24/11/2024

các vụ từ nhiệm Giáo hoàng trong lịch sử Giáo Hội

Sau đây là bài phỏng vấn Sử gia Franco Cardini về các vụ từ nhiệm giáo hoàng trong lịch sử Giáo Hội. Bài phỏng vấn do phóng viên Roberto I. Zanini của nhật báo Avvenire thực hiện, đăng trong số ra ngày 12-2-2013.

Các vụ từ nhiệm Giáo hoàng trong lịch sử Giáo Hội

 

Phỏng vấn Sử gia Franco Cardini 

 

Quyết định rời bỏ chức vụ chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thông báo cho các hồng y, tổng giám mục và giám mục trong Công nghị sáng ngày 11-2-2013. Thực ra, trong lịch sử Giáo Hội, đây không phải là lần đầu tiên một vị Giáo hoàng từ nhiệm, nhưng đã có nhiều vụ từ chức xảy ra.

Điển hình nhất là trường hợp của Đức Giáo hoàng Celestino V, cai quản Giáo Hội từ ngày 29-8 đến 13-12-1294. Đức Celestino V tên thật là Pietro Angelerio cũng còn gọi là Pietro da Morrone, xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, sinh giữa các năm 1209-1215 tại Molise. Trong Mật nghị Hồng y ngày mồng 5-7-1294, ngài được bầu làm Giáo hoàng, nhưng đã từ nhiệm ngày 13-12 cùng năm, tức chỉ sau 5 tháng.

Đức Celestino V đã từ chức vì cảm thấy không thể chiều theo các áp lực của vua Carlo d’Angiò và các đại điền chủ có ý lợi dụng ý tốt của ngài. Là tu sĩ Biển Đức, ngài rút lui về đan viện và qua đời tại Fumone ngày 19-5-1296, sau đó được phong thánh. Hài cốt của ngài được cất giữ trong Nhà thờ Chính toà Thánh Maria ở Collemaggio, nơi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viếng thăm mục vụ ngày mồng 4-7-2010.

Trong lịch sử Giáo Hội, đã có những thời kỳ có nhiều Giáo hoàng trong cùng một lúc. Hồi năm 1308, khi nước Pháp tấn công Italia và thắng trận, họ đã bắt Đức Giáo hoàng về sống bên Avignon. Các vị không nghĩ đến việc trở về Roma nữa. Nhưng năm 1377, Thánh nữ Catarina thành Siena mới viết thư cho Đức Giáo hoàng và thuyết phục ngài trở về Roma là thủ đô thật của Giáo Hội. Sự kiện này là một trong những lý do làm nảy sinh ra nguỵ giáo hoàng, do các hồng y không đồng ý bầu lên và sống tại Avignon. Nhưng cũng có trường hợp là do sự tranh giành ảnh hưởng và quyền bính giữa các hồng y ứng viên thuộc các gia đình quý tộc hay các nước khác nhau.

Bà Eliana Versace, Giáo sư Lịch sử Giáo Hội hiện đại tại Đại học Lumsa ở Roma, cũng cho biết Đức Giáo hoàng Phaolô VI cũng đã viết sẵn một lá thư từ nhiệm, trong trường hợp không còn có thể cai quản Giáo Hội nữa. Đức cha Pasquale Macchi, Bí thư của Đức Phaolô VI, đã cho biết như trên. Đức Phaolô VI dặn: “Lá thư phải được đưa cho các hồng y trong trường hợp xảy ra các điều kiện ngăn cản người tiếp tục sứ vụ. Với lời xin các hồng y chấp nhận. Đức Phaolô VI sợ rằng người có thể bị đau nặng, và không có khả năng chu toàn các nhiệm vụ giáo hoàng nữa.”

Giáo sư Eliana Versace cũng tiết lộ rằng đây là điều mới được biết cách đây mấy tháng, vì Tài liệu án phong thánh cho Đức Phaolô VI đã được Bộ Phong Thánh chấp thuận ngày 20-12-2012. Sau đó, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ký sắc lệnh thừa nhận các nhân đức anh hùng của Đức Phaolô VI. Nhưng Đức cha Macchi đã đề cập tới điều này trong vài bài viết trước đây. Sự kiện này cho thấy Đức Phaolô VI đã suy tư nhiều về việc từ chức, và cũng đã nghĩ rằng việc từ nhiệm của các giáo hoàng phải được chấp nhận, và được sự đồng ý của Hồng y đoàn. Đây là điều khác với kiểu giải quyết của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, vì Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dựa trên sửa đổi Giáo luật, do ĐGH Gioan Phaolô II đưa ra hồi năm 1983, theo đó một Giáo hoàng có quyền từ nhiệm. Dĩ nhiên, ý tưởng có cùng một lúc hai Giáo hoàng là một vấn đề. Nhưng ngài có thể rút lui vào một đan viện, chẳng hạn như một đan viện Biển Đức, xét vì ngài thích dòng Biển Đức.

