Bài 6: Ra khơi để Tân Phúc Âm Hoá
Lệnh truyền ra khơi để thực hiện những cuộc chinh phục mới nhằm rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi vật như đòi hỏi ta phải “đổi mới về nhiệt huyết, phương pháp và cách diễn tả Tin Mừng” (TLMV 45), nhất là lĩnh vực văn hoá, xã hội, kinh tế, khoa học, truyền thông.
Bài 6
(Tĩnh tâm thường niên 2013 của Dòng Thừa sai Đức tin)
Ra khơi để Tân Phúc Âm Hoá
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Lời mở
Lệnh truyền ra khơi để thực hiện những cuộc chinh phục mới nhằm rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi vật như đòi hỏi ta phải “đổi mới về nhiệt huyết, phương pháp và cách diễn tả Tin Mừng” (TLMV 45) trong những lĩnh vực có sự thay đổi sâu xa ở Việt Nam cũng như trên thế giới, nhất là lĩnh vực văn hoá, xã hội, kinh tế, khoa học, truyền thông như chúng ta đã tìm hiểu ở bài suy niệm đầu tiên vể bối cảnh của cuộc Tân Phúc Âm Hoá ( TPAH)
Những hoạt động gợi ý sau đây chỉ muốn làm sáng tỏ “ sự tương tác liên tục giữa Tin Mừng và đời sống cụ thể của con người, cả về mặt cá nhân và xã hội” đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI nhấn mạnh trong thông điệp Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng, số 7, ngày 8-12-1975).
1. Để chuẩn bị ra khơi
Ra khơi là biết trước mình sẽ phải đối mặt với sóng to gió lớn trên biển đời để kéo chung với các bạn đồng thuyền những mẻ cá lớn, nên mỗi cá nhân thừa sai chúng ta cần chuẩn bị cho mình một trái tim dũng cảm, vượt qua mọi sợ hãi (x. Mt 14, 27 ; Mt 28,5), tràn đầy niềm vui từ Đức Kitô, “ sẵn sàng hy sinh mạng sống để nước Thiên Chúa được rao giảng và Giáo Hội được thiết lập giữa lòng thế giới” (x. TĐ. Loan báo Tin Mừng, số 80).
Chính Thánh Thần là ngọn gió thúc đẩy đưa chúng ta ra khơi để loan báo Đức Giêsu Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa “ tới tận cùng trái đất” (Cv 1, 8) (x. TLLV số 169) và cũng chính làn gió ấy hướng con thuyền chúng ta tới chỗ có cá chứ không phải chỉ dùng những hệ thống định vị luồng cá của kỹ thuật con người.
Chúng ta cũng chuẩn bị lương thực và nước uống cho mình trong cuộc hải trình này là chính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu và nguồn nước Thánh Linh của Người (x. Ga 7, 37-39). Đồng thời ta cũng chuẩn bị muối để ướp cá đánh được là chính chúng ta với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô (x. Mt 3,13; Mc 9,50). Hình ảnh biểu tượng Năm Thánh Đức Tin 2013 ở Việt Nam với con thuyền đang vượt sóng và cánh buồm căng gió hình tròn trong đó có chữ JHS (Jesus hominum Salvator: Đức Giêsu là Đấng Cứu độ muôn người) như gợi ý cho cuộc ra khơi này.
Những tấm lưới và thuyền là những phương tiện cần thiết phải mang theo lại là chính Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh như con thuyền của Người. Người nhắc bảo chúng ta: “ Khi đi đường, các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép…” (x. Lc 10, 1-9) vì một khi gắn bó với Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh và Phục Sinh đang sống giữa chúng ta qua Thần Khí của Người, Đấng giúp chúng ta trải nghiệm về Thiên Chúa” (TLLV, 186), là chúng ta có tất cả ân sủng cần thiết, niềm hy vọng và bình an để hoàn thành sứ mạng TPAH của mình.
Nhiều vị truyền giáo ở những vùng vẫn nghĩ rằng: muốn loan báo Tin Mừng cho có hiệu quả thì mình phải có nhiều phương tiện vật chất như tiền bạc, thuốc men, kẹo bánh, quần áo cũ… để phân phát cho dân chúng nghèo khổ; mình phải trang bị hệ thống âm thanh tốt trong nhà thờ hay hội trường để lời rao giảng của mình mạnh mẽ và truyền cảm, mình phải tổ chức khám bệnh, dạy văn hoá, tổ chức nhiểu sinh hoạt vui chơi...Những hoạt động cho Chúa như thế rất cần thiết trong nhiều trường hợp, nhưng không bao giờ ta lại được quên một chuyện cần thiết trên hết mà cô Maria đã làm, khi ngồi dưới chân Chúa Giêsu và nghe Lời Người dạy, là gặp gỡ và kết hợp mật thiết với vị Chúa của mọi hoạt động (x. Lc 10, 38-42).
