05/01/2025

Bài nói chuyện của ĐGH Phanxicô với Hàng Giám mục Châu Mỹ Latinh

Lúc 16 giờ chiều Chúa Nhật 28-7-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các Giám mục, trong đó có 45 vị thuộc Uỷ ban Điều hành Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh và vùng Caribê. Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha với các Giám mục đã là diễn văn dài nhất của ngài kể từ khi lên giữ chức vụ chức Giám mục Roma kiêm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ.

 Bài nói chuyện của ĐGH Phanxicô với Hàng Giám mục Châu Mỹ Latinh

 

 

Lúc 16 giờ chiều Chúa Nhật 28-7-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các Giám mục, trong đó có 45 vị thuộc Uỷ ban Điều hành Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh và vùng Caribê.

Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha với các Giám mục đã là diễn văn dài nhất của ngài kể từ khi lên giữ chức vụ chức Giám mục Roma kiêm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ.

Trong diễn văn Đức Thánh Cha đã tóm tắt một vài đặc thái của Hội nghị Aparecida triệu tập năm 2007 về đề tài truyền giáo cho châu Mỹ Latinh với 2 chiều kích chương trình và mô thức thực hiện cụ thể tại các Giáo hội địa phương. Ý thức về một Giáo Hội được tổ chức để phục vụ tất cả mọi tín hữu và những người thiện chí. Trong số các thách đố ơn gọi tông đồ thừa sai có việc canh tân nội bộ Giáo Hội và đối thoại với thế giới hiện nay.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đề cập tới vài cám dỗ chống lại ơn gọi tông đồ thừa sai khiến cho Giáo Hội đánh mất đi căn tính đích thực của mình và trở thành một thực thể khác, nhưng không phải là Giáo Hội của Chúa Kitô. Tiếp tục diễn văn nói với Hàng Giám mục châu Mỹ Latinh, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại một vài tiêu chuẩn Giáo Hội học, giúp hiện thực ơn gọi tông đồ thừa sai trong bối cảnh của châu Mỹ Latinh hiện nay.

Sau đây là nội dung phần đầu bài diễn văn quan trọng này.

Mở đầu bài nói chuyện, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Tôi cảm tạ Chúa về cơ may có thể nói chuyện với anh em, chư huynh Giám mục, đặc trách Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh (CELAM) trong nhiệm kỳ 2011-2015. Từ 57 năm qua, tổ chức CELAM phục vụ 22 Hội đồng Giám mục của Mỹ châu Latinh và vùng Caribê bằng sự cộng tác một cách liên đới và phụ đới để thăng tiến, kích thích và làm năng động tính cách giám mục đoàn và sự hiệp thông giữa các Giáo Hội của Vùng này với các Chủ Chăn của nó.

Cũng như anh em, tôi là chứng nhân của sức thúc đẩy mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần trong Hội nghị khoáng đại lần thứ V của Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh tại Aparecida hồi tháng 5-2007. Hội nghị này tiếp tục linh hoạt các công việc của tổ chức CELAM đối với sự mong ước canh tân của các Giáo Hội riêng rẽ. Việc canh tân đó đã được tiến hành trong nhiều Giáo Hội địa phương. Tôi ước mong tập trung buổi nói chuyện này vào gia tài của cuộc gặp gỡ huynh đệ mà chúng ta tất cả đã coi như là sứ mệnh truyền giáo đại lục.

Tiếp tục diễn văn, Đức Thánh Cha đã ghi nhận vài đặc thái của Hội nghị Aparecida và nói: có 4 đặc thái riêng của Hội nghị lần thứ V này. Chúng như 4 cột trụ của việc phát triển của Hội nghị Aparecida và chúng trao ban cho nó sự độc đáo.

Đặc thái thứ nhất là Hội nghị bắt đầu mà không có tài liệu. Tại các Hội nghị Medellin, Puebla và Santo Domingo, các công việc đã bắt đầu với một lộ trình chuẩn bị đạt tột đỉnh với một loạt tài liệu làm việc giúp khai triển việc thảo luận, suy tư và chấp thuận tài liệu chung kết. Trái lại, Hội nghị Aparecida đã thăng tiến việc tham dự của các Giáo Hội địa phương như lộ trình chuẩn bị đạt tột đỉnh trong một tài liệu tổng kết. Tài liệu này tuy được dùng như điểm tham chiếu trong Hội nghị lần thứ V, nhưng đã không được coi như tài liệu khởi hành. Công việc khởi đầu bao gồm việc góp chung các ưu tư của các chủ chăn trước sự thay đổi của thời đại và việc cần thiết phục hồi cuộc sống tông đồ và truyền giáo mới là mục đích mà Chúa Kitô đã thành lập Giáo Hội.

