24/11/2024

Đức Giêsu thành Nazareth: Rửa chân cho các môn đệ

Bản trình thuật trong Phúc âm Gioan về bữa Tiệc Ly có hai yếu tố: Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ và diễn từ giã biệt của Đức Giêsu, bao gồm “lời nguyện thượng tế” của Người. Đức Giêsu thể hiện lòng khiêm hạ bằng cách mặc lấy thân phận của một người nô lệ để rửa chân cho các môn đệ. Hành vi này tóm gọn toàn bộ hoạt động sứ vụ của Người. Người tự tước bỏ vinh quang thần linh của mình và rửa chân chúng ta để làm cho chúng ta nên xứng đáng có mặt trong tiệc cưới của Thiên Chúa.

  

Đức Giêsu thành Nazareth

RỬA CHÂN CHO CÁC MÔN ĐỆ

Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI

Tiếp nối bài tường thuật về sự kiện Đức Giêsu vào thành Giêrusalem là các bài diễn từ giáo huấn. Theo sau các bài này, các bản Phúc âm Nhất lãm lại tiếp tục dòng tường trình dẫn tới buổi Tiệc Ly với thời điểm được xác định chính xác.

Ngay đầu chương 14, Marcô viết: “Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh không men…” (Mc 14:1). Sau đó, ngài kể việc xức dầu tại Bêtani và âm mưu của Giuđa, rồi ngài tiếp tục: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh không men, là ngày sát tế chiên Vượt qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: ‘Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?’” (Mc 14:12).

Thánh Gioan chỉ nói: “Trước lễ Vượt Qua … trong một bữa ăn” (Ga 13:1-4). Bữa ăn Gioan nói tới diễn ra “trước lễ Vượt Qua”, trong khi đó các Phúc âm Nhất lãm trình bày bữa Tiệc Ly như là một buổi tiệc Vượt qua, như thế có vẻ ba vị còn lại muộn hơn một ngày so với thời biểu của Gioan.

Chúng ta sẽ trở lại vấn đề gây tranh cãi về những thời biểu khác nhau này và ý nghĩa thần học của chúng khi chúng ta bàn tới bữa Tiệc Ly và sự thiết lập bí tích Thánh Thể.

GIỜ CỦA ĐỨC GIÊSU

Bây giờ, chúng ta hãy tập trung vào bản Tin Mừng thứ tư, nơi đây chúng ta tìm thấy hai yếu tố đặc trưng cho Gioan trong bài tường thuật buổi tối cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ trước cuộc Khổ nạn. Đầu tiên, Gioan kể rằng Đức Giêsu thực hiện việc phục vụ chỉ đầy tớ mới làm, đó là rửa chân cho các môn đệ. Trong ngữ cảnh này, ngài cũng kể lại lời Đức Giêsu tiên báo về vụ phản bội của Giuđa và chối Thầy của ông Phêrô. Yếu tố thứ hai gồm diễn từ từ biệt của Đức Giêsu với cao điểm là lời nguyện thượng tế. Trong chương này và chương bốn, chúng ta sẽ lần lượt xem xét hai tình tiết chủ chốt nói trên.

“Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1). “Giờ” của Đức Giêsu đã đến cùng lúc với bữa Tiệc Ly – thời điểm mà toàn bộ hoạt động sứ vụ của Đức Giêsu hướng tới ngay từ ban đầu (Ga 2:4). Gioan diễn tả tính chất cốt yếu của “giờ” này bằng hai từ chính: metábasis (metabaínein) – giờ Đức Giêsu “ra đi”, và agápë – giờ của tình yêu thương đến cùng.

Hai ý niệm đó bổ sung cho nhau và không thể tách rời. Tình yêu là quá trình vượt lên, biến đổi, bước ra khỏi những giới hạn của nhân tính bị sa ngã – trong nhân tính đã chịu tổn hại đó, chúng ta xa cách nhau và cuối cùng dựng nên bức tường ngăn cách sừng sững – để bước vào một sự đổi khác, vô tận. Tình “yêu thương đến cùng” là điều làm nảy sinh thái độ sẵn sàng “ra khỏi” (metábasis) mà thường dường như bất khả, nghĩa là bước ra ngoài giới hạn của tính cá nhân vị kỷ đóng kín nơi mỗi người – đây chính là tình yêu thiêng liêng (agápë): phá vỡ rào cản để tiến vào không gian thần linh.

“Giờ” của Đức Giêsu là giờ của một bước tiến vượt bậc, giờ của sự biến đổi, và sự biến hình đó diễn ra được là nhờ tình yêu thiêng liêng agápë. Đó là tình yêu thương agápë “đến cùng” – ở đây Gioan như biết trước lời cuối cùng của Đức Giêsu đang hấp hối: tetélestai – “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19:3). Sự hoàn tất này (télos), sự cho đi hoàn toàn, biến đổi trọn vẹn hữu thể – đó là quên mình hy sinh cho đến chết.

Khi Đức Giêsu nói ở đây hay nơi khác trong Phúc âm Gioan về Người ra đi từ Chúa Cha và trở về với Chúa Cha, người ta có thể nhớ tới mô thức exitusreditus, nghĩa là ra đi và trở lại, như trong triết thuyết của triết gia Plotinus. Tuy nhiên sự ra đi và trở lại theo như Gioan diễn tả hoàn toàn khác với ý nghĩa trong mô thức triết học trên. Đối với triết gia Plotinus và các đồ đệ hậu sinh của ông, “ra đi” tương đương với hành vi sáng tạo của thần thánh, là một sự đi xuống từ tầng cao của “đấng độc nhất” đến những phạm vi hiện hữu cấp thấp hơn mãi cho tới khi rơi xuống như một cú sa ngã. Sự trở về gồm việc tẩy luyện khỏi thế giới trần tục, tiến dần lên mãi, và trong quá trình các cuộc thanh tẩy đó diễn ra, những gì thấp kém bị gỡ bỏ, cuối cùng dẫn lên tới mức kết hợp thống nhất với thần thánh.

Trái lại, sự ra đi của Đức Giêsu giả định trước rằng công cuộc sáng tạo chẳng phải là một cú sa ngã, nhưng là một hành vi tích cực theo ý muốn của Thiên Chúa. Do đó, sự ra đi là một bước chuyển biến của yêu thương: động cơ của quá trình đi xuống như thế là tình yêu dành cho loài thụ tạo, tình yêu đối với con chiên lạc; hành động bước xuống mạc khải thiên tính đích thực. Khi trở về, Đức Giêsu không cởi bỏ nhân tính của Người như thể đó là cội nguồn sinh ra mọi sự kém thuần khiết. Người bước xuống là để đón nhận, gánh vác cả nhân loại, và Người quay trở về, mang theo mọi “phàm nhân” làm thành “toàn bộ xác thân”.

Đức Giêsu không quay về một mình, đó là điều mới mẻ diễn ra trong việc quay về này. Người không rũ bỏ xác phàm, mà kéo mọi người lên với mình (x. Ga 12:32). Sự “ra đi” là dành cho tất cả. Nếu trong Lời Tựa của Phúc âm theo Thánh Gioan, chúng ta đọc thấy rằng “người nhà” (ídioi) không chấp nhận Người (x. Ga 1:11), thì giờ đây chúng ta nghe rằng Người yêu thương “những kẻ thuộc về mình” cho đến cùng (x. Ga 13:1). Khi đi xuống thế gian, Người đã quy tụ những kẻ xa lạ thành “những kẻ thuộc về mình”, thành gia đình lớn của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy nghe vị Tông đồ Thánh sử kể tiếp: Đức Giêsu “đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13:4-5). Đức Giêsu phục vụ các môn đệ như một người đầy tớ: Người đã “trút bỏ vinh quang” (Pl 2:7).

Điều Thư gửi Tín hữu Philipphê bày tỏ trong thánh thi về Đức Kitô là: trái ngược với Ađam – kẻ đã cố trở nên ngang bằng với Thiên Chúa, Đức Giêsu lại từ địa vị Con Thiên Chúa bước xuống thế giới loài người, mang lấy hình hài của một kẻ nô lệ, vâng phục Thiên Chúa cho đến chết trên cây thập tự (x. Pl 2:7-8). Tất cả điều này được tỏ bày qua một cử chỉ duy nhất. Đức Giêsu cho thấy toàn bộ sứ vụ cứu độ của Người trong một cử chỉ mang tính biểu tượng. Người tự tước bỏ vinh quang nơi mình. Cũng như ngày xưa, Người quỳ trước mặt chúng ta, rửa những đôi chân đầy cát bụi và lau khô, để chúng ta có thể xứng đáng ngồi vào bàn tiệc cưới của Thiên Chúa.

Trong sách Khải huyền, chúng ta thấy một câu thoạt nhìn có vẻ trái ngược với điều trên: những người được cứu chuộc “đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:14), tuy nhiên, chúng ta cần hiểu ra ý nghĩa của câu này là chính tình yêu thương “đến cùng” của Đức Giêsu đã thanh tẩy chúng ta. Cử chỉ rửa chân diễn tả đúng điều đó: chính tình yêu phục vụ của Đức Giêsu lôi kéo chúng ta khỏi tính tự tôn và khiến chúng ta trở nên thanh khiết, xứng hợp với Thiên Chúa.

“ANH EM ĐÃ SẠCH”

Trong đoạn văn về rửa chân, từ “sạch” xuất hiện ba lần. Gioan dựa trên một quan niệm cơ bản trong truyền thống tôn giáo Cựu Ước và các tôn giáo nói chung. Để có thể trình diện trước Đấng Tối cao và trở thành bạn hữu của Ngài, con người phải “sạch”. Càng tiến tới gần ánh sáng, càng thấy bản thân nhơ bẩn, con người càng thấy mình cần được tẩy sạch. Do đó, các tôn giáo đã tạo ra hệ thống “thanh tẩy”, với dụng ý làm cho con người có thể tiếp cận Thượng Đế.

Trong nghi lễ phượng tự của tất cả các tôn giáo, các quy định về thanh tẩy giữ vai trò quan trọng: chúng giúp con người cảm nghiệm tính thánh thiện của Đấng Tối cao và ý thức về miền tăm tối trong chính mình. Con người cần phải được giải thoát khỏi cái bóng u ám đó, để có thể đến gần Ngài. Hệ thống các nghi thức thanh tẩy trong phụng tự chi phối toàn bộ đời sống trong Do Thái giáo vào thời Đức Giêsu. Trong chương 7 của Tin Mừng theo Thánh Marcô, chúng ta thấy Đức Giêsu phê phán quan niệm cho rằng sự thanh sạch có được nhờ các nghi thức trong phụng tự; trong các lá thư của Thánh Phaolô, vấn đề “thanh sạch” trước mắt Chúa lại được đem ra tranh luận.

