Người khai mở danh từ khoa học tiếng Việt
GS Hoàng Xuân Hãn đã sáng tạo ra những danh từ khoa học tiếng Việt tiếp thu tri thức nhân loại. Ông cũng khảo cứu tận cùng sử liệu trên tinh thần hoài nghi, cũng như tìm về vốn cổ.
GS Hoàng Xuân Hãn đã sáng tạo ra những danh từ khoa học tiếng Việt tiếp thu tri thức nhân loại. Ông cũng khảo cứu tận cùng sử liệu trên tinh thần hoài nghi, cũng như tìm về vốn cổ. “Ông đã nỗ lực đưa dân tộc vào hiện đại hóa bằng cái hợp lý của khoa học chứ không bằng áp lực của chuyên chế”, GS Tạ Trọng Hiệp nói.
GS Hoàng Xuân Hãn (phải) - Ảnh: Quỳnh An chụp lại tư liệu |
Theo nhà văn Phùng Quán, khi nhà bác học Lương Định Của mới về nước, có lần ông bị chặn ở cổng chợ để kiểm tra tập đọc. Khi ấy, người đi chợ sẽ phải chui qua thanh tre chắn đường nếu không đọc hết được các chữ chốt gác đưa ra. Được người gác chốt giải thích chữ cái “i t giống móc cả hai/i ngắn có chấm t dài có ngang”, “o tròn như quả trứng gà/ô thì đội mũ ơ là thêm râu”, mắt ông Của đỏ hoe. Cách diệt giặc dốt của dân ta thông minh đến vậy. Từng học những câu vần vè trên hồi còn chăn trâu, mãi hàng chục năm sau, ông Quán mới biết tác giả của chúng chính là nhà toán học nổi tiếng Hoàng Xuân Hãn.
|
Một tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi cũng cho biết, chỉ trong bốn tháng giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật, Bộ trưởng Công chánh trong chính phủ Trần Trọng Kim (từ tháng 4 – 8.1945), ông Hoàng Xuân Hãn đã hối hả làm nhiều việc có ích trên cương vị đứng đầu ngành giáo dục thời đó. “Phổ biến rộng rãi việc học chữ quốc ngữ trong dân chúng theo phương pháp giản tiện mà ông đề xuất từ hồi tham gia Hội Truyền bá chữ quốc ngữ, và cũng chính ông vần vè hóa để dễ đi vào dân chúng”, ông Huệ Chi viết.
Việc truyền bá quốc ngữ chỉ là một trong nhiều việc ông Hãn đã làm theo nhu cầu mà ông Huệ Chi gọi tên là “nhu cầu diễn ra âm ỉ hoặc sôi nổi trong giới trí thức cấp tiến thuở ấy: đó là việc tiêu hóa vốn văn hóa Âu Tây để hiện đại hóa văn hóa tư tưởng của nước nhà”. Cũng theo ông Huệ Chi, ông Hãn đã kế tục công việc xây dựng hệ thống thuật ngữ văn chương học thuật mà Phạm Quỳnh từng bền bỉ khởi công từ lâu. Thêm vào đó, ông Hãn còn soạn cuốn Danh từ khoa học nhằm đặt nền móng cho các môn khoa học chính xác.
Động lực chính thôi thúc ông thực hiện công trình Việt hóa các thuật ngữ khoa học này là việc nhận ra “chỉ vì thiếu tiếng nói ra nên sự tiến bộ của ta chậm chạp, cách lý luận của ta mập mờ”. Trên cơ sở đó, ông quyết tâm sáng tạo ra một công cụ thiết yếu là ngôn ngữ khoa học cho tiếng mẹ đẻ. Những từ như nhiệt độ, nhiệt kế, ô xy, căn bậc hai, lũy thừa… được ông chuyển ngữ ngày nào giờ đã quá thông dụng. Ông đã khai mở cho những danh từ khoa học tiếng Việt tiếp thu tri thức nhân loại đó.
Về với chân trời tri thức của dân tộc
Mở đầu bằng khoa học tự nhiên nhưng phần lớn cuộc đời về sau, Hoàng Xuân Hãn lại được biết đến như một nhà khảo cứu Hán Nôm, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục Việt Nam. Trên tinh thần tôn thờ tính chính xác của khoa học tự nhiên, ông biên soạn cuốn Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tôn giáo triều Lý và xuất hiện như một chuyên gia duy nhất, hàng đầu về vấn đề này thời đó. Ông khai thác gần như cạn kiệt các tài liệu về Lý Thường Kiệt và sau ông, khó có ai có thể viết hơn được nữa. Với tinh thần “khảo cứu triệt để” ấy, ông cũng góp phần không nhỏ trong việc minh định trả những tác phẩm văn học trung đại về với lịch sử của nó. Các công trình Chinh phụ ngâm bị khảo, Nghiên cứu về Kiều của ông vẫn là những nghiên cứu quan trọng nhất về hai tác phẩm này trong thế kỷ 20.