Đặc thái thứ hai là môi trường cầu nguyện với Dân Chúa. Thật quan trọng nhắc tới bầu khí cầu nguyện được tạo ra bởi việc chia sẻ Thánh Thể hằng ngày và các lúc cử hành phụng vụ khác, trong đó chúng ta đã luôn luôn được Dân Thiên Chúa đồng hành. Đàng khác, bởi sự kiện các công việc được tiến hành dưới hầm Đền Thờ, “nhạc hoạt động” đệm cho các công việc đó là các thánh ca và lời cầu của tín hữu.

Đặc thái thứ ba là tài liệu kéo dài trong sự dấn thân, với sứ mệnh truyền giáo đại lục. Trong bầu khí cầu nguyện và đời sống đức tin đó nảy sinh ước muốn của một Lễ Hiện Xuống mới cho Giáo Hội và dấn thân truyền giáo đại lục. Hội nghị Aparecida không kết thúc với một tài liệu, mà kéo dài trong việc truyền giáo đại lục.

Đặc thái thứ tư là sự hiện diện của Đức Bà Mẹ của châu Mỹ Latinh. Đây là Hội nghị đầu tiên của Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh và vùng Caribê được nhóm tại Đền thánh Đức Mẹ.

Nói tiếp trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha trình bày các chiều kích của việc truyền giáo cho lục địa châu Mỹ Latinh. Ngài nói rằng việc truyền giáo lục địa được dự phóng trong hai chiều kích: có chương trình và mô thức thực hành.

Truyền giáo có chương trình, như tên của nó nói lên, bao gồm việc thực hiện các hành động có ấn tích truyền giáo. Việc truyền giáo mô thức thực hành trái lại đòi buộc đặt để các sinh hoạt thông thường của các Giáo Hội địa phương trong chìa khoá truyền giáo. Một cách hiển nhiên, ở đây như là kết quả người ta đưa ra tất cả một năng động cải tổ các cơ cấu Giáo hội. Việc “thay đổi các cơ cấu” (từ tàn lụi sang mới mẻ) không phải là hoa trái của một nghiên cứu về việc tổ chức sự thiết đặt Giáo hội hữu hiệu, từ đó sẽ là một việc tái tổ chức tĩnh, nhưng là kết quả của năng động truyền giáo. Điều khiến cho các cấu trúc hư nát, gãy đổ, điều dẫn đưa tới chỗ thay đổi con tim của các Kitô hữu, chính là tính cách truyền giáo. Từ đó nảy ra tầm quan trọng của mô thức truyền giáo.

Truyền giáo đại lục có chương trình hay như mô thức truyền giáo đòi hỏi việc tạo ra ý thức của một Giáo Hội được tổ chức để phục vụ tất cả mọi người đã được rửa tội và những người thiện chí. Người môn đệ Chúa Kitô không phải là một người bị cô lập trong một nền tu đức duy nội tại, nhưng là một người sống trong cộng đoàn để tự hiến cho tha nhân. Vì thế, truyền giáo đại lục bao hàm việc thuộc về Giáo Hội.

Một định hướng như thế này, bắt đầu với việc là môn đệ truyền giáo và kéo theo việc hiểu biết căn tính của Kitô hữu như là thuộc về Giáo Hội, đòi hỏi chúng ta phải nêu rõ đâu là các thách đố hiện nay của tính cách truyền giáo của việc làm môn đệ. Tôi sẽ chỉ minh nhiên hai thách đố thôi: việc canh tân nội bộ Giáo Hội và đối thoại với thế giới hiện nay.

Đại hội Aparecida đã đề nghị việc hoán cải mục vụ như là điều cần thiết. Sự hoán cải này bao gồm việc tin vào Tin Mừng, tin nơi Chúa Giêsu Kitô Đấng đem Nước Thiên Chúa đến, tin nơi sự hoà nhập của Ngài vào lòng thế giới, tin nơi chiến thắng của Ngài trên sự dữ, tin nơi sự trợ giúp và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, tin nơi Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô và là tổ chức kéo dài năng động của sự Nhập Thể.