Trong Tin Mừng theo Marcô, chúng ta thấy Đức Giêsu mang lại một sự thay đổi triệt để đối với quan niệm về thanh sạch trước mắt Chúa: các nghi thức tẩy uế không thể làm cho chúng ta nên thanh khiết được. Sự thanh khiết và sự ô uế nảy sinh từ trong lòng người và dựa vào tình trạng nội tâm của con người (Mc 7:14-23).

Một vấn đề nảy sinh: Làm thế nào để trái tim được thanh sạch? Ai là người có tâm hồn trong sạch để có thể nhìn thấy Thiên Chúa (Mt 5:8)? Hướng chú giải tự do giải thích rằng Đức Giêsu đã thay thế ý niệm thanh sạch nhờ nghi lễ bằng quan niệm luân lý: tại vị trí trước đây của phượng tự và tất cả các thứ tuỳ phụ, nay luân lý thống trị. Theo quan điểm này, về căn bản Kitô giáo được xem là luân lý, một kiểu “trang bị lại” về đạo đức. Tuy nhiên, cách nhìn như thế không đánh giá đúng khía cạnh mới của Tân Ước.

Khía cạnh mới mẻ ấy được thể hiện rõ trong sách Công vụ Tông đồ khi Thánh Phêrô tranh cãi với những cựu Pharisêu trong cộng đoàn Kitô hữu đòi các Kitô hữu dân ngoại phải cắt bì và “giữ luật Môsê”. Thánh Phêrô giải thích như sau: chính Thiên Chúa đã quyết định rằng “dân ngoại được nghe lời Tin Mừng…và tin theo… Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy họ” (Cv 15:5-11). Đức tin thanh tẩy tâm hồn. Đó là kết quả của việc Thiên Chúa đi bước trước hướng tới con người, chứ không chỉ là sự chọn lựa về phía con người cho chính mình. Đức tin nảy sinh vì Thánh Thần Chúa chạm sâu vào tâm hồn con người. Thần Khí Thiên Chúa khai mở và thanh tẩy trái tim con người.

Chủ đề thanh tẩy chỉ được nhắc đến một cách tình cờ trong lời đề nghị của Thánh Phêrô. Nhưng Thánh Gioan tiếp nhận và đào sâu đề tài đó trong bài tường thuật về rửa chân, và sau đó, trong lời nguyện thượng tế của Đức Giêsu, ở đoạn “thánh hiến”. Trong dụ ngôn “cây nho thật”, Đức Giêsu đoan chắc với các môn đệ rằng: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (Ga 15:3). Lời Người ngấm sâu vào tâm tư họ, biến đổi tư tưởng, ý chí, “trái tim” của họ, mở cửa tâm hồn họ đến độ tâm hồn ấy có thể trở thành tâm hồn biết “nhìn thấy”.

Khi suy nghĩ về lời nguyện thượng tế, chúng ta sẽ gặp lại ý tưởng trên, dù được thể hiện qua cách biểu đạt hơi khác trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ” (Ga 17:17). Trong thuật ngữ của hàng tư tế, “thánh hiến” nghĩa là làm cho phù hợp để thờ phượng Chúa. Từ này chỉ các nghi thức mà vị tư tế phải thực hiện, trước khi vào gặp mặt Chúa. “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ” – Đức Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng sự thật ở đây là một cuộc “tắm rửa” để giúp con người trở nên xứng hợp để gặp Chúa. Họ phải được dìm vào sự thật, để thoát khỏi những vết nhơ ngăn cách họ với Thiên Chúa. Về điều này, chúng ta phải nhớ rằng sự thật Thánh Gioan muốn nói ở đây không phải là một ý niệm trừu tượng, vì ngài biết Đức Giêsu chính là sự thật.

Trong chương 13 của Phúc âm theo Thánh Gioan, Đức Giêsu thực hiện việc rửa chân như một cách thanh tẩy. Ở đây, chúng ta cũng gặp cùng một ý tưởng, nhưng từ một góc độ khác. Việc “tắm rửa” giúp chúng ta được sạch chính là tình yêu thương tận hiến đến chết của Đức Giêsu. Lời của Đức Giêsu không chỉ đơn giản là lời, mà là chính Người. Lời của Người là sự thật, và là tình yêu.

Thánh Phaolô diễn tả chính điều đó theo một cách khó hiểu hơn khi nói: “Chúng ta được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra” (Rm 5:9; x. Rm 3:25; Ep 1:7; tt.). Trong Thư gửi Tín hữu Do Thái, cùng ý đó tái xuất hiện trong cái nhìn siêu nhiên về chức thượng tế của Đức Giêsu. Thay cho nghi thức tẩy uế, điều mà chúng ta có bây giờ không chỉ đơn thuần là luân lý, mà chính là ân huệ được gặp Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô.

Một lần nữa, khi so sánh với các loại triết học Plato thời cổ, cụ thể là trường hợp của triết gia Plotinus, chúng ta thấy những triết thuyết này cũng xoay quanh đề tài thanh tẩy. Một mặt, người ta được thanh tẩy qua các nghi thức, mặt khác, đặc biệt nhờ vào nỗ lực dần dần vươn lên tầm cao nơi Thiên Chúa ngự trị. Bằng cách này, con người tẩy rửa mình khỏi những thứ vật chất trần tục, trở thành tinh thần, và do đó, được thanh sạch.

Trong niềm tin Kitô giáo, chính Thiên Chúa nhập thể mới thật sự làm cho chúng ta nên thanh khiết và đưa muôn loài thụ tạo vào mối hiệp nhất với Thiên Chúa. Kiểu mộ đạo thế kỷ XIX giữ ý niệm một chiều về sự thanh khiết do thu hẹp tính trong sạch vào phạm vi giới tính, theo đó một lần nữa trì kéo ý tưởng về sự thanh sạch với gánh nặng hoài nghi về thân xác, về vật chất trần tục. Nhân loại tìm kiếm một quan niệm bao quát và cởi mở hơn về đức thanh sạch. Phúc âm theo Thánh Gioan và cả chính Đức Giêsu chỉ cho ta biết con đường: Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người làm cho chúng ta xứng hợp với Thiên Chúa. Được tháp nhập vào thân thể Đức Giêsu Kitô và luôn đặt mình trước sự hiện diện của Người là điều quan trọng hơn cả.

Có lẽ ở đây chúng ta cần nói thêm rằng sự thay đổi trong ý tưởng về ý niệm trong sạch do thông điệp của Đức Giêsu mang đến là một minh hoạ thêm nữa cho những gì được nêu trong chương 2 sách này về sự kết thúc các lễ tế bằng súc vật, về vấn đề thờ phượng và Đền thờ mới. Cũng như các hy lễ cũ là điềm báo trước cho tương lai được mong đợi, đón nhận ánh sáng và chân giá trị từ tương lai được chờ đợi ấy, thì theo như các Giáo phụ, toàn bộ vấn đề nghi thức thanh tẩy gắn với nền phượng tự này là “sacramentum futuri” -  một giai đoạn trong lịch sử của Thiên Chúa với con người, và của con người với Thiên Chúa, ngưỡng vọng về tương lai, nhưng buộc phải lùi sang bên khi giờ của điều mới mẻ thật sự đã đến.

BÍ TÍCH VÀ MẪU GƯƠNG (SACRAMENTUM VÀ EXEMPLUM) – ÂN SỦNG VÀ TRÁCH NHIỆM: “ĐIỀU RĂN MỚI”

Hãy trở về lại chương 13 của Phúc âm theo Thánh Gioan. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đã sạch”. Ân sủng được sạch là việc Chúa làm. Dù với hệ thống thanh tẩy nào, con người cũng chẳng thể làm cho mình nên xứng đáng trước mặt Chúa. Tầm mức lớn lao của mầu nhiệm Đức Kitô ngưng đọng lại nơi câu nói hết sức đơn sơ của Đức Giêsu: “Anh em đã sạch”. Thiên Chúa xuống với con người chúng ta làm cho chúng ta nên thanh sạch. Sự thanh sạch là một quà tặng.

Tuy nhiên, một ý trái ngược nảy sinh. Đức Giêsu nói ở vài dòng sau: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:14-15). Suy cho cùng chẳng phải điều này gợi ra quan niệm Kitô giáo thuần tuý luân lý sao?

Nhà chú giải Kinh Thánh Rudolf Schnackenburg đưa ra hai lối giải thích trái ngược về việc rửa chân trong chương 13 của Tin Mừng Gioan: lối thứ nhất “sâu sắc hơn trên phương diện thần học, và việc rửa chân được xem như một cử chỉ biểu tượng hướng về cái chết của Đức Giêsu; lối thứ hai mang tính nêu gương, tập trung vào sự phục vụ khiêm nhường của Đức Giêsu thể hiện qua hành động rửa chân các môn đệ” (The Gospel according to Saint John III, tr.7). Schnackenburg cho rằng cách giải thích thứ hai là “do biên soạn”, và “lối giải thích thứ hai dường như chẳng liên quan gì tới lối thứ nhất” (tr. 12, x. tr. 24). Tuy nhiên, đây là một cách nghĩ hạn hẹp, quá lệ thuộc kiểu tư duy Tây Phương. Đối với Thánh Gioan, ân sủng mà Đức Giêsu tặng ban và sứ vụ kèm theo của Người giữa các môn đệ thành một thể thống nhất với nhau.

Các Giáo phụ diễn tả sự khác nhau giữa hai khía cạnh trên, cũng như mối liên hệ tương hỗ giữa chúng, bằng hai phạm trù sacramentumexemplum. Với từ sacramentum, các ngài không chỉ một bí tích cụ thể nào, mà muốn nói toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô – đời sống và cái chết của Người – qua đó Người tiếp cận chúng ta, hội nhập vào chúng ta nhờ Thần Khí của Người, và biến đổi chúng ta. Vì “bí tích” (sacramentum) này thật sự “tẩy sạch” chúng ta, đổi mới thâm tâm, nên cũng phóng thích một động lực cho đời sống mới. Lời yêu cầu làm theo gương Đức Giêsu (exemplum) không phải chỉ là một phần phụ lục đính kèm mầu nhiệm (sacramentum), càng chẳng phải là phản đề của bí tích (sacramentum), mà là kết quả của động lực nội tại phát sinh từ ân sủng của Đức Chúa trong đó Ngài canh tân chúng ta và lôi kéo chúng ta vào trong những gì thuộc về Người.

Động lực chính yếu phát sinh từ ân sủng, qua đó Người hành động trong chúng ta và các hoạt động của chúng ta hợp nhất với các hoạt động của Người, được diễn tả rất rõ trong câu nói sau của Đức Giêsu: “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14:12). Ý nghĩa của câu “Thầy đã nêu gương cho anh em” trong đoạn miêu tả hành động rửa chân được làm sáng tỏ ở đây: hành động của Đức Giêsu trở thành của chúng ta, vì Người hoạt động nơi chúng ta.

Trên cơ sở này, chúng ta có thể hiểu lời giảng dạy về “điều răn mới”. Sau đoạn xen giữa về vụ phản bội của Giuđa, Đức Giêsu trở lại với lời giáo huấn của Người khuyên các môn đệ rửa chân cho nhau, và Người áp dụng lời dạy rộng hơn (Ga 13:34-35). “Điều răn mới” có gì mới? Câu hỏi này nhắm tới “tính mới lạ” của Tân Ước, nghĩa là “căn tính của Kitô giáo”, nên cần được lưu tâm.

Người ta lập luận rằng yếu tố mới – vượt trên giới răn yêu thương người thân cận có trước đó – được thể hiện qua câu “hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”, nghĩa là yêu thương đến độ sẵn sàng hiến mạng sống vì người khác. Nếu điều này là nội dung riêng biệt và duy nhất của “điều răn mới”, thì Kitô giáo chẳng qua cũng chỉ được định nghĩa như một dạng nỗ lực vươn tới mức độ luân lý hoàn hảo. Nhiều nhà bình luận đã giải thích Bài giảng trên Núi theo ý trên, nghĩa là, khác với đường lối cũ của Mười Điều Răn chỉ dành cho người tầm tầm bậc trung, Kitô giáo, qua Bài giảng trên Núi, khai mở một đường lối cấp cao với những đòi hỏi triệt để, trình bày một tầm mức nhân bản mới mà con người có thể khao khát.

Thế nhưng, ai có thể tuyên bố mình đã vượt lên đường lối đạo đức “trung bình” của Mười Điều Răn, đã để lại Thập giới đằng sau như những chuẩn mực hiển nhiên, và hiện đang đi trên đường lối tầm cao của “luật mới”? Không, tính mới lạ của của điều răn mới không nằm ở độ cao của nỗ lực luân lý. Điểm chính không phải là lời kêu gọi phải đạt thành tựu đạo đức tuyệt đối, mà là nền tảng mới được gầy dựng cho sự hiện hữu của chúng ta. Điểm mới chỉ có thể đến từ ân sủng được sống với Đức Kitô và sống trong Đức Kitô.

Trong loạt bài giảng đầu tiên sau khi được thụ phong linh mục, Thánh Agustinô đã thật sự bắt đầu chú giải Bài giảng trên Núi với tư tưởng về những chuẩn mực mang đặc tính đạo đức cao hơn, hướng thượng và thuần khiết hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thuyết giảng đó, trọng tâm dần dần dịch chuyển. Tại một số nơi, ngài công nhận rằng nền luân lý xưa cũng đã mang tính hoàn thiện rồi. Càng ngày Thánh Augustinô càng tỏ rõ hơn ý định thay thế mức độ đòi buộc luân lý cao hơn bằng sự chuẩn bị tâm hồn (x. De Serm. Dom. in Monte I, 19, 59); “tâm hồn trong sạch” (x. Mt 5:8) càng lúc càng trở thành trọng tâm trong cách ngài chú giải. Hơn một nửa trong loạt bài giảng được hình thành trên ý tưởng cơ bản về tâm hồn được tẩy luyện. Qua đó, mối liên kết với việc rửa chân nổi bật lên đến độ đáng kinh ngạc: chỉ khi để cho chính Đức Chúa thanh luyện, “làm cho thanh sạch”, chúng ta mới có thể học được cách hành động như Người, trong sự kết hợp với Người.

Tất cả đều tuỳ thuộc vào việc hội nhập cái “tôi” của chúng ta vào bản tính của Người (“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Đây là lý do vì sao từ misericordia – lòng nhân ái, là từ khoá thứ hai hay lặp đi lặp lại trong lời chú giải của Thánh Augustinô về Bài giảng trên Núi. Chúng ta phải tự dìm mình vào lòng nhân từ của Chúa, khi đó, “trái tim” của chúng ta sẽ khám phá ra con đường đúng đắn. “Điều răn mới” không chỉ đơn giản là mức độ đòi hỏi mới mẻ cao hơn. “Điều răn mới” được nối kết với sự mới mẻ của Đức Giêsu Kitô, với việc càng ngày càng gia tăng sự hội nhập trong Người.

Cũng theo hướng lập luận này, Thánh Thomas Aquinas cho rằng: “Luật mới là ân huệ của Chúa Thánh Thần” (Summa Theologiae I-II, câu hỏi 106, mục 1), không phải là một chuẩn mực mới, mà là sự canh tân nội tâm do chính Chúa Thánh Thần mang đến. Cảm nghiệm tâm linh này về yếu tố mới thật sự trong Kitô giáo được Thánh Augustinô diễn tả súc tích trong công thức nổi tiếng: “Da quod iubes et iube quod vis” (hãy cho chính điều bạn đòi hỏi, và hãy đòi hỏi chính điều bạn muốn; Conf. X, 29, 40).

Ân sủng – sacramentum – trở thành exemplum, một gương sáng, trong khi vẫn còn là hồng ân luôn mãi. Việc được làm Kitô hữu trước tiên là một ân ban, nhưng việc này sẽ triển khai trong suốt dòng động lực của việc cùng sống với và hoạt động trong ân ban này.

BÍ ẨN CỦA TÊN PHẢN TRẮC

Bài trình thuật về hành động rửa chân cho chúng ta thấy hai cách con người phản ứng trước ân ban này: qua thí dụ điển hình của Giuđa và của Phêrô. Ngay sau khi khích lệ các môn đệ noi gương mình, Đức Giêsu nhắc tới Giuđa. Thánh Gioan kể cho chúng ta rằng Đức Giêsu thấy xao xuyến trong tâm hồn và tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13:21).

Ba lần Thánh Gioan diễn tả Đức Giêsu “xao xuyến”: nơi mộ ông Ladarô (11:33, 38), vào ngày “Lễ Lá”, sau khi nói về hạt lúa chết đi, trong hoàn cảnh gợi nhớ tới vườn Gethsemane (12:24-27), và cuối cùng là ở đây. Đó là những thời khắc Đức Giêsu phải đối mặt với uy quyền của sự chết và quyền lực của bóng tối, mà Người có trách nhiệm phải chiến đấu và vượt thắng. Chúng ta sẽ quay lại nỗi xáo động tâm tư như thế nơi Đức Giêsu khi ta suy tư về đêm tối trên Núi Cây Dầu.

Hãy trở lại với bản văn. Lời thông báo về sự phản bội gây xôn xao và gợi tò mò giữa các môn đệ. “Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Si-môn Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: ‘Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?’ Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: ‘Thưa Thầy, ai vậy?’ Đức Giêsu trả lời: ‘Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy” (Ga 13:23-25).

Để hiểu bản văn này, trước hết ta cần lưu ý rằng trong bữa ăn tiệc Vượt qua, người ta nằm tựa tại bàn ăn. Tham khảo tài liệu của tác giả Pliny, Charles K. Barrett, một học giả Tân Ước, giải thích đoạn trích dẫn trên như sau: “Các thực khách nằm tựa vào tay trái, tay phải rảnh để vận động. Do đó, người môn đệ phía tay phải của Đức Giêsu thấy đầu mình ở trước Đức Giêsu, nên có thể nói là tựa vào ngực Người. Đương nhiên ở vị trí này, ông có thể thân mật trò chuyện với Đức Giêsu, nhưng đây không phải là vị trí cao trọng nhất; đó phải là chỗ bên trái của chủ tiệc. Tuy vậy, vị trí của người môn đệ được thương mến ấy được xem là chỗ của người bạn đáng tin cậy” (The Gospel according to Saint John, tr. 446).

Câu trả lời của Đức Giêsu hoàn toàn dễ hiểu, nhưng theo lời kể của Thánh Gioan, các môn đệ lại có vẻ chẳng biết Người muốn chỉ ai. Vì thế, chúng ta buộc phải suy ra rằng Thánh Gioan, trong khi nhớ lại cảnh tượng này, đã điều chỉnh câu trả lời vào thời điểm đó của Đức Giêsu sao cho rõ ràng hơn. Gioan 13:28 giúp chúng ta đi đúng hướng. Đức Giêsu nói:”Phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (x. Tv 41:10; x. Tv 55:14). Đây là kiểu nói đặc trưng của Đức Giêsu: Người ám chỉ số phận của mình bằng cách viện dẫn những lời Thánh Kinh, theo đó đặt số phận mình vào nguyên lý của Thiên Chúa và của lịch sử cứu độ.

Lời của Đức Giêsu trở nên rõ ràng về sau; người ta thấy rằng quả thực Kinh Thánh miêu tả con đường Người phải đi, nhưng lúc này ẩn số vẫn còn đó. Tại điểm này chúng ta chỉ có thể suy diễn rằng một trong số các thực khách sẽ phản bội Đức Giêsu, và Đức Chúa sẽ phải gánh chịu tới cùng nỗi khốn khổ của người công chính mà Thánh vịnh đã diễn tả với nhiều cách khác nhau. Đức Giêsu phải trải qua sự hiểu lầm và bất trung của ngay cả những người bạn trong vòng thân cận nhất, và như vậy, “ứng nghiệm lời Kinh Thánh”. Người được mặc khải như đối tượng thật sự của các Thánh vịnh, như “vua David” – vừa là tác giả của Thánh vịnh, vừa là nội dung qua đó Thánh vịnh mới có ý nghĩa.

Thánh Gioan đem lại chiều kích mới cho lời Thánh vịnh mà Đức Giêsu dùng để nói tiên tri về những gì đang chờ Người phía trước. Thay vì từ “ăn” dùng trong Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp, ngài chọn động từ trõgein, chính là từ mà Đức Giêsu dùng trong bài diễn từ về “bánh hằng sống” để chỉ việc “ăn” thịt và máu Người, nghĩa là lãnh nhận Bí tích Thánh Thể (Ga 6:54-58). Vì thế, câu Thánh vịnh như báo trước về Giáo hội trong thời của vị Tông đồ Thánh sử, lúc đó người ta đã cử hành Bí tích Thánh Thể, và cả về Giáo hội trong mọi thời: sự phản bội của Giuđa không phải là lần bất trung cuối cùng mà Đức Giêsu phải chịu. “Cả người bạn thân con hằng tin cậy đã cùng con chia cơm sẻ bánh mà nay cũng giơ gót đạp con!” (Tv 41:10). Sự xúc phạm tình bằng hữu lan tới cộng đoàn hiệp lễ của Giáo Hội, nơi người ta tiếp tục dùng “bánh của Người” và sau đó vẫn trở thành kẻ phản trắc.