Chính những mối lo âu vật chất ấy nhiều khi lại làm hỏng chương trình truyền giáo vì nếu chúng ta cậy dựa vào những phương tiện tiền bạc, vật chất, thậm chí cả tài năng và ân sủng, chúng ta rất dễ thất bại trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Chúng ta nhớ lại hình ảnh của thánh Gioan Maria Vianey, cha sở họ Ars, ngài chẳng có nhiều tài năng, tiền bạc, vật chất mà cả nước Pháp bị cuốn hút theo ngài. Chúng ta nên tập trung tất cả sự chú ý vào Đức Giêsu và Thần Khí của Người, đến nỗi “không cần chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10,4), còn tất cả mọi sự cần thiết khác Chúa sẽ lo cho chúng ta.
Đó là một vài điều cần thiết trong cuộc chuẩn bị ra khơi của chúng ta. Còn bây giờ chúng ta cùng “chèo ra chỗ nước sâu” để bắt đầu thả lưới. Ra khơi hay “chèo ra chỗ nước sâu” như muốn đòi hỏi ta những hành động truyền giảng Tin Mừng phải sâu xa hơn, mạnh mẽ hơn, cực nhọc hơn và phải cùng làm việc với nhau, cùng kéo lưới chung với nhau thì mới có kết quả.
2. Những đề nghị hành động cho vài lĩnh vực cụ thể.
Những hành động gợi ý trong mấy lĩnh vực cụ thể sau đây chỉ là những ước mơ để diễn tả sự đổi mới về phương pháp, về cách biểu hiện của cuộc TPAH như Thượng Hội Đồng đã yêu cầu.
2.1. Lĩnh vực văn hoá
Chúng ta đều biết văn hoá là “tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong một giai đoạn nhất định của lịch sử qua sự tương tác với nhau, với thiên nhiên và vũ trụ vật chất”. Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, số 53, đã giải thích cho chúng ta biết văn hoá hầu như bao trùm mọi hoạt động có giá trị của con người trong đời sống trần thế.
Trước đây, cha ông chúng ta trong thời kỳ bị bách hại vài trăm năm trước đã đưa những giá trị của Tin Mừng như dân chủ, bình đẳng nam nữ, gia đình một vợ một chồng vào trong xã hội vì VN thời đó được tổ chức theo chế độ quân chủ độc tài chuyên chế, bất bình đẳng nam nữ, gia đình đa thê. Rồi khi xã hội VN hiện nay đã chấp nhận những giá trị đó thì người Công Giáo Việt Nam hình như ngủ quên trong chiến thắng, không còn rao giảng Tin Mừng và không giới thiệu được những giá trị mới của Tin Mừng cho đồng bào nữa.
Tin Mừng còn rất nhiều những giá trị mà dân tộc chúng ta đang cần, đặc biệt là những giá trị của Tám Mối Phúc Thật. Thí dụ như tinh thần nghèo khó trong một xã hội đang chạy theo vật chất và kiếm tiền bằng bất cứ thủ đoạn nào. Giá trị hiền hoà đối với con người VN hiện nay thiếu sự nhẫn nại và tha thứ, chỉ cần nhìn “đểu” hay vô tình “chửi tục” là người ta có thể rút dao ra chém nhau rồi. Giá trị khiêm tốn, ý thức sự hiện hữu của Thiên Chúa trong một xã hội muốn loại bỏ Ngài ra khỏi đời sống, ai cũng muốn đưa mình lên, muốn lôi kéo sự chú ý của người khác, không biết hối hận khóc lóc trước những tội lỗi đối với Thiên Chúa để được Người xót thương. Giá trị thảo hiếu đối với tổ tiên ông bà, cha mẹ và mở rộng ra cho hết mọi người để xây dựng hoà bình vì tất cả đều là con cái Thiên Chúa. Giá trị tôn trọng và bảo vệ sự sống dù mới chỉ còn là bào thai trong lòng mẹ trong một đất nước có 2 triệu ca phá thai mỗi năm, để không nuôi trồng, phân phối những nông sản, thuỷ sản, thực phẩm độc hại, buôn bán những hàng hoá nguy hại cho sự sống con người. Giá trị trong sạch trong tư tưởng cũng như trong hành động để dám loại bỏ những phim ảnh đồi trụy, những trò chơi kích dục, những kiểu quần áo quá hở hang, những lời nói tục tĩu làm mất phẩm giá con người và coi người khác như những đồ chơi để thỏa mãn dục vọng của mình trong một đất nước có 15 triệu người xem phim sex và chơi những trò chơi đồi truỵ mỗi ngày. Giá trị trung thực trong những lời nói và nhất là lĩnh vực truyền thông để đừng lừa bịp nhau và dẫn đưa người khác chối bỏ sự thật qua những thông tin của mình. Giá trị biết chia sẻ quảng đại với tất cả lòng thương xót cho những ai nghèo đói bần cùng. Giá trị dám hy sinh vì đại nghĩa, sẵn sàng bị thiệt thòi, bị bách hại khi phải tranh đấu để bảo vệ lòng tin đối với Thiên Chúa, khi phải chiến đấu để bảo vệ tự do độc lập cho dân tộc cũng như những giá trị chân thiện mỹ cho nhân loại.
Nhưng chúng ta đừng hô hào các giá trị Tin Mừng này như một khẩu hiệu. Các nhà thần học, tu đức học Việt Nam cần phải đào sâu các giá trị đó bằng những bài nghiên cứu; các nhà giáo dục và xã hội học cần phải chuyển chúng thành bài tập thực hành các kỹ năng sống theo các giá trị đó để các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên truyền đạt lại cho các đoàn viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành và tín hữu giáo dân thể hiện trong đời sống thường ngày như cha ông chúng ta đã làm trước đây thì mới trở thành bản sắc của người Công giáo trước khi trở thành bản sắc của người Việt Nam sau một vài thế hệ. Đó là cả một quá trình dài mà chúng tôi thiết nghĩ cần được Hội đồng Giám mục Việt Nam đưa vào chương trình làm việc trong các uỷ ban của Hội đồng.
Trước tình trạng con người đổi thay rất nhiều về lĩnh vực văn hoá (TLLV, số 43) , muốn gạt bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống qua phong trào tục hoá (TLLV, số 53) chúng ta sẽ nêu cao lòng tin vào Ông Trời, vào Chúa Trời của tổ tiên xưa, để dù ở đâu và làm việc một mình, người ta vẫn nhớ rằng “ Trời cao có mắt”, “lưới Trời lồng lộng” để tích cực hành động, lao động với tất cả trách nhiệm của mình. Học sinh Công Giáo quyết tâm không quay cóp bài trong kỳ thi, nêu gương học tập chăm chỉ và phục vụ vô vị lợi đối với tất cả mọi người. Đấy là những chứng nhân sống cho Tin Mừng.
Học sinh Công Giáo Việt Nam, qua việc đào tạo của các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành như: Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng Đạo Sinh Công Giáo, Giới Trẻ Con Đức Mẹ, Hùng Tâm Dũng Chí, Legio Mariae, của các linh mục tu sĩ, giáo lý viên… sẽ luyện tập những kỹ năng sống trung thực, hào hùng, tiết kiệm, làm chủ bản thân, lúc nào cũng lễ phép chào hỏi người trên, ăn mặc nghiêm chỉnh, gọn gàng, đẹp đẽ. Như vậy ngay từ lúc nhỏ các học sinh đó đã trở thành nhữnng gương sáng thu hút những học sinh khác.
Đấy là những hoạt động loan báo Tin Mừng của các học sinh Công Giáo Hàn Quốc. Hầu như các em học sinh này có phong cách sống khác hẳn những em ngoài Công Giáo: các em không để tóc highlight, được luyện tập những kỹ năng làm chủ chính mình rất hiệu quả từ những hội đoàn. Ngay từ lớp 1 các em đã quyết tâm : “ Em phải học hành thật giỏi, cư xử thật tốt, lễ phép với thầy cô, giúp đỡ bạn bè và cố gắng làm trưởng lớp để lôi kéo các bạn về cho Chúa Kitô”. Điều quyết tâm ấy thật lạ lùng và ta không lạ khi người tín hữu Công Giáo Hàn Quốc tăng tỷ lệ người Công Giáo so với dân số toàn quốc từ 1% vào năm 1949 tới 10,5% vào năm 2010: 5.135.000 giáo dân trên tổng dân số 48.875.000 người ( x. Catholic Almanac, NXB Our Sunday Visitor’s 2013, trang 316) trong khi số lượng linh mục tu sĩ giáo lý viên chỉ bằng nửa số người trong Giáo Hội VN.
2.2. Lĩnh vực kinh tế
Đây là lĩnh vực đáng lưu ý trong tình trạng suy sụp về kinh tế của đất nước. Chúng ta đang có 16 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, cùng cực, không kiếm nổi 22.000 ĐVN/ ngày (tương đương với 1 Đôla Mỹ theo tiêu chuẩn UNESCO). Đó phải là một đám đông đáng cho các mục tử Công Giáo hiện nay động lòng thương xót như Đức Giêsu xưa và cộng tác với Chúa Giêsu để lo cho họ ăn.
Phép lạ hoá bánh sẽ được thực hiện nếu chúng ta tin vào Chúa Giêsu và hành động khôn ngoan để nhắc bảo dân chúng ngồi thành từng nhóm người thay vì chen lấn, giành giật nhau cái bánh, con cá ngay trên tay người khác như nhiều lần xảy ra trong các cuộc phát quà, phát chẩn ở Việt Nam.
