25/11/2024

Đời sẽ đẹp nếu tự đi bằng chính chân mình

“Em muốn trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, có một công việc ổn định và thu nhập cao. Em tin nếu kiên trì thì sẽ thành công, phải tự đi trên đôi chân của chính mình mới mong cuộc đời tốt đẹp hơn”.

Đời sẽ đẹp nếu tự đi bằng chính chân mình

Đó là câu nói của một tân sinh viên nghèo ở Tiền Giang về tương lai của bạn.

 Bạn và một người bạn cùng quê có cùng cảnh ngộ: thiếu vắng cha hoặc mẹ, phải mưu sinh nhọc nhằn để giúp gia đình, tự nuôi thân… nhưng cả hai đều học rất giỏi, đều đậu vào hai trường đại học trong đợt tuyển sinh vừa rồi. Các bạn là hai trong số hàng ngàn tấm gương kiên cường vượt khó của trò nghèo ngày nay…

Lột nhãn sấy nuôi lấy ước mơ

Cậu học trò nghèo Lê Tấn Vũ không còn nhớ mặt mẹ, cha thường xuyên đi làm xa. Mình Vũ bơ vơ giữa đời, vậy mà nhiều năm liền bạn là học sinh giỏi toàn diện, đoạt giải nhì học sinh giỏi hóa cấp tỉnh. Kỳ thi đại học vừa qua Vũ đã đỗ cả hai trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM và Đại học Nông lâm TP.HCM.

Nhà Vũ lọt thỏm trong một xóm nhỏ ven sông thuộc ấp Quý Chánh, xã Nhị Quý, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Trong ngôi nhà ẩm thấp, cậu học trò nghèo đang thoăn thoắt bóc nhanh những lớp cơm nhãn sấy. Vừa bóc nhãn Vũ vừa tâm sự với chúng tôi về cuộc sống tự lập một mình bao năm qua. Mẹ Vũ bỏ đi lúc bạn chỉ mới 1 tuổi, cha làm bốc vác nên 1-2 ngày mới về nhà một lần. Năm Vũ học lớp 9 cha bạn có vợ mới nên ít khi về nhà hơn, ngôi nhà chỉ còn lại mình bạn. Thỉnh thoảng cha mới về thăm, cho Vũ ít tiền đong gạo.

Thiếu thốn tình cảm gia đình, từ nhỏ Vũ đã sớm biết tự lập mưu sinh. Những ngày đi học Vũ đạp xe 10km đến trường. Học hai buổi nên chập choạng tối bạn mới về đến nhà, tự nấu cơm ăn. Mỗi buổi tối, sau khi học bài xong Vũ lại cặm cụi tách vỏ, bóc cơm nhãn sấy. Mỗi ký nhãn sấy bóc xong Vũ được trả 5.000 đồng.

Vào mỗi chủ nhật hay khi không có giờ học trên lớp, Vũ đi xịt thuốc cỏ, cắt tỉa cành nhãn thuê. Hàng xóm thương hoàn cảnh côi cút của Vũ nên thường xuyên thuê em làm những công việc không tên… Tiền làm được, Vũ để dành trang trải cho cuộc sống, đóng học phí và mua sách vở, tài liệu học tập.

Không khuất phục trước những khó khăn, Vũ dồn hết tâm trí vào việc học. Không có điều kiện đi luyện thi, bạn mượn lại vở của các bạn rồi tự giải các dạng bài và rút kinh nghiệm.

Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển hai trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM với 23 điểm và ĐH Nông lâm TP.HCM với 24 điểm, niềm vui chỉ được chốc lát lại nhường chỗ cho nỗi lo. “Học ở quê tiền ít em lo được. Còn ở TP nơi đất khách lạ lẫm thì tiền đâu mà học?” – Vũ băn khoăn.

Lo thì lo nhưng Vũ vẫn tràn đầy quyết tâm học đại học. Vũ tâm sự: “Em sống một thân tự lập quen rồi, nên giờ lên TP cũng phải tiếp tục bươn chải thôi. Dù biết sẽ vất vả hơn nhưng em sẽ quyết tâm học tốt ĐH chứ không bỏ giữa chừng. Em sẽ kiếm việc làm thêm để có tiền lo chi phí học tập và mua một chiếc máy vi tính vì em học ngành công nghệ thông tin mà…”.

