26/11/2024

Chúa Nhật XXII TN-C: Bài học khiêm tốn, khiêm nhường

Chúng ta không nhận ra sự độc đáo duy nhất của mình đối với Thiên Chúa cũng như đối với gia đình nhân loại bởi vì hàng tỷ người đang sống chẳng ai giống chúng ta và Chúa Cha yêu thương đã ban Con Một của Ngài, thì Ngài đâu tiếc gì những ân sủng khác. Chúng ta đã tốn phí bao nhiêu sức lực để ghen tuông, buồn phiền, chán nản, lo lắng…

 

Bài học khiêm tốn, khiêm nhường

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta học lại bài học khiêm tốn và khiêm nhường để phát huy những ân sủng của Chúa trong bữa tiệc vĩnh hằng của cuộc đời. Bài sách Huấn Ca nhắc nhở: “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng. Càng làm lớn con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Chúa” (Hc 3,17-18). Còn Chúa Giêsu dạy chúng ta trong bữa tiệc cuộc đời: ”Hãy ngồi vào chỗ cuối vì hễ ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,10-11) .

Trong ít phút này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu khiêm tốn, khiêm nhường cần thể hiện như thế nào trong bữa tiệc đời sống.

1. Thực tế của đời sống

Nhìn vào xã hội hôm nay chúng ta thấy nhiều người quá chú tâm đến những hình thức bên ngoài, thích phô trương và thích ngồi vào những chỗ nhất trong các bữa tiệc. Những chỗ nhất ấy người ta vẫn được gọi là “mâm cao cỗ đầy”, vì được ngồi chung với những người có địa vị để dễ giao thiệp làm ăn, có nhiều đồ ăn nước uống cao cấp. Muốn ngồi vào chỗ nhất như thế người ta sẽ phải cố gắng đi tìm cho mình những thẻ VIP (Very Important Person – nhân vật quan trọng); cố gắng tìm cho mình những tấm bằng thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư; tìm cho mình những chức danh như tổng giám đốc, giám đốc, trưởng phòng…Rồi để có thể ngồi chung với nhau người ta lại rằng thấy mình cần mặc những bộ quần áo đắt tiền, xức những loại nước hoa quý phái, đi những loại xe cao cấp, xe “khủng”.

Trong tuần vừa qua, trên báo chí, chúng ta thấy nhiều người trong giới nghệ sĩ đã có phản ứng gay gắt trước lời nhận xét thẳng thắn, thành thật của nhạc sĩ Nguyễn Ánh. Nhìn vào làng giải trí hiện nay, qua cách trang điểm, đi đứng, ăn mặc, cư xử của các ca sĩ diễn viên; hoặc xem các chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình, chúng ta thấy có những khuôn mặt non nớt nhưng được giới trẻ tán thưởng cuồng nhiệt, các giám khảo và huấn luyện viên ca ngợi, tâng bốc như một ngôi sao hay một tài năng xuất chúng khiến cho những con người ấy tự cao, tự đại. Họ kiêu căng và không nhận ra vị trí của mình, nên khi nghe những lời nói thẳng nói thật như của nhạc sĩ Nguyễn Ánh thì các diễn viên, ca sĩ phản ứng mạnh mẽ, thậm chí nói những lời thô tục.

Không nhìn đâu xa, chúng ta hãy nhìn vào thực tế, nhất là những gia đình trẻ hiện nay chỉ có một hoặc hai đứa con, cha mẹ dồn mọi sự cho chúng, luôn luôn ca ngợi quá đáng, chiều chuộng bất cứ điều gì… nên chúng tưởng rằng mình là những tài năng xuất chúng. Chúng chỉ muốn nghe những lời tâng bốc, bắt mọi người phải tùng phục mình. Ngay từ giai đoạn đầu của tuổi thơ, cha mẹ đã tập cho con cái mình kiêu căng.

Nhìn gần hơn, chúng ta thấy rất nhiều lần chúng ta không nhìn vào mình mà chỉ nhìn người khác. Chúng ta thấy người ta đẹp hơn, giàu có hơn, khoẻ mạnh hơn, tài năng hơn… khi so sánh với họ, rồi chúng ta buồn tủi, ghen tương, đau khổ và than trách tại sao mình sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu! Ta ước mơ nếu Chúa cho mình cao hơn một chút, trắng hơn một chút, tài năng hơn một chút, may mắn hơn một chút, có lẽ đời mình sẽ không đau khổ như thế này. Chúng ta không nhận ra sự độc đáo duy nhất của mình đối với Thiên Chúa cũng như đối với gia đình nhân loại bởi vì hàng tỷ người đang sống chẳng ai giống chúng ta và Chúa Cha yêu thương đã ban Con Một của Ngài cho chúng ta, thì Ngài đâu tiếc gì những ân sủng khác. Chúng ta đã tốn phí bao nhiêu sức lực để ghen tuông, buồn phiền, chán nản, lo lắng mà không dồn sức để phát huy được những tài năng, ân phúc của chính mình. Nếu nhận thức được như thế, chúng ta chắc chắn đã thành công từ lâu rồi!

2. Bài học khiêm tốn và khiêm nhường của Chúa Giêsu

Hôm nay Đức Giêsu mời gọi chúng ta học lại bài học khiêm tốn và khiêm nhường của Người.

