúng ta trở thành các người lữ hành trên trái đất, được tháp nhập vào trong thế giới và trong lịch sử, nhưng trên đường hướng về quê hương trên trời. 

 

Đức Thánh Cha giải thích thêm: Như thế, tin nơi Thiên Chúa khiến cho chúng ta trở thành những người đem theo các giá trị thường không trùng hợp với mốt và ý kiến của hiện tại, vì nó đòi hỏi chúng ta phải theo các tiêu chuẩn và có các thái độ không thuộc kiểu suy nghĩ chung. Kitô hữu không được sợ hãi đi ngược dòng đời để sống đức tin của mình chống lại cám dỗ “đồng phục”. Trong biết bao nhiêu xã hội của chúng ta Thiên Chúa đã trở thành “Người vắng bóng vĩ đại”, và thay vào chỗ của Người là các tà thần, trước hết là cái “tôi” tự lập. Và cả các tiến bộ tích cực của khoa học và kỹ thuật cũng dẫn đưa con người tới một ảo tưởng của sự toàn năng và tự đủ, và một chủ trương lấy cái tôi làm trung tâm gia tăng đã tạo ra không ít các mất quân bình bên trong tương quan giữa con người với nhau, và các thái độ xã hội.

 

Nhưng nỗi khát khao Thiên Chúa đã không tắt lịm, và sứ điệp Tin Mừng tiếp tục vang lên qua các lời nói và việc làm của biết bao nhiêu người có đức tin. Abraham tiếp tục là cha của nhiều con cái chấp nhận bước theo chân người, lên đường vâng theo ơn gọi của Chúa, tín thác nơi sự hiện diện tốt lành của Chúa, và tiếp nhận phước lành của Người để trở thành phước lành cho tất cả mọi người. Và thế giới được chúc lành của đức tin mà mọi người đều được kêu mời vào, để bước đi không sợ hãi theo Chúa Giêsu Kitô. Nó là một con đường đôi khi khó khăn, có thử thách và cái chết, nhưng mở ra cho sự sống trong sự thay đổi triệt để thực tại, mà chỉ có đôi mắt đức tin mới có thể trông thấy và hưởng nếm trọn vẹn.

 

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau rồi cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.