Trong ý nghĩa đó như là các Chủ Chăn chúng ta cần đặt ra các câu hỏi quy hướng về các Giáo Hội mà chúng ta chủ trì. Các câu hỏi này dùng như hướng dẫn giúp duyệt xét tình trạng của các giáo phận trong việc tiếp nhận tinh thần của Hội nghị Aparecida và là các câu hỏi thich hợp chúng ta phải thường xuyên đặt ra như là việc xét mình.

Thứ nhất, chúng ta có làm sao để cho công việc của chúng ta và của các linh mục của chúng ta có tính cách mục vụ hơn là quản trị không? Ai là người chính yếu được thừa hưởng cộng việc của Giáo Hội. Giáo Hội như là tổ chức hay Dân của Thiên Chúa trong tổng thể của nó?

Thứ hai, chúng ta có vượt thắng được cám dỗ chú ý một cách phản ứng tới các vấn đề phức tạp nảy sinh ra hay không? Chúng ta có tạo ra một thói quen phò tích cực hay không? Chúng ta có thăng tiến các không gian và cơ hội giúp biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa không? Chúng ta có ý thức được trách nhiệm phải duyệt xét lại các sinh hoạt mục vụ và hoạt động của các cơ cấu Giáo Hội, bằng cách tìm thiện ích của tín hữu và của xã hội không?

Thứ ba, trong thực hành, chúng ta có làm cho tín hữu giáo dân trở thành những người tham dự vào sứ mệnh truyền giáo không? Chúng ta có cống hiến Lời Chúa và các Bí tích với lương tâm trong sáng và xác tín rằng Chúa Thánh Thần biểu lộ trong đó không?

Thứ tư, việc phân định mục vụ bằng cách sử dụng các hội đồng mục vụ giáo phận có là một tiêu chuẩn quen thuộc hay không? Các hội đồng ấy, và các hội đồng mục vụ và hội đồng kinh tế giáo xứ có là các khoảng không đích thực cho việc tham dự của giáo dân vào việc cố vấn, tổ chức và lên chương trình mục vụ hay không? Hoạt động tốt của các hội đồng là điều định đoạt. Tôi tin rằng chúng ta đang rất chậm trễ trong lãnh vực này.

Thứ năm, chúng ta là các chủ chăn, giám mục và linh mục, chúng ta có ý thức và xác tín về sứ mệnh của giáo dân và để cho họ được tự do để họ phân định sứ mệnh mà Chúa trao phó cho họ, một cách phù hợp với con đường môn đệ của họ hay không? Chúng ta có yểm trợ họ và đồng hành với họ, bằng cách thắng vượt bất cứ cám dỗ lèo lái họ hay bắt họ tùng phục trái phép không? Chúng ta có luôn luôn cởi mở để cho mình được mời gọi trong việc tìm kiếm thiện ích của Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới không?

Thứ sáu, các nhân viên mục vụ và các tín hữu nói chung có cảm thấy họ là thành phần của Giáo Hội, có tự đồng hoá với Giáo Hội và đem Giáo Hội tới gần với các người đã được rửa tội nhưng sống xa Giáo Hội không?

Như chúng ta có thể hiểu ở đây liên quan tới các thái độ. Việc hoán cải mục vụ một cách chính yếu liên quan tới các thái độ và việc cải tổ cuộc sống. Một sự thay đổi thái độ là năng động cần thiết: “Nước vào tiền đình” và chỉ có thể khơi rãnh cho nó bằng cách đồng hành với nó và phân định. Thật là quan trọng phải luôn chú ý rằng để khỏi đi lạc trên con đường này địa bàn là căn tính Công giáo được hiểu như là thuộc về Giáo Hội.

Thách đố thứ hai là đối thoại với thế giới hiện nay. Cần phải nhớ các lời của Công đồng Vatican II: các niềm vui và các hy vọng, các nỗi buồn và các âu lo của con người thời nay, nhất là của các người nghèo và những ai đau khổ, cũng là các niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và âu lo của các môn đệ Chúa Kitô (GS, 1). Chính đây là nền tảng cuộc đối thoại với thế giới hiện nay.

