23/12/2024

Chúa Nhật XII TN-C: Tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa

Hôm nay chúng ta muốn cùng nhau tìm hiểu một vấn đề về Kitô học liên quan đến bài Tin Mừng để chúng ta có thể từ nay tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Giêsu như Ngôi Lời Thiên Chúa.

 

Tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK 

Lời mở

Chúng ta đã nhiều lần giải nghĩa từ “Kitô” nghĩa là “người được xức dầu” tương đương với từ Mêsia trong Cựu Ước. Bản chất của người được xức dầu là để làm vua (x. 2Sm 19,22), làm tư tế (2Mcb 1,10), làm tiên tri (1Sm 19,20), làm Con người (Đn 7,1-27) như Chúa Giêsu đã thực hiện trong đời sống của Người. Tuy nhiên hôm nay chúng ta muốn cùng nhau tìm hiểu một vấn đề về Kitô học liên quan đến bài Tin Mừng để chúng ta có thể từ nay tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Giêsu như Ngôi Lời Thiên Chúa.

1. Chủ đề Thánh Kinh

Trước khi tìm hiểu vấn đề Kitô học chúng ta lược qua chủ đề Thánh Kinh. Các bài Kinh Thánh hôm nay trình bày về bản chất của Đấng Kitô và cũng là của Kitô hữu. Khi ông Phêrô trả lời “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” cho câu hỏi “Anh em bảo Thầy là ai?”, Đức Giêsu xác định Đấng Kitô thực sự là người như thế nào.

Dù được xức dầu bằng Thánh Thần như một ông vua để lập nước Thiên Chúa trong công lý, hoà bình và tình yêu nhưng Người sẽ “phải chịu nhiều đau khổ, bị loại bỏ, bị giết chết” (Lc 9,22), bị  đâm thâu như bài đọc I (x. Dc 12,10) và “ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Mỗi tín hữu chúng ta, qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta kết hợp thành một với Đức Giêsu, không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, như thánh Phaolô nhắc nhở (x Gl 3,27-28). Tất cả chúng ta đã mặc lấy Chúa Kitô, nghĩa là trở nên hiện thân sống động của Người, để cùng với Người thực hiện sứ mạng thiết lập Nước Thiên Chúa, sứ mạng làm tiên tri, làm tư tế để có thể mang lại ơn cứu độ, bình an, hạnh phúc cho con người. Đó chính là bản chất cao qu‎ý của người Kitô hữu.

2. Vấn đề Kitô học

2.1. Sự khác biệt khi so sánh các bản văn Tin Mừng

Khi nghe bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 9,18-24), có thể chúng ta liên tưởng đến những bài Tin Mừng tương tự của thánh Matthêu (x. Mt 16,13-20) và Marcô (x. Mc 8, 27-38). Bản văn của Marcô và Matthêu đã kể lại rằng khi Chúa Giêsu ở miền Cêsarê Philipphê, Người cũng hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai? …Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”. Ông Simon Phêrô lúc đó trả lời: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Khi so sánh các đoạn văn này với thánh Luca, chúng ta thấy rằng thánh Luca không nói rõ địa điểm xảy ra câu chuyện; câu trả lời của ông Phêrô cũng khác: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ hơn ta sẽ thấy có nhiều điểm khác biệt giữa các tác giả Tin Mừng. Thí dụ Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (x. Mt 16.24; Mc 8,34) trong khi thánh Luca lại thêm chữ “hằng ngày” sau từ “thập giá mình” (Lc 9,23). Tại sao lại có sự khác biệt đó? Các điểm khác biệt đó được giải thích ra sao?

2.2. Giải thích một số sự khác biệt trong Tin Mừng

Kể từ khi có các sách Tin Mừng cho đến thế kỷ XX, người tín hữu Kitô, nhất là Công giáo, luôn tin tưởng rằng Tin Mừng là những sách được Chúa Thánh Thần linh hứng nên các tác giả viết đúng những gì Chúa mạc khải, không thêm bớt, không sửa đổi. Vì thế sách Tin Mùng có giá trị tuyệt đối, không thể sai lầm và kể đúng sự thật về cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, trong một hai thế kỷ gần đây, nhờ tiến bộ của ngành in ấn, xuất bản, các tín hữu mới có được những cuốn Thánh Kinh trọn bộ để đọc và so sánh các bản văn Tin Mừng khác nhau. Khoa Thánh Kinh học đã có những tiến bộ vượt bậc vì áp dụng những nguyên tắc nghiên cứu văn học cho các bản văn Thánh Kinh vì dù sao, xét về phương diện nhân loại, Tin Mừng cũng là những áng văn chương do con người viết nên. Những nhà nghiên cứu Kinh Thánh đã giải thích các điểm khác biệt giữa các thánh sử theo các nguyên tắc của khoa văn hình sử – khoa học lịch sử hình thành văn chương. Người ta thấy rằng những áng văn chương cổ được nhiều người sao chép lại bị chi phối bởi một số định luật về đối tượng người đọc cũng như môi trường xã hội.

Áp dụng cho Tin Mừng, người ta cho rằng mỗi thánh sử tác giả có ý hướng thần học riêng nên có thể đã thay đổi từng con số, tên tuổi người liên quan, nơi chốn xảy ra sự kiện, hoặc thêm vào vài từ muốn nhấn mạnh trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Hơn nữa đối tượng là người nghe Tin Mừng cũng khác nhau như người Do Thái trong Tin Mừng Matthêu chỉ nghe nói đến “Nước Trời” trong khi 3 thánh sử khác lại dùng từ “Nước Thiên Chúa” mà không sợ phạm huý. Rồi các bản văn Tin Mừng là kết quả của những bài giảng truyền khẩu trong các cộng đồng giáo hội khác nhau nên càng truyền miệng lâu từ người này sang người nọ thì con số càng ngày càng lớn, thí dụ như số người ăn, số thúng bánh vụn còn thừa lại trong các phép lạ hoá bánh ra nhiều của Chúa Giêsu: 4 ngàn, 5 ngàn rồi 5 ngàn không kể đàn bà con trẻ.

2.3. Những hệ quả từ những giải thích khác biệt

Theo các nhà nghiên cứu Thánh Kinh áp dụng cứng nhắc lý nguyên tắc văn hình sử thì cùng một sự kiện xảy ra hay cùng lời giảng của Chúa Giêsu nhưng thánh Matthêu, Marcô, Luca, Gioan viết mỗi người một cách khác nhau, vậy đâu là sự kiện thật sự, đâu là lời nói thật sự của Chúa Giêsu? Người ta nghĩ rằng nên tìm về bản văn gốc của thánh Matthêu đầu tiên bằng tiếng Do Thái cổ nhưng đã mất, sau đó tới bản văn của Marcô và của thánh Matthêu viết bằng tiếng Hy Lạp vào khoảng năm 60-65, rồi đến bản văn của thành Luca, sau cùng vào khoảng năm 90 mới có bản văn của thánh Gioan. Người ta cho rằng Tin Mừng cũng chỉ là những áng văn chương đạo đức, chứ không phải là một bản văn do Chúa Thánh Thần linh hứng cho các tác giả để viết ra những cách trung thực lời Chúa mạc khải và không thể sai lầm, vì mỗi vị viết theo ý hướng riêng, bị chi phối bởi độc giả và định luật truyền khẩu.

Hơn nữa, khi nhà thần học Tin Lành Rudoft Bultmann (1884-1976) vào những năm 1940-1960 chủ trương giải trừ những huyền thoại ra khỏi Tin Mừng, như cuộc sống lại và những phép lạ của Chúa Giêsu, để cho con người thời nay bị ảnh hưởng của khoa học thực nghiệm dễ đón nhận lời Chúa hơn thì nhiều anh em Tin Lành mất lòng tin vào Thánh Kinh dù trước đây họ hoàn toàn tin tưởng và lấy Thánh Kinh làm tiêu chuẩn cho đời sống. Nguy hiểm hơn nữa là một số nhà thần học Thánh Kinh Công giáo cũng bị ảnh hưởng bởi chủ thuyết này và đang dạy trong các chủng viện, đại học.

2.4. Lập trường của Giáo Hội Công giáo

Giáo Hội Công giáo rất trân trọng những đóng góp của các nhà nghiên cứu, giá trị của các khoa học xã hội nhân văn liên quan đến Thánh Kinh cũng như những cố gắng giải thích những vấn nạn Thánh Kinh. Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế tín lý về mạc khải Dei Verbum, số 12, đã nói rõ về các điểm này: “Vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên phải tìm hiểu chủ ý của thánh sử, xét đến các thể văn khác nhau, chú ý đến hoàn cảnh thời đại, văn hoá và cách diễn tả của từng thánh sử…”. Hơn nữa “Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần nên cũng phải được đọc và giải thích trong Chúa Thánh Thần..và tuỳ thuộc vào phán quyết của Giáo Hội vì Giáo Hội được Thiên Chúa giao cho sứ mệnh và chức vụ gìn giữ và giải thích lời Chúa”.

Trong các sách Tin Mừng, Chúa Thánh Thần là tác giả trực tiếp và các vị thánh sử cũng là tác giả thật sự. Các ngài được Chúa dùng để ghi chép lại các lời dạy và sự kiện của Chúa Giêsu để truyền lại cho chúng ta. Mỗi vị thánh sử có ý hướng thần học riêng và viết Tin Mừng cho những cộng đồng khác nhau. Vì thế, các ngài đã chọn những biến cố, ghi lại từng lời của Chúa Giêsu trong những hoàn cảnh khác nhau cho phù hợp với cộng đồng mà mình gửi đến, phù hợp với ý hướng thần học mà Chúa soi sáng, nhưng chính các ngài không làm sai, bỏ sót hay biến đổi một lời, một chữ nào.

Chúng ta cứ thử tưởng tượng: Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng 3 năm, khoảng 1.000 ngày, mỗi ngày vài giờ, thì tổng cộng có đến vài ba ngàn giờ. Nếu ta thử ghi âm toàn bộ những lời Chúa Giêsu nói trong 4 cuốn Tin Mừng, ta thấy chỉ kéo dài 1 giờ, nghĩa là các thánh sử chỉ mới ghi được một phần ngàn những lời của Chúa. Chúa Giêsu nói rất nhiều, có thể lặp lại một phần giáo lý Người giảng tuỳ theo mỗi hoàn cảnh khác nhau nên mỗi vị thánh sử đã chọn ghi những lời của Chúa chứ không phải thay đổi lời Người theo ý mình. Thánh Luca trong bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện khác với chuyện xảy ra ở Cêsarê Philipphê và lời giảng của Chúa Giêsu trong một hoàn cảnh khác. Bốn vị thánh sử ghi những trường hợp khác nhau như vậy để chúng ta có thể áp dụng trong những hoàn cảnh đổi thay của đời sống tuỳ theo sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần.

Lời kết

Hôm nay chia sẻ những điều này để chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa, vượt qua tất cả những căng thẳng, tranh cãi của các nhà thần học Thánh Kinh để tin tưởng, yêu mến Chúa Giêsu, từ đó chúng ta định hướng đời sống của mình theo lời Người.