Đức Phaolô VI đã lo sợ bị bệnh bất thình lình và không còn khả năng sáng suốt để điểu khiển Giáo Hội nữa. Ngài đã là vị Giáo hoàng đầu tiên công du đó đây trên thế giới, và ngài đã phải đau khổ rất nhiều vì tình hình chính trị Italia đen tối hồi thập niên 1970 và các chống đối ngài phải chịu hồi đó. Và ngài cảm thấy sức lực suy giảm. Hồi năm 1967, Đức Phaolô VI đã nói với bạn ngài là nhà văn Jean Guitton: “Nếu một Giáo hoàng không có thói quen đi nghỉ hưu trước khi chết, là bởi vì đây không phải là một nhiệm vụ công chức cho bằng là chức hiền phụ.”

Sau đây là bài phỏng vấn Sử gia Franco Cardini về các vụ từ nhiệm giáo hoàng trong lịch sử Giáo Hội. Bài phỏng vấn do phóng viên Roberto I. Zanini của nhật báo Avvenire thực hiện, đăng trong số ra ngày 12-2-2013.

Hỏi: Thưa Giáo sư Cardini, khi nghe tin Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từ nhiệm giáo hoàng, giáo sư đã nghĩ gì, và trong quá khứ đã có các trường hợp từ chức tương tự hay không?

Đáp: Trong một trường hợp như trường hợp này, người đầu tiên đến trong tâm trí tôi là Đức Giáo hoàng Celestino V, được mệnh danh là vị “Giáo hoàng của sự từ chối vĩ đại”, cả khi câu thơ này không phải là một trong những câu thơ có thiện cảm nhất của thi sĩ Dante, và trong thực tế chúng ta không biết một cách chắc chắn thi sĩ có ám chỉ Đức Pietro da Morrone, tức Đức Giáo hoàng Celestino V hay không.

Trên thực tế đã không có các trường hợp Đức Giáo hoàng từ chức tương tự như trường hợp này của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, nhưng chỉ có các trường hợp giông giống một cách mơ hồ. Các giông giống lịch sử khập khiễng, bởi vì chúng luôn luôn có tính cách chủ quan. Trong cái luận lý này thì có trường hợp của Đức Giáo hoàng Clemente, người kế nhiệm thứ ba sau Thánh Phêrô, nhưng có ít tài liệu. Thế rồi còn có trường hợp của Đức Giáo hoàng Ponziano, năm 235, bị đày sang đảo Sardaigna làm việc khổ sai, và trong viễn tượng không thể trở về nên ngài đã thoái vị, và chấp nhận việc bổ nhiệm người thay thế. Gần 3 thế kỷ sau có trường hợp tương tự của Đức Giáo hoàng Silverio, bị Belisario đày theo lệnh của Hoàng hậu Teodora.

Hỏi: Như vậy thưa giáo sư, đâu là các trường hợp một cách mơ hồ giống trường hợp từ nhiệm hiện nay của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI?

Đáp: Một trường hợp điển hình là trường hợp liên quan tới Đức Giáo hoàng Benedetto IX, tức Đức Teofilatto của các quận công vùng Tuscolo, được bầu làm Giáo hoàng năm 1032. Đây là một nhân vật có cuộc sống có thể khá bị chỉ trích, bị đuổi đi bởi một cuộc nổi loạn năm 1044. Thay vào chỗ của ngài được bầu lên Đức Silvesto III, nhưng sau đó lại bị truất chức, khi Đức Benedetto IX trở về và cai trị cho tới tháng 5-1045. Rồi Đức Benedetto IX bán chức Giáo hoàng cho Giovanni dei Graziani, lấy tên hiệu là Gregorio VI, rồi bị truất phế năm sau đó.