Câu trả lời cho các vấn nạn hiện sinh của con người ngày nay, đặc biệt của các thế hệ mới, bằng cách chú ý tới ngôn ngữ của họ, bao gồm một sự thay đổi phong phú, cần bước đi với sự trợ giúp của Tin Mừng, của Huấn Quyền và Học thuyết Xã hội của Hội Thánh. Các quang cảnh và các nơi rao giảng rất khác nhau. Chẳng hạn, trong cùng một thành phố, có các hình dáng tập thể khác nhau quy định hình dáng “các thành phố khác nhau”. Nếu chúng ta chỉ ở lại trong các mẫu mực của “nền văn hoá xưa kia”, nói cho cùng một nền văn hoá của nền tảng đồng quê, kết quả sẽ là việc huỷ bỏ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa ở trong tất cả mọi phía: cần phải biết khám phá ra Ngài để có thể loan báo Ngài trong tiếng nói của mọi nền văn hoá; và mỗi một thực tại, mỗi một ngôn ngữ đều có tiết nhịp khác nhau.

Trong phần hai bài nói chuyện với Hàng Giám mục châu Mỹ Latinh, Đức Thánh Cha Phanxicô trình bày vài cám dỗ chống lại ơn gọi tông đồ thừa sai và đề ra một vài tiêu chuẩn Giáo Hội học giúp thực thi ơn gọi đó.

Đức Thánh Cha nói: Việc chọn lựa cuộc sống môn đệ thừa sai sẽ bị cám dỗ. Vì thế, thật quan trọng phải hiểu biết chiến thuật tinh thần gian ác để có thể phân định. Đây không phải là việc đi ra để xua đuổi quỷ dữ, nhưng chỉ là sự sáng suốt và khôn lanh theo tinh thần Tin Mừng mà thôi. Tôi chỉ xin nêu lên một vài thái độ diễn tả gương mặt của một Giáo Hội bị “cám dỗ”. Đây là việc hiểu biết vài đề nghị nào đó hiện nay có thể giảm thiểu năng động của tông đồ thừa sai, khiến cho tiến trình hoán cải mục vụ dừng lại hay thất bại.

Cám dỗ thứ nhất là ý thức hệ hoá sứ điệp Tin Mừng. Đây là một cám dỗ mà Giáo Hội đã có ngay từ đầu: tìm một giải thích thực dụng Tin Mừng vượt ngoài chính sứ điệp của Tin Mừng và Giáo Hội. Một thí dụ, Hội nghị Aparecida trong một lúc nào đó đã đau khổ vì cám dỗ này dưới hình thức của sự “khử trùng”. Người ta dùng phương pháp “nhìn xem, phán đoán, hành động”. Cám đỗ nằm ở chỗ lựa chọn một “nhìn xem” hoàn toàn lạnh lùng, một “nhìn xem” trung lập, là điều không thể nào thực hiện được. Việc nhìn xem luôn luôn bị ảnh hưởng bởi cái nhìn. Không có việc giải thích thực dụng lạnh lùng. Khi đó câu hỏi nêu lên là chúng ta đi xem thực tại với cái nhìn nào? Hội nghị Aparecida trả lời: Với cái nhìn của người môn đệ. Các số từ 20 tới 31 của tài liệu được hiểu theo nghĩa này. Có các cách ý thức hệ hoá sứ điệp khác và hiện nay xuất hiện tại châu Mỹ Latinh và quần đảo Caribê các đề nghị thuộc loại này. Sau đây tôi xin nhắc tới vài đề nghị:

Thứ nhất, chủ thuyết giản lược xã hội hoá. Đây là ý thức hệ hoá dễ khám phá ra. Trong vài thời điểm nó đã rất mạnh. Nó là một yêu sách giải thích dựa trên một kiểu giải thích của các khoa học xã hội, và bao gồm các lĩnh vực khác nhau: từ chủ thuyết thị trường tự do cho tới các loại phạm trù hoá mác xít.

Thứ hai, việc ý thức hệ hoá tâm lý. Đây là một giải thích ưu việt, nói cho cùng nó giản lược việc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, và sự phát triển cuối cùng của nó thành một năng động của việc tự hiểu biết mình. Người ta thường cống hiến nó trong các khoá tu đức, các cuộc tĩnh tâm… Và kết cục nó trở thành một thái độ tự tại quy chiếu về mình. Nó không biết gì tới siêu việt, và vì thế không biết gì tới truyền giáo.