Khiêm là “hạ mình xuống”, tốn là “lui lại đằng sau”. Khiêm tốncó ý thức và có thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, nhận ra giá trị của mình nằm ở đâu trong mối tương quan với Thiên Chúa, với con người, với vạn vật và với chính mình. Trước mặt Chúa, chúng ta là một thụ tạo, tất cả những gì chúng ta có đều là những hồng ân nên chúng ta không thể nào kiêu căng trước mặt Chúa. Nhưng vẫn có nhiều người lại tự hào rằng mình được như thế này là nhờ mình đạo đức, siêng năng cầu kinh, dự lễ, lần hạt, làm việc bác ái, lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa, … Chúng ta không dám đấm ngực như người thu thuế ở cuối đền thờ: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con tội lỗi!”.

Còn đối với anh chị em trong gia đình nhân loại, chúng ta biết rằng tất cả mọi người là anh chị em với nhau, đều có giá trị và nhân phẩm cao quý như nhau. Nhưng sự phân công xã hội đặt mỗi người chúng ta vào những vị trí khác nhau. Không thể tất cả mọi người đều là bác sĩ, kỹ sư, đều là tổng giám đốc như nhau. Nếu thế thì ai sẽ lo nấu ăn, ai sẽ lo điện, ai sẽ lo nước, ai sẽ lo vệ sinh đường phố cho chúng ta? Tuy nhiên, tất cả đều thuộc về một gia đình nhân loại, đều lo chung cho hạnh phúc của con người nên không có ai được quyền lên mặt với ai, không có ai được quyền khinh thường người khác. Khi chúng ta sống như vậy, nhận ra đúng vị trí của mình là chúng ta biểu lộ đức khiêm tốn.

Còn khiêm nhườngcó thái độ khiêm tốn với người khác, không dành cái hay cái tốt cho mình mà sẵn sàng nhường cho người khác. Khiêm nhường cao hơn khiêm tốn, nói lên thái độ đối xử của những con người biết yêu thương trong xã hội. Xã hội ngày nay chẳng mấy ai biết nhường người khác: người ta chen lấn nhau ở bất cứ chỗ nào và luôn đòi quyền ưu tiên.

Ở trên xe buýt, dù thấy người già cả hay phụ nữ mang thai hoặc có con nhỏ nhiều người trẻ trung, khoẻ mạnh cũng chẳng biết đứng lên nhường ghế, họ nghĩ mình lên trước nên có quyền ngồi chứ. Trên đường phố, nhiều khi có người đang lo lắng vội vã vì một việc gấp, bóp còi xin nhường đường nhưng nhiều người nghe thấy mà vẫn tỏ thái độ dửng dưng.

Người ta không còn nghĩ được mình là đồng bào của nhau vì cùng con của Mẹ Việt Nam, nếu mình nhường đường cho người đó biết đâu có thể người đó về kịp để cứu được mẹ già đang cơn đột quỵ hay con nhỏ đang gặp nguy hiểm! Họ cũng chẳng nghĩ đến “Trời cao có mắt” sẽ tưởng thưởng cho mình vì biết yêu thương người khác như là những con cái của một đại gia đình.

Trong bữa tiệc của cuộc sống có thể chúng ta không nhận ra vị trí của nhau, chúng ta cố gắng ngồi vào chỗ nhất. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào bữa tiệc cuộc đời hiện nay để chuẩn bị cho bữa tiệc vĩnh hằng trên Trời. Bài đọc II (Dt 12, 18-24) đã nhắc nhở: “Anh em đã tới núi Sion là thành đô của Thiên Chúa hằng sống với muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui với các con đầu lòng của Thiên Chúa, những con người công chính đã nên hoàn thiện”. Những bữa tiệc trong đời sống hiện nay chuẩn bị cho bữa tiệc Nước Trời mai sau. Vì thế, Chúa Giêsu khuyên người Biệt Phái đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách, hãy mời những người nghèo khổ, tàn tật, què quặt, đui mù ông sẽ được đáp lễ trong ngày những người lành sống lại” (Lc 14,14). Chúng ta đang được mời gọi để chia sẻ và nhường cho anh chị em trong đại gia đình Thiên Chúa những phương tiện vật chất cũng như tinh thần để làm cho mọi người đều được no đủ trong bữa tiệc cuộc đời trước khi cùng nhau tham dự bàn tiệc Nước Trời.

Chúng ta được mời gọi nhìn vào cuộc sống của chúng ta, nhận ra vị trí của chúng ta trong mối tương quan đối với Thiên Chúa, nhìn vào Người Con của Ngài đã được ban cho chúng ta để chúng ta không ghen tương, buồn phiền, chán nản hay so sánh mình với bất cứ một ai. Chúng ta chỉ biết tình yêu của Chúa thôi thúc chúng ta để chúng ta bắt chước Chúa Giêsu, đón nhận tất cả những gì nhục nhã, hèn kém, xấu xí hầu mang lại ơn cứu độ cho người khác và sẵn sàng nhường những cái hay, cái tốt cho người khác như Đức Giêsu. Khi chúng ta đón nhận bằng tâm hồn khiêm tốn, khiêm nhường như vậy, Chúa sẽ nâng chúng ta lên. Với tất cả sức lực, tình yêu, quyền năng của Chúa, Chúa sẽ giúp chúng ta phát huy những năng lực, những ân sủng kỳ diệu của Chúa trong cuộc sống của mình.

Lời kết

Như thế, chính khi chúng ta sống khiêm tốn, khiêm nhường chúng ta mới thật sự tìm được niềm vui, hạnh phúc và phát huy tất cả địa vị cao cả làm con Thiên Chúa và là anh chị em thật sự của nhau.