Dựa trên cơ sở những lời suy tư tương tự (x. Pensées VII, 553), triết gia Blaise Pascal viết rằng nỗi đau của Đức Giêsu, cuộc chiến đấu của Người với cái chết, tiếp tục cho tới ngày Tận thế. Chúng ta cũng có thể đặt ý này theo chiều ngược lại: vào chính giờ đó, Đức Giêsu gánh lấy sự phản bội và nỗi đau do lòng dạ phản trắc gây ra ở mọi thời, và Người gánh lấy cho tới tận cùng mọi nỗi thống khổ của lịch sử.

Thánh Gioan không giải thích gì về tâm lý của Giuđa. Mấu chốt duy nhất ngài đưa ra là Giuđa quản lý tiền bạc cho cả nhóm, mà lại dùng theo ý hắn (Ga 12:6). Trong chương 13, vị Tông đồ Thánh sử chỉ nói ngắn gọn: “Khi Giuđa vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào y” (Ga 13:27).

Theo Thánh Gioan, những gì xảy ra với Giuđa không thể giải thích theo tâm lý được, vì hắn đã rơi vào sự thống trị của kẻ khác. Bất cứ ai phá huỷ tình bạn với Đức Giêsu, vứt qua một bên cái “ách êm ái” của Người, thì không đạt tới sự tự do, không còn tự do nữa, mà bị những quyền lực khác chi phối. Nói cách khác, hắn phản bội tình bạn này vì hắn đã mở đường cho quyền lực khác tiến vào và trở thành tù nhân của nó.

Ánh sáng mà Đức Giêsu đã chiếu soi tâm hồn của Giuđa không hoàn toàn tắt hẳn. Hắn cũng lê một bước sám hối: “Tôi đã phạm tội” – hắn nói như thế với những kẻ đã giao việc cho hắn. Hắn cố cứu Đức Giêsu và đem tiền trả lại (Mt 27:3-5). Hắn không thể quên những gì trong sạch và cao thượng mà Đức Giêsu đã ghi khắc vào trong tâm hồn hắn.

Sau vụ phản bội, bi kịch thứ hai của Giuđa là không còn tin vào ơn tha thứ. Sự ăn năn của hắn chuyển thành nỗi tuyệt vọng. Bây giờ hắn chỉ còn thấy mình và bóng tối của chính hắn, không còn thấy ánh sáng của Đức Giêsu, ánh sáng đó có thể soi chiếu và đẩy lui bóng tối. Kinh nghiệm của hắn cho chúng ta nhận biết loại ăn năn sai lầm: loại sám hối mà không đi đến hy vọng, chỉ chìm ngập trong thứ bóng tối của cái tôi, loại sai lầm và huỷ diệt. Lòng sám hối đích thực mang dấu ấn của niềm hy vọng cậy trông, phát sinh từ lòng tin vào quyền năng siêu việt của ánh sán, thứ ánh sáng đã hoá thành xác thể nơi Đức Giêsu.

Thánh Gioan kết thúc phân khúc về Giuđa bằng những lời đầy kịch tính: “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối” (Ga 13:30). Giuđa đi ra, lao vào đêm tối; hắn rời bỏ ánh sáng mà bước vào màn đêm: “quyền lực của bóng đêm” đã cầm giữ hắn (x. Ga 3:19; Lc 22:53).

HAI CUỘC ĐỐI THOẠI VỚI ÔNG PHÊRÔ

Trong trường hợp Giuđa, chúng ta chứng kiến mối nguy xảy ra trong mọi thời: ngay cả những kẻ “đã một lần được chiếu sáng, đã được nếm thử ân huệ bởi trời, đã được thông chia Thánh Thần” (Dt 6:4) vẫn có thể để tinh thần tàn lụi qua một chuỗi những bất trung xem ra nhỏ nhặt, để rồi cuối cùng đi từ ánh sáng vào trong tối tăm, không còn có khả năng hoán cải. Nơi ông Phêrô, chúng ta thấy một mối nguy khác: đó là sự sa ngã tạm thời, và do đó, có thể được chữa lành qua quá trình sám hối.

Gioan 13 tường thuật hai cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Phêrô, qua đó cho thấy hai khía cạnh của mối nguy nói trên. Trước tiên, ông Phêrô không muốn Đức Giêsu rửa chân cho mình, vì điều này không khớp với cách nghĩ của ông về mối quan hệ giữa thầy và trò, hơn nữa, lại trái ngược với hình ảnh ông tưởng tượng về Đấng Messia mà ông nhận ra Đức Giêsu là Đấng ấy. Sự chống đối trước hành vi rửa chân chung quy cũng đồng nghĩa với phản ứng của ông trước lời tiên báo cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu sau câu tuyên xưng lạ lùng tại Caesarea Philippi. Ông nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16:22).

Ở đây, từ quan điểm tương tự, ông nói: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13:8). Trong suốt dòng lịch sử, chúng ta thường thấy kiểu phản ứng đó dành cho Đức Giêsu: Ngài là Đấng bất khả chiến bại, Ngài là Đấng quyền năng – Ngài không được hạ mình, chịu nhường bước như một kẻ thua cuộc! Hết lần này tới lần khác, Đức Giêsu phải giúp chúng ta nhận ra rằng Chúa tỏ bày quyền năng cách khác, rằng Đấng Messia cũng phải trải qua đau khổ mới đến vinh quang, và dẫn dắt người khác cùng đi con đường ấy.

Chủ đề trong cuộc đối thoại thứ hai, sau khi Giuđa bỏ ra đi và Đức Giêsu dạy điều răn mới, là tử vì đạo. Đề tài được diễn tả bằng các thuật ngữ như sự “ra đi”, “băng qua” (hypágõ). Trong Phúc âm Gioan, có hai dịp Đức Giêsu nói đến vấn đề “ra đi” tới một nơi mà người Do Thái không đến được (7:34-36; 8:21-22). Thính giả cố nghĩ xem Người muốn ám chỉ điều gì, và họ đưa ra hai giả thuyết. Lần thứ nhất, họ hỏi: “Phải chăng ông sắp đi gặp kiều bào sống giữa người Hy Lạp, để giảng dạy cho người Hy Lạp?” (7:35). Lần thứ hai, họ bảo nhau: “Ông ấy tự tử hay sao?” (8:22). Trong cả hai trường hợp, họ thoáng chạm tới ý Người, nhưng vuột mất sự thật. Đúng là Người ra đi đón cái chết, nhưng không bằng con đường tự sát, mà chuyển hoá cái chết đau đớn thành lễ dâng hiến sự sống của Người một cách tự do (x. 10:18). Cũng thế, Đức Giêsu không đi tới Hy Lạp lúc này, nhưng qua Thánh giá và Phục sinh, Người thật sự đến với dân Hy Lạp, và mặc khải Đức Chúa Cha, Thiên Chúa hằng sống, cho thế giới dân ngoại.

Trong thời gian diễn ra sự việc rửa chân, giữa không khí trĩu nặng nỗi buồn chia ly, ông Phêrô hỏi thẳng Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Ông lại nhận được một câu trả lời bí ẩn: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” Ông Phêrô hiểu Đức Giêsu đang nói về cái chết sắp tới của Người, và ông muốn nhấn mạnh lòng trung thành với Người cho đến chết: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” (13:37). Thật vậy, chẳng bao lâu sau tại Núi Cây Dầu, ông lao tới với thanh gươm trên tay, sẵn sàng thực hiện ý định của mình. Tuy nhiên, ông cần học biết rằng sự tử đạo không phải là một hành động anh hùng lừng lẫy, mà là một ân ban để có thể chịu đau khổ vì Chúa Giêsu. Ông buộc lòng từ bỏ quan điểm về anh hùng tính qua những hành vi cá nhân, và học tính khiêm nhường của người môn đệ. Anh hùng tính của ông, thể hiện qua lòng ao ước xông lên chiến đấu, cuối cùng lại dẫn tới sự chối bỏ Đức Kitô. Để giữ một chỗ gần lửa trong sân dinh của vị Thượng tế, hầu có thể theo dõi mỗi bước diễn tiến về số phận của Đức Giêsu, ông tuyên bố không biết Người là ai. Anh hùng tính tan tành, nhường bước cho một chiến thuật nhỏ nhoi. Ông phải học để chờ tới giờ của mình. Ông phải học để biết thế nào là chờ đợi, thế nảo là kiên nhẫn. Ông phải học đường lối của một môn đệ, chấp nhận bị dắt tới một nơi mình chẳng muốn, khi giờ đã điểm (x. Ga 21:18), và nhận ơn tử đạo.

Xét về căn bản, hai cuộc đối thoại trên đều xoay quanh một điểm: đừng bảo Chúa phải làm gì, mà hãy chấp nhận Người như Người mặc khải cho chúng ta; cũng đừng tự nâng mình lên tới tầm mức của Chúa, mà hãy khiêm tốn phục vụ để Chúa uốn nắn mình dần dần theo hình ảnh của Người.

RỬA CHÂN VÀ THÚ TỘI

Để kết thúc, chúng ta xét một chi tiết cuối cùng trong bản tường thuật về việc rửa chân. Sau khi nghe Đức Giêsu giải thích rằng cần phải để cho Người rửa chân các môn đệ, ông Phêrô thưa: nếu như thế thì xin Chúa rửa không những chân mà cả tay và đầu của ông nữa. Thêm một lần, Đức Giêsu đáp lại, đầy bí ẩn: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch, chỉ cần rửa chân mà thôi” (Ga 13:10). Câu này có ý nghĩa gì?

Hiển nhiên Đức Giêsu mặc định rằng các môn đệ hẳn đã tắm rồi, trước khi ngồi vào bàn ăn, do đó, chỉ cần phải rửa chân nữa thôi. Thánh Gioan hiểu ra ý nghĩa biểu tượng sâu sắc của lời này. Chúng ta cần nhớ rằng rửa chân không phải là một bí tích cá nhân riêng lẻ, nhưng ám chỉ toàn bộ hoạt động sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu: bí tích của tình yêu trong đó Người dìm chúng ta trong đức tin. Tình yêu của Người là sự tắm rửa thật sự làm cho ta thanh sạch.

