26/11/2024

Thận trọng với cỏ voi tím

Vừa qua, trong một lần ghé lại một khu du lịch sinh thái ở Huế, tôi phát hiện loài cỏ voi tím được trồng rất nhiều để trang trí do lá và hoa có màu tím pha trắng đẹp mắt.

 

Thận trọng với cỏ voi tím

 
 

Vừa qua, trong một lần ghé lại một khu du lịch sinh thái ở Huế, tôi phát hiện loài cỏ voi tím được trồng rất nhiều để trang trí do lá và hoa có màu tím pha trắng đẹp mắt.

Khi đặt câu hỏi: “Sao khu du lịch sinh thái mà lại trồng một loài cây ngoại lai xâm hại như vậy?”, tôi nhận được câu trả lời: “Ở Đà Nẵng trồng cỏ này nhiều lắm rồi nhưng không sao cả”. Sau này tìm hiểu thêm, tôi được biết đúng là có khu du lịch nằm ven bờ biển Đà Nẵng trồng nhiều cây này.

Cỏ voi tím có tên khoa học là Cenchrus setaceus (tên đồng danh là Pennisetum setaceum) thuộc họ hòa thảo – Poaceae, là một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại trên thế giới đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cảnh báo. Không biết nó đã được đưa vào VN từ lúc nào, nhưng hiện nay ở nhiều tỉnh Nam bộ, nó đã trở thành loài xâm hại bất trị. Theo anh Phùng Mỹ Trung, admin của website Sinh vật rừng, từ lâu nó đã trở thành loài mọc dại tràn lan, phát tán khủng khiếp ở nhiều tỉnh thành như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước… với nhiều tên gọi: cỏ Mỹ, cỏ đuôi voi, cỏ đuôi chồn.

Cần phải nhìn nhận cỏ voi tím là đối tượng xâm hại nguy hiểm do có phổ thích nghi rộng, hệ số nhân giống cao (bình quân 100 hạt/cây x 100 cây/m2), có khả năng phát tán hạt rất mạnh nhờ nhiều phương tiện (gió, nước, động vật và con người), hạt của nó có khả năng lưu cữu trong đất 5-10 năm mà không mất khả năng nảy mầm.

Nếu được trồng ở những khu du lịch ven biển, vào mùa cỏ voi tím chín hạt, mỗi cơn gió biển là phương tiện hữu hiệu thổi bạt hàng ngàn hạt giống gieo rắc khắp sườn núi, bìa rừng. Từ đó chúng sẽ âm thầm lặng lẽ xâm lấn, phát triển thành quần thể dày đặc, dần dần gây suy thoái đa dạng sinh học khu vực. Ngoài ra, quần thể cỏ voi tím ra hoa vào mùa khô, lúc này thân lá rất khan nước, có khả năng bắt lửa rất mạnh, sẽ là mồi lửa gây hiểm họa khôn lường cho cả rừng trồng và rừng tự nhiên ở đây.

Theo tôi, không thể xem thường hiểm họa của cỏ voi tím, các khu du lịch nên xem lại việc trồng loại cỏ này, đừng để vì du lịch sinh thái mà lại hủy diệt sinh thái sau này.

ĐỖ XUÂN CẨM
(nguyên giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế)