Vai trò của tinh thần trách nhiệm và các giá trị truyền thống cao quý trong việc xây dựng một thành phố tốt đẹp hơn
Triết gia Paul Ricoeur sinh năm 1913 và qua đời năm 2005, thọ 92 tuổi. Ông là một trong các triết gia nổi tiếng nhất của thế kỷ XX, vì đã phối hợp sự miêu tả hiện tượng với việc giải thích. Tư tưởng của ông nằm trong cùng truyền thống với các nhà giải thích hiện tượng luận khác như Martin Heidegger và Hans Georg Gadamer.
Vai trò của tinh thần trách nhiệm và các giá trị truyền thống cao quý trong việc xây dựng một thành phố tốt đẹp hơn
Ngày 7-6-2013, ông Franco Riva đã cho phát hành cuốn sách tựa đề “Đọc các thành phố”. Cuốn sách bao gồm 4 bài phỏng vấn Triết gia Paul Ricoeur người Pháp, liên quan tới đề tài cuộc sống trong các thành thị và các vấn đề của nó. Thành phố là nơi cống hiến cho con người các khả thể, là nơi gặp gỡ của cái mới với cái cũ, là nơi của hành động chung, nhưng cũng là nơi của hiểm nguy, của sự đồi tệ và lạc lõng. Triết gia Paul Ricoeur đề cập tới cuộc sống thành thị nhiều lần trong các nghiên cứu của mình và thành lập một sự song song sâu đậm và ích lợi giữa tường thuật, kiến trúc và thành thị hoá. Ông tìm thấy trong việc phân tích thành thị hiện đại một môi trường suy tư rộng rãi dựa trên chiều kích trình thuật của kiến trúc và chiều kích thời gian của không gian kiến trúc. Hành động viết và hành động xây dựng hướng tới chỗ trật tự hoá điều hỗn loạn trong cuộc sống, để đáp ứng một nhu cầu che chở, liên luỵ tới tinh thần trách nhiệm đối với sự giòn mỏng của con người.
Triết gia Paul Ricoeur sinh năm 1913 và qua đời năm 2005, thọ 92 tuổi. Ông là một trong các triết gia nổi tiếng nhất của thế kỷ XX, vì đã phối hợp sự miêu tả hiện tượng với việc giải thích. Tư tưởng của ông nằm trong cùng truyền thống với các nhà giải thích hiện tượng luận khác như Martin Heidegger và Hans Georg Gadamer. Năm 2000, ông đã được giải thưởng Kyoto về nghệ thuật và triết học “vì đã cách mạng các phương pháp giải thích hiện tượng luận, bằng cách trải rộng nghiên cứu giải thích văn bản bao gồm cả các lĩnh vực rộng rãi cụ thể của Huyền thoại học, chú giải Kinh Thánh, Phân tâm học, Lý thuyết về ẩn dụ và Lý thuyết tường thuật”.
Triết gia Paul Ricoeur đã từng theo học tại các Đại học Rennes và Sorbonne. Ông dạy triết học tại các Đại học Strasbourg, Sorbonne, Nanterre, Louvain ở Bỉ và Đại học Chicago ở Hoa Kỳ trong các năm 1970 tới 1985, nơi triết gia đã được chọn làm thành viên danh dự của Hàn lâm viện Nghệ thuật và Khoa học năm 1971. Các nghiên cứu của triết gia đạt tột đỉnh với tác phẩm tựa đề “Luật lệ của phép ẩn dụ. Nghiên cứu đa ngành việc tạo dựng ý nghĩa của ngôn ngữ” xuất bản năm 1975. Bên cạnh đó là tác phẩm ba cuốn tựa đề “Thời gian và tường thuật” xuất bản trong các năm 1984, 1985 và 1988. Tác phẩm “Thời gian và tưởng thuật” khiến cho triết gia khải hoàn về Pháp năm 1985, và được coi như là “siêu sao” triết học. Năm 1999, Paul Ricoeur được Giải thưởng Triết học Balzan “vì khả năng quy tụ các đề tài quan trọng nhất và các chỉ dẫn của triết lý thế kỷ XX, và soạn thảo lại chúng trong một tổng hợp độc đáo, đặc biệt biến ngôn ngữ, vốn đã là thơ và ẩn dụ, trở thành một nơi vén mở cho thấy một thực tại mà chúng ta không thể lèo lái được, mà chỉ giải thích trong các cách thế khác nhau, nhưng tất cả vẫn gắn bó chăt chẽ với nhau. Tuy dùng ẩn dụ, nhưng ngôn ngữ vẽ lên sự thật khiến cho chúng ta là điều chúng ta là, sâu sắc trong cái sâu thẳm của bản chất riêng của mình”.