Tuy nhiên, trong ngữ cảnh này, việc rửa chân có thêm một ý nghĩa cụ thể hơn, hướng tới những nghi thức thực hành trong đời sống của Giáo hội sơ khai, ngoài ý nghĩa biểu tượng cơ bản đã nói ở trên. Đó là gì? Sự tẩy rửa toàn diện mà Đức Giêsu xem như đương nhiên đó chỉ có thể hiểu là Phép Rửa, trong đó con người được dìm vào Đức Kitô một lần cho mãi mãi, để rồi sống trong Đức Kitô và đạt được căn tính mới của Người. Nhờ Phép Rửa, chúng ta trở thành Kitô hữu không do hành vi của mình mà qua hành động của Đức Chúa trong Giáo hội của Người. Sự kiện căn bản này chỉ diễn ra một lần, không khi nào lặp lại. Thế nhưng trong đời sống Kitô hữu, để đồng bàn với Đức Chúa, con người cần được “rửa chân” hết lần này tới lần khác để nên hoàn thiện. Thế “rửa chân” nghĩa là gì? Chúng ta không có một câu trả lời hoàn hảo đến mức không gây tranh cãi gì, nhưng dường như đối với tôi, Thư thứ nhất của Thánh Gioan hướng dẫn chúng ta đi đúng đường và chỉ cho chúng ta biết ý nghĩa của hành vi “rửa chân” bổ túc đó: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta con Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1:8-10). Vì ngay cả những người đã chịu Phép Rửa vẫn còn là tội nhân, nên họ cần xưng thú lỗi lầm, “điều thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính”.

Từ “thanh tẩy” chỉ ra mối liên hệ bên trong với đoạn trình thuật rửa chân. Việc xưng thú tội lỗi ban đầu xuất phát từ Do Thái giáo cũng được đề cập trong Thư của Thánh Giacôbê (5:16) và trong sách Giáo huấn của Mười hai Tông đồ (Didachë). Trong sách Didachë, chúng ta đọc thấy như sau: “Ở giữa cộng đoàn, anh hãy thú nhận tội lỗi của anh” (4:14) và “vào Ngày của Chúa, anh em hãy tụ tập lại để bẻ bánh và tạ ơn, sau khi thú nhận tội lỗi của anh em với nhau” (14:1). Nhà thần học Franz Mussner, dựa theo học giả Rudolf Knopft, cho rằng: “Trong cả hai câu, việc thú tội ngắn gọn, công khai của cá nhân đều được nhắc tới” (Jakobusbrief, tr. 226, chú thích 5). Đương nhiên người ta không thể xem kiểu xưng thú tội lỗi này trong đời sống cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở những vùng chịu ảnh hưởng của Kitô giáo gốc Do Thái ngang với Bí tích Hoà giải đã được hoàn thiện về sau theo dòng lịch sử Giáo hội, mà chỉ là một “bước tiến trên con đường” hướng tới Bí tích đó (như trên, tr. 226).

Điều quan trọng ở đây là: chúng ta không được phép để cho tội lỗi lén lút đục khoét tâm hồn và âm thầm đầu độc nội tâm, mà chúng ta cần phải xưng thú lầm lỗi. Qua việc xưng tội, chúng ta trưng lỗi lầm ra ánh sáng, đặt nó trong tình yêu thanh tẩy của Đức Kitô (x. Ga 3:20-21). Qua Bí tích Hoà giải, Đức Chúa rửa đôi chân cát bụi của chúng ta hết lần này đến lần khác, và chuẩn bị cho chúng ta vào bàn tiệc huynh đệ với Ngài.

Nhìn lại toàn chương về việc rửa chân, chúng ta có thể nói rằng: qua cử chỉ khiêm nhường diễn tả toàn bộ sứ vụ của Đức Giêsu trong đời sống và cái chết của Người, Đức Chúa đứng trước mặt chúng ta như Tôi tớ của Thiên Chúa, Đấng hạ mình phục vụ vì lợi ích của chúng ta, Đấng mang lấy gánh nặng của chúng ta và từ đó trao ban cho chúng ta phẩm tính thanh khiết và khả năng tiếp cận Thiên Chúa. Trong Bài ca thứ hai về Người Tôi tớ Đau khổ, có một câu như dự phóng nội dung cốt lõi của thần học về Khổ nạn theo Thánh Gioan: Đức Chúa đã “phán cùng tôi: ‘Hỡi Israel, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang’” (Is 49:3; từ Hy Lạp trong bản LXX là doxasthësomai).

Thật ra, toàn bộ bản trình thuật về cuộc Khổ nạn theo Thánh Gioan Tông đồ được đặt trên cơ sở mối liên hệ giữa việc phục vụ khiêm nhường và vinh quang (dôxa): vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện qua con đường tự hạ đến độ chấp nhận cái chết trên cây thập tự của Đức Giêsu. Tất cả được tóm tắt trong một tình tiết vào ngày “Chủ nhật Lễ Lá” – mà ta có thể gọi là bản của Gioan về câu chuyện Gethsemane: “ ‘Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.’ Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: ‘Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa’” (Ga 12:27-28). Giờ của Thánh giá là giờ vinh quang của Thiên Chúa Cha, và trong Ngài, Đức Giêsu được tôn vinh, nên đó cũng là giờ vinh quang đích thực của Đức Giêsu.

 

—o0o—

Hướng dẫn học hành

ĐỨC GIÊSU RỬA CHÂN CHO CÁC MÔN ĐỆ

Tóm tắt

Bản trình thuật trong Phúc âm Gioan về bữa Tiệc Ly có hai yếu tố: Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ và diễn từ giã biệt của Đức Giêsu, bao gồm “lời nguyện thượng tế” của Người. Chương ba trong sách này khảo sát việc rửa chân cho các môn đệ; chương bốn tìm hiểu lời nguyện thượng tế của Đức Giêsu.

“Giờ” của Đức Giêsu đã điểm vào bữa Tiệc Ly. “Giờ” này là thời gian Người ra đi, rời khỏi trần gian (metábasis, tiếng Hy Lạp) để trở về với Đức Chúa Cha. Đây cũng là thời gian Người đổ tràn ơn hy sinh và tình yêu tha nhân (agápe, tiếng Hy Lạp) trên Thánh giá. Hy tế trên thập tự là cách Đức Giêsu diễn tả tình yêu thương đối với các môn đệ cho “đến cùng” (Ga 13:1; télos, tiếng Hy Lạp) – vừa là cùng đích của cuộc đời Người vừa là mục đích mà toàn bộ hoạt động sứ vụ của Người hướng tới. Cách Gioan dùng từ Hy Lạp télos để diễn tả từ “kết thúc” (“end”) như tiên báo lời của Đức Giêsu hấp hối: “Mọi sự đã hoàn tất” (tetélestai), có nghĩa là cùng đích hay mục tiêu của sứ vụ cả đời Người đã được hoàn tất.

Ngôn ngữ Đức Giêsu dùng để diễn tả ý “đến từ” Đức Chúa Cha và “trở về” với Đức Chúa Cha tương tự như ngôn từ của triết gia Plotinus. Ông và hậu duệ tán thành ý tưởng exitus (một cuộc ra đi hay “đến từ”) và reditus (một cuộc “trở về” với). Tuy nhiên, exitus hay sự “đến từ” của họ là một cú ngã rơi từ thần tính vào thế giới trần tục. Reditus hay sự “trở về”, theo họ, là quá trình quay trở lại với thế giới thần linh từ phạm trù vật chất nhờ vào việc thanh tẩy. Đối với Đức Giêsu, sự “đến từ” Đức Chúa Cha chẳng phải là một cú ngã mà là một hành động phát xuất từ tình yêu dành cho con người; sự “trở về” với Đức Chúa Cha không phải là sự thanh tẩy để gạt bỏ những gì thuộc phạm vi vật chất mà là sự thăng hoa nhân tính để sáp nhập với Thiên Chúa.

Đức Giêsu thể hiện lòng khiêm hạ bằng cách mặc lấy thân phận của một người nô lệ để rửa chân cho các môn đệ. Hành vi này tóm gọn toàn bộ hoạt động sứ vụ của Người. Người tự tước bỏ vinh quang thần linh của mình và rửa chân chúng ta để làm cho chúng ta nên xứng đáng có mặt trong tiệc cưới của Thiên Chúa.

Dựa vào ý tưởng về sự “thanh sạch” trong Cựu Ước và các tôn giáo trên thế giới, Thánh Gioan đề cập câu phát biểu của Đức Giêsu về các môn đệ đã “được sạch”. Đức Giêsu biến đổi quan điểm về tính “thanh khiết”: sự trong sạch phát xuất từ trái tim, chứ không từ những nghi thức thanh tẩy. Sự trong sạch trong tâm hồn cũng có ý nghĩa cao hơn một kiểu cải tổ đạo đức, vì chính Chúa Thánh Thần chạm tới trái tim và biến đổi tâm hồn nhờ đức tin. Do đó, cả nghi thức thanh tẩy lẫn nỗ lực luân lý đều không thể thanh tẩy chúng ta, mà chỉ có ân sủng được gặp gỡ Thiên Chúa qua niềm tin vào Đức Giêsu Kitô mới có thể thánh hoá chúng ta.

Theo triết lý của Plotinus, con người dần thanh tẩy chính mình khỏi cát bụi thế tục và trở thành thuần túy tinh thần để vươn tới Thiên Chúa. Theo Kitô giáo, chính Thiên Chúa Nhập thể khiến chúng ta trở nên thanh khiết và kéo chúng ta trở về hiệp nhất với Thiên Chúa.

Hành động rửa chân của Đức Giêsu vừa là một biểu tượng của tình yêu khiêm tốn, vị tha diễn tả qua cái chết của Người, vừa là một tấm gương để các môn đệ noi theo. Các Giáo phụ dùng thuật ngữ sacramentumexemplum để thể hiện hai khía cạnh trên trong hành vi của Đức Giêsu. Sacramentum nghĩa là toàn bộ mầu nhiệm đời sống và cái chết của Đức Kitô, qua đó Người nối kết chúng ta với Người và biến đổi chúng ta. Exemplum chỉ mẫu gương của Đức Giêsu mà chúng ta phải noi theo. Bí tích (sacramentum) dẫn tới gương mẫu (exemplum) và giúp gương mẫu phát huy, và ngược lại. Hành động gương mẫu của Đức Giêsu trở thành của chúng ta vì Người hoạt động trong chúng ta và nâng đỡ chúng ta bước theo Người, chứ không đơn giản vì chúng ta “bắt chước” Người.

“Điều răn mới” của Đức Kitô là muốn chúng ta yêu thương như Người yêu thương chúng ta. Điều răn này chẳng mới nếu ta xem đấy chỉ như một chuẩn mực đạo đức cao hơn, nhưng mới ở chỗ điều răn đó dẫn đi từ dòng chảy hiện hữu cách mới lạ của người Kitô hữu: bởi ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta hiện hữu với Đức Kitô và trong Đức Kitô. Đức Chúa thanh tẩy trái tim của chúng ta để chúng ta có thể hành động trong mối hiệp thông với Người, như Người đã hành động. Chúng ta được dìm vào lòng Chúa xót thương, và nhờ đó sở hữu ân huệ của Chúa Thánh Thần trong chúng ta. Chúng ta đón nhận và sống theo ân sủng đời sống mới mà Chúa ban tặng. Ân huệ (sacramentum) trở thành gương mẫu (exemplum) cho đời sống của chúng ta, mà lại vẫn luôn còn là ân sủng trong chúng ta.