Tôi xin chia sẻ với anh em kinh nghiệm cá nhân của mình về tình yêu và quyền năng Chúa Giêsu khi tôi làm Giám đốc Caritas Việt Nam từ năm 2008-2010. Trong hoàn cảnh rất nhiều người nghèo khổ bệnh tật ở Việt Nam cần cứu giúp, chúng tôi làm các dự án để xin một vài cơ quan từ thiện quốc tế trợ giúp, nhưng điều kiện họ đưa ra khá phức tạp, khiến chúng tôi chạy đến với Chúa Giêsu và tin cậy vào nội lực của chính đồng bào Việt Nam. Trong vòng 3 năm tôi nhận được 63 tỷ đồng kèm thêm thuốc men, hàng hoá trị giá hàng tỷ đồng khác từ sự giúp đỡ của đồng bào. Tôi cảm nhận rằng phép lạ hoá bánh ra nhiều vẫn đang được Chúa Giêsu thực hiện trong thời đại hôm nay.
Có lẽ ta sẽ học và áp dụng thử giải pháp của anh chị em Công giáo Hàn Quốc về lĩnh vực kinh tế này. Những người chủ siêu thị Công giáo liên kết với nhau để mua trực tiếp nông sản của các nông dân Công giáo với giá cao, với điều kiện là hàng hoá phải bảo đảm chất lượng, không có thuốc trừ sâu hay tăng trưởng độc hại. Để trợ giúp nông dân, các công ty lớn của người Công giáo Hàn Quốc gửi kỹ sư về miền quê để dạy nông dân kỹ thuật trồng trọt, bón phân, cho vay vốn với lãi xuất thấp để mua cây trồng, phân bón nên năng suất cao. Nhiều nông dân không phải Công Giáo cũng xin gia nhập tổ chức liên kết này rồi dần dần có cảm tình và theo đạo. Trong khi đó, hàng nông sản của người nông dân bán ở các siêu thị Công Giáo lại rẻ vì không phải qua nhiều khâu trung gian, chất lượng cao nên càng được uy tín trong cộng đồng xã hội.
Người Công Giáo Việt Nam có thể tổ chức những công ty liên kết như thế, nhất là trong hoàn cảnh các nông sản, thực phẩm chứa nhiều chất độc hại như hiện nay. Chúng ta có thể khoanh vùng để tồ chức sản xuất đại trà, tạo ra những thương hiệu hàng hoá Công Giáo như : Nước mắm Phan Thiết, trà ở Bảo Lộc, rau củ quả ở Đà Lạt, cá khô, tôm khô ở Long Xuyên, Châu Đốc, thịt heo, thịt gà ở Hố Nai… Rồi các doanh nhân Công Giáo liên kết để mở những siêu thị giúp cho hàng của người Công Giáo được phổ biến rộng rãi.
Chúng ta cũng lường trước được những thủ đoạn cạnh tranh của đối thủ ngoài Công Giáo và cả những kẻ muốn phá hoại bằng cách như bán phá giá, bán hàng giả, hàng nhái, tung tin đồn nhảm về hàng hoá. Nếu chúng ta có sự liên kết nâng đỡ nhau, các nhà kinh tế, doanh nhân, nông dân, nhất là sự tham gia tích cực của các linh mục trong các xứ đạo, quyết tâm ủng hộ hàng có chất lượng của người Công Giáo, hô hào người tín hữu trong xứ đạo tin tưởng mua hàng của người Công Giáo thì chắc chắn chúng ta sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về kinh tế ở Việt Nam. Mẻ lưới kinh tế kéo chung này chắc hẳn sẽ rất lớn!
Cha ông ta thời trước, dù sống trong thời kỳ bị bách hại, không được buôn bán, nhưng biết liên kết, nâng đỡ nhau tạo nên những thương hiệu để người lương dân tin tưởng đến độ chỉ muốn mua hàng của người Công giáo vì đó là hàng thật, hàng tốt, hàng rẻ, và vì người Công Giáo không làm hàng độc hại, không bán hàng giả, không nói thách, không ăn lời quá đáng.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được cuộc loan báo Tin Mừng này, người Công giáo chúng ta cần phải vượt qua bản sắc cố hữu của người Việt Nam như hay nghi ngờ, thiếu đoàn kết, ham lợi cá nhân và nhờ những giá trị sống mới của Tin Mừng, chúng ta chắc chắn sẽ thành công như các anh em Công giáo Hàn Quốc.
2.3. Lĩnh vực khoa học kỹ thuật
Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng nhắc đến “ tình trạng khẩn cấp của giáo dục” và những thách thức hiện nay đối với nền giáo dục (số 151) càng thúc đẩy người tông đồ và thừa sai tích cực dấn thân ra khơi trong lĩnh vực này. Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: “ Những nhà trí thức Công Giáo được ủy thác nhiệm vụ đặc biệt là phải làm chứng, bằng các hoạt động và chính đời sống của họ, rằng lý trí và đức tin là đôi cánh mà con người có thể dùng để đến với Thiên Chúa. (x. ĐTC Gioan Phaolô II, TĐ Fides et ratio, số 5, ngày 14-9-1998), cũng như làm chứng rằng đức tin và khoa học hiểu cho đúng, có thể làm giàu lẫn nhau để đem lại lợi ích cho loài người” (TLLV, số 156).
