25/12/2024

Chúa nhật X TN B: Từ gia đình Ađam-Eva cổ thời đến gia đình mới của Đức Kitô và Hội Thánh

Để trở thành một thành viên trong gia đình mới của Đức Giêsu, điều tiên quyết là phải biết rời bỏ những ‘rào cản’cũ kỹ của đời mình và bước đi trong thánh ý Thiên Chúa.

 

Chúa nhật X TN B

TỪ GIA ĐÌNH AĐAM – EVA CỔ THỜI
ĐẾN GIA ĐÌNH MỚI CỦA ĐỨC KITÔ VÀ HỘI THÁNH NGƯỜI                                                                        
“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,35)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (St 3,9-15)

    Bài trình thuật trong sách Sáng thế mà chúng ta lấy lại trong bài đọc hôm nay đã sử dụng loại ngôn ngữ thần thoại nhằm đưa ra câu trả lời về sự hiện diện đầy bí nhiệm của sự dữ nơi trần gian này và mô tả nguồn gốc bản chất tội lỗi nơi con người chúng ta.

    Mỗi loài thụ tạo, trong kế hoạch của Thiên Chúa đều có một ý nghĩa và một mục đích “rất tốt đẹp” (St 1,31). Tất cả sẽ trở nên hoà điệu nếu con người biết ở lại trong thế đứng của mình như loài thụ tạo.

    Thế nhưng con rắn đã xuất hiện và đã đưa con người vượt qua giới hạn của loài thụ tạo và muốn có một vị thế ngang hàng với Đấng Tạo hoá. Và vì thế, tội lỗi đã xuất hiện và phá vỡ sự hoà điệu trong trật tự sáng tạo giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau: họ đã trốn tránh, ẩn mình, muốn rời xa khỏi Thiên Chúa, và rời xa anh em khi tố cáo và đỗ lỗi cho nhau.

    Sau khi phạm tội, Thiên Chúa đã tìm gặp và tra hỏi con người, nhưng không tra hỏi con rắn, bởi bản chất nó không phải là một loài thụ tạo tách biệt khỏi con người, nhưng được xem là thế lực đối trọng của con người chống lại Thiên Chúa. Ý nghĩa này ta có thể tìm thấy nơi thánh Phaolô: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15).

    Cuộc đấu tranh giữa “con rắn” và con người vẫn tiếp tục; tuy vậy, trong phần cuối của trình thuật, đã xuất hiện lời hứa về ơn cứu độ phổ quát khi nói về số phận con rắn sẽ bị giẫm đạp và khuất phục bởi dòng giống của người đàn bà.

2. Bài đọc II (2Cr 4,13-5,1)

    Thư này được viết trong bối cảnh mà tương quan giữa thánh Phaolô và các tín hữu Côrintô đang căng thẳng. Ngay bên trong cộng đoàn có những kẻ quấy rối gây chia rẽ và loan truyền những điều trái với Tin mừng, đồng thời bằng mọi giá tìm cách nói xấu vị tông đồ và những công việc ngài làm.

    Và ngay trong đoạn trích này thánh nhân bày tỏ suy tư về hiện trạng nội tâm của mình: ngài không chán nản, dù bên ngoài có tiêu tan thì con người bên trong ngày càng được đổi mới (c.16). Ngài khẳng định sự suy yếu bên ngoài không phải lúc nào cũng bao hàm sự suy yếu bên trong; trái lại, mỗi ngày ngài cảm thấy sự thăng tiến sức mạnh nội tâm của con người mới. Suy nghĩ này của thánh nhân đã giúp cho ngài tìm thấy được nguồn vui và sự nâng đỡ, bởi “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (c.17).

    Nhận định này đã hướng đến lời mời gọi không chú tâm đến những sự vật hữu hình tạm thời, nhưng đến những thực tại vô hình vĩnh cửu (c. 18). Dĩ nhiên ở đây không muốn nói đến việc khinh rẻ thực tại trần thế này, nhưng là mời gọi chúng ta nhận ra giá trị đúng của nó. Cuộc sống thế trần này không phải là tất cả, nhưng nó có sự khởi đầu và cũng có kết thúc, và thực tại tối hậu phải là ngôi nhà vĩnh cửu trên trời (5,1).

3. Bài Tin Mừng (Mc 3,20-35)

    “Ông là ai?” là câu hỏi mà ngay từ đầu Tin mừng Marcô mọi người đều đặt ra với Đức Giêsu. Họ muốn tra vấn căn tính của người đã chữa lành nhiều bệnh tật, xua đuổi ma quỷ, dạy dỗ như Đấng có uy quyền, cùng ăn uống với phường tội nhân, không tuân giữ việc ăn chay và ngày sabát …

    Trong đoạn Tin mừng hôm nay, với lối kể biểu trưng về bối cảnh và không gian, Marcô đã cho chúng ta thấy hai lối nhìn về căn tính của Đức Giêsu.

    Lối nhìn thứ nhất đến từ những người thân trong gia đình của Người. Khi mẹ và các anh em của Người đến Caphácnaum và Đức Giêsu đang ở trong một căn nhà, giữa một nhóm người vây quanh. Họ không bước vào trong nhà nhưng đợi Người ra ngoài. Hình ảnh này nói lên khoảng cách tách biệt và khác nhau giữa hai nhóm người ở trongở ngoài.

