Sự ‘khác thường’ của chiếc xe cấp cứu cà tàng
Tấm biển màu đỏ gắn ở mặt kính phía trước của xe, có một hàng chữ trắng nhỏ vừa đủ để kịp nhìn rõ: “Xe cấp cứu nhân đạo”.
Sự ‘khác thường’ của chiếc xe cấp cứu cà tàng
Tấm biển màu đỏ gắn ở mặt kính phía trước của xe, có một hàng chữ trắng nhỏ vừa đủ để kịp nhìn rõ: “Xe cấp cứu nhân đạo”.
Ông Khiết và chiếc xe cấp cứu nhân đạo của ông đã giúp hàng chục người ở vùng sơn cước này trong nửa năm qua – Ảnh: QUỐC NAM
Chiều muộn, tiếng chuông từ chiếc điện thoại “cùi bắp” ở một góc rẫy thuộc đội 5, xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bỗng vang lên dồn dập. Một người đàn ông trung tuổi – chủ rẫy thả nhanh cây cuốc trên tay rồi chạy vội đến nghe điện thoại: “Tui đến liền…”.
Vừa chỉ kịp lột tấm áo khoác bê bết đất xuống, người đàn ông chạy nhanh về ngôi nhà cấp 4 cách đó hơn trăm mét. Trước cổng ngôi nhà này có một chiếc ôtô con bốn chỗ ngồi. Chiếc xe cũ đến mức bạc màu nhưng có một chỗ “khác thường”.
Đó là tấm biển màu đỏ gắn ở mặt kính phía trước của xe. Trên tấm biển này có một hàng chữ trắng nhỏ vừa đủ để người ta kịp nhìn rõ: “Xe cấp cứu nhân đạo”.
Người đàn ông nhanh chóng chạy đến mở cửa xe rồi lao về hướng quốc lộ 12 trước mặt. “Có người bị tai nạn giao thông trên ni. Tui phải chở họ đi cấp cứu cho kịp đã…” – ông chỉ kịp nói rồi vội vàng lao đi.
Đây là lần đầu tiên miền sơn cước này có riêng một chiếc xe mang tên xe cấp cứu. Chiếc xe ấy không phải là của trung tâm y tế nào, mà do một người nông dân nghèo vay mượn tiền mua, để chở giúp những người dân trong vùng không may gặp tai nạn, ốm đau bất ngờ… đến bệnh viện.
Nửa năm qua ông cùng chiếc xe cấp cứu cà tàng này đã giúp cho hàng chục người dân của mấy xã quanh vùng khi gặp nạn. Ông tên Trần Thanh Khiết, 43 tuổi, trú thôn 5, xã Quảng Liên.
Ông Trần Đức Hoà, ở cùng xóm, kể ông Khiết vốn làm nghề lái xe và từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm. Vì không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân chết oan uổng. Sau vài năm, công việc liên quan đến lái xe không thuận lợi, công ty vận tải giải thể nên ông Khiết phải bỏ nghề, quay về làm nông dân với mấy sào rẫy ngay sau nhà trồng khoai mì, cây ăn quả.
Miền quê này lại cách trung tâm huyện đến hơn 20 cây số. Để đến được bệnh viện, nhiều người bị ốm đau khẩn cấp, tai nạn giao thông phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ. Nhiều người vì không được cấp cứu kịp thời mà gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Đến khoảng tháng 11-2017, có người ở địa phương rao bán chiếc ôtô bốn chỗ đời cũ, ông Khiết bỗng như bị ám ảnh bởi những câu chuyện đáng tiếc này. Ngay đêm đó, ông bàn với vợ xoay xở mua chiếc ôtô này làm phương tiện chuyên chở miễn phí cho người dân nghèo.
Bà Hoàng Thị Tuyết, vợ ông Khiết, hiện làm hộ sinh ở Trạm y tế xã Phù Hoá gần đó. Bà Tuyết kể bà cũng quá hiểu hoàn cảnh khó khăn của người dân trong vùng trong việc đi cấp cứu khi gặp đau ốm, hoạn nạn. “Nhưng hai vợ chồng phải cân nhắc rất nhiều, cuối cùng mới đi đến quyết định làm liều”.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng cùng xoay xở vay mượn tiền để mua xe. Chiếc xe cũ tuy chỉ được bán với giá gần 100 triệu đồng nhưng là con số khổng lồ đối với một gia đình nông dân ở vùng núi như Quảng Liên.
Mua được chiếc xe về, ông Khiết đi in tấm biển “Xe cấp cứu nhân đạo” gắn trước kính xe, đến trạm y tế các xã quanh vùng xin phép dán số điện thoại của mình lại đó. Ông dặn đi dặn lại cán bộ các trạm y tế hễ có người đau ốm cần chở đi bệnh viện cấp cứu thì chỉ cần điện thoại là ông sẽ lập tức tới chở đi ngay.
Ngoài ra, ông còn đưa thông tin này lên Facebook để nhiều người biết đến hơn. Lo nhiều người hiểu nhầm ông lái xe chở thuê, ông Khiết luôn “dặn” kỹ ở cuối mỗi dòng nhắn là: “Đừng lo. Xe tui chở miễn phí”. Ông kiên quyết không nhận tiền của bất cứ ai mà mình đã chở đi cấp cứu.
Ông Khiết đưa bà Bùi Thị Thuý từ xã Quảng Liên xuống Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình khám bệnh – Ảnh: QUỐC NAM
Xe cũ nhưng tấm lòng không cũ
Ông Nguyễn Xuân Đạt, chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho biết qua nhiều người, ông cũng biết đến câu chuyện về chiếc xe cấp cứu nhân đạo của ông Khiết. Ông cũng rất ngạc nhiên khi một ông nông dân đang rất khó khăn lại nghĩ đến chuyện giúp đỡ người hoạn nạn.
“Chiếc xe cũ nhưng tấm lòng không cũ. Với địa bàn vùng núi như các xã phía tây của huyện Quảng Trạch, việc có chiếc xe này đem lại hi vọng với người dân nghèo khi gặp ốm đau, tai nạn bất ngờ” – ông Đạt nói.