23/12/2024

Bài 2: Người Kitô hữu hành động như thế nào trước những thay đổi trên thế giới và ở Việt Nam

Có thể nói rằng đứng trước bối cảnh những đổi thay trong nhiều lĩnh vực, “nhiều cộng đồng Kitô giáo đã không nhận thức đầy đủ sự thách thức cũng như mức độ lớn lao của cuộc khủng hoảng gây ra bởi môi trường văn hoá bên ngoài cũng như ngay cả bên trong Giáo Hội” (TLLV, số 49).

 Bài 2

(Tuần Tĩnh tâm thường niên 2013 của Dòng Thừa sai Đức tin)

Người Kitô hữu hành động như thế nào

 trước những thay đổi trên thế giới và ở Việt Nam

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta đã tìm hiểu bối cảnh của thế giới và VN trong cuộc TPAH và được mời gọi “tìm cách khám phá ra những lý do cơ bản tại sao các hoạt động và chứng tá của nhiều tổ chức GH thiếu tính khả tín khi rao giảng với tư cách những người mang Tin Mừng của Thiên Chúa” (TLLV, số 32). Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu người Kitô hữu hành động như thế nào trước những thay đổi trên thế giới và ở Việt Nam để khám phá ra lý do tại sao hoạt đông rao giảng Tin Mừng thiếu hiệu quả.

1. Hành động của người tín hữu Công giáo trên thế giới

Có thể nói rằng đứng trước bối cảnh những đổi thay trong nhiều lĩnh vực, “nhiều cộng đồng Kitô giáo đã không nhận thức đầy đủ sự thách thức cũng như mức độ lớn lao của cuộc khủng hoảng gây ra bởi môi trường văn hoá bên ngoài cũng như ngay cả bên trong Giáo Hội” (TLLV, số 49).

Họ vẫn tiếp tục sống hết sức bình thường, cũng nói đến truyền giáo, loan báo Tin Mừng. Nhưng, với cách sống và rao giảng TM quen làm như hiện nay bằng những giờ kinh phụng vụ, thánh lễ, đón nhận các bí tích, học hỏi Thánh Kinh, dạy giáo lý với các bài quen thuộc, thỉnh thoảng làm một số công tác xã hội như khám bệnh, phát thuốc, phát quà cho người nghèo, người tàn tật, thăm viếng một ít cơ sở tôn giáo bạn như đền chùa, thánh thất, hoặc giao lưu với các anh em Tin lành thì hiệu quả tuyền giáo sẽ không mấy thay đổi như đang tồn tại cả trăm năm nay.

1.1. Những điểm tiêu cực

Thưng Hội đồng cảnh báo rằng: đối mặt với những thay đổi đó, người Kitô hữu rất thụ động. Hậu quả là từ thái độ thụ động của Kitô hữu: “chúng ta thấy có sự suy yếu đức tin trong các cộng đồng tín hữu, sự giảm sút lòng kính trọng đối với thẩm quyền của huấn quyền, sự tuỳ thuộc vào Giáo hội mang tính chất cá nhân chủ nghĩa, sự suy thoái trong việc thực hành tôn giáo và sự hờ hững trong việc truyền thông đức tin cho các thế hệ mới”(TLLV, số 48).

Chúng ta không lạ lùng gì, cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, số người tín hữu càng ngày càng giảm sút. Cách đây 50 năm, tỷ lệ người Công giáo so với dân số thế giới là 18,2 %, hiện nay tỷ lệ này là 17,5 %. Theo Thống kê, vào năm 2010, Giáo hội Công giáo (GHCG) có 1.195.671.000 tín hữu trên tổng số 6.848550.000 người trên thế giới. GHCG hiện có 207 hồng y, 12 thượng phụ,1.039 tổng giám mục, 3.855 giám mục, 412.236 linh mục trong đó có 277.009 lm. triều và 135.227 lm. dòng, 39.564 phó tế vĩnh viễn, 54.665 tu sĩ nam, 721.935 tu sĩ nữ, 118.990 đại chủng sinh, 335.502 thừa sai giáo dân, 3.160.628 giáo lý viên, trong khi số người lớn (trên 7 tuổi) được rửa tội cả năm là 2.666.953. Trung bình cứ 2 người tín hữu ưu tuyển, tạm kể là các giám mục, linh mục, phó tế, đại chủng sinh, tu sĩ, thừa sai giáo dân, giáo lý viên là những người có ý thức trách nhiệm truyền giáo, mới thu hút được 1 người theo đạo mỗi năm. Vậy những người khác làm gì? (x. Catholic Almanac 2013, tr. 335, NXB  Our Sunday Visitor’s, 2012).

