01/11/2024

Đổ tiền xây trung tâm hành chính

Nhiều tỉnh thành đang xúc tiến xây dựng trung tâm hành chính của địa phương với tổng vốn lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Các địa phương này đều có cách làm chung là dồn cơ sở hành chính vào một khu vực chung, còn cơ sở cũ thì bán đi để bù đắp chi phí xây trung tâm hành chính hoặc cho thuê, chuyển cho các đơn vị sự nghiệp.

 

Đổ tiền xây trung tâm hành chính

Nhiều tỉnh thành đang xúc tiến xây dựng trung tâm hành chính của địa phương với tổng vốn lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

 

Các địa phương này đều có cách làm chung là dồn cơ sở hành chính vào một khu vực chung, còn cơ sở cũ thì bán đi để bù đắp chi phí xây trung tâm hành chính hoặc cho thuê, chuyển cho các đơn vị sự nghiệp.

Thúc đẩy phát triển đô thị

Chỉ tính riêng trong năm 2013, tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch sắp xếp 500 tỉ đồng cho công trình xây dựng tòa nhà hành chính đặt tại thành phố mới Bình Dương (cách TP Thủ Dầu Một 6-7km). Công trình này nằm trong tổng thể khu trung tâm chính trị – hành chính mới trị giá tới 140 triệu USD.

Trung tâm chính trị – hành chính mới của tỉnh Bình Dương được xây dựng từ tháng 11-2010 trong khu liên hợp đô thị – dịch vụ rộng 1.000ha. Tổng diện tích trung tâm rộng hơn 20ha, được UBND tỉnh Bình Dương giao cho Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – TNHH một thành viên (Becamex IDC) thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Trung tâm gồm một nhóm công trình, trong đó nổi bật là tòa tháp cao 21 tầng sẽ là nơi làm việc tập trung các cơ quan của tỉnh.

Theo kế hoạch, sẽ có hàng chục cơ quan cấp tỉnh của Bình Dương sẽ chuyển từ TP Thủ Dầu Một về tòa tháp trung tâm này, gồm cả Tỉnh ủy và các cơ quan Đảng. Bên cạnh đó còn có một số tòa nhà độc lập là nơi làm việc của các cơ quan trung ương có chi nhánh tại Bình Dương. Ngoài tòa tháp trung tâm, tỉnh Bình Dương cũng xây dựng một trung tâm hội nghị quy mô lớn tại trung tâm chính trị – hành chính mới, xây dựng công viên và quảng trường với sức chứa hơn 10.000 người… Dự kiến các hạng mục này được hoàn thành trong tháng 10 và 11-2013.

Hiện các hạng mục của khu trung tâm chính trị – hành chính mới đang được tỉnh Bình Dương gấp rút hoàn thành. Ông Lê Thanh Cung – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết mục tiêu lãnh đạo UBND tỉnh đặt ra với đơn vị thi công là phải hoàn thành các hạng mục trong năm 2013 để dự kiến sang năm 2014 các cơ quan của tỉnh chuyển về làm việc.

Ông Nguyễn Thành Tài – giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương – cho biết đối với trụ sở cũ của các cơ quan sau khi dời đi, UBND tỉnh đang giao cho Sở Xây dựng rà soát để có phương án xử lý thích hợp. Cụ thể, với các sở  đang có trụ sở tại phường Phú Lợi (TP Thủ Dầu Một) sẽ được dùng là nơi làm việc của một số đơn vị sự nghiệp. Trụ sở một số sở ngành khác được tỉnh Bình Dương bán đấu giá hoặc hoán đổi công năng nhằm thu hồi vốn bù đắp chi phí xây dựng trung tâm chính trị – hành chính mới. Đại diện Sở Xây dựng Bình Dương cho biết những nội dung này đang được sở nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh chứ chưa có quyết định cụ thể.

Với việc xây dựng và di dời trung tâm chính trị – hành chính, tỉnh Bình Dương cho rằng đây sẽ là một cú hích cho sự phát triển của tỉnh, đặc biệt là khu vực thành phố mới sẽ là đô thị trung tâm của Bình Dương trong tương lai.

Trung tâm hành chính – chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đóng tại phường Phước Trung (TP Bà Rịa) trong khu đất rộng khoảng 20ha, hoạt động từ tháng 4-2012. Trước khi trung tâm hành chính tỉnh dời từ Vũng Tàu về TP Bà Rịa, một số cơ quan ban ngành đã chuyển sang TP Bà Rịa. Tổng mức đầu tư xây dựng trung tâm này hơn 1.000 tỉ đồng (hiện chưa quyết toán). Nguồn vốn đầu tư xây dựng trung tâm – hành chính chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lấy từ ngân sách tỉnh. Một phần ngân sách sẽ thu lại khi tỉnh tiến hành bán đấu giá các khu đất trước đây dùng làm trụ sở các sở ngành tại TP Vũng Tàu.

Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, việc xây dựng trung tâm hành chính – chính trị cũng tạo điều kiện cho TP Bà Rịa phát triển.

 

Bán công sản tạo nguồn vốn

Chính quyền TP Đà Nẵng đã quyết định bỏ ra hơn 1.700 tỉ đồng để đầu tư xây dựng tòa nhà 34 tầng trên khu đất rộng hơn 23.000m2 tại địa chỉ 24 Trần Phú (Q.Hải Châu). Đây chính là “đầu não”, trung tâm hành chính của chính quyền TP Đà Nẵng trong tương lai, sức chứa lên đến hơn 1.500 người. Dự kiến cuối năm nay, sau khi hoàn tất phần xây dựng thì toàn bộ sở, ban ngành của TP Đà Nẵng sẽ tập trung chuyển về tòa nhà này.

Theo một lãnh đạo TP Đà Nẵng, hầu hết trụ sở các sở, ban ngành của TP hiện nay là nhà công sản từ thời bao cấp, kiến trúc lạc hậu, sau thời gian sử dụng nay đã xuống cấp. Các trụ sở này đều nằm rải rác ở nhiều nơi, gây khó khăn cho tổ chức, công dân khi liên hệ công việc. Trung tâm hành chính được xây dựng sẽ là nơi làm việc tập trung của văn phòng HĐND, UBND và các sở ngành TP. Công trình này được xây dựng từ ngân sách nhà nước bằng cách chuyển quyền sử dụng đất nhà công sản và công sở trên địa bàn.

Cuối tháng 7-2013, chính quyền TP Đà Nẵng đã ra thông báo về việc bán đấu giá một loạt công sở nhà nước gồm trụ sở các sở Tư pháp, Y tế, Công thương, LĐ-TB&XH, Viện Nghiên cứu kinh tế và trụ sở của Thanh tra TP. Theo kế hoạch, các công sở sẽ được bàn giao cho bên mua chậm nhất cuối tháng 6-2014. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Lang – giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng, đến nay vẫn chưa bán đấu giá thành công một công sở nào để lấy tiền xây dựng trung tâm hành chính TP.

Tương tự, UBND tỉnh Lâm Đồng đã lên kế hoạch bán và cho thuê 19 biệt thự, năm nhà ở tại Đà Lạt hiện đang được trưng dụng để làm công sở nhằm tạo kinh phí xây khu hành chính tập trung với diện tích sàn 56.000m2 (trên diện tích đất 3,5ha) thuộc đường Trần Phú (Đà Lạt). Công trình này có tổng vốn đầu tư 1.014 tỉ đồng. Đây là một khu hành chính quy mô lớn dành cho toàn bộ sở, ban ngành của Lâm Đồng. Dự kiến bàn giao cho chủ đầu tư vào quý 1-2014. Theo tính toán sơ bộ, đợt bán và cho thuê biệt thự, nhà công sản sẽ giúp tỉnh Lâm Đồng có hơn 455 tỉ đồng đầu tư cho khu hành chính tập trung.

Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, sau nhiều lần chào giá đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư quyết định mua hoặc thuê các biệt thự công. Nguyên nhân là do giá bán và cho thuê quá cao, trong khi thị trường nhà đất đang đóng băng. Các cơ quan điều phối việc bán biệt thự công tại Đà Lạt như Sở Tài chính, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt đang có kiến nghị điều chỉnh giá bán, cho thuê các căn biệt thự để đẩy nhanh tiến độ.

BÁ SƠN – Đ.NAM – MAI VINH – ĐÔNG HÀ

 

 

Chuyển trung tâm hành chính thành cao ốc cho thuê

Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có thư gửi Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2006 đề cập vấn đề lãng phí nhà đất công cả các văn phòng bộ, ngành phía Nam tại TP.HCM. Nội dung thư có đề cập việc Chính phủ thống nhất chủ trương giải thể các đại diện phía Nam (cơ sở 2), thu gọn, tập trung lại một nơi. Xây dựng một cao ốc tại số 5 Lê Duẩn, để người của các bộ ngành vào làm việc có chỗ nghỉ và làm việc. Số nhà đất còn lại chuyển thành tài sản công, giao cho bộ chức năng quản lý sử dụng. Khi tòa nhà số 5 Lê Duẩn xây dựng xong phần khung, phòng ốc thì có sự thay đổi là giữ nguyên cơ sở 2 của các bộ ngành. Sau đó tòa nhà số 5 Lê Duẩn được giao lại cho Tổng công ty Dầu khí VN làm trụ sở.

Hiện tòa nhà số 5 Lê Duẩn (số 1-5) có tên là Petro VN Tower, cao 21 tầng, được cho thuê làm văn phòng các công ty.

Nguồn: tư liệu Tuổi Trẻ