Thứ ba là đề nghị ngộ đạo khá gắn bó với cám dỗ kể trên. Nó thường được gặp trong các nhóm ưu việt với một đề nghị tu đức cao hơn, không nhập thể, và kết thúc bằng các thái độ mục vụ của loại “các vấn nạn của việc thảo luận”. Đó đã là sự lệch lạc đầu tiên của cộng đoàn Kitô tiên khởi, và nó tái xuất hiện trong dòng lịch sử Giáo Hội, với các ấn bản được duyệt lại và sửa chữa. Một cách tầm thường người ta gọi họ là “các tín hữu Công giáo được soi sáng” (để hiện nay là những kẻ thừa tự của nền văn hoá duy quang luận).

Thứ tư là đề nghị của Pelagio. Nó xuất hiện một cách nền tảng dưới hình thức tái thiết. Trước các bệnh của Giáo Hội, người ta chỉ tìm một giải pháp kỷ luật, trong việc tái lập các thái độ và hình thức đã lỗi thời và cũng không có khả năng có ý nghĩa trên bình diện văn hoá. Tại châu Mỹ Latinh, nó được hiện thực trong các nhóm nhỏ, trong một vài dòng tu, trong các khuynh hướng “an ninh giáo thuyết hay kỷ luật”. Một cách nền tảng nó ở trong thế tĩnh, mặc dù có thể tái hứa hẹn một năng động vào bên trong biến đổi. Nó tìm “thu hồi” quá khứ đã mất.

Cám dỗ thứ hai là chủ trương hữu hiệu. Hoạt động của nó trong Giáo Hội gây tê liệt. Hơn là với thực tại của đường đi, nó hứng khởi với “bảng chỉ đường”. Quan niệm duy hữu hiệu không nhân nhượng mầu nhiệm, nó nhắm sự hữu hiệu. Nó giản lược thực tại của Giáo Hội vào cấu trúc của một tổ chức phi chính phủ. Điều có giá trị là kết quả có thể nhận thấy được và các thống kê. Từ đó, người ta đi tới tất cả các kiểu doanh nghiệp của Giáo Hội. Nó làm thành một loại “thần học của sự phồn thịnh” trong khía cạnh tổ chức mục vụ.

Cám dỗ thứ ba là chủ thuyết duy giáo sĩ, nó cũng là một cám dỗ rất thời sự tại châu Mỹ Latinh. Một cách kỳ lạ là trong đa số các trường hợp đây là một sự đồng loã tội lỗi: cha sở giáo sĩ hoá giáo dân và giáo dân xin cha sở giáo sĩ hóa mình, bởi vì nói cho cùng thì tiện lợi hơn cho họ. Hiện tượng của khuynh hướng giáo sĩ giải thích phần lớn sự thiếu trưởng thành và sự tự do Kitô nơi một phần giáo dân châu Mỹ Latinh. Hoặc là không lớn lên, đó là trường hợp của đa số, hoặc là ru rú dưới các lớp áo của các ý thức hệ hoá như đã thấy, hay có các dáng bề ngoài một phần và hạn chế. Trong các vùng đất của chúng ta có một hình thức tự do giáo dân qua các kinh nghiệm của dân chúng: tín hữu Công giáo như là dân chúng. Ở đây người ta thấy có một sự độc lập lớn hơn, nói chung lành mạnh, được diễn tả ra một cách nền tảng trong lòng đạo đức bình dận. Chương nói về lòng đạo đức bình dân trong tài liệu Aparecida miêu tả chiều kích này môt cách sâu xa. Đề nghị của các nhóm Kinh Thánh, của các cộng đoàn Giáo hội cơ bản, và của các hội đồng mục vụ đi theo hướng vượt thắng chủ thuyết duy giáo sĩ, và làm cho trách nhiệm của giáo dân lớn lên.

Chúng ta có thể tiếp tục miêu tả vài cám dỗ khác chống lại tông đồ truyền giáo nhưng tôi tin rằng các cám đỗ trên đây là các cám dỗ quan trọng nhất và trong lúc này có sức mạnh lớn hơn tại châu Mỹ Latinh và quần đảo Caribê.

Trong phần sau cùng của diễn văn, Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị vài tiêu chuẩn có tính cách Giáo Hội học.