Giuđa và Phêrô đại diện cho hai cách phản ứng trước quà tặng Đức Giêsu dành cho chúng ta là chính Người. Giuđa phản bội Đức Giêsu và rơi vào sự ăn năn tuyệt vọng. Phêrô chối Chúa nhưng rồi hoán cải.

Vào bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu tiên báo Người sẽ bị phản bội. Lời tiên tri  của Người khiến các môn đệ bối rối xôn xao. Có lẽ Thánh Gioan tường thuật lại lời Đức Giêsu nói một cách rõ ràng hơn câu trả lời ban đầu của Người trong bối cảnh đó. Tuy nhiên, ai cũng rõ rằng một kẻ nào đó trong bàn tiệc sẽ phản bội Đức Giêsu.

Thánh Gioan dùng động từ Hy Lạp trõgein để dịch từ “ăn” của Đức Giêsu, do vậy liên kết bữa Tiệc Ly với giáo huấn của Đức Giêsu về Thánh Thể trong Gioan 6:54-58, nơi đó cũng dùng động từ trõgein. Một vài tín hữu Kitô giáo sau này cũng sẽ phản bội Đức Giêsu dù họ đã chung phần lãnh nhận Thánh Thể. Vào “giờ” của Người, Đức Giêsu gánh lấy sự phản bội của Giuđa và của mọi kẻ khác đến tận cùng lịch sử.

Vị Tông đồ Thánh sử không phân tích tâm lý kẻ phản trắc. Đơn giản Giuđa đã tự nộp mình chịu sự chi phối của quỷ dữ. Về sau, hắn thú nhận tội lỗi, nhưng bước hối tội đó lại chuyển thành nỗi tuyệt vọng, không tin vào sự tha thứ của Thiên Chúa. Cuối cùng, hắn chỉ thấy toàn bóng đêm.

Không như Giuđa, Phêrô sa ngã nhưng lại được chữa lành nhờ hoán cải. Gioan 13 kể lại hai cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Phêrô, cho thấy cái bẫy tinh thần mà ông sa vào. Đầu tiên, ông Phêrô phản đối việc Đức Giêsu rửa chân cho ông. Ông không nghĩ đó là hành vi phù hợp của Thầy đối với môn đệ, và thấy đó chẳng phải là điều Đấng Messia nên thực hiện. Lần thứ hai, Phêrô không chấp nhận được tương lai Đức Giêsu sẽ phải chết. Ông tuyên bố hùng hồn rằng mình sẵn sàng chết để bảo vệ Đức Giêsu. Tông đồ Phêrô phải học biết rằng sự tử đạo vì Đức Kitô là một ơn đến từ lòng khiêm hạ, chứ không phải là một chiến công cá nhân lừng lẫy anh hùng.

Cuối cùng, cả hai cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Phêrô cho thấy chúng ta không nên bảo Chúa phải làm gì, mà nên chấp nhận Thiên Chúa như cách Ngài mặc khải cho ta, và khiêm tốn để Thiên Chúa uốn nắn bản thân theo hình ảnh của Ngài.

Khi ông Phêrô chịu để cho Đức Giêsu rửa chân ông, thì ông hồ hởi xin Đức Giêsu rửa luôn đầu và tay ông nữa. Đức Giêsu trả lời một cách bí ẩn rằng ai đã tắm thì chỉ cần rửa chân thôi. Ý mặc định rằng các môn đệ đã tắm rồi, nên chỉ còn bàn chân bẩn cần phải rửa trước khi dùng bữa tối. Tuy nhiên, Thánh Gioan phát hiện ra ý nghĩa biểu tượng sâu sắc trong câu nói của Đức Giêsu.

Việc “tắm rửa” chỉ Bí tích Rửa tội, trong đó con người “được dìm” vào trong Đức Kitô. Phép Rửa là hành động của Đức Chúa trong Hội Thánh của Ngài, chứ không phải hành vi của con người. Tuy nhiên, đời sống Kitô hữu cần được tẩy sạch thường xuyên để họ có thể tham dự vào bàn tiệc huynh đệ với Đức Chúa. Rửa chân tượng trưng cho sự xưng thú lỗi lầm đã phạm sau lúc lãnh nhận Phép Rửa rồi. Các Kitô hữu cần thú nhận tội lỗi và trưng nó ra dưới ánh sáng tình yêu thanh tẩy của Đức Kitô  để có thể “đồng bàn” với Người.

Hành vi rửa chân của Đức Giêsu tóm kết toàn bộ sứ mệnh của Người như Tôi tớ của Thiên Chúa chịu đau khổ vì tha nhân. Thánh vịnh Người Tôi tớ Đau khổ thứ hai (Is 49:3) dọn đường cho thần học của Thánh Gioan về cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu, trong đó nối kết nỗi đau khổ vì Thiên Chúa với sự tôn vinh Ngài. Thiên Chúa được tôn vinh nơi thái độ tự hạ mình của Đức Giêsu.

Trong bài tường thuật “Chủ nhật Lễ Lá” theo Phúc âm Thánh Gioan, Đức Giêsu đã tỏ bày nỗi sầu muộn, mà các Phúc âm Nhất Lãm chỉ ra rằng nỗi u sầu đó cũng giống như điều Người trải qua trong vườn Gethsemane. Như trong vườn Gethsemane, Đức Giêsu trao nộp chính mình cho Thánh ý Cha, chết trên Thánh giá, để vinh danh Cha. Giờ của Thập giá là thời điểm vinh quang của Chúa Cha và Chúa Con.

 

Dàn ý

I.     Giới thiệu

A.    Đức Giáo hoàng Bênêđictô chuyển sang bản Tin Mừng thứ tư về buổi tối cuối cùng với các môn đệ

B.     Ngài trì hoãn việc thảo luận về thời biểu khác nhau giữa các bản Phúc âm Nhất lãm và Phúc âm theo Thánh Gioan liên quan đến buổi Tiệc ly

II.   Giờ của Đức Giêsu

A.    Hai yếu tố mang đặc tính Gioan trong các bài tường thuật về buổi Tiệc ly

1.      Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ và trong ngữ cảnh này Người nói tiên tri  về trò phản phúc của Giuđa và sự chối Thầy của ông Phêrô

2.      Các diễn từ từ biệt của Đức Giêsu và lời cầu nguyện thượng tế của Người

B.     “Giờ” của Đức Giêsu đến cùng với thời điểm buổi Tiệc ly – ý nghĩa của “giờ” xoay quanh hai từ chính: metábasis (“ra đi”) và agápë (“tình bác ái”)

1.      “Giờ” của Đức Giêsu là cùng đích của sứ vụ, và là “giờ” của tình yêu “đến cùng” (télos)

2.      Đức Giêsu dùng từ télos vào buổi Tiệc ly, điều này cho thấy trước lời cuối cùng của Đức Giêsu trên Thánh giá: tetélestai – “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19:30).

C.     Đức Giêsu nói về vấn đề Người đến từ Đức Chúa Cha và trở về với Đức Chúa Cha

1.      Gợi nhớ triết thuyết của Plotinus với giản đồ exitus (“ra khỏi”) và reditus (“trở về”)

2.      Những điểm khác biệt giữa ý tưởng của Plotinus và vấn đề “đến từ” và “trở về” của Đức Giêsu

a.       Ý của Plotinus về “ra khỏi” là chỉ sự suy giảm từ phạm trù thần thánh xuống phạm trù trần tục; “trở về” là sự thanh tẩy để từ tình trạng vật chất chuyển sang tình trạng thiêng liêng

b.      Đối với Đức Giêsu, “đến từ” hay “ra khỏi” không phải là sự xuống cấp nhưng là một hành động phát xuất từ tình yêu thương tạo vật; sự “trở về” với Thiên Chúa Cha không phải là sự xoá bỏ nhân tính, nhưng là sự thăng hoa nhân tính

D.    Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, đó là công việc của một người nô lệ

1.      Bài ca về Chúa Kitô trong Philipphê 2:7 nói về lòng khiêm tốn hạ mình phục vụ như người nô lệ của Đức Giêsu

2.      A-đam muốn nên ngang bằng với Thiên Chúa; Đức Giêsu đi theo hướng ngược lại: từ địa vị Thiên Chúa mà bước vào thân phận con người

3.      Hành động rửa chân biểu hiện toàn bộ sứ mệnh cứu rỗi của Người trong một hành vi duy nhất: tình yêu quên mình “cho đến cùng” của Đức Giêsu thanh tẩy chúng ta

III.             “Anh em đã sạch”

A.    Trong khi rửa chân, Đức Giêsu dùng từ “sạch”

1.      Trong Cựu Ước và các tôn giáo trên thế giới, khái niệm “sạch” nhấn mạnh sự thanh tẩy trong việc thờ cúng hay nghi thức hành lễ nhằm tiếp cận với thần linh

2.      Đức Giêsu phê bình quan niệm về “sự thanh sạch đến từ nghi lễ tế tự”, và trình bày ý tưởng sự thanh sạch của trái tim

a.       Trong Mc 7:14-23, Đức Giêsu nhấn mạnh rằng tính thanh sạch hay ô uế phát sinh từ cõi lòng, chứ không từ những hành vi trong nghi thức tế tự

b.      Hướng chú giải tự do đã giải thích rằng Đức Giêsu muốn nói tới sự thanh sạch phát sinh từ việc chấn hưng đạo đức

c.       Thế nhưng, sự thanh sạch đến khi Thiên Chúa chạm vào trái tim con người qua đức tin

B.     Trong lời nguyện thượng tế (Gioan 17), Đức Giêsu dùng một từ có liên quan: “thánh hoá”

1.      Đức Giêsu thảo luận về sự thánh hoá và thánh hiến trong sự thật

2.      “Thánh hiến” nghĩa là “làm cho thích hợp để dành riêng cho việc thờ phượng Chúa”

3.      Trong Gioan 13, việc rửa chân “tẩy sạch” – nghĩa là được thanh tẩy trong tình yêu đến tận cùng cái chết của Đức Giêsu

4.      Việc thanh tẩy theo nghi thức tế lễ hay ngay cả đạo đức thuần túy không làm cho con người được sạch, mà chỉ có mỗi ân sủng được gặp gỡ Đức Giêsu Kitô mới thanh tẩy con người