Báo chí và quần chúng VN đã nêu những mặt thiếu xót, yếu kém của nền giáo dục Việt Nam, nhiều vị lãnh đạo tôn giáo đòi quyền mở trường cho tổ chức tôn giáo của mình, thậm chí mong ước đòi lại những trường học trước kia là của mình, mà Nhà nước đang sử dụng. Tuy nhiên, giả như chính quyền có trả lại những trường học đó thì với tình trạng thiếu nhân sự chuyên môn và không được đào tạo như hiện nay, người Công Giáo chúng ta cũng chẳng có khả năng tổ chức và quản lý các trường đó.
Chúng ta hiện có vài trăm linh mục, tu sĩ đi học ở nước ngoài về trong một số lĩnh vực chuyên môn, nhưng hầu hết về nước cũng chưa được sử dụng đúng ngành, đúng nghề. Rồi do thái độ thiếu khiêm tốn, không biết cộng tác, liên kết với nhau, nhiều người cũng chỉ quanh quẩn trong cộng đồng nhỏ bé của mình, làm một số công việc bất đắc dĩ như dạy học trong các nhà trẻ, mẫu giáo và rơi vào tình trạng bất mãn, bất đắc chí.
Các tu sĩ Việt Nam hiện có gần 20.000 người, đúng ra đó phải là một lực lượng mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục và truyền giáo, nhưng thật sự hầu hết chỉ quanh quẩn với ngôi trường mẫu giáo của dòng mình, của tu hội mình, chứ chưa nhìn xa và dám đi xa như các chị nữ tu Mến Thánh Giá trước đây 200-300 năm. Với chiếc tay nải chứa ít viên thuốc tễ, vài mảnh sành và chai đầu để cạo gió, các nữ tu đi khắp nơi để phổ biến kiến thức khoa học, dạy dân chúng biết cách giữ vệ sinh như lọc nước bằng than cát sỏi, đun sôi, để nguội rồi mới uống, dạy chữ quốc ngữ cho người mù chữ, học cách dùng thuốc Nam, cạo gió, cắt lể, nhất là đỡ đẻ cho các sản phụ an toàn nên được dân chúng cung kính gọi là các “bà mụ” (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Người Mục tử cộng đồng hướng về tương lai, NXB Tp.HCM, số 90 tt).
Ngày nay, nhiều nữ tu sĩ hầu như chỉ học vài năm thần học rồi cố gắng học cách dọn lễ, đánh đàn nhà thờ, tập hát thánh ca, dạy giáo lý, cắm hoa để đi giúp trong các xứ đạo và bằng lòng với những công việc thường ngày của mình chứ không muốn dấn thân hơn. Như vậy thì mong gì có kết quả truyền giáo tốt đẹp? Chúng ta bỏ ra cả chục tỷ đồng để đầu tư, xây trường mẫu giáo, cho tu sĩ đi học và dạy trong các lớp và thấy dòng tu của mình có đóng góp cho xã hội trong công tác giáo dục. Nhiều tu sĩ đã bằng lòng với công việc này như kiểu ngồi trên bờ câu từng con cá nhỏ. Nhiều vị lãnh đạo dòng không dám dẫn cộng đồng mình ra khơi! Nếu số tiền đầu tư kia dồn cho các tu sĩ đi học chuyên sâu hơn trong các ngành khoa học hoặc lo cho các hoạt động Phúc Âm Hoá trong các vùng sâu, vùng xa, chắc chắn Giáo hội Việt Nam đã thành công hơn nhiều về mặt truyền giáo.
Người tín hữu chúng ta cần phải ra khơi trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Chúa của chúng ta là nguồn sự khôn ngoan nên ta phải dấn thân vào mọi lĩnh vực khoa học, kỹ thuật để học hành thật giỏi, nghiên cứu thật sâu cũng như để có rất nhiều người làm giáo sư, tiến sĩ giảng dạy trong các đại học, các viện nghiên cứu, thực hiện các phát minh có giá trị phục vụ đời sống con người. Chúng ta cũng nên khuyến khích và trợ cấp học bổng cho các tu sĩ dấn thân theo học các khoa học tự nhiên thay vì chỉ học vài ngành chọn lựa như xã hội học, giáo dục mầm non, nhà trẻ mẫu giáo hoặc ngoại ngữ như hiện nay.
Các học sinh, sinh viên Công Giáo cần được đào tạo trong các xứ đạo, qua hệ thống các lớp giáo lý và hội đoàn Công Giáo tiến hành, về các phương pháp học tập, nghiên cứu để giỏi giang trong mọi bộ môn, học biết thái độ khiêm tốn để giúp các bạn học yếu kém hơn mình, dạy biết cách thở hít sâu khí tự nhiên khi ngồi học, biết cách giải trí, điều độ trong việc ăn uống, tiết kiệm trong các chi tiêu, sử dụng tiền bạc thời giờ với trách nhiệm của người quản lý trung tín, biết cách cầu nguyện trước mỗi giờ học, biết trung thực khi làm bài thi, sẵn sàng dấn thân trong các công tác xoá mù chữ cho đồng bào. Đấy là một phần nhỏ những nội dung đào tạo cho các đoàn viên Công giáo Tiến hành ở Hàn quốc chứ không phải chỉ là những bài giáo lý khô khan, thiếu sinh động, những trò chơi cũ kỹ, băng reo khiên cưỡng, những trại hè thiếu nội dung thực tế nên khó thu hút được giới trẻ năng động thời nay như đang diễn ra trong nhiều nơi của Giáo Hội Việt Nam.
