Công bố quy hoạch 21.000 ha quanh sân bay Long Thành
Các khu dân cư, khu đô thị, cụm công nghiệp, bệnh viện quốc tế, khu nghỉ dưỡng… với 21.000ha xung quanh khu vực sân bay quốc tế Long Thành vừa được tỉnh Đồng Nai quy hoạch và lấy ý kiến các ngành chức năng.
Công bố quy hoạch 21.000 ha quanh sân bay Long Thành
Các khu dân cư, khu đô thị, cụm công nghiệp, bệnh viện quốc tế, khu nghỉ dưỡng… với 21.000ha xung quanh khu vực sân bay quốc tế Long Thành vừa được tỉnh Đồng Nai quy hoạch và lấy ý kiến các ngành chức năng.
Sơ đồ cơ cấu phân vùng chức năng sân bay Long Thành – Nguồn: Sở Xây dựng Đồng Nai – Đồ họa: Như Khanh |
Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang được thi công. Đây là con đường mà tỉnh Đồng Nai kỳ vọng sẽ có tác động tích cực khi kết nối với các khu vực xung quanh sân bay Long Thành – Ảnh: T.T.D. |
Theo quy hoạch, trong diện tích khoảng 21.000ha, ngoài các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ mua bán, vận chuyển hàng hóa, nơi này sẽ hình thành các trung tâm đào tạo – nghiên cứu, dịch vụ y tế – giáo dục – thể thao và nghỉ dưỡng mang đẳng cấp quốc tế.
Dự báo năm 2020, khi cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động (giai đoạn 1) sẽ có 40-50% lực lượng lao động trong khu vực phục vụ ở sân bay.
Nhiều xã rơi vào khu quy hoạch
Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, để quy hoạch 21.000ha xung quanh cảng hàng không, tỉnh đã bàn bạc kỹ với Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) và các chuyên gia người Úc mới đưa ra quyết định trên. Qua học hỏi kinh nghiệm quy hoạch sân bay ở các nước cho thấy phải thực hiện kết nối giao thông quanh sân bay, xây dựng hạ tầng đồng bộ, đa phương tiện và tốc độ cao để rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa cũng như di chuyển hành khách.
Theo quy hoạch đến năm 2025, ngoài diện tích 5.000ha làm sân bay quốc tế (đường băng, nhà ga, các cơ sở dịch vụ sân bay), khu vực thiết kế quy hoạch quanh sân bay rơi vào huyện Long Thành (gồm các xã Bình Sơn, Bình An, Cẩm Đường, Long An, Bàu Cạn, Lộc An, Tân Hiệp) và huyện Cẩm Mỹ (xã Xuân Quế, Thừa Đức, Sông Nhạn) với diện tích khoảng 21.000ha. Trong đó, khu vực bắc sân bay (hướng kết nối với TP.HCM) chiếm diện tích trên 5.720ha để làm khu nhà ở cho nhân viên hàng không, khu tái định cư, khu dịch vụ và vùng cây xanh.
Giải thích về việc bố trí các khu vực chức năng trên, các chuyên gia thuyết minh đây là nơi kết nối đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và đường tránh TP Biên Hòa… sẽ rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của khu vực phía Nam.
Ở phía nam sân bay quy hoạch diện tích 4.400ha sẽ có trung tâm dịch vụ trung chuyển quốc tế và công nghiệp, khu công nghiệp phụ trợ, công viên và vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, là nơi kết nối khu vực xung quanh sân bay qua các tuyến đường nội khu với đường cao tốc Bến Lức – TP.HCM – Long Thành và quốc lộ 51 (hướng về Bà Rịa – Vũng Tàu). Riêng ở hai đầu đông bắc và tây nam sân bay (nơi làm đường hạ, cất cánh của máy bay), có trên 11.000ha dành làm vùng đất nông nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu dân cư nông thôn và kho chứa hàng để phục vụ cảng hàng không quốc tế…
Đầu tư làm 3 giai đoạn
Ông Lý Thành Phương, phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Vừa qua khi lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo tỉnh có lưu ý quy hoạch chung nhưng tránh sử dụng nhiều đất nông nghiệp. Tỉnh cũng yêu cầu sở phối hợp thêm với các sở ngành xem có phản biện gì không để giải trình từng vấn đề trước khi xin ý kiến Tỉnh ủy Đồng Nai”.
