31/10/2024

Chúa Nhật XVII TN – C – 2013: Cầu nguyện chân thành và hiệu quả

Bài đọc I mô tả lời cầu của Abraham tượng trưng cho việc cầu nguyện của các tôn giáo khác hay của Do Thái giáo thời Cựu Ước. Còn bài Tin Mừng giới thiệu cho ta cách cầu nguyện của người Kitô hữu trong thời Tân Ước. Hai việc cầu nguyện đó khác nhau ở những điểm nào? Chúng ta nên chọn cách cầu nguyện nào cho chân thành và hiệu quả?

 

  Cầu nguyện chân thành và hiệu quả 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay giới thiệu cho chúng ta việc cầu nguyện. Chúng ta có thể nói rằng bài đọc I (x. St 18,20-32) mô tả lời cầu của Abraham tượng trưng cho việc cầu nguyện của các tôn giáo khác hay của chính Do Thái giáo trong thời Cựu Ước. Còn bài Tin Mừng (x. Lc,11,1-13) như giới thiệu cho chúng ta cách cầu nguyện của người Kitô hữu trong thời Tân Ước.

Hai việc cầu nguyện đó khác nhau ở những điểm nào? Chúng ta nên chọn cách cầu nguyện nào cho chân thành và hiệu quả? Có lẽ chúng ta nên để ý đến vài điểm cơ bản sau đây:

1. Có cần cầu nguyện?

Rất nhiều tôn giáo có nhiều giờ cầu nguyện, nhiều kinh (x. TT. Thích Minh Châu, Từ điển Phật học Việt Nam, mục từ Kinh, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991) hơn Công giáo chúng ta, nhưng cũng có rất nhiều người chẳng thấy cần cầu nguyện vì họ tin rằng chính mình phải giải quyết mọi sự việc bằng tâm trí và đôi tay của mình, chứ không thể cậy dựa hay phó thác mọi sự cho thần linh. Thái độ tự lập và tự tin đó rất đáng trân trọng.

Người tín hữu Công giáo, tuy giữ vững thái độ tự lập và tự tin vào hành động của riêng mình, nhưng còn hiểu được rằng mình cần cầu nguyện để gặp gỡ thân tình và kết hợp mật thiết với Chúa, là nguồn sự sống, sức mạnh, tình yêu và chân thiện mỹ. Nhờ đó, ta mới có thể cảm nghiệm được hạnh phúc tuyệt vời và chia sẻ hạnh phúc cứu độ đó cho muôn loài.

2. Cầu nguyện là gì?

Cầu nguyện, hiểu theo nghĩa chung chung (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2005), là cầu xin thần linh ban cho điều tốt lành. Vị thần linh ấy cao cả, quyền phép vô song, giống như Abraham luôn xưng tụng “Chúa là vị Chúa công minh” còn người cầu nguyện chỉ là phàm nhân yếu đuối, thấp hèn. Người ta chỉ cầu chứ chưa chắc được nhận lời vì còn có những điều kiện phụ thuộc vào vị thần linh có bằng lòng, người xin có xứng đáng nhận ơn, hay phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài như con số người lành có đủ để cứu thoát thành Gômôra và Sôđôma không.

Theo Kitô giáo, cầu nguyện là cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu để Người dẫn chúng ta vào cuộc hiệp thông với Chúa Cha là Cha của Người, nhờ tình yêu của Chúa Thánh Thần, vì Thánh Thần nối kết Chúa Cha và Chúa Con với nhau và nối kết chúng ta với Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ này vừa có tính cách thân mật, cá nhân nhưng cũng vừa công khai, cộng đồng. Cá nhân là khi chúng ta gặp riêng từng người với Chúa, còn cộng đồng là khi nhiều người chúng ta gặp Người chung với nhau như khi dự thánh lễ, chầu Thánh Thể hoặc đọc kinh chung với nhau.

3. Cầu nguyện khi nào?

Chúng ta được mời gọi bắt chước Chúa Giêsu dành ra những giờ phút nhất định nào đó trong ngày để gặp gỡ Ba Ngôi. Chúa Giêsu đã cầu nguyện, thường vào buổi sáng sớm trước khi ra đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi…, hoặc vào buổi tối, sau khi Người hoàn thành công việc trong ngày. Yêu thương là truyền thông và hiệp thông: Chúa Giêsu muốn nói chuyện với Cha về những gì mình sẽ thực hiện hay đã thực hiện trong ngày. Cầu nguyện của Người chính là sự hiệp thông với Chúa Cha, nguồn của mọi ân phúc, để có thể chia sẻ ân phúc của Thiên Chúa cho muôn loài.

Nhiều người cảm thấy mình bận rộn đến nỗi không không kiếm nổi vài phút để cầu nguyện với Chúa. Rất nhiều lần ta đọc vội vàng vài ba kinh trước khi ngủ đêm và quên hẳn việc gặp gỡ ban sáng. Lời kinh đọc vội vàng chỉ giống như tiếng điện thoại reo vang chờ cho Chúa bắt máy, nhưng khi Ngài vừa lắng tai nghe thì ta đã lăn ra ngủ vì mệt mỏi.

Do đó, cuộc sống của chúng ta nhiều khi rất cằn cỗi, vì không gắn kết được với Chúa, không để Ngài chuyển thông cho chúng ta sức mạnh, tình yêu, ân phúc giúp ta có thể sống một ngày hiệu quả nhất. Còn khi dự lễ ta cũng chỉ hoàn thành những nghi thức cho buổi cầu kinh theo đúng yêu cầu phụng vụ chứ có gặp gỡ được Chúa đâu!

4. Cầu nguyện với tâm tình và thái độ nào?

Đối với các tôn giáo khác, người ta coi Thiên Chúa hay thần linh là một đấng cao cả, ở trên cao và chỉ cố gắng dâng lời kinh của họ lên Đấng Tối Cao đó. Abraham đã gọi nhiều lần: “Lạy Chúa, lạy Đức Chúa”, giống như một thụ tạo thấp hèn hướng tới Đấng Tạo hoá linh thiêng. Người ta đến cầu nguyện trong tâm tình e dè, chỉ sợ làm điều chi bất xứng phật lòng thần linh, chẳng dám thưa gửi điều gì ngoài công thức dọn sẵn là các lời kinh.

Còn Chúa Giêsu mời gọi chúng ta giữ tâm tình của một người con gắn bó với Chúa Cha và cũng là Cha của Chúa Giêsu: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha”. Từ “Abba” này là tiếng kêu thân thương của người con nhỏ gọi cha của mình. Vì thế, tâm tình cơ bản của chúng ta mỗi khi cầu nguyện là chúng ta đến với Thiên Chúa như một người cha nhân hậu, khoan dung, đầy quyền năng và ân phúc để chúng ta tin tưởng, yêu thương, hy vọng và phó thác tất cả cho Ngài. Lời cầu nguyện của chúng ta kết hợp thành một với Chúa Giêsu vì chúng ta là chi thể trong Thân Thể Mầu nhiệm của Người. Chúng ta cầu nguyện hay gặp gỡ được Chúa Cha là “nhờ Người, với Người và trong Người”.

5. Cầu xin gì khi gặp được Chúa?

Đối với nhiều tôn giáo khác, các cuốn sách kinh ấn định rõ ràng phải đọc gì, làm gì và làm như thế nào. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta kinh Lạy Cha. Nhưng kinh Lạy Cha này lại không  giống như kinh Lạy Cha mà chúng ta vẫn thường đọc theo thánh Matthêu (x. Mt 6,9-13). Chúa Giêsu chỉ muốn gợi ý rằng khi chúng ta thưa chuyện với Cha trong cuộc gặp gỡ vừa thân tình vừa cá nhân ấy, chúng ta không cần phải tìm một bản văn hay một công thức nào đó để đọc. Chúng ta hãy nói với Cha về tất cả những gì đang xảy ra trong cuộc sống của mình,  những gì liên hệ đến Cha đang diễn ra trên thế giới để “danh thánh Cha được vinh hiển, triều đại Cha mau đến”, những gì liên hệ đến con người với bao nhiêu những chuyện mà chúng ta cần như “lương thực hằng ngày, tha thứ tội lỗi, khỏi sa chước cám dỗ…”.