Con đường phía trước đầy khó khăn, thử thách với bao nỗi lo nhưng Vũ vẫn lạc quan: “Em muốn trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, có một công việc ổn định và thu nhập cao. Em tin nếu kiên trì thì sẽ thành công, phải tự đi trên đôi chân của chính mình mới mong cuộc đời tốt đẹp hơn”.

 

“Sẽ năn nỉ trường cho nợ học phí”

Mồ côi cha, mẹ bị bệnh vôi hóa cột sống, hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau, Nguyễn Quốc Tuấn (ấp Phú Quới, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mò cua bắt ốc, lột hạt điều, hái trái cây thuê để có tiền ăn học. Vậy mà Tuấn “ốc bươu” giờ đã đậu hai trường: Đại học Giao thông vận tải TP.HCM và Đại học Nông lâm TP.HCM.

Mẹ con Tuấn sống trong căn nhà xập xệ với vách lá dừa mục nát nằm heo hút trong xóm nhỏ. Trong nhà còn đậm mùi hương khói, mẹ Tuấn cất vội rổ rau vừa hái ngoài vườn, mời chúng tôi vào nhà trò chuyện: “Tuấn mới ở trường về, đốt nén nhang cho cha rồi ra mương bắt ốc”.

Cha Tuấn mất cách đây đã gần hai năm do đột quỵ trong lúc phun thuốc trừ sâu. Suốt cái đêm chôn cất cha, Tuấn ngồi trước bàn thờ khóc đến tận sáng, nhưng không ai ngờ sau đêm ấy bạn vẫn xách cặp đến lớp. Cha mất khi Tuấn đang chuẩn bị bước sang học kỳ II lớp 11.

Từ ngày cha mất, nhà Tuấn vốn túng giờ lại càng lần không ra. Nỗi đau mất cha chưa nguôi ngoai, gánh mưu sinh đè lên vai mẹ Tuấn. Số tiền vay mượn 15 triệu đồng lo mai táng cha bạn đến nay nhà Tuấn vẫn chưa trả nổi. Cái nền nhà và mảnh vườn nhỏ của gia đình cũng được mang ra cầm cố để trang trải cuộc sống gia đình. Tuấn còn có hai chị nhưng có chồng xa, nhà lại nghèo nên cũng chẳng thể giúp được em và mẹ.

Khó khăn là thế nhưng nhiều năm liền Tuấn luôn nhất nhì lớp. Ngoài giờ học ở trường,Tuấn thường đi bắt ốc bán được 5.000 đồng/kg. Tuấn biết bắt ốc từ nhỏ, ngày nào cũng đi mò ốc bán nên trong xóm ai cũng gọi Tuấn là thằng ốc bươu. Bắt ốc mãi cũng không đủ tiền phụ mẹ, Tuấn nhận lột hạt điều, mỗi ký được trả công 6.000 đồng. Vào mùa trái cây, Tuấn lại cùng mẹ đi hái trái cây thuê.

Không có điều kiện để học thêm và ôn luyện như bạn bè nên Tuấn tự học là chính, phần nào không hiểu bạn hỏi thêm giáo viên. Thời gian ở nhà đều được tận dụng để kiếm tiền nên Tuấn tranh thủ thời gian ở trường ôn bài thêm vào giờ giải lao, giờ nghỉ trưa…

Ngày Tuấn đăng ký thi đại học, mẹ Tuấn phải chạy vạy khắp nơi vay mượn được 600.000 đồng cho Tuấn đi thi. Nhận được giấy báo trúng tuyển cả hai trường đại học, trên đường từ trường về nhà Tuấn cứ khóc suốt. Về gặp mẹ, niềm vui chỉ trong chốc lát rồi nỗi lo lại ập đến với hai mẹ con: “Tiền đâu mà học con ơi!”. Tuấn xin mẹ cho bạn đi học: “Lên đó phụ quán, dạy kèm hay làm thuê làm mướn cái gì con cũng làm, con tự lo chắc được mà. Còn học phí nếu cuối cùng không đủ con sẽ năn nỉ trường cho nợ rồi đóng từ từ”.

Tuấn đã quyết định học ngành khai thác vận tải của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM với ước muốn thay đổi cuộc đời và có thể lo cho mẹ đầy đủ những ngày về sau.

VÂN ANH – NGUYỄN NGOÃN