Các người Công Giáo có khả năng phải sẵn sàng đỡ đầu, cấp học bổng cho các học sinh nghèo, được cha xứ giới thiệu, để trong xứ đạo hễ là người Công giáo là biết chữ cũng như sẵn sàng cộng tác vào chương trình giáo dục, đào tạo cho các học sinh nghèo khổ, khuyết tật trong cả nước.
Hồi xưa, mỗi làng chỉ có vài ông đồ học để viết chữ Nho làm đơn từ thay cho cả làng, nhưng hễ là người Công Giáo, nam cũng như nữ, đều được đi học và biết chữ nhờ kinh sách đọc hằng ngày, khởi đầu là chữ Hán, rồi đến chữ Nôm, sau đó cha ông ta đã phát minh ra chữ Quốc ngữ và truyền cho nhau học. Nhờ vậy, năm 1865, nghĩa là chỉ sau hơn 200 năm được chính thức truyền đạo bởi các linh mục thừa sai Dòng Tên từ năm 1615, nhiều người dân trong nước đã dùng thứ chữ của người Công giáo. Kết quả là tờ báo tiếng Việt đầu tiên, “Gia Định báo”, được xuất bản tại Thành Gia Định, tức là Tp. HCM ngày nay, và cho cả những người ngoài Công Giáo. Chúng ta sẽ hành động sáng tạo như thế nào trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục để tiếp bước cha ông?
2.4. Lĩnh vực cái đẹp
Giáo Hội nhắc nhở chúng ta phải dấn thân vào trong lĩnh vực đẹp vì Chúa là nguồn Chân Thiện Mỹ. Chúng ta nói nhiều đến Chân, đến Thiện nhưng lại sợ nói đến Mỹ. Giáo Hội dạy rằng: “ Vai trò cơ bản của cái đẹp cần phải được cấp bách khôi phục trong Kitô Giáo. Về phương diện này TPAH đóng một vai trò quan trọng. Hội Thánh nhìn nhận rằng con người không thể sống mà không có cái đẹp. Đối với người Kitô hữu cái đẹp được tìm thấy trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, trong sự sáng tỏ của thực tại Đức Kitô” (TLLV, số 157).
Chúng ta thử nhìn vào giới trẻ VN sẽ thấy họ đang mơ ước và thực hiện cái đẹp như thế nào. Họ có xu hướng chạy theo và sùng mộ các diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ. Giới trẻ ai cũng muốn đẹp nhưng lại không biết nguồn đẹp là ai. Vì thế, người Công Giáo chúng ta phải sống và hành động làm sao cho mình thật đẹp, cả về thể xác lẫn tinh thần, để chứng minh cho mọi người, nhất là giới trẻ, nguồn đẹp cần phải tìm về là chính Đức Giêsu Kitô. Vì thế Thượng Hội đồng dạy chúng ta rằng: “Tương quan giữa đức tin và cái đẹp không chỉ là vấn đề thẩm mỹ, nhưng được coi như một nguồn lực cơ bản để làm chứng cho đức tin và phát triển một sự hiểu biết thực sự là việc phục vụ ‘toàn diện’ cho mọi nhu cầu của một con người” (TLLV, số 157).
Hồi xưa cha ông của chúng ta thu hút người khác theo Chúa Giêsu Kitô cũng là nhờ cái đẹp. Nhiều làng chỉ có hai ba cái ao chứa nước dùng để ăn uống, tắm rửa nên đa số (80-90%) dân làng đều bị toét mắt, ghẻ lở và nhiều bệnh tật khác. Trẻ em dưới 2 tuổi, cứ 10 đứa thì chết hết 7 (năm 1947). Nhưng nếu đưa con cho người Công Giáo nuôi thì chúng lại sống khoẻ mạnh. Đó là nhờ các thừa sai dạy cho tín hữu cách thức lọc nước bằng than cát sỏi, dạy phải nấu chín đun sôi để nguội mới uống cho nên rất ít người Công giáo bị ghẻ lở, toét mắt, các bệnh đường ruột. Do đó ta không lạ gì khi biết người ngoại đạo chỉ muốn lấy những chàng trai và cô gái Công Giáo vì họ đẹp đẽ, khoẻ mạnh, thông minh. Nhờ đó, số người Công giáo tăng nhanh dù bị nhiều thử thách và bách hại.