Thứ nhất, việc làm môn đệ thừa sai, mà tài liệu Aparecida đề nghị với các Giáo Hội châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, là con đường mà Thiên Chúa muốn cho ngày “hôm nay”. Tất cả dự phóng ảo tưởng (về tương lai) hay việc tái lập (quá khứ) không phải là tinh thần tốt. Thiên Chúa thực tại và biểu lộ ra trong ngày “hôm nay”. Hướng về quá khứ, sự hiện diện của Ngài được ban cho chúng ta như “ký ức” của công trình cứu chuộc vĩ đại trong dân Ngài cũng như nơi mỗi một người trong chúng ta; hướng về tương lai nó được ban cho chúng ta như “lời hứa” và niềm hy vọng. Trong qúa khứ, Thiên Chúa đã hiện diện và để lại bước chân của Người: ký ức giúp chúng ta gặp gỡ Người. Trong tương lai nó chỉ là lời hứa… và không ở trong một ngàn lẻ một “các điều có thể trong tương lai”. Ngày “hôm nay” là giống với đời đời nhất; còn hơn thế nữa, ngày “hôm nay” là “tia sáng của vĩnh cửu”. Trong “hôm nay”, người ta định đoạt cuộc sống vĩnh cửu.

Việc làm môn đệ thừa sai là ơn gọi: được gọi và được sai đi. Nó được ban cho ngày “hôm nay” nhưng trong sự “hướng tới”. Không có việc làm môn đệ thừa sai tĩnh một chỗ. Người môn đệ thừa sai không thể chiếm hữu chính mình, cái tự tại của họ hướng tới sự siêu việt của môn đệ thừa sai và sự siêu việt của sứ mệnh đó không chấp nhập việc tự quy chiếu về chính mình: hoặc là họ quy chiếu về Chúa Giêsu Kitô, hoặc họ quy chiếu người dân mà họ phải loan báo Tin Mừng cho. Chủ thể tự siêu việt. Chủ thể dự phóng về cuộc gặp gỡ: cuộc gặp gỡ với Thầy Giêsu, là Đấng được xức dầu, biến chúng ta thành môn đệ, và cuộc gặp gỡ với những người chờ đợi việc loan báo.

Chính vì thế, tôi thích nói rắng thế đứng của người môn đệ thừa sai không phải là một thế đứng trung tâm, nhưng ở ngoại ô: họ sống hướng về các vùng ngoại ô… bao gồm cả các vùng ngoại ô của sự vĩnh cửu trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Trong việc loan báo Tin Mừng, nói về các “vùng ngoại ô của cuộc sống” là phân tâm, và chúng ta thường sợ hãi ra khỏi trung tâm. Ngài môn đệ thừa sai được mời gọi đi tới các vùng ngoại ô của cuộc sống.

Tiêu chuẩn Giáo Hội học thứ hai. Giáo Hội là cơ cấu, nhưng khi Giáo Hội đứng lên ở trung tâm, thì nó hoạt động và từ từ biến thành một tổ chức phi chính quyền. Khi đó Giáo Hội yêu sách có ánh sáng riêng của mình, và thôi là “mầu nhiệm của mặt trăng” như các Giáo phụ nói với chúng ta. Càng ngày Giáo Hội càng tự lấy mình làm điểm quy chiếu, và sự cần thiết truyền giáo yếu kém đi. Từ “cơ cấu” Giáo Hội biến thành “công trình”. Giáo Hội thôi là Hiền Thê để sau cùng là Người quản trị, từ Nữ tỳ biến thành “Người kiểm soát”. Hội nghị Aparecida muốn có một Giáo Hội Hiền Thê, Mẹ, Nữ tỳ, người tạo dễ dàng cho đức tin, chứ không phải người kiểm soát đức tin.

Tiêu chuẩn Giáo Hội học thứ ba. Tại Aparecida, chúng ta đã chú ý đến 2 phạm trù mục vụ phát xuất một cách độc đáo từ Tin Mừng, và cũng có thể được dùng như tiêu chuẩn giúp lượng định giá trị kiểu cách, trong đó chúng ta sống ơn gọi môn đệ thừa sai một cách Giáo hội: đó là sự gần gũi và việc gặp gỡ.

