25/11/2024

Con đường tình yêu để đạt đến sự sống

Định mệnh ngàn đời của chúng ta lệ thuộc vào thái độ của chúng ta; chúng ta có bổn phận đi theo con đường mà Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta để đạt đến sự sống, và con đường này chính là tình yêu, không phải hiểu theo như thể đó là một tình cảm, mà là một sự phục vụ tha nhân, trong tình yêu của Đức Kitô.

 Con đường tình yêu để đạt đến sự sống

Kinh Truyền Tin – Dinh Castel Gandolfo – Chúa Nhật XXVI TN, 26/9/2010

Anh chị em thân mến,

Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Lc 16,19-31), Đức Giêsu kể dụ ngôn về phú ông và người nghèo Lazarô. Ông phú hộ sống trong sự xa hoa và ích kỷ, và khi chết đi phải vào trong hoả ngục. Còn trái lại, người nghèo khó, phải nuôi sống mình bằng những mảnh vụn từ bàn phú ông rơi xuống, sau khi chết, được các Thiên thần mang vào nơi ở vĩnh viễn của Thiên Chúa và các Thánh. “Phúc thay cho anh em là những người nghèo khó – Chúa đã tuyên bố với các môn đệ của mình – vì Nước Trời là của anh em” (Lc 6,20). Nhưng sứ điệp của dụ ngôn này còn đi xa hơn thế nữa: sứ điệp nhắc cho chúng ta nhớ rằng bao lâu chúng ta còn sống trên trần gian này, chúng ta phải lắng nghe Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh và sống theo Thánh ý Chúa, nếu không, sau khi chết thì không còn thời giờ để thống hối nữa. Do đó, dụ ngôn này dạy chúng ta hai điều: thứ nhất, Thiên Chúa yêu người nghèo khổ và nâng họ lên từ nỗi nhục nhã của mình; thứ hai, định mệnh ngàn đời của chúng ta lệ thuộc vào thái độ của chúng ta; chúng ta có bổn phận đi theo con đường mà Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta để đạt đến sự sống, và con đường này chính là tình yêu, không phải hiểu theo như thể đó là một tình cảm, mà là một sự phục vụ tha nhân, trong tình yêu của Đức Kitô.

Có một sự tình cờ đầy ý nghĩa, đó là ngày mai chúng ta sẽ cử hành lễ nhớ Thánh Vinh Sơn Phaolô, Quan thầy của các tổ chức từ thiện Công giáo, cũng là ngày kỷ niệm ba trăm năm mươi năm Thánh nhân qua đời. Ở vào một nước Pháp thế kỷ XVII, người đã cảm nghiệm được rõ ràng sự tương phản giữa những người giàu nhất và những người nghèo nhất. Thực thế, với tư cách là linh mục, Thánh nhân có thể thường xuyên qua lại với các môi trường của giới quý tộc, đi đến các vùng quê và những khu nhà ổ chuột tại Paris. Được tình yêu Đức Kitô thôi thúc, Vinh Sơn Phaolô đã biết tổ chức những hình thức phục vụ có tính ổn định và mang lại sinh khí cho những hình thức phục vụ những người bị xã hội ruồng bỏ được gọi là “Charités”, nghĩa là những nhóm phụ nữ đặt hết thời giờ và của cải của mình để giúp đỡ những người bị xã hội bỏ rơi nhiều nhất. Trong số những thiện nguyện viên này, một số người chọn sống hoàn toàn tận hiến để phục vụ Thiên Chúa và người nghèo, và như thế, cùng với Thánh nữ Louise de Marillac, Thánh Vinh Sơn sáng lập các “Nữ tử Bác ái”, là tu hội nữ đầu tiên sống đời tận hiến “ngoài đời”, ở giữa mọi người, cùng với những bệnh nhân và những người lâm cơn túng quẫn.

Các bạn thân mến, chỉ có Tình yêu, với một chữ T viết hoa, mới mang lại hạnh phúc thực! Một chứng nhân khác, một thiếu nữ mới được phong Chân phước hôm qua tại Rôma này, đã chứng tỏ điều đó. Tôi muốn nói về Chiara Badano, một thiếu nữ người Ý sinh năm 1971, một thiếu nữ qua đời vì một cơn bệnh khi tuổi chưa tròn mười chín, nhưng đã là một luồng sáng chói cho tất cả mọi người, như biệt danh của người đã nói đến: “Chiara Luce”. Giáo xứ của Chị, cũng như giáo phận Acqui Terme và Phong trào Focolari, mà Chị là thành viên, ngày hôm nay vui mừng, đó là một ngày lễ hội của tất cả các bạn trẻ có thể tìm thấy nơi Chị một tấm gương về sự gắn kết Kitô giáo. Những lời nói cuối cùng của Chị, đầy tâm tình vâng theo Thánh ý Chúa, là những lời nói sau đây: “Mẹ ơi, con từ giã mẹ. Xin mẹ hãy sống hạnh phúc, bởi vì con đây rất hạnh phúc”. Chúng ta hãy ca tụng Chúa, bởi vì tình yêu của Người mạnh hơn điều xấu và cái chết; và hãy cám ơn Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã dẫn đưa những người trẻ qua những khó khăn và đau khổ, để ngày càng yêu mến Đức Giêsu hơn và khám phá ra vẻ đẹp của cuộc đời.