24/11/2024

Thiên Chúa vẫn tiếptục theo dõi chúng ta bằng cả tình yêu của Ngài

Thật hạnh phúc cho chúng ta, Thiên Chúa không bao giờ bội tín, và thậm chí khi chúng ta rời xa Ngài và phải hư mất, thì Ngài vẫn tiếp tục dõi theo chúng ta bằng cả tình yêu của Ngài, bằng cách tha thứ cho những lầm lỗi của chúng ta, và qua tiếng nói lương tâm, nhắc bảo chúng ta quay về với Ngài.

 Thiên Chúa vẫn tiếptục theo dõi chúng ta bằng cả tình yêu của Ngài

Kinh Truyền Tin – Quảng trường Thánh Phêrô – Chúa Nhật IV Mùa Chay, 14/3/2010

Anh chị em thân mến,

Trong Chúa Nhật IV Mùa Chay hôm nay, chúng ta tuyên đọc bài Phúc Âm về người cha và đứa con trai, hay được mọi người biết hơn, đó là dụ ngôn về “người con hoang đàng” (Lc 15,11-32). Trang Tin Mừng của Thánh Luca tạo nên một đỉnh cao của nền tu đức và văn chương của mọi thời. Thật thế, nền văn hoá của chúng ta, nghệ thuật, và một cách tổng quát hơn, nền văn minh của chúng ta sẽ ra sao, nếu không có mạc khải này nói về một vị Thiên Chúa là Cha giàu lòng nhân hậu? Trang Tin Mừng này không ngừng làm cho chúng ta phải dao động, và cứ mỗi lần chúng ta nghe, hay đọc, trang Tin Mừng ấy vẫn luôn có thể gợi lên cho chúng ta những ý nghĩa mới. Nhất là bản văn Tin Mừng này có đủ uy quyền để nói với chúng ta về Thiên Chúa, giúp cho chúng ta nhận biết gương mặt của Người, hay đúng hơn nữa, quả tim của Người. Sau khi được Đức Giêsu nói về Chúa Cha nhân từ, thì mọi sự sẽ không còn giống như trước nữa, giờ đây chúng ta biết Thiên Chúa: Ngài là Cha chúng ta, là Đấng, vì yêu thương, đã dựng nên chúng ta có tự do và phú bẩm cho chúng ta lương tâm, Ngài cảm thấy đau khổ nếu chúng ta hư mất, nhưng mở tiệc mừng vui khi chúng ta quay trở về. Chính vì thế, tương giao với Ngài được xây dựng qua một lịch sử, tương tự như trường hợp của bất cứ người con nào đối với cha mẹ mình: lúc đầu, con cái lệ thuộc cha mẹ; sau đó, con cái giành lại quyền tự do của mình; và cuối cùng – nếu sự phát triển là tích cực – , thì chúng có được một mối tương giao chín chắn, được xây dựng trên lòng biết ơn và trên tình yêu đích thực.

Qua những giai đoạn này, chúng ta cũng có thể nhận diện được những giai đoạn trên bước đường hành trình của con người trong tương giao với Thiên Chúa. Cũng có thể có một giai đoạn giống như thời thơ ấu: một thứ tôn giáo do nhu cầu, do sự lệ thuộc. Khi con người lớn lên và được giải phóng, con người muốn giải phóng mình khỏi sự lệ thuộc này, trở nên tự do và trưởng thành, có khả năng hành động một mình và chọn lựa một cách độc lập, và thậm chí nghĩ rằng mình có thể không cần đến Thiên Chúa. Nói đúng ra, giai đoạn này thật tế nhị, nó có thể dẫn đến chủ nghĩa vô thần, nhưng thậm chí nó cũng ẩn chứa một nhu cầu khám phá ra gương mặt thật của Thiên Chúa. Thật hạnh phúc cho chúng ta, Thiên Chúa không bao giờ bội tín, và thậm chí khi chúng ta rời xa Ngài và phải hư mất, thì Ngài vẫn tiếp tục dõi theo chúng ta bằng cả tình yêu của Ngài, bằng cách tha thứ cho những lầm lỗi của chúng ta, và qua tiếng nói lương tâm, nhắc bảo chúng ta quay về với Ngài. Qua bài dụ ngôn này, hai người con xử sự một cách khác biệt nhau: cậu con út ra đi và ngày càng lún sâu, trong khi đó, người con cả ở nhà, nhưng anh ta cũng thế, anh vẫn nuôi một mối tương giao thiếu trưởng thành với Cha mình; thực thế, khi người em út trở về, người con trưởng không cảm thấy hạnh phúc giống như cha mình, mà trái lại, anh nổi nóng và không muốn vào nhà. Hai người con biểu thị cho hai lối tương giao thiếu trưởng thành với Thiên Chúa: sự nổi loạn và vâng lời có tính con trẻ. Chúng ta có thể vượt thắng được hai loại hình này khi cảm nghiệm được lòng nhân từ Chúa. Chỉ khi nào ta cảm nghiệm được ơn tha thứ, chỉ khi nào ta nhìn nhận mình được một tình yêu nhưng không bao phủ, một tình yêu lớn hơn cả nỗi khốn cùng của chúng ta, nhưng cũng lớn hơn cả sự công chính của chúng ta, thì lúc đó, chúng ta mới có một mối tương giao thực sự con thảo và tự do với Thiên Chúa.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy suy niệm về dụ ngôn này. Chúng ta hãy nhìn chúng ta trong hai người con, và nhất là, hãy ngắm nhìn quả tim của người Cha. Chúng ta hãy ngả mình vào trong vòng tay của Ngài, và hãy để cho tình yêu giàu lòng nhân hậu của Ngài hồi sinh chúng ta. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, là Mater misericordiae – Mẹ của lòng thương xót – giúp đỡ chúng ta.