Nếu chúng ta mở rộng tâm hồn và tích cực làm việc như Chúa Giêsu, chắc chắn ta có nhiều điều tương tự để nói, để xin trong cuộc gặp gỡ với Cha chúng ta. Giáo Hội đang tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới lần 28, chúng ta cầu xin gì cho đại hội này hay cho giới trẻ Việt Nam? Tình trạng căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông có phải là nội dung câu chuyện giữa ta với Chúa? Vì thế chúng ta hãy nhìn lại nội dung những lần chúng ta thưa chuyện với Cha có thực sự phát xuất từ đời sống của mỗi người chúng ta và của cả thế giới, hay chúng ta không có gì để nói, do lòng của ta khép kín, và đành phải mượn những lời kinh có sẵn thế vào?

6. Cần gì để cầu nguyện cho có kết quả tốt?

Muốn cầu nguyện cho có kết quả tốt, chúng ta cần phải kiên trì giống như một người năn nỉ người bạn cho vay mấy cái bánh để đãi khách. Năn nỉ để chứng tỏ chúng ta thật sự cần điều ta xin, dù không phải xin cho mình. Năn nỉ chứ không phải mặc cả với Chúa bằng những con số bớt lần như một điều kiện trao đổi trong lời cầu của Abraham vì trước khi ta mở miệng xin thì Chúa Cha đã biết chúng ta cần gì rồi.

Đôi khi chúng ta vừa mới xin Cha một vài điều nào đó cho đất nước hay cho cá nhân, Cha đang lắng nghe, chưa đáp lại thì chúng ta vội vàng xin cái khác. Giống như chúng ta nhấc điện thoại lên gọi cho Cha, xin Cha cho cái này, cái kia… Cha chưa kịp đáp lại thì chúng ta đã vội cúp máy. Rồi chúng ta lại buồn vì Cha chẳng trả lời gì cả! Cầu nguyện là cuộc gặp gỡ thân tình nên nếu Cha chưa bắt máy, nghĩa là nếu ta chưa gặp gỡ Chúa Giêsu để nối kết được với Chúa Cha, chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi trong tin tưởng và hy vọng vì Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9).

7. Cầu nguyện mang lại kết quả gì?

Dù chỉ là con người yếu đuối, tội lỗi, không cao quý như Abraham, nhưng một khi gắn bó với Chúa Giêsu, là Con yêu quý của Chúa Cha, lời cầu nguyện của chúng ta có sức mạnh vô song, có giá trị tuyệt đối, nên có thể chuyển cầu cho mọi người, mọi vật cách hiệu quả gấp bội so với lời can thiệp của Abraham. Abraham không thể cứu thành Sôđôma và Gomôra do thiếu 10 người lành ở đó (x. St 19,23-25) vì lời cầu xin của ông vẫn chỉ dựa vào công trạng của con người. Còn lời ta xin dựa vào công trạng vô cùng của Con Thiên Chúa làm người là Chúa Giêsu Kitô để nhận được mọi ơn lành cần thiết.

Vậy Cha ban gì cho chúng ta?

Trong cái nhìn vĩnh cửu của người Cha vô cùng nhân hậu và quyền năng, Ngài ban cho ta tất cả những gì chúng ta cần. Nhưng ơn ban cao cả nhất của cầu nguyện là chính Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. “Nếu người cha ở trần gian này còn biết ban của tốt, của lành cho con, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần của Ngài cho những kẻ kêu xin Ngài sao?”.

Thánh Thần là Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài nối kết Chúa Cha và Chúa Con lại với nhau và nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa. Một khi được thông phần sự sống vĩnh hằng, vô biên, vô tận của Chúa, chúng ta không chỉ là người trung gian chuyển cầu như Abraham nhưng là người trực tiếp thực hiện ơn cứu độ  như Chúa Giêsu đã làm sau khi cầu nguyện với Chúa Cha (x. Mc 16, 15-18).

Lời kết

Hôm nay cùng ôn lại vài điểm trong đời cầu nguyện để chúng ta thêm tin tưởng, vui mừng và hy vọng, vì mỗi lần cầu nguyện là chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu trong tư cách là con cái để gặp gỡ và trò chuyện với Chúa Cha. Qua việc cầu nguyện ta sẽ đón nhận Chúa Thánh Thần với muôn ân phúc, làm cho đời sống mình tràn ngập niềm vui cũng như để chia sẻ những ân huệ của Thánh Thần cho những người khác.