Nét Đẹp còn được diễn tả qua cách suy nghĩ, nói năng, hành động để trở thành phong cách sống riêng của người Công giáo. Người Công giáo Hàn Quốc dạy cho các trẻ em học sinh ngay từ lớp 1 phải ăn uống, đi đứng, nói năng, chào hỏi, ăn mặc cho thật đẹp. Rồi khi luyện tập các đức tính tốt theo các lời khuyên của Tin Mừng, nhất là đức tính của “Tám mối Phúc thật”, chắc chắn thể xác con người cũng đổi thay theo hướng tích cực để người Công giáo càng ngày càng có nhiều người đẹp vì “xem mặt mà bắt hình dong” cơ mà! Tỷ lệ người Công Giáo đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi hoa hậu, chàng trai lịch lãm… cũng là một lời chứng hùng hồn cho cái đẹp của Kitô giáo!
Như thế, chúng tôi thiết nghĩ rằng Ủy ban Nghệ Thuật Thánh không chỉ lo quản lý việc xây dựng và bài trí nhà thờ, nhà nguyện theo đúng luật Phụng vụ mà còn phải quan tâm đến các vấn đề về cái đẹp trong các lĩnh vực cụ thể như ăn mặc, nói năng và hành động trong cuộc sống thường ngày của người Công giáo để có thể đưa ra những hướng dẫn tích cực.
2.5. Lĩnh vực thể thao
Giới trẻ ngày nay rất say mê thể dục, thể thao và sùng bái các vận động viên thể thao vì thế mỗi người tín hữu Kitô cấn phải đưa Đức Giêsu Kitô vào lĩnh vực thể dục, thể thao này. Những chủng sinh, tu sĩ, linh mục, trong thời gian đào tạo cũng như cả khi tốt nghiệp rồi, phải biết chơi các môn thể thao, chơi thật sự và chơi hay, chơi giỏi cũng như biết cả luật chơi để giới thiệu cho các bạn trẻ. Chúng tôi có trình bày vấn đề này trong một bài viết riêng với tựa đề “Thể thao như lĩnh vựa của Tân Phúc Âm Hoá” trong loạt bài với tựa đề: “Cẩm nang để Tân Phúc Âm hoá”. Đó là phương thức truyền giáo mới.
Ta thử tưởng tượng một ngày nào đó các tu sĩ Dòng Thừa Sai Đức Tin hay Mến Thánh Giá Chợ Quán đoạt giải vô địch nghiệp dư về bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông hay bóng đá của Tỉnh Bình Dương hay địa phương nào đó, thông tin này sẽ thu hút hàng trăm, hàng ngàn bạn trẻ đến xin tu và việc giới thiệu Chúa Giêsu cách này có hiệu quả gấp trăm lần những bài giảng sáo mòn trong các lớp giáo lý.
Nhưng muốn tạo được các đội bóng Công Giáo, các cha xứ và nhiều người có trách nhiệm như các bề trên trong các tu viện, học viện cần phải thay đổi nhiều quan niệm về linh thánh, phải đưa được thể dục thể thao vào chương trình sống hằng ngày, phải hiểu rằng còn người cần phải phát triển toàn diện cả về thể xác lẫn tinh thần… Chúng ta nên hiểu rằng nhà thờ dù là chốn tôn nghiêm, linh thánh, không ai được phép làm ồn ào, huyên náo, nhưng còn là nơi gặp gỡ của mọi người trong cộng đồng dân Chúa vì hiểu được ý nghĩa câu nói của Chúa Giêsu: “Ngày Sabat được tạo nên cho con người chứ không phải con người cho ngày Sabat” (Mc 2,27). Lúc đó cha xứ mới có thể làm các sân chơi trong khuôn viên thánh đường, cùng chơi với các bạn trẻ trong xứ, thuê huấn luyện viên về để dạy kỹ thuật chơi cho hay, cho đẹp, tổ chức thi đấu giữa các đoàn thể trong và ngoài xứ để tạo mối liên kết, hiệp thông. Chắc chắn khi thực hiện được các sân chơi như thế, tệ nạn nghiện ngập đủ loại sẽ bớt hẳn, cha xứ và người lớn có nhiều dịp tiếp xúc để hiểu giới trẻ nhiều hơn thay cho tình trạng quá xa cách giới trẻ như hiện nay.
Cha ông chúng ta trước đây đã dùng thể thao như một lợi khí truyền giáo. Nhà thờ thường có một ao lớn trước mặt được đào để lấy đất đắp nền nhà thờ. Chiều thứ bảy hay chủ nhật, người ta tổ chức thi bắt vịt dưới ao, hoặc đi cầu tre lấy giải thưởng. Người ta cắm 1 cọc tre giữa ao treo mấy giải thưởng nơi đầu cọc, một thân tre dài bắc từ bờ ra giữa ao. Người dự thi đi chân không, bước trên thân tre tròn, trơn trượt vì dính bùn đất, nên dễ té xuống ao, tuy không nguy hiểm vì có nước, nhưng sẽ tạo nên những tiếng cười vui cho mọi người xem. Cả người ngoài Công giáo cũng được dự thi nên mỗi chiều lễ hội như thế là dịp giới thiệu Tin Mừng, tin vui của Chúa Giêsu cho mọi người!
