21/12/2024

Tuần lễ Toàn quốc cho người di cư và tị nạn tại Australia

SYDNEY – Trong sứ điệp gửi cho Tuần lễ Toàn quốc cho người di cư và tị nạn từ ngày 19 đến 25-8-2013, các Giám mục Australia khẳng định rằng người di cư và tị nạn diễn tả một vấn đề luân lý đạo đức, chứ không phải là vấn đề kinh tế.

 Tuần lễ Toàn quốc cho người di cư và tị nạn tại Australia

 
SYDNEY – Trong sứ điệp gửi cho Tuần lễ Toàn quốc cho người di cư và tị nạn từ ngày 19 đến 25-8-2013, các Giám mục Australia khẳng định rằng người di cư và tị nạn diễn tả một vấn đề luân lý đạo đức, chứ không phải là vấn đề kinh tế.

Tuần lễ Toàn quốc cho người di cư và tị nạn năm nay có chủ đề do Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chọn là “Di cư: Cuộc hành hương của đức tin và niềm hy vọng”. 

Sứ điệp của các Giám mục Australia có đoạn viết: “Cộng đoàn Công giáo có bổn phận thảo luận về vấn đề của người di cư và tị nạn. Nó không phải là vấn đề kinh tế hay gắn liền với nền an ninh quốc gia, mà là vấn đề luân lý đạo đức, liên quan tới hạnh phúc và các quyền bất khả xâm phạm của con người. Sự tôn trọng đối với người di cư tị nạn bao gồm các trách nhiệm nặng nề. Chính vì thế, các cá nhân, các giáo xứ và tất cả mọi tổ chức Công giáo đều phải đưa ra các chương trình gây ý thức và bênh vực quyền của người di cư tị nạn. Cần phải có các giải pháp hữu hiệu từ phía chính quyền địa phương cũng như toàn quốc để đáp ứng các nhu cầu tôn giáo của người di cư tị nạn, bởi vì nó là yếu tố nền tảng trong cuộc sống của từng người. 

Các Giám mục ghi nhận rằng nhiều người di cư tị nạn là tín hữu Công giáo thuộc các cộng đoàn sinh động trẻ trung, và có người đã từng là giáo lý viên. Vì thế giờ đây cần làm sao để họ có thể chia sẻ với các tín hữu khác sự phong phú đức tin của họ.

Duyệt xét nhiều lý do đã khiến cho họ phải di cư tị nạn như chiến tranh, nghèo đói, thất nghiệp, tai ương dịch tễ, bách hại đàn áp các Giám mục Australia đã đề nghị hai giải pháp. Thứ nhất là sự cộng tác giữa các chính quyền quốc gia gốc của người di cư tị nạn và chính quyền các nước tiếp đón họ. Nhưng sự cộng tác này chỉ có thể được, nếu phẩm giá con người với các quyền bất khả nhượng của nó được coi như giá trị ưu tiên không thể thương lượng tại quê hương họ cũng như tại các nước họ đi tới. Đồng thời, quyền nền tảng xin tị nạn phải được chấp nhận cho những ai lo sợ cho mạng sống của họ, và không được bỏ tù họ. 

Giải pháp thứ hai do Hội đồng Giám mục Australia đề ra là câu hỏi mà mỗi người phải đặt ra cho chính mình: “Tôi có thể làm gì cho người di cư tị nạn?” Khi đó chúng ta sẽ đặt mình trong hoàn cảnh của họ và hiểu biết các khó khăn, các hy vọng của họ và có thể trợ giúp họ hữu hiệu hơn. Suy tư về di cư tị nạn như một cuộc lữ hành có nghĩa là ý thức rằng các anh chị em này đã bỏ quê hương nhà cửa của họ với đức tin và niềm hy vọng. Trong Năm Đức Tin này, cần phải cầu nguyện để đức tin và niềm hy vọng linh hứng các cộng đoàn Công giáo sống hiệp nhất và hiệp thông với người di cư tị nạn. (SD 16-8-2013)