Không có điều nào mới cả, nhưng chúng làm thành mô thức trong đó Thiên Chúa đã tự mặc khải trong lịch sử. Đó là vì “Thiên Chúa gần gũi” dân Người, sự gần gũi đạt tột đỉnh với việc nhập thể. Đó là vì Thiên Chúa đi ra để gặp gỡ dân Người. Bên châu Mỹ Latinh và vùng Caribê có các mục vụ “xa cách”, mục vụ kỷ luật, dành ưu tiên cho các nguyên tắc, các thái độ, các tiến trình tổ chức… hiển nhiên là không gần gũi, không dịu hiền, không vuốt ve. Người ta không biết tới cuộc “cách mạng của sự hiền dịu” khơi dậy sự nhập thể của Ngôi Lời. Có các mục vụ áp đặt với một độ xa cách tới nỗi không có khả năng đưa tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, và với người anh em. Từ loại mục vụ này cùng lắm chỉ có thể chờ đợi một chiều kích chiêu dụ tín đồ, nhưng chúng không bao giờ đưa tới chỗ đạt được việc tháp nhập vào Giáo Hội cũng như thuộc về Giáo Hội. Sự gần gũi chiếm hữu được hình thái đối thoại, và tạo ra một nền văn hoá gặp gỡ. Bài giảng là một viên đá so sánh giúp điều chỉnh sự gần gũi và khả năng gặp gỡ của một mục vụ. Các bài giảng như thế nào? Chúng đưa chúng ta tới gần gương mẫu của Chúa chúng ta, là Đấng “nói như ngươi có uy tín”, hay chúng chỉ là giáo điều, xa vắng và trừu tượng?

Tiêu chuẩn Gáo Hội học thứ tư là giám mục, người hướng dẫn mục vụ, hướng dẫn Sứ mệnh đại lục, có chương trình cũng như là mô thức. Vị giám mục phải hướng dẫn thì khác với việc ngồi chễm chệ như ông chủ. Ngoài việc nhấn mạnh các gương mặt vĩ đại của Hàng Giám mục châu Mỹ Latinh mà chúng ta tất cả đều biết, tôi ước muốn thêm ở đây vài đường nét liên quan tới chân dung của vị giám mục, mà tôi đã trình bày với các vị Sứ thần trong cuộc họp chúng tôi đã có tại Roma.

Các giám mục phải là các mục tử, gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với nhiều hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm như sự tự do trước mặt Chúa, cũng như sự khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ của cuộc sống. Là những người không có “tâm lý của các ông hoàng”. Là những người không tham vọng và là các phu quân của một Giáo Hội chứ không đợi chờ một Giáo Hội khác. Là những người có khả năng thức tỉnh trên đoàn chiên đã được giao phó, và săn sóc tất cả những gì duy trì doàn chiên hiệp nhất: canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe doạ nó, nhưng nhất là làm cho niềm hy vọng lớn lên: ước gì các mục tử ấy có mặt trời và ánh sáng trong tim. Là những người có khả năng nâng đỡ các bước đi của Thiên Chúa nơi dân Người với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn. Và có 3 chỗ của giám mục ở với dân mình: hoặc là ở đàng trườc để chỉ đường, hay ở giữa để duy trì đoàn chiên hiệp nhất và trung lập hoá các tán loạn, hoặc ở đàng sau để tránh cho ai đó ở lại đàng sau, nhưng cũng một cách nền tảng, để cho chính đoàn chiên đánh hơi hầu tìm ra các con đường mới.

Tôi không muốn nói nhiều hơn đến các chi tiết sau cùng về con người của vị giám mục, nhưng chỉ xin thêm một cách đơn sơ, bao gồm cả tôi nữa trong khẳng định này: là chúng ta hơi chậm trễ trong những gì quy chiếu về sự hoán cải mục vụ. Thật thích hợp là chúng ta giúp nhau nhiều hơn một chút để làm các bước đi mà Chúa muốn cho chúng ta trong ngày “hôm nay” này của châu Mỹ Latinh và vùng Caribê. Và thật tốt là bắt đầu từ đây.

Tôi xin cám ơn anh em đã kiên nhẫn lắng nghe tôi. Xin tha lỗi cho diễn văn vô trật tự của tôi, và tôi xin anh em, chúng ta hãy nghiêm chỉnh ý thức về ơn gọi của chúng ta là phục vụ Dân thánh trung thành của Thiên Chúa, vì chính ở đây chúng ta thực thi và cho thấy quyền bính: trong khả năng phục vụ. Xin cám ơn anh em.

(SD 28-7-2013)