Triết gia Paul Ricoeur là tác giả của hàng chục cuốn sách và hàng trăm bài khảo luận.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị một đoạn trong cuộc phỏng vấn triết gia được đăng trong cuốn sách “Đọc thành thị” nói trên.
Hỏi: Thưa giáo sư, với danh nghĩa gì một triết gia ngày nay có thể can thiệp vào cuộc sống công cộng? Can thiệp với mục đích gì, và với các phương tiện nào?
Đáp: Trong lĩnh vực chính trị, chúng ta không thể chờ đợi từ một triết gia một diễn văn thực sự có tính cách chứng minh. Trước hết, phải tự giải thoát mình khỏi ảo tưởng có thể có một chính trị khoa học. Chủ thuyết Mác-xít Lê-nin-nít đã tự vén mở cho thấy nó có lỗi, và nó không chỉ thất bại chính vì nó làm cho người ta tin rằng có thể có một chủ nghĩa xã hội khoa học. Loại hiểu biết mà chúng ta có thể đạt tới trong lĩnh vực này không thuộc trật tự hiểu biết khoa học. Chắc chắn là có “các khoa học chính trị”, nhưng một cách nòng cốt, đây là các môn miêu tả, và chúng học chẳng hạn hoạt động của các chính thể hợp hiến hay các cung cách hành xử đầu phiếu. Các tìm tòi của khoa học chính trị không tuyệt đối nhắm mục đích soạn thảo một sự hiểu biết thực sự khoa học về các nguyên tắc và các bộ máy quyền bính, là điều thực sự không thể làm được. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là diễn văn chính trị bị giao phó cho sự tuỳ tiện.
Hỏi: Như thế thì đâu là mức độ cuối cùng, hay vai trò xa nhất trong việc can thiệp của triết gia?
Đáp: Đó là điều liên quan tới hướng đi chung, sự lựa chọn toàn cầu của các xã hội, chẳng hạn như việc lựa chọn một sự lớn lên và tiêu thụ không giới hạn. Trong trường hợp này, hoạt động của triết gia không thể chỉ hạn hẹp nơi việc minh giải các ý niệm: sự phân tích cần phải được đi kèm bởi một sự lựa chọn, bởi một sự ưa thích hơn bên trong, mà nhà tư tưởng đấn thân một cách cá nhân. Thật thế, các ý niệm nền tảng như ý niệm công bằng, bình đẳng, tự do… có một nội dung trí thức đến độ có thể trở thành đối tượng của các phân tích lý thuyết. Nhưng đàng khác, ý nghĩa của chúng chỉ có giá trị, khi người ta chấp nhận chúng bởi sự xác tín sâu thẳm. Và chính vì thế mà người ta nói tới “các gía trị”.
Hỏi: Như vậy, các giá trị này hiện hữu chỉ nhờ một niềm tin bị khủng hoảng hay sao, thưa giáo sư?
Đáp: Theo quan niệm của tôi, các giá trị ở trong một thế đứng trung gian và chuyên biệt, mà người ta quá thường quên trong các cuộc thảo luận hiện nay. Các nhà tín lý tin tưởng nơi sự bất động của chân trời với sự yên tĩnh quá đáng; các người chủ trương hư vô lại nhấn mạnh sự biến mất tức khắc của điều gì xuất hiện ở phía trước và sự giòn mỏng của các giá trị một cách quá dễ dàng. Trái lại, tôi cho rằng các phạm trù lớn hướng dẫn của nhà chính trị được đặt ở giữa hai thái cực nói trên: chúng không qua đi trong nháy mắt, nhưng được lồng vào trong một thời gian dài; đàng khác, một cách nòng cốt chúng cũng dễ bị hư hại, và để trả lời cho các thay đổi rất nhanh chóng của lịch sử chúng ta chúng cần phải được thời sự hoá trở lại một cách liên tục.
Hỏi: Nó có nghĩa là chúng ta có trách nhiệm về điều đó, có phải thế không, thưa giáo sư?