Có lần GS Phan Huy Lê hỏi ông: “Bác là một nhà toán học, một nhà vật lý nguyên tử, một kỹ sư cầu cống nhưng tại sao bác lại say mê và dành phần lớn cuộc đời vào nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc?”. Ông Hoàng Xuân Hãn trả lời: “Sau khi từ Pháp trở về nước dạy học, tôi tìm đọc lịch sử Việt Nam của Trần Trọng Kim, Lê Thước. Tôi kính trọng tác giả nhưng cảm thấy phương pháp khảo cứu, biên soạn của ta vẫn cần được nâng cao, cần khoa học hơn, hiện đại hơn”. Ý thức được điều làm nên sự “phát triển bền vững” của quốc gia không phải là khoa học tự nhiên mà là khoa học xã hội, Hoàng Xuân Hãn đã đi từ chân trời tri thức của nhân loại về với chân trời tri thức của dân tộc mình.
Một may mắn của Hoàng Xuân Hãn so với những thế hệ trí thức Việt Nam trước đó là ông đã được hưởng nền giáo dục Pháp – Việt một cách đầy đủ và bài bản. Điều đó khác với thế hệ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh dù đã bước được rộng dài hơn nhưng vẫn không vượt qua khỏi những hạn chế của việc tự học… Theo lời một học trò – GS Tạ Trọng Hiệp, các công trình của ông Hãn đã khẳng định trong sự học của ta không thể chỉ có Tây học và trong các vốn cổ của ta không thể loại bỏ thành phần Hán.
Không chỉ để lại những công trình đồ sộ, Hoàng Xuân Hãn còn để lại ảnh hưởng sâu sắc đối với nhiều người làm khoa học xã hội Việt Nam sau. Chẳng hạn, khảo cứu công phu với tinh thần “hoài nghi tất cả”, ông đã đủ chứng cứ chứng minh bản dịch Chinh phụ ngâm là của Phan Huy Ích chứ không phải Đoàn Thị Điểm như mọi người vẫn nghĩ. Không những thế, công trình tâm huyết về Lý Thường Kiệt của ông đã thay đổi quan niệm về vị thế bé nhỏ, nhược tiểu của Việt Nam bằng việc chỉ ra vào thời Lý, Đại Việt là một quốc gia hùng mạnh cả về kinh tế, văn hóa, quân sự và chính trị.
“Ông đã nỗ lực đưa dân tộc vào hiện đại hóa bằng cái hợp lý của khoa học chứ không bằng áp lực của chuyên chế”, GS Tạ Trọng Hiệp nói.
Hoàng Xuân Hãn (1908 – 1996), giáo sư toán học, kỹ sư, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục Việt Nam, người soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1928, Hoàng Xuân Hãn đỗ thủ khoa kỳ thi tú tài toàn phần và được nhận học bổng của chính phủ Đông Dương sang Pháp học dự bị để thi vào các trường lớn. Sang Pháp, ông lần lượt thi đỗ vào các trường lớn (grande école) tại Pháp như Trường Sư phạm, Trường Bách khoa và Trường Cầu đường Paris. Trở về nước năm 1934, ông từ chối nhập quốc tịch Pháp để có thể trở thành một quan chức nhỏ rồi quay lại Pháp tiếp tục việc học (ông đậu cử nhân toán năm 1935 và thạc sĩ toán 1936 tại Khoa Toán Trường đại học Sorbonne). Năm 1936, ông trở về dạy Trường Bưởi. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, bị kẹt trong lòng Hà Nội, gia đình giáo sư trở thành cơ sở nội thành của kháng chiến. Sau đó, năm 1950, ông cùng gia đình sang Pháp. Ông mất ngày 10.3.1996 tại Paris (Pháp). Ông có công trình lớn cả trong khoa học tự nhiên lẫn xã hội. Các tác phẩm lớn của ông: Danh từ khoa học, Lịch và lịch Việt Nam, Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tôn giáo triều Lý, La Sơn Phu Tử, Chinh phụ ngâm bị khảo, Nghiên cứu về Kiều, Thiên tình sử Hồ Xuân Hương, Thi văn Việt Nam… cùng nhiều công trình nghiên cứu, biên tập, chú thích các tác phẩm văn cổ như: Đại Nam quốc sử diễn ca (Lê Ngô Cát), Mai Đình mộng ký (Nguyễn Huy Hổ), Văn tế thập loại chúng sinh (Nguyễn Du)… Theo nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn, ông là đại diện một thế hệ trí thức tân học Việt Nam xuất phát điểm đi theo khoa học tự nhiên nhưng vốn văn hóa truyền thống lẫn vốn Tây học đều phong phú, uyên bác. Năm 2000, GS Hoàng Xuân Hãn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn. Tháng 8.2011, Trường đại học Ponts et Chaussées (Trường Cầu đường Paris), một trong những đại học uy tín hàng đầu của Pháp đã đặt tên Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho một giảng đường đại học. Trước đó, nhân kỷ niệm 100 năm truyền thống Trường Cầu đường Paris, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được vinh danh là một trong 100 sinh viên tiêu biểu nhất trong lịch sử của trường.
|
Quỳnh An – Trinh Nguyễn