Giáo Hội thấy cần phải thay đổi: vì người ta thấy rằng “có sự sa sút của nhiều Kitô hữu trong đời sống đạo và có thể nói đây là sự bội giáo âm thầm đưa Hội Thánh tới chỗ không còn khả năng đáp ứng một cách thuyết phục và thoả đáng trước những thách thức được mô tả trong các lĩnh vực”(TLLV, số 48).

Các bản góp ý về thượng hội đồng đã nói đến:

– “Tình trạng suy yếu đức tin của các Kitô hữu: sự thiếu dấn thân cá nhân và thiếu kinh nghiệm trong việc truyền bá đức tin, không có đủ sự hướng dẫn thiêng liêng cho giáo dân trong tiến trình đào luyện của họ về tri thức nghề nghiệp” (TLLV, số 69).

– “Cơ cấu Giáo Hội tỏ ra quá quan liêu: có một khoảng cách quá lớn giữa người bình thường và các quan tâm hằng ngày của họ khiến cho năng lực của các cộng đồng Giáo Hội bị suy giảm, mất đi sự phấn khởi từ cơ sở và suy thoái của nhiệt tình truyền giáo” (TLLV, số 69).

– “Tính quá hình thức của các cử hành phụng vụ, hầu như chỉ là những hình thức theo thói quen và thiếu trải nghiệm thiêng liêng sâu xa, làm cho dân xa lánh thay vì lôi cuốn họ” (TLLV, số 69). Nhìn vào các buổi cử hành phụng vụ hiện nay, chúng ta thấy những điều mà THĐ cảnh báo. Nhiều linh mục dâng lễ nhưng thiếu tâm tình, nhiều khi mang cả những sự bực bội vào trong thánh lễ. Nhiều người không cảm nghiệm được sự sống động của mỗi thánh lễ mình dâng.

Nhiều cộng đoàn tu sĩ quên đi tính cách cộng đồng của toàn thể Giáo Hội trong thánh lễ với lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” để chỉ còn giữ “anh” hay “chị” cho cộng đồng đóng kín của mình. Khi chúng ta công bố Tin Mừng trong thánh lễ, đâu phải chỉ loan báo cho người đang sống, mà còn cho cả những người đã khuất. Bao nhiêu linh hồn người đã khuất, các thần thánh trên trời lắng nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô  để được giải thoát. Khi ta nói lời cầu chúc: “Anh chị em ra về bình an”, biết bao nhiêu linh hồn chờ sự bình an của chúng ta. Vì thế, qua lời chúc và những lời cầu nguyện của chúng ta, cả một cộng đồng các thánh đang cùng hiện diện với chúng ta trong thánh lễ là 1 thực tại rất có ý nghĩa. Nếu mỗi thánh lễ chúng ta cảm nghiệm được như vậy ta mới làm cho những người tham dự thấy rằng thánh lễ ngày hôm nay khác với thánh lễ ngày hôm qua vì hôm nay tôi dâng cho Chúa những công việc mới, những ưu tư mới, dự tính mới và điều đó làm cho thánh lễ thêm sống động.

– “Sự phản chứng của một số phần tử của Hội Thánh: bất trung với ơn gọi, gương mù, ít nhạy cảm với những vấn đề của con người ở thế giới hôm nay” (TLLV, số 69). Chúng ta đều là con người yếu đuối, có những lúc chúng ta sa ngã, nên chúng ta cần khiêm tốn hơn để thú nhận tội lỗi của mình, khoan dung với tội nhân và cố gắng hành động tích cực để sửa đổi. Đó cũng là hành động rao giảng TM tha thứ của Chúa Giêsu Kitô. Đức Giêsu đến với chúng ta không phải là vì chúng ta là những người khoẻ mạnh thánh thiện, Người cứu vớt chúng ta bởi vì chúng ta yếu đuối và tội lỗi. Cảm nghiệm được như vậy, lúc bấy giờ chúng ta mới trung thành với Chúa Giêsu, trung thành trong sứ mạng thừa sai của mình.