Đáp: Đúng như vậy, nhưng theo một luật trừ mới và đặc biệt của ý tưởng về tinh thần trách nhiệm, mà chúng ta có nhờ Triết gia Hans Jonas. Cho tới nay, người ta gán trách nhiệm cho một ai đó, chỉ vì các hành động quá khứ mà người đó được nhận ra là tác giả, và chúng có thể bị quy tội cho người đó. Ngược lại, trong tác phẩm “Nguyên lý trách nhiệm”, Triết gia Hans Jonas soạn thảo ý tưởng về một trách nhiệm hướng tới tương lai xa: chúng ta đã được trao phó cho một cái gì nòng cốt là giòn mỏng; Triết gia Jonas khẳng định rằng đối tượng của trách nhiệm bị đe doạ đến nỗi đây là sự sống hay là thế quân bình của hành tinh. Nhưng nó cũng là thành phố. Một cách nền tảng thành phố đang gặp nguy hiểm. Như bà Hanna Arendt đã nhấn mạnh, sự sống còn của nó tuỳ thuộc nơi chúng ta. Thật vậy, không một cơ cấu nào có thể tồn tại trong thời gian, mà không có sự nâng đỡ của một ý chí sống cùng nhau, hành động mỗi ngày, cả khi chúng ta có quên nó đi nữa.
Hỏi: Ngày nay, sau khi các niềm hy vọng cách mạng vĩ đại sụp đổ, có các mô thức có khả năng thay thế mô thức lớn lên và tiêu thụ không, thưa giáo sư?
Đáp: Trong một lúc đầu, cái chết của các ý thức hệ có thể dấy lên sự chán nản hay giải ngũ. Tuy nhiên, hiện tượng này hời hợt bề ngoài, hay có khi là giả tạo nữa, trong nghĩa chúng ta luôn luôn chờ đợi một cái gì đó. Như Triết gia Koselleck đã khẳng định, ý thức lịch sử của các cá nhân hay của các cộng đoàn đứng vững trên sự mâu thuẫn giữa một chân trời của sự chờ đợi, trong đó chúng ta dự phóng mình, và một không gian của kinh nghiệm, trong đó chúng ta đâm rễ. Điều này có nghĩa là gì đối với chúng ta là các người Âu châu? Âu châu có may mắn được dệt thành bởi nhiều truyền thống: gia tài Dothái giáo và Kitô giáo, Hylạp và Latinh, thuyết nhân bản của thời phục hưng và của thời cải cách, dự án thiên quang luận, và các chủ thuyết xã hội của thế kỷ XIX. Đã không có truyền thống nào thoát khỏi sự phê bình, nhưng đồng thời cũng đã không có truyền thống nào thực sự cạn kiệt và hoàn toàn thành tựu: cần phải suy tư chúng trở lại để phục vụ các đòi hỏi mới của lịch sử, bởi vì một truyền thống chỉ sống động, nếu cung cấp các điểm giúp canh tân. Như thế, chúng ta có đàng sau lưng biết bao nhiêu dự án còn dở dang chưa thành toàn, cũng như biết bao nhiêu lời hứa đã không được giữ, để có thể xây dựng một tương lai qua việc làm sống dậy các gia tài đa diện này. Bởi một mâu thuẫn lạ lùng, các ảo tưởng mạnh nhất chỉ có thể phát xuất từ điều mà trong các truyền thống của chúng ta đã không hoàn tất và tiếp tục còn đó như một tài nguyên ý nghĩa, như một khu bảo tồn ý nghĩa.
Hỏi: Xin giáo sư đơn cử một thí dụ giải thích khẳng định trên đây.
Đáp: Ngày nay, ý tưởng tha thứ, có nguồn gốc thần học, có các liên luỵ chính trị ngoại thường. Chúng ta không được giam hãm nó chỉ trong lĩnh vực các tương quan liên bản vị. Sự kiện Thủ tướng Willy Brandt của Đức quỳ gối tại Varsava, hay Tổng thống Vaclav Havel viết thư cho Tổng thống Đức để xin lỗi về những gì mà người Tiệp đã làm tại Sudeti trong các năm 1945-1948, khi trục xuất những người dân gốc Đức, là những cử chỉ xem ra có một tầm quan trọng lớn đối với việc xây dựng một chiều kích văn hoá và tinh thần của Âu châu. Chúng ta phải có khả năng trao đổi các ký ức quốc gia hay chủng tộc, và thực thi ý chí không quên cũng như tha thứ đối với nhau, và điều này có nghĩa là giải phóng ký ức của tha nhân khỏi sức nặng của tội lỗi.