Hà Nội còn ngập 10 ngày nữa
Mưa đã tạnh nhiều giờ, 20 máy bơm với công suất 90 m3/giây của Trạm bơm Yên Sở hoạt động liên tục không ngừng nghỉ, tuy nhiên nhiều khu vực ở Hà Nội vẫn ngập sâu trong nước.
Vẫn là… sông
Cơn mưa rất lớn do ảnh hưởng từ bão số 6 kết thúc lúc 3 giờ sáng 9.8, nhưng tới 12 giờ trưa cùng ngày, nhiều khu vực ở Hà Nội vẫn là sông. Như khu vực quanh tòa nhà Keangnam, đường Phạm Hùng, phố Quan Hoa, phố Trần Bình, đường 70, đường Phùng Hưng, khu vực Bệnh viện E… Tại Bệnh viện E, các bệnh nhân xách dép, xắn quần lội bì bõm trong khuôn viên; các bác sĩ, nhân viên bệnh viện phải tự khơi thông cống rãnh để nước thoát, đồng thời đóng các bao cát, chặn trước cửa khoa, phòng để ngăn nước từ sân tràn vào. Một số khu nhà F, E, B, gồm các khoa Khám bệnh, Cấp cứu, Sản bị ngập nặng nhất, nước tràn cả vào phòng bệnh nhân. Tới trưa 9.8, mực nước đo được trong sân Bệnh viện E khoảng 60 cm. Nhiều bệnh nhân đi khám, làm xét nghiệm, vào khu điều trị được người nhà và y bác sĩ đẩy bằng xe cáng băng qua làn nước. Loại xe cáng có bánh này cũng được tận dụng để vận chuyển đồ, trang thiết bị y tế giữa các khoa phòng. Tại tuyến đường 70 đoạn chạy qua khu vực Bệnh viện 103, tới trưa hôm qua nước vẫn ngập sâu trên 1 m. Các dịch vụ tự phát dùng xe cải tiến chở người và xe máy qua đoạn ngập với giá 50.000 đồng (quãng đường ngập dài khoảng 500 m) được dịp làm ăn. Sở GTVT, Công an Q.Hà Đông đã huy động hàng chục lượt xe công vụ để giúp người dân đi lại qua vùng ngập. Mở đập cho nước tràn vào nội thành Ông Nguyễn Thanh Lương, Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở (thuộc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội), cho biết: Bắt đầu từ sáng 7.8, Trạm bơm Yên Sở tổ chức bơm thoát nước trong các hồ chứa xuống mực cốt dự phòng. Tới 15 giờ chiều 8.8, khi trên toàn địa bàn TP.Hà Nội có mưa to, toàn bộ các tổ máy hoạt động tối đa công suất liên tục. Tuy nhiên sau nhiều giờ bơm, mực nước tại 9 quận nội đô vẫn liên tục dâng cao. Tới 21 giờ cùng ngày, mực nước mới được giữ mức ổn định. Trạm bơm Yên Sở được thiết kế với 20 tổ máy với công suất đạt 90 m3/giây (tương đương hơn 7 triệu m3/ngày đêm) để hút nước từ các sông Lừ, Sét, Tô Lịch, Kim Ngưu và các kênh hồ, sau đó xả ra sông Hồng. Ông Lương cho rằng, ảnh hưởng từ cơn bão số 6 khiến nước dâng cao tại nhiều khu vực, xấp xỉ với trận ngập lịch sử năm 2008. Bằng chứng là tới 14 giờ ngày 9.8, mực nước đo được trên sông Nhuệ lên tới 5,7 m. “Thông thường nước ở sông Nhuệ được thoát, chuyển vào vùng nội đồng của khu vực H.Duy Tiên, tỉnh Hà Nam qua Trạm bơm Yên Lệnh, sau đó mới đổ ra sông Hồng. Nhưng ở thời điểm này mực nước dâng quá cao. Nếu không cho mở cửa đập thoát về Trạm bơm Yên Sở thì rất dễ xảy ra tình trạng tràn đê, hoặc vỡ đê”, ông Lương nói.
Còn trước đó từ chiều 8.8, một loạt các hồ tích nước trong nội thành như Đống Đa, Thành Công, Giảng Võ, Hoàn Kiếm… đã bị tràn bờ. “Với lượng mưa lớn do ảnh hưởng từ cơn bão số 6, Trạm bơm Yên Sở tiếp tục phải hoạt động với công suất lớn trong vòng khoảng 10 ngày nữa thì nước mới tiêu thoát được hết”, ông Lương dự báo. Đường không cống, ao hồ bị chiếm dụng… Theo ông Lương, với thiết kế như hiện nay 20 trạm bơm công suất đạt 90 m3/giây chỉ có thể đáp ứng chống ngập cho TP.Hà Nội khi xảy ra những trận mưa 310 mm/2 ngày đêm. Còn với những trận mưa từ cơn bão số 6, mực nước mà cơ quan chức năng đo được mới chỉ qua 2 đêm, 1 ngày đã là 292 mm. Do vậy tình trạng xảy ra ngập cục bộ là điều khó tránh khỏi. Nhiều khu vực ngập cũng một phần là do hệ thống thoát nước chưa được đồng bộ. Nhiều khu vực đường ống, cống thoát nước trên địa bàn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm được làm từ thời Pháp thuộc. Đó là chưa kể ở các tuyến phố, tuyến đường đã thi công xong nhưng hoàn toàn không có hệ thống thoát nước. Điển hình như tuyến đường Nguyễn Xiển, chỉ cần một trận mưa trung bình là gần như cả tuyến đường đã bì bõm nước. Ngoài ra, một loạt các ao, hồ vốn dùng để tích nước, gần đây cũng bị chiếm dụng, hoặc lấp hẳn.
Ông Lương cho rằng, Hà Nội cần có thêm 2 trạm bơm với công suất cỡ như Yên Sở thì mới tạm ổn. “Nếu được, cơ quan chức năng cho phép cải tạo, nâng cấp từ trạm bơm thủy lợi Đông Mỹ thành trạm bơm điều hòa, tiêu úng như Trạm bơm Yên Sở. Kế đến là xây mới một trạm bơm khác ở khu vực Yên Nghĩa thuộc Q.Hà Đông. Và nước ở khu vực này được thoát ra sông Đáy”, ông Lương nói.
|