– “Mầu nhiệm sự dữ” (TLLV, số 69): cuộc chiến phản Kitô – gồm các thiên thần sa ngã cộng tác với thế gian để chống lại Đức Giêsu Kitô. Dĩ nhiên ma quỷ không phải lúc nào cũng hiện lên với hình ảnh đen đủi, xấu xa để chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của chúng mà trừ khử nên có nhiều người đang muốn chối bỏ sự hiện diện của chúng, nhất là trong thời đại khoa học, kỹ thuật hiện nay. Chúng hiện diện với muôn vàn hình thức hấp dẫn: ma men, ma tuý, ma lực của tham vọng, dục vọng ,danh  vọng, tiền bạc… Sự thiếu nhận thức về bối cảnh của thế giới cũng như tình trạng sa sút đức tin trong lòng Giáo Hội đã khiến cho nhiều người không còn cảm nhận được nguy cơ này.

1.2. Những điểm tích cực

Nếu xét về mặt tích cực thì nhiều cộng đồng trong Giáo Hội đã ý thức phần nào về bối cảnh nên đã có hành động tốt và lợi dụng được sự thay đổi đó, chúng ta có thể nhắc lại một ít điểm tốt đẹp sau đây.

Vấn đề di dân (TLLV,số 70). Sự pha trộn nền văn hoá của những người phải di dân đến từ những vùng xa lạ: có người muốn ẩn trong nền văn hoá của đô thị và đánh mất những giá trị truyền thống của tổ tiên; nhưng cũng có những thành phần tích cực lại đưa những giá trị tốt đẹp vào trong vùng đất mới. Ví dụ: một số người Việt sang Mỹ hoặc một số nước khác đã lập nên giáo xứ và tổ chức các hình thức sống đạo như ở Việt Nam, làm khơi dậy đời sống đức tin của dân tộc bản địa qua cách chúng ta dự lễ, rước lễ, sống tinh thần bác ái, chia sẻ cho nhau (x.TLLV, số 70).

Về lĩnh vực kinh tế quả thật có sự phân cách đối với người giàu và nghèo, nhưng một số cộng đồng, dù gặp khủng khoảng kinh tế hay và khó khăn, nhưng lại gia tăng hoạt động liên kết, chia sẻ cho những người nghèo khó, tận tuỵ và liên đới với người nghèo qua công việc bác ái cũng như nếp sống giản dị theo tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu Kitô. Trong thế giới đề cao sự tiêu thụ và sắc dục như hiện nay, thái độ này là động lực để loan báo Tin Mừng và làm chứng cho tình yêu (x.TLLV, số 71).

-Đối thoại đại kết giữa những anh em trong Kitô giáo: trong những cộng đồng ở Tây Phương, có sự liên kết và cộng tác với nhau giữa Công giáo và Tin Lành (ở Đức có nhà thờ có hai đầu, một đầu là Công giáo, một đầu là Tin Lành, giữa là cộng đồng. Ở VN thì chưa có sự liên kết chặt chẽ như thế) (x.TLLV, số 72).

– Đối thoại liên tôn của một số cộng đồng khi sống chung với các tôn giáo khác.

– Những nơi Giáo Hội chiếm thiểu số có thể gặp nhiều thiệt thòi và giới hạn như ở một số nước Nam Á và Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines, thậm chí bị bách hại. Chính trong những cuộc bách hại đó, người Công giáo hiểu được những giá trị của Tin Mừng và họ làm chứng cho Giáo Hội một cách anh hùng hơn là những người ở trong nước tự do (x.TLLV, số 74).

Mối ràng buộc giữa loan báo Tin Mừng và thập giá luôn luôn là mối liên kết chặt chẽ, nếu chúng ta tự nguyện trở thành người loan báo Tin Mừng, chúng ta không thể nào lui bước với những thập giá hằng ngày, thậm chí cả đời, của chúng ta. Chúng ta đừng lạ lùng gì khi bị những lời chửi bới, công kích, thư nặc danh, thái độ khinh thường… của người khác đối với mình.

