21/12/2024

Giáo hội Ấn Độ cử hành Ngày Chúa Nhật Công Lý

NEW DEHLI – Nhân kỷ niệm 50 năm Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII công bố thông điệp “Hoà bình dưới thế”, Uỷ ban Công lý và Hoà bình của Hội đồng Giám mục Ấn Độ đã phát động Ngày Chúa Nhật Công Lý, mừng vào Chúa Nhật sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 2013 là ngày18-8, cũng là ngày độc lập của Ấn Độ.

 Giáo hội Ấn Độ cử hành Ngày Chúa Nhật Công Lý

 
NEW DEHLI – Nhân kỷ niệm 50 năm Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII công bố thông điệp “Hoà bình dưới thế”, Uỷ ban Công lý và Hoà bình của Hội đồng Giám mục Ấn Độ đã phát động Ngày Chúa Nhật Công Lý, mừng vào Chúa Nhật sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 2013 là  ngày18-8, cũng là ngày độc lập của Ấn Độ.

Đức cha Yvon Ambroise, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình, cho biết mục đích Ngày Chúa Nhật Công Lý là mời gọi tín hữu suy tư về một trật tự thế giới mới, dựa trên các cột trụ sự thật, công lý, tình yêu thương và sự tự do; và lấy hứng từ nền văn hoá hoà bình mà Thông điệp mời gọi thực thi. Đơn thuốc hoà bình mà Thông điệp cống hiến cho chúng ta rất đơn sơ: đó là thừa nhận phẩm giá con người, tôn trong các quyền của mỗi người trong tất cả mọi tương quan với nhau, đối thoại như dụng cụ giải quyết các xung khắc, lo lắng đối với các vụ tàn sát và tàn phá do chiến tranh gây ra. Thông điệp cũng yêu cầu chấm dứt nạn chạy đua vũ trang. Và lời mời gọi này cũng hướng tới Ấn Độ, vì Ấn Độ là một trong các nước nhập cảng nhiều khí giới nhất, và là 1 trong 24 nước đã không ký vào Thoả hiệp về việc hạn chế buôn bán vũ khí, do Liên Hiệp Quốc đề ra. Cho đến nay thoả hiệp này đã được 70 nước ký nhận. Nó đòi buộc sự trong sáng trong việc mua bán vũ khí, và từ chối bán vũ khí cho các nước có nguy cơ chiến tranh.

Nhắc lại sự kiện Hội đồng Giám mục Ấn Độ đã thành lập Ngày Chúa Nhật Công Lý hồi năm 1983, Đức cha Ambrose cho biết mục đích là gây thức cho các cá nhân và tổ chức xã hội bổn phận thăng tiến công lý xã hội. Con đường duy nhất dẫn tới hoà bình là sống công bằng và tha thứ, khước từ bạo lực và báo oán. Chỉ có tình yêu thương mới có sức mạnh biến đổi xã hội.

Các Giám mục Ấn Độ cũng bày tỏ âu lo đối với tình trạng xã hội Ấn Độ hiện nay, trong đó chính trị và kinh tế loại trừ người nghèo, không thăng tiến môi sinh, coi con người như các chủ thể tiêu thụ và vi phạm các quyền con người. Chính vì thế, Ngày Chúa Nhật Công Lý là lời mời gọi mọi thành phần và tổ chức xã hội dấn thân thăng tiến việc thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người. Các Giám mục cũng xin các linh mục giảng về công lý và các quyền con người trong các thánh lễ. (SD 16-8-2013)