ĐGH Phanxicô: “Niềm vui là vẻ đẹp của đời dâng hiến”
Trong chương trình cử hành Năm Đức Tin, chiều thứ Bảy vừa qua, 6-7, khoảng 6.000 chủng sinh, tập sinh các dòng tu và các bạn trẻ đang phân định ơn gọi tu trì đã quy tụ tại Hội trường Phaolô VI để chào đón Đức Thánh Cha và lắng nghe huấn đức của ngài.
ĐGH Phanxicô: “Niềm vui là vẻ đẹp của đời dâng hiến”
Sau những tràng pháo tay và tiếng reo hò chào đón của mọi người, Đức Thánh Cha đã dí dỏm mở đầu rằng: Bây giờ các con vỗ tay reo hò tưng bừng giống như đang trong ‘tuần trăng mật’ vậy, nhưng khi kết thúc ‘tuần trăng mật’ thì chuyện gì sẽ đến? Đức Thánh Cha chỉ ra một vấn nạn: Cha đã nghe một chủng sinh, một chủng sinh tốt, nói rằng thầy muốn phục vụ Đức Kitô nhưng chỉ trong vòng 10 năm thôi, rồi có lẽ thầy sẽ bắt đầu một bậc sống khác… Điều này thật đáng sợ! Tất cả chúng ta, kể cả người cao niên nhất giữa chúng ta, thấy mình đang bị một sức ép từ một ‘nền văn hoá nhất thời’, vì chúng ta không dám dấn thân luôn mãi. Ngài đưa ra một ví dụ từ ‘nền văn hoá nhất thời’: Tôi có thể giữ bậc sống hôn nhân bao lâu tôi còn tình yêu, tôi sẽ trở thành nữ tu một vài năm để xem sẽ như thế nào, tôi sẽ trở thành chủng sinh để làm linh mục nhưng tôi không chắc kết quả sẽ ra sao. “Đây không phải là điều Chúa Giêsu mong muốn!” Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Ngày nay, ra một quyết định dứt khoát thật là khó khăn. Thời của cha thì dễ dàng hơn bởi đó là thời đại của sự chọn lựa dứt khoát, dù ở bậc sống gia đình, tu trì hay linh mục. “Nhưng thời đại này, lựa chọn dứt khoát không phải là điều dễ dàng. Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của ‘nền văn hoá nhất thời’.”
Để trả lời cho câu hỏi “Làm sao tôi có thể được tự do đối với ‘nền văn hoá nhất thời’” này, Đức Thánh Cha đề nghị: Chúng ta phải biết đóng cánh cửa nội tâm của mình; nhưng cửa đã đóng mà vẫn để một chiếc chìa khoá dự phòng ở bên ngoài thì chưa đủ… Phải dứt khoát, và chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới dám dứt khoát vì không có ai dám dứt khoát nếu không có Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng bất cứ nơi nào có cuộc sống dâng hiến thì ở đó có niềm vui. “Nhưng niềm vui này từ đâu đến?… Những thứ chúng ta sở hữu có mang lại niềm vui không?” Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Ví dụ khi chúng ta cần mua một thứ gì, một chiếc điện thoại, một chiếc xe máy, hay một chiếc ô-tô chẳng hạn, phải nên lưu ý cân nhắc đến lựa chọn khiêm nhu hơn và nhớ rằng còn có rất nhiều trẻ thơ đang chết đói”. “Niềm vui đích thực không hệ tại ở vật chất” mà “ươm mầm nơi những cuộc gặp gỡ và trong tương quan với người khác, trong cảm giác được đón nhận, được thấu hiểu, và được yêu mến” vì “niềm vui đích thực thì có sức lan tỏa và nâng đỡ”. “Nếu chúng ta gặp một chủng sinh hay một tập sinh quá nghiêm, quá buồn thì có điều gì đó không ổn! Họ không chia sẻ được niềm vui của Thiên Chúa. Buồn rầu không phải là thánh thiện. Như thánh Têrêsa đã nói ‘một nữ tu buồn là một nữ tu xấu’… Xin các linh mục và nữ tu đừng để nét buồn trên khuôn mặt mình nữa nhé!” Nói về nỗi buồn trong đời dâng hiến, Đức Thánh Cha giải thích: Nguồn gốc của những nỗi buồn trong đời sống mục vụ là do kinh nghiệm nghèo nàn về cảm giác của tình mẫu tử hay phụ tử mà lẽ ra đời sống dâng hiến phải được trổ sinh hoa trái. “Chúng ta không thể cưu mang những linh mục hay nữ tu không thể mang lại hoa trái: đó không phải là Giáo hội Công giáo! Niềm vui là vẻ đẹp của đời dâng hiến”.
“Để trở thành chứng nhân tươi vui của Tin Mừng các con cần phải gắn bó và trung thực” vì “Đức Giêsu đã chống lại kẻ đạo đức giả là những người ‘hai mặt’… Đây là trách nhiệm của những nhà đào tạo. Tôi đề nghị anh chị em đang làm công việc đào tạo cần nêu gương về đặc tính này. Chúng ta có muốn những người trẻ biết sống gắn bó không? Chính chúng ta phải là những người như thế!” Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ “hãy trung thực trong tòa giải tội và can đảm nói ra sự thật, vì sự trong sáng giúp chúng ta trở nên khiêm tốn”. “Hãy nói thật chứ đừng che đậy điều gì, đừng mập mờ, vì các con nói với Chúa Giêsu qua cha giải tội, và Chúa Giêsu biết sự thật. Chúa Giêsu luôn luôn tha thứ!”
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh: Ơn gọi tu trì dựa trên bốn trụ cột: đời sống thiêng liêng, đời sống trí thức, đời sống tông đồ và đời sống cộng đoàn. Và Đức Thánh Cha cũng chỉ ra một thói xấu trong đời sống cộng đoàn, đó là thói nhiều chuyện: “Thói xấu này che đậy sự ghen tị, đố kỵ, tham vọng” và vì thế, nếu chúng ta không nhiều chuyện, không nói xấu người khác thì “đó là con đường tốt để nên thánh!”
Đức Thánh Cha còn khuyên cần phải vun trồng tình bạn, để tránh cả tình trạng cô lập lẫn sự buông thả trong các mối tương quan, vì “một linh mục hay tu sĩ không bao giờ được là một hòn đảo, mà phải luôn sẵn sàng gặp gỡ người khác”.
Kết luận, Đức Thánh Cha nhấn mạnh Giáo hội phải là một Giáo hội truyền giáo, chứ không phải một Giáo hội thụ động; ngài thúc giục các bạn trẻ đừng để mình trở thành con mồi cho cơn cám dỗ tham gia vào “môn thể thao phàn nàn”. Thay vì thế, phải “tích cực, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và đồng thời ra đi gặp gỡ mọi người, nhất là những người bị khinh miệt và thiệt thòi nhất. Đừng sợ bơi ngược dòng. Hãy sống chiêm niệm và truyền giáo. Hãy luôn giữ Đức Trinh Nữ Maria bên mình và đừng quên đọc kinh Mân Côi! Hãy giữ Đức Mẹ trong nhà của các con, như Thánh Tông đồ Gioan đã làm. Xin Mẹ luôn đồng hành và che chở các con. Các con cũng hãy cầu nguyện cho cha, vì cha cũng cần những lời cầu nguyện của các con, cha cũng là một tội nhân đáng thương. Nhưng dù thế, chúng ta cứ tiếp tục tiến bước”.