2. Người Kitô hữu hành động như thế nào trước những đổi thay của Việt Nam

Hầu hết những điểm tiêu cực và tích cực được Thượng Hội đồng Giám Mục vừa nhắc đến đều thấy có trong xã hội VN ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau vì người dân VN mới trải qua cuộc chiến tranh do khác biệt về ý thức hệ từ năm 1945-1975 rồi đang sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) và theo ý thức hệ Cộng Sản từ năm 1975 đến nay.

2.1. Thực tế và hoàn cảnh lịch sử

Sau gần 11 thế kỷ bị người Trung Quốc đô hộ từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 938 sau Công nguyên, bản sắc của người VN có nhiều điểm tốt như cần cù, chịu khó, nhẫn nại, biết chia sẻ cho người gặp hoạn nạn,thông minh, sống tiết kiệm, nhưng cũng có nhiều điểm cần sửa đổi như sống hời hợt, hình thức bên ngoài và giấu ẩn những hận thù muốn giết hại bên trong, nghi ngờ, sợ hãi trước người lạ, chỉ tỏ vẻ cần cù làm việc khi có người giám sát, thiếu đoàn kết, không tôn trọng của chung, ít bền lòng làm việc cho đến nơi đến chốn. Những điểm tiêu cực này đáng lý ra có thể được sửa đổi nhờ gương sáng và lời dạy của Tin Mừng nhưng chưa thấy Giáo Hội quan tâm.

Lòng tin có từ ngàn năm qua vào Đấng linh thiêng mà dân chúng quen gọi là Ông Trời, Chúa Trời như “Trời cao có mắt”, “Lưới trời lồng lộng”, “Thiên bất dung gian” trong vài chục năm gần đây đã bị những ý thức hệ vô thần phá đổ qua những bài học chống phá tôn giáo, tín ngưỡng, thật sự đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng trong cách sống của người dân về lĩnh vực đạo đức luân lý. Ngay cả các tín đồ của các tôn giáo, do được giáo dục trong các trường học của xã hội, cũng đã suy giảm lòng tin, thậm chí đánh mất đức tin để sống theo chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ tìm lợi cho mình và bất công bất chính đối với người khác.

Những cuộc cử hành phục vụ của đồng bào Công giáo, nhất là Thánh lễ, tuy có rất đông người tham dự, nhưng người tín hữu vẫn cảm thấy nặng nề về hình thức, thiếu trải nghiệm thiêng liêng sâu xa và không đưa được tinh thần đạo đức vào trong đời sống thường ngày cũng như trong xã hội. Vì thế đạo Công giáo vẫn chưa lôi cuốn mạnh mẽ những người ngoài Công giáo. Hầu hết những người muốn theo đạo học trong các lớp giáo lý tân tòng là những người muốn lập gia đình với người Công giáo.

Một số anh em linh mục còn không tin có ma quỷ và cho đó là chuyện hoang đường nên không nghĩ mình cần phải giải thoát con người khỏi quyền lực trói buộc của quỷ ma. Thực ra những tài liệu mới của Giáo Hội về điểm này trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo hay trong cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo có lẽ còn quá mới mẻ đối với linh mục, còn nói chi đến giáo dân! Trong khi đó, quần chúng bình dân lại rất tin vào bùa chú, ma thuật và những trò bịp bợm mê tín. Câu chuyện và những cảm nghiệm của nhiều nhà ngoại cảm như chị Phan Thị Bích Hằng được các phương tiện truyền thông phổ biến đang cần lời giải thích và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền của GHVN thì chúng ta lại chỉ nhận được sự im lặng khó hiểu. Nhiều ủy ban của Hội đồng Giám mục VN vẫn chỉ có những hoạt động cầm chừng vì những sự e ngại nhiều mặt đúng như những nhận định của Thượng Hội Đồng Giám mục 2012.

