22/12/2024

ĐỐI THOẠI GIỮA NHỮNG NGƯỜI ĐIẾC

Chiều ngày 14-8-2013, sau gần 3 năm không nói chuyện với nhau, phái đoàn của nhà nước Israel và phái đoàn của chính quyền Palestine đã lại ngồi vào bàn thương thuyết hoà bình tại khách sạn Vua Đavít ở Giêrsalem.

 ĐỐI THOẠI GIỮA NHỮNG NGƯỜI ĐIẾC 

 
Chiều ngày 14-8-2013, sau gần 3 năm không nói chuyện với nhau, phái đoàn của nhà nước Israel và phái đoàn của chính quyền Palestine đã lại ngồi vào bàn thương thuyết hoà bình tại khách sạn Vua Đavít ở Giêrsalem. Hiện diện tại bàn thương thuyết phía Israel có bà Tzipi Livni, Bộ trưởng Tư pháp, và ông Yitzak Molcho, đặc sứ của Thủ tướng Benyamin Netanyahu. Phía Palestine có ông Saeb Erekat thuộc Lực lượng Giải phóng Palestine, ông Mohammed Shtayyeh thuộc Lực lượng Fatah, và phía Hoa Kỳ trong vai điều hợp có ông Martin Indik, đặc sứ của Ngoại trưởng John Kerry.

Hôm trước đó, theo yêu cầu của phía Palestine, chính quyền Israel đã trả tự do cho 26 trên 104 tù nhân chính trị. Họ đã được tiếp đón như những người hùng tại Ramallah và trong dải Gaza, trước sự phẫn nộ của những gia đình người Israel có thân nhân bị thiệt mạng trong các vụ khủng bố của những tù nhân Palestin này. 

Trong cùng ngày, Toà Thị chính Giêrusalem đã chấp thuận việc xây thêm 942 căn nhà mới tại Ghilo ở mạn tây Giêrusalem, cộng thêm 1.200 căn, do chính Thủ tướng Netanyahu ký giấy phép ngày 11-8-2013 trong vùng Cisgiordania, trên đất của người Palestine, khiến cho phía Palestine phẫn nộ.

Trên bàn thương thuyết của hai bên là các vấn đề nóng bỏng như: các biên giới của quốc gia Palestine tương lai, các làng mạc người Do Thái xây trên đất của người Palestine trong vùng Cisgiordania, quyền hồi hương của hàng triệu người Palestine tị nạn trong các nước láng giềng, vấn đề của thành Giêrusalem, mà cả hai bên đều muốn coi là thủ đô của mình. Ít giờ trước khi cuộc thương thuyết bắt đầu, đã có các căng thẳng, vì phía chính quyền Palestine tố cáo phía Israel đã cho xây thêm 3.000 căn nhà trên đất của người Palestine từ đầu tháng 7 tới nay.

Tất cả các vấn đề kể trên đã là các nút thắt giằng co giữa hai bên từ 22 năm qua, khiến cho tất cả 13 cuộc thương thuyết trước đó đều thất bại, bắt đầu từ cuộc thương thuyết đầu tiên triệu tập tại Madrid ngày mồng 1 tháng 11 năm 1991. Tiếp đến là tại Oslo năm 1993, Cairo năm 1994, Camp David năm 2000, Taba năm 2001, Aqaba năm 2003, Sharm el-Sheikh năm 2005, Annapolis năm 2007, Gaza năm 2008, Washington năm 2010, tại nhiều thành phố khác nhau năm 2011, 2012 và từ tháng 4 tới nay 2013.

Ngày 17 tháng 7, Ngoại trưởng John Kerry loan báo hai bên sẽ tái nhóm, và hai phái đoàn đã gặp nhau sơ khởi tại Washington trong 2 ngày 29 và 30-7 trước khi chính thức tái mở cuộc thương thuyết tại khách sạn Vua David ở Giêrusalem.

