Người Cha nhân hậu
Các bạn thân mến, làm sao chúng ta lại không tin chắc rằng, dầu còn là tội nhân, chúng ta đã được Thiên Chúa yêu mến? Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt khi đi gặp chúng ta, Ngài luôn là người đầu tiên rong ruổi trên đường ngăn cách chúng ta với Người.
Người Cha nhân hậu
Kinh Truyền Tin – Dinh Castel Gandolfo Chúa Nhật XXIV TN, 12/9/2010
Anh chị em thân mến!
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay – chương 15 Phúc Âm Thánh Luca – Đức Giêsu kể lại ba “dụ ngôn về lòng thương xót”. Khi Người “trình bày về người chăn chiên đi tìm con chiên lạc, về người đàn bà tìm đồng bạc đánh mất, về người cha đi gặp đứa con hoang và ôm hôn cậu, thì đây không chỉ là những lời nói, mà còn là sự cắt nghĩa con người của Đức Giêsu, và thậm chí còn cắt nghĩa hành động của Người” (Thông điệp Deus caritas est – Thiên Chúa là Tình yêu –, s. 12). Quả thực, người mục tử tìm lại được con chiên đã mất chính là Thiên Chúa Đấng mang trên đôi vai, cùng với Thập giá, nhân loại tội lỗi, hầu để chuộc tội nhân loại. Còn trong dụ ngôn thứ ba, người con hoang đàng là một chàng thanh niên, sau khi nhận được gia tài cha chia, liền “trẩy đi phương xa, ở đó, anh ta ngốn hết cả gia tài và sống một cuộc sống phóng đãng” (Lc 15,13). Bị đói khát dằn vặt, anh bị buộc phải đi làm thuê như một tên nô lệ, thậm chí phải bóp bụng ăn thức ăn dành cho thú vật. “Lúc đó, Phúc Âm nói, anh suy nghĩ” (Lc 15,17). “Những câu nói anh chuẩn bị sẵn cho chuyến hồi hương cho phép chúng ta biết được tầm vóc cuộc hành hương nội tâm mà anh thực hiện lúc đó… Anh trở “về nhà”, trong tâm hồn và chân bước về nhà cha” (Bênêdictô xvi, Đức Giêsu thành Nazareth Tập 1, “Từ Phép rửa tại sông Giođan đến biến cố Biến hình”, Paris, Flammarion 2007). “Tôi sẽ trở về nhà cha tôi, và tôi sẽ thưa với người: lạy Cha, con đã phạm tội đến trời và đến Cha. Con chẳng còn đáng được gọi là con Cha nữa” (Lc 15,18-19). Thánh Âu Tinh viết: “Chính Ngôi Lời đã kêu to mời bạn trở về; nơi yên tĩnh không hề vẩn đục đó là nơi tình yêu không bao giờ bỏ rơi ta” (Tự thuật, IV, 11.16). “Khi anh còn ở đàng xa, thì cha anh đã thoáng thấy, ông động lòng thương chạy đến bá cổ con và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20) và lòng tràn đây niềm vui, người cha cho chuẩn bị bữa tiệc linh đình.
Các bạn thân mến, làm sao chúng ta lại không tin chắc rằng, dầu còn là tội nhân, chúng ta đã được Thiên Chúa yêu mến? Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt khi đi gặp chúng ta, Ngài luôn là người đầu tiên rong ruổi trên đường ngăn cách chúng ta với Người. Sách Xuất Hành cho chúng ta thấy làm sao Môisen, qua lời khẩn cầu đầy tin tưởng và táo bạo của mình, một cách nào đó, đã có thể đưa Thiên Chúa từ toà xét xử đến toà thương xót (x. 32, 7 – 11.13 – 14). Sự ăn năn là thước đo lường đức tin, và nhờ lòng ăn năn, ta quay về Chân lý. Tông đồ Phaolô viết: “Người đã tỏ lòng nhân từ đối với tôi, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, khi chưa có lòng tin” (1 Tm 1,13). Và bây giờ, chúng ta quay lại dụ ngôn người con hoang “về nhà”, chúng ta ghi nhận rằng khi người con cả xuất hiện, phẫn nộ vì thấy cha mở tiệc đón em mình trở về, thì cũng chính người cha ra gặp và nài nỉ anh: “Này con, con của ta, con luôn ở với cha, và tất cả những gì của cha là của con” (Lc 15,31). Chỉ có đức tin mới có thể biến ích kỷ thành niềm vui và lại gắn kết những tương giao đúng đắn với tha nhân và với Thiên Chúa. “Phải mở tiệc vui mừng – người cha nói – vì em của con… đã mất, và nay tìm lại được!” (Lc 15,32).
Anh chị em thân mến, thứ Năm tới đây, tôi sẽ đi Vương quốc Anh, và tại đó, tôi sẽ tôn phong Chân phước cho Đức Hồng y Gioan Henry Newman. Tôi xin tất cả anh chị em cùng đồng hành với tôi qua kinh nguyện trong chuyến Tông du này. Chúng ta phó dâng con đường hoán cải về với Chúa cho Đức Trinh Nữ Maria, mà ngày hôm nay, chúng ta mừng kính Danh rất thánh của Người trong Giáo Hội.