2.2. Vài số thống kê

Giáo Hội VN, tính đến ngày 31/12/2012 có 4.441 linh mục, 4.195 chủng sinh, 2.679 tu sĩ nam, 17.280 tu sĩ nữ. Tuy nhiên con số đông đúc người tận hiến cho Đức Kitô vì Nước Trời này hình như vẫn chưa đủ sức thu hút những người ngoài Công giáo tin vào Đức Kitô do thái độ quan liêu, xa cách và thiếu quan tâm của nhiều người đối với cộng đồng xã hội. Những hoạt động xã hội, bác ái từ thiện của những cơ sở tôn giáo mà họ cai quản như các trường học trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhà nuôi dưỡng người già khuyết tật vẫn thiếu một cái gì đó của chính Đức Kitô khiến cho những người thụ hưởng không cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Người.

Ngoài ra, GHVN hiện có 59.524 giáo lý viên, gần 1 triệu đoàn viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành và 6.560.879 tín hữu giáo dân (x. Thống kê của Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVN), nhưng số người lớn theo đạo Công giáo hằng năm trong những năm gần đây chỉ có khoảng 30- 40.000. Trong khi số người bỏ đạo cũng gần bằng số người theo đạo nên tỷ lệ người Công giáo không tăng trong suốt 127 năm qua tính từ năm 1885 đến nay. Con số tăng hằng năm người Công giáo có tính cách cơ học theo sự tăng trưởng tự nhiên của dân số. Nhiều vì lãnh đạo trong Giáo hội Công giáo không mấy quan tâm đến điểm này, dù nhiều nơi vẫn hô hào loan báo Tin Mừng hằng năm và tổ chức những hình thức cổ vũ ơn gọi và hoạt động truyền giáo. Thật ra những sinh hoạt của các hội đoàn Công giáo tiến hành và các bài học của các lớp giáo lý hiện nay cần phải đổi mới từ nội dung đến hình thức thì mới có sức thu hút người khác theo Chúa.

Theo số liệu mới nhất của Văn phòng Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2012, số người lớn được rửa tội năm 2012 là 42.422 người, trong khoảng 10 năm gần đây, hằng năm khoảng 30.000 đến 40.000 người lớn theo đạo Công giáo, nhưng hầu hết là để lập gia đình với người có đạo. Vậy chúng ta tự hỏi ai là người đi loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và truyền giáo có kết quả?

Một thí dụ minh hoạ: năm 2010, giáo phận Huế có 2 giám mục, 140 linh mục, 74 chủng sinh, 108 tu sĩ nam, 588 tu sĩ nữ, 755 giáo lý viên và 68.910 tín hữu, nhưng cả năm 2010 chỉ có 66 người lớn được Rửa tội, năm 2009 có 94 người, năm 2008 có 106 người (x. Thống kê Văn phòng Tổng Thư ký HĐGM VN), còn năm 2012 chỉ có 60 người. Chúng tôi đưa thí dụ này không có ý chê trách hay xem thường hoạt động truyền giáo của người tín hữu Huế vì mỗi hoạt động truyền giáo của ta đều được Chúa ghi nhận và ban thưởng dù nó có vẻ không mang lại hiệu quả bên ngoài. Từ sự kiện này chúng tôi muốn lưu ý rằng những đại hội hành hương lớn lao ở La Vang hay ở bất cứ đâu không luôn luôn đi đôi với kết quả truyền giáo. Hằng trăm ngàn người đổ về La Vang hằng năm vẫn không thu hút được người ở Huế theo đạo.

Dù những con số không nói lên hoàn toàn sức sống năng động của người Công giáo nhưng việc giảm sút số người tin theo Đức Kitô có thể đã nói lên phần nào công cuộc truyền giáo toàn cầu cũng như ở Việt Nam không mấy thành công.

Lời kết

Tìm hiểu thái độ và hành động của người tín hữu chúng ta trước những đổi thay của thế giới và của Việt Nam chúng ta nhận ra rằng mình chưa loan báo TM với tư cách là người thừa sai của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta có thể chưa đi loan báo Tin Mừng với tình yêu, quyền năng và ân phúc Chúa ban cho ta như một chứng nhân sống động của Tin Mừng để chữa lành bệnh tật, tha thứ tội lỗi, xua trừ ma quỷ để giải thoát con người (x. TLLV, số 29). Giáo Hội đang mời gọi chúng ta thay đổi bằng cuộc Tân Phúc Âm Hoá và can đảm ra khơi thì mới hy vọng chinh phục nhiều người cho Chúa.