2.6. Lĩnh vực truyền thông và sức khoẻ cộng đồng
Thượng Hội đồng Giám mục quan tâm nhiều đến lĩnh vực truyền thông khi dành ra 4 số từ 59 đến 62 trong Tài liệu Làm việc để nhắc nhở Kitô hữu sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội cho TPAH “như là một nguồn lực đòi chúng ta phải có con mắt phân định và biết sử dụng chúng một cách khôn ngoan và có trách nhiệm” (số 60). Tính đến tháng 3-2012, Việt Nam có 32,1 triệu người truy cập internet, chiếm 33,9% dân số, người ta ước tính đến tháng 7-2013 này có gần 40 triệu người truy cập, chiếm 44% dân số. Ineternet đã vượt báo giấy và radio để trở thành phương tiện thông tin phổ biến ở Việt Nam từ năm 2011. Nhưng VN chưa có trung tâm cai nghiện ineternet và trò chơi trực tuyến để giúp cho 15 triệu người nghiện trò chơi trực tuyến và phim ảnh đồi truỵ.
Vì thế GHVN cần phải dấn thân hơn nữa trong lĩnh vực này. Hầu như giáo phận nào cũng có trang web riêng, nhiều uỷ ban Hội đồng Giám mục cũng có trang web riêng nhưng số lần truy cập mỗi ngày tương đối rất ít. Trang web giáo phận có đông người truy cập nhất hiện nay là trang web của giáo phận Xuân lộc ở địa chỉ: www. giaophanxuanloc.net, với khoảng 7.000 lượt truy cập trung bình một ngày trong 1 giáo phận có khoảng trên 850.000 giáo dân. Tính đến hôm nay, ngày 25-7-2013, trang web của UB Công lý và Hoà bình chỉ có 155.846 lượt người truy cập kể từ ngày mở trang web 1-1-2012, trung bình có khoảng 300 lượt truy cập một ngày.
Trong kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi đã từng lập một số trang web cho các uỷ ban của HĐGM VN và chúng tôi thấy rằng lĩnh vực này cần chúng ta ra khơi và đòi chúng ta liên kết để kéo chung lưới với nhau thì mới mong thu được nhiều mẻ cá lớn. Chúng tôi cũng đã tổ chức mấy khoá tập huấn cho một số anh chị em thuộc ngành xã hội học để có thể giúp cắt cơn nghiện và phục hồi cho những người nghiện trò chơi trực tuyến và phim ảnh đồi truỵ trong năm 2012.
Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các quy trình chữa trị và phục hồi tinh thần cho khoảng hơn 10 triệu người Việt Nam bị xáo trộn tâm lý, bất an về tinh thần do các nạn phá thai, nghiện rượu chè cờ bạc, nghiện ma tuý và hy vọng có sự hợp tác của các bác sĩ toàn khoa cũng như bác sĩ chuyên khoa tâm thần, các nhà tâm lý học, xã hội học, tâm linh học trong một trung tâm phục hồi sức khoẻ toàn diện cho con người.
Lời kết
Tất cả những chương trình mục vụ mà chúng ta mơ ước chỉ có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta biết “không những canh tân các chương trình của mình mà còn phải tăng chất lượng cho chứng tá của mình. Công cuộc Phúc Âm hoá không chỉ là một kế hoạch có tổ chức hay một chiến lược; một cách cơ bản, nó là vấn đề thiêng liêng đúng như lời ĐGH Phaolô VI đã nói: ‘Con người thời nay sẵn sàng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy, thì chính là vì các thầy dạy cũng là những chứng nhân…’. Vì vậy Giáo Hội sẽ loan báo Tin Mừng cho thế giới trước tiên bằng hạnh kiểm và đời sống của mình, bằng chứng tá sự nghèo khó và vô tư, và bằng chứng tá sự tự do của mình đối với các quyền lực của thế gian này, tóm lại, chứng tá sự thánh thiện” (TLLV, số 158; TĐ Evangelii nuntiandi, ngày 8-12-1975, số 7).
“Chỉ những ai đã được Phúc Âm hoá và đang được Phúc Âm hoá thì mới có thể Phúc Âm hoá hay nói khác đi, chỉ những người có khả năng canh tân thiêng liêng, bằng việc gặp gỡ Đức Kitô và sống một đời hiệp thông với Người thì mới có thể Phúc Âm hoá” (TLLV, số 158). Vì thế, cuộc ra khơi để Tân Phúc Âm Hoá đang mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình, hội dòng mình, tổ chức của mình để tìm ra những lĩnh vực chúng ta cần đổi mới bằng cách đem Chúa Giêsu và Thần Khí của Người vào để biến đổi và thăng hoa. Cầu chúc tất cả các bạn trở thành chứng nhân của Phúc Âm Hoá.