Theo ông Phương, hiện nơi quy hoạch sân bay rất thuận lợi vì khu vực này trong tương lai là cửa ngõ kết nối ở khu vực phía Nam với thế giới. Đây cũng là nơi có các tuyến giao thông đang thi công để về TP.HCM, ĐBSCL và ngược lại.
Dự báo về khó khăn, ông Phương lý giải đây là vùng đô thị hóa, có khu công nghiệp nên dân cư tập trung đông đúc. Khi quy hoạch để phát triển chắc chắn xảy ra những mâu thuẫn khiến công tác quản lý sẽ gặp khó khăn.
“Mục tiêu của việc quy hoạch xung quanh sân bay tỉ lệ 1/10.000 để cụ thể hóa quy hoạch vùng TP.HCM, quy hoạch xây dựng vùng Đồng Nai. Đây cũng là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong việc kêu gọi đầu tư, quản lý đất đai và hoạt động xây dựng” – ông Phương nói.
Theo phương án của tỉnh Đồng Nai, khoảng 21.000ha được tính toán cho các dự án hạ tầng dự kiến đầu tư làm ba giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1 (từ năm 2012-2020) đã và đang triển khai các dự án khu dân cư Lộc An cùng các đường kết nối với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và một phần trung tâm đào tạo quốc tế.
Giai đoạn 2 (2020-2025) xây dựng thêm các khu đô thị ở phía đông, bệnh viện quốc tế, khu nghỉ dưỡng…
Riêng giai đoạn 3 (sau năm 2025 đến khi sân bay đạt công suất tối đa) sẽ xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục còn lại, đồng thời hoàn thiện cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu vực phía Nam.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Quốc Thái, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Chủ trương của Chính phủ đã quy hoạch làm cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dựa trên chủ trương chung, Đồng Nai có trách nhiệm kết hợp với Bộ Xây dựng thuê chuyên gia làm quy hoạch xung quanh sân bay cho phù hợp với một khu vực đô thị hiện đại để kết nối các tỉnh thành một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Trong quá trình làm quy hoạch quanh dự án sân bay Long Thành, tỉnh vẫn đang lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn. Khi có khó khăn vướng mắc mà ngoài tầm của tỉnh, chúng tôi sẽ xin ý kiến Chính phủ…”.
Đang lấy ý kiến về dự án cảng hàng không
Chiều 12-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện báo cáo đang được gửi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan.
Theo quy hoạch cảng HKQT Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được Bộ GTVT công bố vào tháng 8-2011, cảng này được đầu tư xây dựng với chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới, cấp sân bay là 4F (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), tiếp nhận được các máy bay A380-800 hoặc tương đương, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Kế hoạch đầu tư cảng HKQT Long Thành sẽ chia thành ba giai đoạn. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (đến năm 2020) được xác định là 6,744 tỉ USD, trong đó tổng chi phí xây dựng là 6,048 tỉ USD, còn lại là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn đầu tư thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn, khuyến khích thực hiện đầu tư vào các danh mục công trình dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn từ các nguồn vốn ngoài ngân sách.
Về tiến độ thực hiện, quy hoạch đề ra giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thu xếp tài chính từ năm 2011-2014 và thực hiện đầu tư từ năm 2015-2020, hoàn thành và đưa giai đoạn 1 vào khai thác từ năm 2020.
Về giao thông kết nối cảng HKQT Long Thành sẽ có đường trục ra vào cảng: phía đầu tây nam được nối trực tiếp vào đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đi về đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đang thi công), phía đầu đông bắc nối với đường vành đai 4 TP.HCM. Cảng HKQT Long Thành cũng được kết nối với tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Nha Trang và tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành kết nối ngầm với cảng tại phía trục chính trước mặt nhà ga hành khách.
Chủ đầu tư dự án cảng HKQT Long Thành là Tổng công ty Cảng hàng không VN, báo cáo đầu tư xây dựng công trình do Công ty Tư vấn sân bay Nhật Bản lập.
Tối cùng ngày, một lãnh đạo Vụ Kiến trúc – quy hoạch (Bộ Xây dựng) cho biết chưa nhận được văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh Đồng Nai về quy hoạch 21.000ha xây dựng khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành.
T.PHÙNG
|