TƯƠNG LAI NÀO CHO THẾ GIỚI, KHI XÃ HỘI ĐÀY ĐOẠ TRẺ THƠ?
Ngày 31-7-2013, tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc đã phát động chiến dịch có khẩu hiệu là “Chấm dứt bạo lực chống lại trẻ em”. Mục đích của chiến dịch là gây ý thức nơi mọi người dân, đặc biệt là giới luật pháp và các chính quyền liên quan tới tệ nạn bạo hành trẻ em. Thống kê của tổ chức UNICEF cho biết hiện nay trên thế giới có 223 triệu trẻ em là nạn nhân của các lạm dụng.
TƯƠNG LAI NÀO CHO THẾ GIỚI, KHI XÃ HỘI ĐÀY ĐOẠ TRẺ THƠ?
Ngày 31-7-2013, tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc đã phát động chiến dịch có khẩu hiệu là “Chấm dứt bạo lực chống lại trẻ em”. Mục đích của chiến dịch là gây ý thức nơi mọi người dân, đặc biệt là giới luật pháp và các chính quyền liên quan tới tệ nạn bạo hành trẻ em. Thống kê của tổ chức UNICEF cho biết hiện nay trên thế giới có 223 triệu trẻ em là nạn nhân của các lạm dụng.
Theo Tổ chức Sức khoẻ Thế giới, trong năm 2012 có khoảng 150 triệu trẻ nữ và 73 triệu trẻ nam dưới 18 tuổi là nạn nhân của các vụ bạo hành và khai thác tình dục. Khoảng 20% phụ nữ và 5-10% nam giới đã từng bị lạm dụng tính dục khi còn bé. Các thống kê cũng cho biết 1/3 các người trẻ có kinh nghiệm tình dục đầu tiên vì bị bắt buộc.
Trẻ em cũng là nạn nhân của chiến tranh xung khắc: các em bị giết, hay bị tàn tật, bị cưỡng bách động viên làm chiến binh, bị hãm hiếp, bị tấn công trong các trường học, không được trợ giúp nhân đạo và bị bắt cóc.
Còn trong gia đình trẻ em cũng là nạn nhân của nạn bạo hành. Hằng năm có từ 133 đến 275 triệu trẻ em phải chứng kiến các cảnh bạo hành giữa cha mẹ của chúng. Có 80-98% trẻ em bị cha mẹ đánh phạt trong gia đình, và có 1/3 các em bị đánh với các vật dụng khác nhau.
Bên vùng Trung Đông và Bắc Phi, giữa các năm 2005-2010 có tới 90% trẻ em từ 2 tới 14 tuổi phải sống kinh nghiệm bạo lưc giáo dục, bạo lực tâm lý và bạo lực thể lý. Có rất nhiều hành vi bạo lực xảy ra trong gia đình, nhưng không bao giờ bị tố cáo.
Trẻ em cũng còn là nạn nhân của bạo lực tại học đường nữa. Đối với nhiều trẻ em, học đường không phải là nơi an toàn, vì các em bị thầy cô đánh phạt với các hình thức tàn ác, và các hạ nhục tâm lý, hay bị bạn bè hành hung. Cũng có trường hợp các em bị bạo lực hay sách nhiễu tình dục nữa.
Trẻ em cũng là nạn nhân của bạo lực trong nơi làm việc. Trên thế giới, hiện nay có khoảng 150 triệu trẻ em tuổi từ 5 tới 14 phải làm việc vất vả, trong đó có 115 triệu em phải làm các việc nặng nhọc, hay với các hoá chất nguy hại cho sức khoẻ, hoặc với giờ làm việc kéo dài. Khoảng hơn 10 triệu phải làm đầy tớ cho các gia đình khá giả hơn, và thường bị đối xử như nô lệ, trong đó có 71% là trẻ nữ. Tất cả các em đều dễ bị thương tích trên các bình diện tâm sinh vật thể lý, và rất nhiều em bị khai thác tình dục. Các em thường bị gia đình cô lập hoá, bị giấu kín khỏi con mắt của công chúng, và tuỳ thuộc nơi các chủ nhân cho việc làm.
Sau cùng, trẻ em còn là nạn nhân của tệ nạn người trẻ nhàm chán hành hạ các bạn học khác, bằng các lời nói và hành động chế nhạo bạo lực. Các trẻ em liên luỵ trong tệ nạn này thường có nguy cơ bị bất ổn về thể lý và tâm lý. Chúng trốn khỏi nhà, nghiện rượu hay nghiên ma tuý, bỏ học, và nhất là có các hành động tự gây thương tích cho chính mình. Các thống kê cuối cùng cho biết có từ 20 tới 65% học sinh là nạn nhân của tệ nạn này.
Ngày mồng 3-8-2013, Hãng Thông tấn Fides của Bộ Truyền giáo đưa tin tại Ấn Độ có trên 11 triệu trẻ em sống trên đường phố trong các thành phố lớn. Đa số các em thường xuyên bị ngược đãi, bị bắt buộc phải lao động, bị khai thác tình dục, bị bán làm nô lệ, cũng như chịu nhiều hình thức bạo lực và lạm dụng khác. Hơn phân nửa các trẻ em này mù chữ không biết đọc viết. Các em là con cái của các gia đình từ nông thôn di cư lên thành thị để kiếm công ăn việc làm. Các trẻ em bụi đời sống trong các thành phố như New Dehli, Mumbai Kolkata, Chennai không có bất cứ bảo đảm pháp lý nào. Cũng có các nghiên cứu khác cho rằng số trẻ em bụi đời tại Ấn Độ lên tới 20 triệu.
Trong bản tin ngày mồng 5-8-2013, hãng thông tin Fides cũng cho biết bên Mexico có hàng triệu trẻ em lao động. Và 60% trên tổng số 3 triệu trẻ em làm việc bỏ học, trong đó có 1,8 triệu em vị thành niên.
Tệ nạn trẻ em lao động cũng trầm trọng tại nhiều nước Á châu khác như Pakistan, và vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hiện tượng trẻ em bụi đời lan tràn khắp nơi trên thế giới, vì hiện tượng di cư từ đồng quê lên thành thị.
Bên Phi châu, đặc biệt tại các nước có chiến tranh xung khắc như Cộng hoà Dân chủ Congo và Uganda, ngoài cảnh gia đình bị tàn sát hay phân tán, các trẻ em còn bị bắt cóc và xung vào quân ngũ để tập bắn giết nữa. Các em bị bắt buộc dùng ma tuý, bị tẩy não và chịu đủ mọi thứ bạo lực để trờ thành các máy bắn giết.
Từ bao năm qua, các chính quyền trên thế giới và cả cộng đồng quốc tế đã tỏ ra bất lực trước biết bao nhiêu bạo hành và đối xử tàn tệ mà xã hội dành để cho các trẻ em. Và người ta đau đớn lo âu tự hỏi: Thế giới có tương lai nào, khi xã hội đày đoạ trẻ thơ một cách tàn bạo và vô nhân như thế?