    Những người họ hàng Đức Giêsu tiêu biểu cho những người ngoài, là một Israel cổ thời. Ở đây tác giả không gọi tên cụ thể Maria, nhưng là mẹ Người, tiêu biểu cho người nữ Israel, nơi xuất thân Đấng Messia. Họ tìm mọi cách đặt để Đấng Thánh vào trong định chế truyền thống cổ thời của họ.

    Thế nhưng Đức Giêsu không chấp nhận điều này. Không phải chính Đức Giêsu là người phải bước ra, nhưng chính họ phải là những người cần phải bước ra, rời bỏ lối suy nghĩ cũ kỹ của mình mà bước vào và đón nhận những điều kiện mới trong một gia đình thiêng liêng mới, đó là cộng đoàn của những người tin vào Người, cộng đoàn Kitô hữu. Ai vẫn cố ở bên ngoài viễn cảnh này, ở ngoài “ngôi nhà mới” này, ngay cả khi họ là con cái Ápraham theo máu huyết, cũng không thể trở thành người họ hàng của Chúa, và họ tự tách mình ra khỏi dân Thiên Chúa. Giờ đây, gia đình mới của Thiên Chúa là cộng đoàn những người tin và làm theo ý Người.

    Lối nhìn thứ hai là của các kinh sư. Đối với họ, Đức Giêsu là một kẻ bị quỷ ám, và vì thế những việc chữa lành Người làm đều do bởi quyền lực của Benzêbun. Trước sự tố cáo này, Đức Giêsu đã đưa ra một nguyên lý nền tảng, đó là: nếu ai tìm kiếm sự thiện cho cuộc sống và cho con người, đều thuộc về Thiên Chúa; còn ngược lại, đó là do ma quỷ. Cụ thể, những ai “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà… ” thì không thể bắt nguồn từ ai khác, mà chính là từ Thánh Thần Thiên Chúa.

    Vì thế, những ai nói phạm đến Thánh Thần ở đây được hiểu như là những người xa rời Thiên Chúa, xa rời Tin mừng của Người,  dám lên án Đức Giêsu là người đang dẫn đưa con người đến sự chết.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Ngươi ở đâu?… Ngươi đã làm gì thế?”. Kinh nghiệm địa đàng năm xưa là kinh nghiệm con người chối từ Thiên Chúa, với hậu quả là họ tự trốn tránh, tách rời khỏi Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc, Người vẫn hằng yêu thương và tìm gặp con người. Từ kinh nghiệm đó, tôi có luôn ý thức được thân phận của mình như là thụ tạo mỏng dòn, là con cái của Thiên Chúa, luôn được Người yêu thương chăm sóc và dạy dỗ? Tôi có nhận ra tiếng gọi mời yêu thương tha thứ của Chúa trong những khi tôi đang lạc xa Người?

2. “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời”. Thánh Phaolô trong những lúc gian truân của đời mình đã cảm nhận một kinh nghiệm thiêng liêng quý báu, khi đặt để Chúa Giêsu và kho tàng thiêng liêng vĩnh cửu trên trời làm đích điểm của đời mình. Vậy tôi đọc được gì qua kinh nghiệm của thánh Phaolô trong hành trình đức tin và cuộc sống đời tôi? Trước những khó khăn thử thách hằng ngày tôi gặp, tôi có can đảm đón nhận trong tin yêu và phó thác, đồng thời luôn biết hướng lòng về thực tại vĩnh cửu trên trời?

3. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”. Để trở thành một thành viên trong gia đình mới của Đức Giêsu, điều tiên quyết là phải biết rời bỏ những ‘rào cản’cũ kỹ của đời mình và bước đi trong thánh ý Thiên Chúa. Vậy đâu là những ‘rào cản’ của đời tôi làm ngăn trở hành trình làm con cái Chúa? Tôi có sẵn sàng từ bỏ và bước qua những ‘rào cản’ đó không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Satan là nguồn gốc của sự dữ và những hành động chống lại Thiên Chúa, nhưng nhờ Đức Giêsu chúng ta biết phải làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách luôn thi thành ý muốn của Người. Tin tưởng và xác tín Thiên Chúa là tình yêu và sự thật, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:

1. Thiên Chúa ban lời hứa cứu độ ngay khi con người sa ngã phạm tội. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Giáo Hội luôn có một trái tim biết cảm thông, và một tấm lòng bao dung nhân hậu, để tận tụy phục vụ cộng đoàn Dân Chúa, cách riêng những ai đang sống trong khô khan lầm lạc.

2. Sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là con đường đưa đến nước trời. Chúng ta cùng cầu xin cho con người thời đại nhận biết ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn, luôn yêu chuộng và tìm kiếm công lý, biết sống phù hợp với lương tâm ngay thẳng, cùng ra sức thực thi những điều thiện hảo.

3. “Chúng ta có một nơi định cư vĩnh cửu trên trời do Thiên Chúa thiết lập”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu biết chân thành yêu thương nhau, cho các anh chị em đang dấn thân trong các hoạt động tông đồ luôn có tinh thần phục vụ vô vị lợi, để góp phần xây dựng nước trời ngay tại thế.

4.  Gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa gồm những ai biết thi hành ý muốn của Người. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết can đảm từ bỏ ý riêng và luôn mạnh mẽ sống theo ý Chúa, để ngày càng gắn bó với nhau hầu vun đắp một cộng đoàn yêu thương hợp nhất.

Chủ tế: Lạy Cha là Đấng Thánh và là Thiên Chúa cứu độ chúng con, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban muôn ơn lành giúp mỗi người chúng con luôn biết tìm kiếm và thực thi ý Cha trong hoàn cảnh sống của mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con./.