Đây là một giai đoạn đặc biệt nhiễu nhương trong lịch sử Giáo Hội, và tình trạng hỗn loạn này đạt tột đỉnh với vụ ly khai của Giáo hội Đông phương, và khép lại với việc chỉ định Hồng y Ildebrando di Soana, lấy tên hiệu là Gregorio VII, vị Giáo hoàng canh cải Giáo Hội.

Hỏi: Thưa giáo sư, hình như có một giai đoạn hỗn loạn tương tự xảy ra vào thế kỷ thứ XV, trong đó xảy ra việc chồng chất các Giáo hoàng, nghĩa là có nhiều Giáo hoàng trong cùng một lúc, có đúng thế không?

Đáp: Thật ra nếu trên cương vị là giáo sư lịch sử, chứ không phải là người bình luận vụ việc hiện nay, phải tìm các tương tự kỳ lạ, thì tôi sẽ trở về với các sự kiện xảy ra năm 1409 và 1414.

Hỏi: Nghĩa là chúng ta đang ở vào cuối thời ly khai của Tây phương, có phải vậy không, thưa giáo sư?

Đáp: Đúng thế. Chúng ta hãy nói tới trường hợp của Đức Giáo hoàng Gregorio XII, người Venezia tên đời là Angelo Correr, từ nhiệm năm 1415 do Công đồng Costanza đòi hỏi. Nhưng mà ngay hồi năm 1409, Công đồng Pisa đã truất phế Đức Gregorio XII cũng như Đức Benedetto XIII ở Avignon, bằng cách bầu Đức Alessandro V lên thay thế. Vị này qua đời năm 1410 và được thay thế bằng vị phản Giáo hoàng Gioan XXIII. Đây là một tình trạng đặc biệt hỗn loạn. Để đương đầu với nó và do chính các hồng y thỉnh cầu Hoàng đế Sigismondo di Boemia đã can thiệp, và triệu tập Công đồng Costanza ngày mồng 4-7-1415, trong đó các hồng y tiếp nhận việc từ chức đã bị bắt buộc trước đó của Đức Giáo hoàng Gregorio XII. Vị này tái trở thành hồng y và về sống tại Recanati trung Italia. Vài tháng sau đó, vụ ly khai được giải quyết với việc bầu người của một gia đình quý tộc Roma tên là Oddone Colonna làm Giáo hoàng, lấy tên hiệu là Martino V. Trong Công đồng Costanza, các hồng y đã thảo luận một sự kiện quan trọng trong Giáo Hội: đó là việc Đức Giáo hoàng cai quản Giáo Hội có Công đồng bên cạnh. Để đạt mục đích này, các hồng y quyết định rằng phải nhóm họp các Công đồng vào các thời điểm đều đặn xác định.

Hỏi: Thế nhưng điều này cũng đã không ngăn cản được việc xảy ra trong lịch sử gọi là Cuộc Ly Khai Nhỏ, có phải vậy không, thưa giáo sư?

Đáp: Cả ở đây nữa cũng nổi bật một gương mặt của một vị phản giáo hoàng từ chức. Đó là Đức Amadeo VIII nhà Savoia, được bầu lên trong Công đồng Basilea bởi một nhóm các hồng y truất phế Đức Eugenio IV. Vị này lấy tên hiệu là Felice V. Khi Đức Eugenio IV qua đời tại Roma, do lời yêu của Đức Giáo hoàng Nicolò V, phản giáo hoàng Felice V đồng ý thoái vị để tái hợp nhất Giáo Hội. Kể từ đó sự hiệp nhất hướng dẫn bên trong Giáo hội Công giáo Roma không bị tranh luận nữa.

Hỏi: Nghĩa là tất cả các gương mặt kể trên rất xa với trường hợp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI?

Đáp: Chúng là những tương tự rất mơ hồ. Sau cùng thì tuy có biết bao nhiêu các khác biệt, nhưng trường hợp thoái vị gần nhau nhất là trường hợp từ nhiệm của Đức Giáo hoàng Celestino V. Ngài đã trở về sống cuộc sống của một đan sĩ, bởi vì ngài đã không thể làm gì khác hơn, xét vì có các áp lực từ bên ngoài. Giờ đây các quyết định tự do của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mở ra các quang cảnh mới, cả đối với thắc mắc một Giáo hoàng sẽ làm gì sau khi từ nhiệm.

(Avvenire 12-2-2013)