C.     Đối chiếu giữa các triết thuyết Platon về sự thanh tẩy với giáo huấn của Đức Giêsu

D.    Sự thanh tẩy của Đức Giêsu và sự thờ phượng trong Đền thờ mới là thân thể Người, là Hội thánh

IV.             Sacramentum (bí tích) và exemplum (mẫu gương), ân sủng và trách nhiệm: “Điều răn mới”

A.    Sự trong sạch là hành động và quà tặng của Thiên Chúa qua việc Người đến với chúng ta và làm chúng ta được sạch

B.     Hai cách giải thích đối kháng về rửa chân, theo Schnackenburg

1.      Rửa chân là hành vi mang tính biểu tượng chỉ đến cái chết của Đức Giêsu

2.      Rửa chân là tấm gương mục vụ từ sự phục vụ khiêm tốn của Đức Giêsu

C.     Đức Giáo hoàng Bênêđictô bác bỏ quan điểm của Schnackenburg cho rằng cách giải thích thứ hai là do được thêm vào trong lúc biên soạn, chứ không liên quan; Đức Bênêđictô thấy sự thống nhất giữa hai quan điểm này

D.    Các giáo phụ dùng sự phân biệt giữa sacramentumexemplum

1.      Sacramentum ở đây chỉ toàn bộ mầu nhiệm của Đức Kitô trong đó Người lôi kéo chúng ta đến gần Người và biến đổi chúng ta

2.      Exemplum là tấm gương Chúa Kitô nêu ra, không phải để chúng ta bắt chước thuần túy trên phương diện đạo đức, nhưng theo cách là gương Đức Giêsu trở thành chuẩn mực hành động của riêng chúng ta vì Người hoạt động trong chúng ta

E.     Điều răn mới

1.      Điều răn này không phải là một luật mới hay một nỗ lực đạo đức mới

2.      Cái mới trong “điều răn mới” là: nền tảng cho sự hiện hữu trong Đức Kitô và với Đức Kitô

a.       Sự biến chuyển trong việc chú giải của Thánh Âutinh về Bài giảng trên Núi: chuyển từ chuẩn đạo đức được nâng cao sang một trái tim được Chúa làm cho thanh sạch

b.      Được nhấn chìm trong lòng Chúa thương xót

c.       Aquinas: luật mới là ân huệ của Chúa Thánh Thần

d.      Ân sủng (sacramentum) trở thành mẫu gương (exemplum), mà vẫn mãi luôn là ân sủng

V.  Bí ẩn của kẻ phản bội

A.    Hai phản ứng khác nhau của con người đối với quà tặng hiến ban chính mình của Đức Giêsu: Giuđa phản bội và Phêrô chối từ

B.     Sự phản bội của Giuđa

1.      Đức Giêsu báo trước về việc Người sẽ bị phản bội

2.      Các môn đệ bối rối về việc đó

3.      Trong bản văn của Gioan, những lời bình luận của Đức Giêsu được trình bày rõ hơn là những lời ban đầu Ngài nói cho các môn đệ

4.      Điểm chính: một người tại bàn ăn sẽ phản bội Người

5.      Gioan 13:18 dùng động từ Hy Lạp trõgein nghĩa là “ăn”, như thế nối kết bữa Tiệc Ly với lời huấn giáo về Thánh thể trong Gioan 6:54-58

a.       Điều này tiên báo về hành động của một vài tín hữu nào đó về sau: họ cũng sẽ chung phần hưởng dùng Thánh thể, nhưng với một tâm tình bội bạc

b.      Trong “giờ” của Người, Đức Giêsu mang lấy sự phản trắc của mọi thế hệ

6.      Gioan giải thích về Giuđa

a.       Không có sự phân tích tâm lý

b.      Giuđa tự cho phép mình chấp nhận sự thống trị hiểm ác của ma quỷ

c.       Dù sau đó hắn hối tiếc về tội ác của mình, nhưng sự hối tiếc đó không dẫn tới tâm tình sám hối và ơn tha thứ

1.      Sự hối tiếc chuyển thành tuyệt vọng, cho rằng mình sẽ không được cứu rỗi

2.      Giuđa chỉ nhìn thấy chính hắn trong bóng tối

3.      Gioan 13:30: Giuđa lập tức rời khỏi buổi Tiệc Ly và đi vào đêm tối – bóng tối dày đặc

VI.             Hai cuộc đối thoại với Phêrô

A.    Phêrô chối bỏ: ông sa ngã nhưng không vĩnh viễn như Giuđa

B.     Hai cuộc trao đổi giữa Phêrô và Đức Giêsu

1.      Phêrô phản đối việc Đức Giêsu rửa chân ông

a.       Hành động rửa chân đi ngược lại với mối liên hệ thầy – môn đồ, và trái ngược với ý tưởng của ông về Đấng Messia

b.      Suốt dòng lịch sử nhiều người cũng có quan điểm như của Phêrô, nhưng Đấng Messia băng qua đau khổ để vào vinh quang và dẫn những người khác đi trên con đường này

2.      Đề tài tử đạo thật sự

a.       Phêrô tuyên xưng lòng trung thành tuyệt đối vào Đức Giêsu trước cái chết sắp diễn ra của Người

b.      Phêrô phải học biết rằng tử đạo không phải là thành tựu anh hùng cá nhân, mà là hồng ân đau đớn nhục nhã ta phải đón nhận

3.      Hai cuộc đối thoại là về tinh thần chấp nhận Thiên Chúa như Người mặc khải chính mình, và để cho bản thân được chỉnh sửa lại sao cho phù hợp hơn với hình ảnh đích thực của Người

VII.          Rửa chân và xưng thú lầm lỗi

A.    Câu nói bí ẩn của Đức Giêsu: ai đã tắm rồi thì chỉ cần rửa chân

1.      Đức Giêsu cho rằng các môn đệ đã tắm trước khi dùng bữa tối, vì thế chỉ cần rửa chân thôi

2.      Gioan đưa ra ý nghĩa sâu hơn, mang tính biểu tượng của lời Đức Giêsu vừa nói

3.      Rửa chân không phải là một bí tích cá nhân nhưng là một sacramentum – một biểu tượng cho sứ vụ thanh tẩy, cứu độ toàn diện của Đức Giêsu

4.      Việc “tắm” diễn ra trong lễ Rửa tội, là điều chính Chúa làm cho chúng ta, chứ không phải điều chúng ta thực hiện cho chính mình

5.      “Rửa chân” biểu hiện cho sự xưng thú tội lỗi diễn ra sau khi đã nhận Phép Rửa tội, để có thể đồng bàn với Đức Chúa

6.      Điểm chính: chúng ta nên xưng tội và đặt lỗi lầm trong ánh sáng tình yêu thanh tẩy của Đức Kitô để chúng ta có thể đồng bàn với Người

B.     Rửa chân và vai trò của Đức Giêsu như Tôi tớ Đau khổ vinh danh Người Cha

1.      Hành động rửa chân gói gọn sứ vụ của Đức Giêsu như người tôi tớ của Thiên Chúa, chịu đựng đau khổ vì tha nhân

2.      Thánh vịnh thứ hai về Tôi tớ Đau khổ (Is 49) tiền báo về nền thần học của Thánh Gioan về cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu

a.       Đức Giêsu, người Tôi tớ Đau khổ, nơi Người Thiên Chúa được tôn vình (Is 49:3)

b.      Bài tường thuật về Chủ nhật Lễ Lá của Thánh Gioan gồm một “Gethsemane” đặc trưng kiểu Gioan, trong đó Đức Giêsu nói về tâm hồn xao động của Người nhưng vẫn luôn trung thành với ý Cha (Ga 12:27-28)

3.      “Giờ” của Thánh giá là “giờ” của Chúa Cha và vinh quang của Người Con

 

Câu hỏi đọc hiểu

1.      Về ngày của bữa Tiệc Ly, thời biểu của Phúc âm Nhất lãm khác với của Phúc âm theo Thánh Gioan ra sao?

2.      Hai sự kiện nào nổi bật trong bản trình thuật của Gioan về bữa Tiệc Ly? Đức Bênêđictô đặt “giờ” của Đức Giêsu đến ở quãng nào? Đức Bênêđictô miêu tả tính chất của “giờ” bằng hai từ chính nào? Hai từ này liên hệ với nhau ra sao? Chúng giúp chúng ta hiểu gì về “giờ” của Đức Giêsu?

3.      Ý nghĩa của exitus (“đến từ”) và reditus (“trở về”) theo Đức Giêsu khác với của triết gia Plotinus như thế nào? Chúng ta tìm thấy yếu tố mới gì trong cuộc trở về với Thiên Chúa Cha của Đức Giêsu?

4.      Rửa chân là một ví dụ của “tình yêu khiêm nhường” như thế nào? Philipphê 2:7-8 và Khải huyền 7:14 liên hệ ra sao với cuộc thảo luận về tình yêu khiêm tốn phục vụ này?

5.      Các quy định về thanh tẩy đóng vai trò gì trong các tôn giáo trên thế giới? Người ta đã nghĩ sao về các nghi thức thanh tẩy theo Do Thái giáo thời Đức Giêsu? Đức Giêsu giữ quan điểm thế nào về sự trong sạch? Đức Bênêđictô đối chiếu ra sao giữa quan niệm của Kitô giáo về thanh sạch với quan niệm của các học thuyết triết học Plato thời cổ? Với quan niệm về đức thanh khiết theo khuynh hướng mộ đạo thế kỷ 19? Đức Bênêđictô nói gì về sự cáo chung của các nghi thức thanh tẩy theo Cựu Ước?

6.      Chúng ta phải hiểu ân sủng (sacramentum) và trách nhiệm (exemplum) như thế nào trong hành động rửa chân? Hai yếu tố này liên hệ với nhau như thế nào? Điểm nào mới trong “điều răn mới” của Đức Giêsu?

7.      Đức Bênêđictô miêu tả hai dạng phản ứng khác nhau nào đối với quà tặng của Đức Giêsu? Vào ba dịp nào Phúc âm Gioan diễn tả Đức Giêsu “xao xuyến”? Điểm gì chung trong ba tình huống này?

8.      Lời giải thích nào được đưa ra cho hành vi phản bội của Giuđa? Chúng ta thấy động thái hoán cải gì ở Giuđa? “Bi kịch thứ hai” của Giuđa là gì? Giuđa đại diện cho “loại hối hận sai lầm”, vì sao? Thế nào là sự ăn năn thực sự?

9.      Sự sa ngã của ông Phaolô khác với của Giuđa ra sao? Hai khoảnh khắc nào trong Gioan 13 cho thấy rõ mối nguy sa ngã của Phêrô? Ông Phêrô phải học bài học nào? Hai khoảnh khắc đó có gì chung?