Ông Ban Ki Moon, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, đã khích lệ hai phía Palestine và Israel “kiên nhẫn” trong các cuộc thương thuyết hoà bình, và ông thỉnh cầu cả hai bện làm tất cả những gì có thể, để có các bước tiến cần thiết hầu đi tới thành công, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Ông bảo đảm với hai phe thương thảo sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc đối với cuộc đối thoại mới này, nhằm mục đích đạt một nền hoà bình lâu bền và dựa trên giải pháp hai quốc gia độc lập có chủ quyền thừa nhận lẫn nhau. Ông Ban Ki Moon cũng đã công du một vòng vùng Trung Đông và gặp giới lãnh đạo của cả hai bên.

Về phía mình, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã cầu mong các cuộc thương thuyết kết thúc trong vòng 9 tháng, tức tới tháng 5-2014, và đi tới chỗ thành lập một quốc gia Palestine độc lập, ít nhất là trên nguyên tắc. Ngoại trưởng Kerry cũng thắng thắn phê bình đường lối chính trị xâm lăng đất đai của chính quyền Israel, và cảnh cáo là nó có nguy cơ khiến cho nhà nước Israel trở thành bất hợp pháp trước mắt của cộng đồng quốc tế. Sở dĩ Ngoại trưởng Kerry đã phải dùng đề tài “Israel bất hợp pháp” là vì thủ tướng Netanyahu sợ bị cô lập trên trường quốc tế hơn là sợ bom nguyên tử của Iran.

Nhưng đó chỉ là chuyện phỏng đoán. Thật ra, nút thắt chính là “lập trường ương ngạnh” của cả hai bên đã không bao giờ nhân nhượng nhau, mà chỉ đòi phe bên kia chấp nhận các điều kiện của mình. Cả hai phía đều bị các áp lực rất mạnh cố ý khiến cho cuộc thương thuyết thất bại. Phía Israel có các thành phần không muốn rời bỏ các làng mạc và nhà cửa đã thiết lập trên đất lấn chiếm của người Palestine từ năm 1967 tới nay, và các vùng đất này phải thuộc về quốc gia Palestine.

Với con số hơn 2.000 căn nhà mới được cấp giấy phép xây cất trong 2 tháng qua, cộng thêm 10.000 căn đã được phép trong năm 2012, rồi cộng với hàng chục ngàn căn nhà khác đã xây cất trong 10 năm trước nữa, người ta thấy chính quyền Israel không từ bỏ chính sách xâm lăng đất đai, và luôn luôn đặt phía Palestine và cộng đồng quốc tế trước các sự kiện đã rồi. Ngoài ra, phía Israel cũng không muốn nghe nói đến chuyện hồi hương hàng triệu người Palestine.

Còn phía Palestine, đặc biệt là trong dải Gaza, lực lượng Hamas không muốn có hoà bình với Israel cựu thù và cũng không thừa nhận nước Israel. Tuy yếu thế, nhưng họ vẫn sẵn sàng ăn thua đủ với quân đội Israel. Bằng chứng là trong đêm trước ngày tái khai mở cuộc thương thuyết, họ đã bắn rocket vào vùng Neghev, khiến cho không lực Israel lập tức trả đũa. Tổng thống Mahamoud Abbas của phe Palestine đang phải vất vả đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, trong khi chính quyền của Thủ tướng Netanyahu thì lại phải liên minh với các đảng phái không muốn nghe nói tới quốc gia Palestine độc lập. Bên cạnh đó là bức tường phân cách cao 5 mét chạy dài từ bắc chí nam, vẫn tiếp tục được phía Israel xây cất để ngăn chặn các vụ khủng bố tự sát. Chính các yếu tố tiêu cực này đã khiến cho mười mấy cuộc đàm phán đều thất bại, Và cả lần này nữa người ta cũng có cảm tưởng đang chứng kiến “cuộc đối thoại giữa những người điếc”.