10.  Đức Bênêđictô giải thích ý nghĩa của Ga 13:10 như thế nào? Lời giải thích của ngài liên hệ đến vấn đề xưng thú tội lỗi trong Giáo hội sơ khai như thế nào? Đức Bênêđictô nói gì về sự cần thiết phải xưng thú lỗi lầm?

 

Câu hỏi áp dụng

1.      Làm thế nào tôi có thể thực hành theo lòng bác ái hướng tới tha nhân (tình yêu vị tha – agápë) đặc trưng cho “giờ” của Đức Giêsu?

2.      Cuộc đời tôi có liên hệ gì với exitus (“đến từ”) và reditus (“trở về”) như Đức Giêsu đối với Đức Chúa Cha?

3.      Cuộc thảo luận về tính thanh khiết và sự thanh tẩy trong chương 3 này giúp tôi đánh giá bí tích Rửa tội và Hoà giải như thế nào?

4.      Khi nói tới mối liên hệ giữa sacramentum( ân sủng về mầu nhiệm của Đức Kitô) với exemplum (gương mẫu và trách nhiệm, hay sứ vụ, mà mầu nhiệm khơi ra), Đức Bênêđictô có nói sự trong sạch là một ân ban. Tôi có nhớ hỏi xin ân huệ này không? Tôi sống ra sao để thi hành nhiệm vụ mà ân phúc được trong sạch đòi hỏi?

5.      Thánh Phêrô cũng đã cần phải học nhiều bài học. Tôi có cần học những bài học đó không?

6.      Làm sao tôi có thể bắt chước gương yêu thương phục vụ của Đức Kitô? Tôi có phục vụ người khác không?

 

Thuật ngữ

agápë: tình bác ái

Một trong vài thuật ngữ Hy Lạp có nghĩa là “tình yêu”. Các Kitô hữu dùng lại từ này để chỉ tình yêu vị tha, tự hiến mà Đức Giêsu thể hiện khi tiến lên Thập giá. Trong thần học, từ này thường được dịch thành “bác ái”.

Âutinh, thánh

Giám mục, thần học gia, và Tiến sỹ Hội Thánh (354-430), đôi khi còn được xưng tụng là “Cột trụ thứ hai của Đức tin” vì những đóng góp to lớn của ngài cho Kitô giáo về thần học, mục vụ và văn chương.

Barrett, Charles K.

Học giả về Tân Ước (sinh năm 1917); giáo sư danh dự về thần học tại Đại học Durham.

Điều răn mới

Điều răn mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ trong buổi Tiệc ly, được nêu trong Tin Mừng Gioan 13:34-35. Đức Giêsu nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” Thánh Biển Đức nhấn mạnh rằng điều mới lạ ở điều răn này chính là: hồng ân được sống trong và sống với Đức Kitô, chứ không phải một chuẩn đạo đức cao hơn hay một thành tựu luân lý vẻ vang hơn.

exemplum: mẫu gương

Từ Latin có nghĩa là “mẫu gương”. Từ này xuất hiện trong bản Kinh Thánh Phổ Thông (Vulgate) Gioan 13:15, khi Đức Giêsu bảo các môn đệ theo gương khiêm tốn phục vụ của Người. Thánh Biển Đức liên hệ tấm gương (exemplum) của Đức Giêsu với ân huệ Người ban là chính bản thân mình trên Thánh giá – ân phúc đó đã được tiên đoán bằng biểu tượng (sacramentum) hành vi Người rửa chân cho các môn đệ. Trong hành vi này, Người không chỉ nêu gương cho các môn đệ, mà còn ban cho họ sức mạnh để hành động,  và Người cũng hoạt động thông qua họ.

Giờ của Đức Giêsu

Cụm từ chỉ thời gian gắn với nỗi đau khổ, cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu, được dùng trong các bản văn Phúc âm, đặc biệt trong bản Tin Mừng theo Thánh Gioan. Đức Giêsu nói đến “giờ” của Người như khoảng thời gian Con Người được giương cao và được tôn vinh (Ga 12:23; 17:1). Đức Giêsu nối kết giờ của Người với thời điểm rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha (Ga 13:1). Sự ra đi đó lại mang tới quà tặng vì yêu thương của Người: Người tặng ban chính mình. Vì nỗi đau đớn và cái chết của Đức Giêsu do các thế lực sự dữ gây ra, “giờ” của Đức Giêsu cũng ám chỉ thời gian những kẻ thù nghịch với Người ra tay (Mt 26:45; Mc 14:41; Lc 22:53) – những tên vô tình góp phần vào sự vinh thắng của Người.

Knopf, Rudolf

Học giả Kitô giáo người Đức (1874-1920), giáo sư trường đại học tại Bonn.

Misericordia

Từ Latin có nghĩa là “lòng thương xót”.

Lễ Bánh không men

Lễ của người Do Thái, kéo dài một tuần, được tổ chức đồng thời với lễ Vượt qua vào mùa xuân (Lv 23:4-8; Ed 45:21). Lễ tưởng niệm quãng thời gian dân Do Thái hối hả rời Ai Cập, và trong suốt bảy ngày, người ta không được ăn bánh lên men (Xh 12:14-20). Vào đêm lễ Vượt qua, người ta chuẩn bị bằng nghi thức loại bỏ men ra khỏi mỗi gia đình Do Thái (x. 1 Cr 5:7). Lễ Bánh không men là một phần trong bối cảnh của buổi Tiệc ly (Mt 26:17; Mc 14:12; Lc 22:7-8).

Lời nguyện thượng tế

Theo truyền thống, lời nguyện này chỉ lời cầu nguyện tha thiết của Đức Giêsu dâng lên Đức Chúa Cha trong Phúc âm Gioan 17:1-26. Thánh Biển Đức chú ý vào bốn đề tài trong lời nguyện này: bản chất của sự sống đời đời, thánh hiến các môn đệ trong sự thật, mặc khải Danh của Thiên Chúa Cha, và sự hiệp nhất giữa các tín hữu.

Pascal, Blaise

Nhà toán học, khoa học, và triết gia, theo đạo Công giáo, người Pháp (1623-1662). Pascal được xem như là người tiên phong trong việc phát triển lý thuyết xác suất, và là tác giả của vài công trình quan trọng, trong đó có một tác phẩm  biện hộ cho Kitô giáo, nhan đề Pensées.

Platonic philosophies: những triết thuyết mang thuộc tính của triết gia Plato

Những hệ thống triết lý rút từ triết gia Plato hay các đồ đệ của ông.

Plotinus

Triết gia thời cổ (khoảng 205-270) được xem là người sáng lập Triết thuyết Plato mới, một bước phát trển hệ thống triết lý dựa trên những ý tưởng của triết gia Hy Lạp Plato. Ông dạy một dạng học thuyết về exitusreditus. Thánh Biển Đức đối chiếu học thuyết của Plotinus với giáo huấn trong Phúc âm theo Thánh Gioan về việc Đức Giêsu “đến từ” (exitus) và “trở về với” (reditus) Thiên Chúa Cha.

Prologue of John’s Gospel: Lời tựa trong Tin Mừng theo Thánh Gioan

Gioan 1:1-18.

sacramentum

Thuật ngữ Latin, nghĩa là “bí tích” (“sacrament”). Giáo huấn Công giáo định nghĩa bí tích như dấu chỉ bên ngoài và công cụ trao ban hồng ân. Từ này thường chỉ một trong bảy bí tích của Hội Thánh. Tuy nhiên, từ này đôi khi được dùng rộng hơn để chỉ Hội Thánh như  bí tích cứu độ của thế giới (ví dụ, xem Vatican II, Lumen Gentium [Ánh sáng muôn dân], 1), hay thông thường hơn là chỉ các mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Giêsu. Thánh Biển Đức dùng sacramentum theo nghĩa sau cùng.

sacramentum futuri

Thuật ngữ Latin mà một số Thánh Giáo phụ dùng để thể hiện ý tưởng rằng: các tế vật và những yếu tố khác trong Cựu Ước chỉ đến và nhận lấy giá trị từ lễ hy sinh của Đức Giêsu; theo cách nào đấy cũng tiên báo về các bí tích của Hội Thánh.

Schnackenburg, Rudolf

Nhà chú giải Kinh Thánh Công giáo người Đức (1914-2002), đã nỗ lực sửa lại những điểm mà ông cho là thiên lệch trong giới học giả khoa phê bình lịch sử nhằm hỗ trợ cho các tín hữu Công giáo. Đức Giáo hoàng Bênêđictô đồng tình với mục tiêu của ông, nhưng không tán thành một số yếu tố trong những lập luận, giải thích của ông.

Sự thánh hoá

Từ chỉ hành vi thánh hiến hay tiến trình làm cho một người hay một vật trở nên thanh sạch. Nó có nghĩa là “làm cho phù hợp để thờ phượng Đấng Thánh”. Sự thánh hiến nói chung chỉ hành động “tách riêng” một người hay một vật khỏi đời sống hay cách sử dụng thông thường và dành riêng cho việc phục vụ mang tính thiêng liêng. Những ai hay những gì được thánh hoá trở thành người hay vật trung gian giữa thần linh và thế gian. Thánh Biển Đức cho rằng trong Phúc âm Gioan có sự “thánh hoá” ba cấp: Thiên Chúa Cha thánh hoá Thiên Chúa Con và sai Người vào thế gian (Ga 10:36); Thiên Chúa Con tự thánh hoá hay hiến dâng chính mình, và Người cầu nguyện để các môn đệ của mình cũng được thánh hoá (Ga 17:17, 19).

tetélestai

Từ Hy Lạp, dịch là “đã hoàn tất”, và là lời nói cuối cùng của Đức Giêsu hấp hối (“Thế là đã hoàn tất”) trong Gioan 19:30. Thuật ngữ này diễn tả toàn bộ quà tặng trao ban chính mình của Đức Giêsu trong tình yêu thương các môn đệ “đến cùng” (télos; Ga 13:1) và trong việc hoàn tất sứ vụ được Chúa Cha tín thác cho Người (Ga 4:34; 5:36; 17:4).

trõgein

Động từ Hy Lạp, nghĩa là “ăn” (“to eat”), dùng trong diễn từ “bánh hằng sống” của Đức Giêsu, được tường thuật trong Tin Mừng Gioan, nói tới sự cần thiết phải “ăn thịt” nghĩa là đón nhận Thánh Thể Đức Giêsu (Ga 6:54-58). Trong bài tường thuật của Gioan về bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu cũng dùng dạng chia của động từ nguyên mẫu trõgein khi Người trích Thánh vịnh 41:9 để nói tới Giuđa phản bội, như thế liên kết hành vi của Giuđa với sự lăng nhục Thánh Thể.

 

Bản dịch: Minh Thuỵ và Đàn Phú Thịnh

Hiệu đính: Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

—–o0o—–